Ngân hàng Nhà nước ‘khoe’ nợ xấu giảm, ngân hàng thương mại vẫn rất lo lắng

Kinh tếThứ Sáu, 12/08/2016 11:37:00 +07:00

Ngân hàng Nhà nước “khoe” nợ xấu giảm nhưng trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại vẫn nhấp nhổm vì “bóng ma” nợ xấu.

Kể từ khủng hoảng kinh tế 2008, nợ xấu là từ được nhắc đến nhiều trên thị trường tài chính. 8 năm trôi qua, nợ xấu chưa trở thành vấn đề cũ. Tổng kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước “khoe” nợ xấu giảm. Nhưng báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy các đơn vị này vẫn đang nhấp nhổm vì “bóng ma” nợ xấu.

Nợ xấu giảm

Trong buổi họp báo công bố Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2016, định hướng những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%), tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015.

Thông thường, tăng trưởng tín dụng thường đi kèm nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu lại có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016.

eximbank

Eximbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất

Theo số liệu do các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) báo cáo Ngân hàng Nhà nước, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59.710 tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, bán nợ cho VAMC (8.880 tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30.980 tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7.240 tỷ đồng).

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án về Ngân hàng Nhà nước và có phương án giải quyết.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu từ VAMC cũng đang được chỉ đạo tích cực, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%

Ngân hàng lo lắng

Theo báo cáo tài chính quý 2/2016 của các ngân hàng, vào thời điểm cuối tháng 6 năm nay, 9 ngân hàng niêm yết sở hữu hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015.

Trong đó, 3 ông lớn trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng” nắm giữ tới 26.019 tỷ đồng, tăng 3.886 tỷ đồng, tương ứng 1,76%. Tỷ lệ này dưới mức “trần” 3% do Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng có thể thấy, xét về giá trị tuyệt đối, mức tăng hàng ngàn tỷ đồng chỉ tại 3 ngân hàng là không hề nhỏ.

Điều đáng nói, không chỉ nợ xấu tăng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng. Tổng nợ có khả năng mất vốn của 3 ông lớn là 14.069 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng.

Tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn cũng không khả dĩ. Trong đó, ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gây chú ý nhất khi để nợ xấu vọt lên 5,3%. Eximbank là đơn vị duy nhất vi phạm mức “trần” nợ xấu 3% do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2016, nợ xấu của Eximbank là 4.287 tỷ đồng, chiếm 5,3% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 802 tỷ đồng hồi cuối năm 2015 lên 1.073 tỷ đồng, nợ dưới chuẩn “bứt phá” từ 182 tỷ đồng lên 2.416 tỷ đồng.

Nợ xấu đang là một trong những “bóng ma” ám ảnh Eximbank. Vì nợ xấu, trong kỳ, Eximbank đã phải tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 166 tỷ đồng cuối năm 2015 quý 2/2015 lên  324 tỷ đồng.

Khoản trích lập này đã “ăn mòn” lợi nhuận của Eximbank. Lợi nhuận sau thuế quý 2 của ngân hàng này chỉ là 36,7 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 60,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 442 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng là đơn vị bị ám ảnh bởi  “bóng ma” nợ xấu. Cuối quý 2, ngân hàng có 5.553 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,9% tổng dư nợ, gần chạm mức “trần” 3%.

Các thành phần cấu thành nợ xấu đều tăng mạnh. Nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lần lượt tăng từ 225 tỷ đồng lên 1.001 tỷ đồng, 125 tỷ đồng lên 1.399 tỷ đồng và từ 3.153 tỷ đồng lên 3.030 tỷ đồng.

Giống Eximbank, nợ xấu là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Sacobank giảm sút vì Sacombank phải tăng mạnh tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 của Sacombank chỉ đạt 107 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 217 tỷ đồng, giảm 937 tỷ đồng, tương ứng 81,3%.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn