Ngân hàng nào có lãi cao nhất gửi tiết kiệm?

Kinh tếThứ Hai, 04/01/2016 12:03:00 +07:00

Nhận được những khoản tiền không nhỏ từ 2 đợt Tết, nhiều người dân rục rịch tìm ngân hàng có lãi suất cao để gửi tiết kiệm.

(VTC News) – Nhận được những khoản tiền không nhỏ từ 2 đợt Tết, nhiều người dân rục rịch tìm ngân hàng có lãi suất cao để gửi tiết kiệm.

Năm 2015, tình hình kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan, lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện vì thế những khoản thưởng Tết rủng rỉnh hơn năm ngoái. Đón tiền thưởng Tết, nhiều người “săn” ngân hàng có lãi suất cao nhất để gửi tiết kiệm.

Dường như để cạnh tranh, đón dòng vốn này, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ cuối tháng 12. Sau khi tăng lãi suất từ ngày 21/12, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là đơn vị trả lãi cao nhất cho khách hàng.

Tại VPBank, mức lãi suất  cao nhất là 8,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, cho khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Cũng với kỳ hạn này, lãi suất chỉ còn 7,8%/năm cho khoản tiền gửi dưới 100 triệu. VPBank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng huy động vốn khá cao.
VPBank đang có lãi suất huy động cao nhất thị trường
VPBank đang có lãi suất huy động cao nhất thị trường
Tuy nhiên, nếu gửi tiết kiệm online, doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn được nhận mức lãi suất cao hơn 8,2%/năm. Với khoản tiền gửi này, VPBank không áp giá trị hợp đồng.

Mặt bằng lãi suất chung của ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) khá thấp, chưa tới 7%/năm nhưng ngân hàng này dành 8%/năm tiền lãi cho kỳ hạn 13 tháng. Và khách hàng phải đáp ứng một vài tiêu chí của Seabank. Tuy nhiên, Seabank không công khai những tiêu chí này.

Là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất, ngày 30/12, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này được nâng lên 7,55% cho kỳ hạn 13 tháng.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baovietbank) nằm trong Top đầu các đơn vị có mức lãi suất huy động  cao nhất. Nếu gửi tiết kiệm ở BaoVietbank với kỳ hạn 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất lên tới 7,6%/năm.

Mức lãi suất 7,5%/năm được khá nhiều đơn vị “ưa chuộng”. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCBbank) có tới  4 kỳ hạn từ 24 đến 60 tháng áp dụng mức lãi 7,5%/năm. Trong khi đó, Vietbank có 3 kỳ hạn nhận 7,5%/năm. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chỉ dành mức lãi này cho kỳ hạn 13 tháng.

7,4%/năm cũng là mức lãi suất khá phổ biến. Từ 25/12, ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) nâng lãi suất cao nhất lên 7,4% cho kỳ hạn 12 tháng. Tại ngân hàng TMCP Đại Đương (Oceanbank), muốn nhận 7,4%/năm, khách hàng phải gửi tiết kiệm với kỳ hạn 36 tháng.

Để nhận lãi suất 7,4%/năm, BacABank yêu cầu khách phải gửi kỳ hạn dài từ 18 đến 36 tháng, VietABank yêu cầu kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.

Thấp hơn một chút, mức lãi suất  cao nhất tại SHB, PVCombank, HDBank là 7,35%/năm, 7,3%/năm (kỳ hạn từ 36 đến 60 tháng) và 7,2%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Nhiều ngân hàng như ACB, TPBank, Kienlongbank, NamAbank, MB, Saigonbank, PGbank, Techcombank,.. có mức lãi suất chỉ trên dưới 7%/năm.

Các ngân hàng lớn dường như không tham gia "cuộc đua" tăng lãi suất. Mức lãi suất cao nhất tại BIDV, Vietcombank, Vietinbank chỉ là 6,3%/năm, 6,2% năm và 7%/năm.

Trong báo cáo được công bố vào cuối tháng 12, công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo “năm 2016 lãi suất sẽ đi theo một chu kỳ mới”. Theo đó, lãi suất của nền kinh tế sẽ có xu hướng nhích nhẹ dần lên từ quý 3/2016 đến cuối năm sau với mức tăng kỳ vọng của lãi suất điều hành đến cuối năm 2016 từ 25-50 điểm phần trăm.

Trong năm 2016, RongViet Research dự báo tiền đồng có thể phá giá khoảng 3-4%. Trong trường hợp tỷ giá biến động mạnh hơn và gây áp lực lớn lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, RongViet Research cho rằng yếu tố này có thể gián tiếp khiến lãi suất điều hành tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng.

Một vấn đề nữa của lãi suất đang được các chuyên gia quan tâm chính là mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn khá lớn. Mức chênh này đạt khoảng 4,5 - 5,5%/năm - cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng, trong khi bây giờ tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp lại giảm so với trước kia.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định ngành ngân hàng chỉ cần mức chênh lãi suất khoảng 3 - 4% là đảm bảo được lợi nhuận. Vì vậy, giảm lãi suất cho vay là điều mà nhiều chuyên gia đã đề cập tới.


Thanh Hà


Bình luận
vtcnews.vn