Ngày đầu áp dụng NĐ34: Xử lý 16.784 trường hợp

Thời sựThứ Sáu, 21/05/2010 06:47:00 +07:00

(VTC News) – Trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 34, trên toàn quốc lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 16.784 trường hợp vi phạm trật tự ATGT.

(VTC News) – Ghi nhận chung của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt ngày 20/5, trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 34 cho thấy, trên toàn quốc lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 16.784 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3 tỷ 510 triệu đồng; tạm giữ 36 xe ô tô, 1.641 xe mô tô.

TP.HCM: Trên 2.300 trường hợp vi phạm luật giao thông theo NĐ34

Cuối ngày 20/5, Thượng tá Võ Văn Vân – Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM (PC26 TP.HCM) cho biết Tính đến hết 19h ngày 20/5, toàn TP.HCM đã có trên 2.300 trường hợp vi phạm luật giao thông bị lập biên bản xử phạt trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 34 của Chính phủ.

Theo thống kê từ PC26 TP.HCM, trong ngày đầu tiên áp dụng các chế tài mới theo Nghị định 34, số vụ vi phạm giao thông giảm hơn 60% so với thường ngày. Tại khu vực nội thành, nhất là khu vực các tuyến đường trung tâm, PC26 đánh giá ý thức tham gia lưu thông của người dân tương đối tốt.

Quan trọng hơn, các tuyến đường vành đai của TP, nhất là khu vực thuộc sự quản lý của đội CSGT Bình Triệu trong cả buổi sáng 20/5 đã không có một trường hợp xe gắn máy nào dám vượt đèn đỏ.

“Tất cả mọi sai phạm của người điều khiển xe gắn máy và cả xe ô tô trong ngày đầu tiên chúng tôi đã cương quyết xử lý rất nghiêm túc, theo đúng tinh thần quán triệt của PC26 TP.HCM.” , Trung tá Trần Như Sỹ, quản lý đội CSGT Bình Triệu cho biết.

Một trong số hơn 2.300 trường hợp vi phạm luật GT đầu tiên bị áp dụng theo NĐ 34 của CP trong ngày 20/5 (ảnh: N.D) 

Hầu hết vi phạm của người dân TP.HCM trong ngày 20/5 đều thuộc về các lỗi lưu thông ngược chiều, lưu thông không đúng làn đường quy định, dừng đậu xe không đúng chỗ, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm... Một điều đáng mừng hơn, trong ngày 20/5, tại TP.HCM hầu như không ghi nhận được bất cứ vụ TNGT nào nghiêm trọng xảy ra.

Về những khó khăn của lực lượng CSGT trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 34, theo Phó phòng PC26 cho biết chính là việc xử phạt người đi bộ.

Thượng tá Vân cho biết, theo báo cáo của lực lượng CSGT, đã có rất nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm không có tiền và không mang theo cả CMND. Theo ông Vân, trong các trường hợp như vậy, chỉ cần nhắc nhở, tuyên truyền cho người đi bộ là chính, trước khi áp dụng các biện pháp xử phạt về hành chính.

Về những ngày tới, lãnh đạo PC26 TP.HCM khẳng định: “Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia lưu thông cho người dân sẽ vẫn được tiếp tục. Ngoài ra, việc tuần tra, kiểm soát và việc xử phạt sẽ vẫn tiếp tục được duy trì một cách cương quyết, nhằm quyết tâm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông về số người chết, bị thương và kéo giảm nạn ùn tắc…”.

Đà Nẵng, hơn 160 trường hợp vi phạm theo NĐ34/CP

Theo thống kê tính đến sáng ngày 21/5 của Phòng CSGT, CA TP Đà Nẵng, trong ngày đầu áp dụng mức phạt các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ tại Đà Nẵng, Lực lượng CSGT Đà Nẵng đã xử lý 163 trường hợp vi phạm. Trong đó 75 trường hợp thuộc về ô tô, 88 trường hợp thuộc về mô tô, tạm giữ 15 xe mô tôphạt hành chính gần 42 triệu đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT, CA TP Đà Nẵng cho biết: “Các lỗi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ, dừng đổ sai quy định, không đội MBH, đi không đúng phần đường...Mặc dù nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ các quy định mới, nhưng với số vụ vi phạm trong ngày đầu tiên, thì đây là kết quả của công tác tuyên truyền trước đó về nội dung Nghị định đối với người dân của tất cả các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng. Tuy nhiên qua đó, các quy định mới này còn xuất hiện nhiều vướng mắc trong công tác xử lý đối với các phương tiện như xe điện, người đi bộ…Và đặc biệt là đối với phương tiện mô tô, xe máy”.

Theo Thượng tá Nguyễn Đến, việc bỏ quy định tạm giữ phương tiện vi phạm sẽ làm giảm tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Riêng đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy vi phạm, việc bỏ biện pháp cưỡng chế, tạm giữ phương tiện sẽ giảm tính răn đe, nếu không có biện pháp mạnh sẽ khiến các đối tượng “lờn luật”, cho dù mức phạt có tăng cao. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung công các tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân những quy định mới này”, Thượng tá Nguyễn Đến cho biết thêm.

Hà Nội: Hơn 900 trường hợp bị phạt "tăng gấp đôi"

Chiều 20/5, theo Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội tham mưu Phòng CSGT Hà Nội, trong ngày đầu tiên áp dụng mức phạt tăng nặng với nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ theo Nghị định 34/2010/NĐ – CP của Chính phủ tại Hà Nội, CSGT toàn thành phố đã xử lý 920 trường hợp vi phạm, phạt hơn 270 triệu đồng. 

Các lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, dừng đổ sai quy định, không đội MBH... Trung tá Ánh khẳng định con số này thấp hơn hẳn những ngày thường.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP.Hà Nội khẳng định, nếu các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm triệt để mức xử phạt gấp đôi sẽ góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng lên.

Ghi nhận chung trên cả nước ngày đầu tiên áp dụng nghị định mới của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt ngày 20/5, cho thấy, trên toàn quốc lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 16.784 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3 tỷ 510 triệu đồng; tạm giữ 36 xe ô tô, 1.641 xe mô tô.

Nhóm PV Xã hội

Bình luận
vtcnews.vn