Ngập úng tại các đô thị là do đô thị hóa quá nhanh

Thời sựChủ Nhật, 05/12/2010 09:18:00 +07:00

(VTC News) - Ý kiến vừa được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị ven biển vừa được tổ chức tại Đà Nẵng...

(VTC News) - Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị ven biển do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với hội Kiến trúc sư Đà Nẵng tổ chức  ngày 4/12, tại Đà Nẵng.

Hội thảo có sự tham dự hơn 200 kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam. Mục đích nhằm chia sẻ, trao đổi và đóng góp ý kiến trong hoạt động thiết kế, quy hoạch đô thị Việt Nam trong bối cảnh thay đổi của điều kiện khí hậu và nước biển dâng cao.

Với chiều dài hơn 3.200km bờ biển, các tỉnh duyên hải Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng sẽ chịu tác động nặng nề do BĐKH và nước biển dâng 

Các chuyên gia đã cho rằng, tình trạng ngập úng tại các đô thị ven biển là tất yếu do tốc độ đô thị hóa quá nhanh chóng, trong khi đó diện tích và dân số nông thôn giảm mạnh, hệ thống thoát nước đô thị thiếu đồng bộ làm cho khả năng thoát nước tự nhiên khó.

Chính vì vậy, các địa phương phải có hệ thống thoát nước đồng bộ cùng hệ thống đê kè ven biển và cống dưới đê nhằm thoát, tiêu nước khi có lũ lụt.

“Việc cần làm là phải thích nghi với sự biến đổi của khí hậu và vấn đề nước biển dâng. Để có thể làm được việc này, cần có những quyết sách và chiến lược xây dựng, phát triển đô thị ngay từ bây giờ cũng như sự chia sẻ quyền lực từ cấp trên đến địa phương, sao cho công tác ứng phó linh hoạt, hiệu quả”, một chuyên gia đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ.
.

Tại các tỉnh miền Trung, những tác động tiêu cực do BĐKH đến người dân đã xuất hiện, hiện tượng nhà cửa bị sóng đánh sập, cuốn trôi đã xảy ra. 


“Với chiều dài 3.260km bờ biển dọc suốt 32 tỉnh thành trên cả nước, nên nếu nước biển tăng 1m, nhiệt độ tăng từ 2-3 độ C, các địa phương ven biển sẽ có hàng chục ngàn ha bị chìm trong nước, đó là chưa kể đến một lượng lớn người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.

Ngoài các vấn đề liên quan đến các đối tượng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, các tác động tiêu cực đến hạ tầng đô thị… , nhiều ý kiến đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu và thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu thông qua tăng cường nhận thức cho người dân, đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý cần có định hướng và chiến lược phát triển đô thị.

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn