Ngân hàng khan tiền lẻ, chợ đen "hét" giá… trên trời

Kinh tếThứ Sáu, 07/01/2011 02:30:00 +07:00

(VTC News) - Với thông tin các ngân hàng đang "khan" tiền lẻ lì xì Tết, thị trường đổi tiền lẻ chợ đen thời điểm này nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

(VTC News) – Thị trường tiền lẻ “chợ đen” những ngày cận Tết đang hoạt động nhộn nhịp, hết công suất với những lời chào “chát chúa”, và giá quy đổi… trên trời.


Tiền lẻ chợ đen vào mùa “hét” giá

Chị Nguyễn Hồng Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi thực hiện giao dịch đổi tiền lẻ thành công với một “đầu nậu” trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, HN), nói: “Đọc báo thấy đưa tin tiền lẻ khan hàng tại các ngân hàng thương mại, tôi hết sức lo lắng vì năm nào cũng nhận trách nhiệm đổi một số lượng tiền lớn cho người thân ở quê. Tôi cũng đã ra nhánh Vietinbank trên phố Lê Trọng Tấn, nhưng nhân viên ở đấy bảo “không có”, kể cả các khách hàng thân thiết”.

Tuy nhiên, được bạn bè chỉ dẫn, chỉ mất chừng vài phút, với một mức phí nhất định, sau đó chị Hồng Anh đã nhanh chóng đổi được tiền lẻ tại thị trường chợ đen trên phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) một cách dễ dàng.

"Đậu nậu" buôn tiền lẻ trên phố Đinh Lễ tuyên bố: "Tất cả các loại tiền, cô đều có, chỉ cần mở cốp xe là có hết”.

Cô Mai, một người kinh doanh tiền lẻ kiêm luôn vai người trông xe phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, HN) cũng khẳng định chắc nịch: “Bây giờ mà vào ngân hàng đổi tiền lẻ thì không bao giờ có. Nếu là khách hàng thường xuyên, may ra cháu chỉ đổi được tiền mệnh giá cao từ 10.000 – 50.000 đồng. Chẳng  hạn, nếu cháu đổi 5 triệu đồng, quy ra cũng chỉ được 2 xấp 20.000 đồng và 1 xấp 10.000 đồng. 5 triệu mà được loại mệnh giá nhỏ mới hiếm”. Không chỉ thế, cô Mai còn tự hào khoe: “Kể cả dân ngân hàng cũng phải ra đây đổi hàng của cô”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, cô Mai thoăn thoắt quay ra mở cốp xe và ôm sát sườn những cọc tiền 500 đồng, 2.000 đồng còn nguyên giấy niêm phong của ngân hàng. “Tất cả các loại tiền, cô đều có. Khách thích tiền nào, số lượng bao nhiêu, cô đều đáp ứng đầy đủ", từ mệnh giá phổ biến 500 đồng đến 50.000 đồng, thậm chí có cả tiền mệnh giá nhỏ nhất 200 đồng, vốn đã “mất hút” kể từ năm ngoái.

Năm nay, từ thông tin các ngân hàng khan tiền lẻ, thị trường chợ đen “được mùa” “đội” giá lên cao. Theo giới kinh doanh dịch vụ này, tiền “phế” (tức là khoản tiền khách hàng sẽ mất khi đổi tiền) sẽ cao hơn so với năm ngoái.

Một người phụ nữ tên Dung, bán trà đá trước cổng chi nhánh Vinaphone (số 4 Đinh Lễ), làm một phép so sánh: Nếu năm ngoái, đổi 1 triệu đồng tiền mệnh giá 500 đồng phải mất “phế” 45.000 đồng thì năm nay, số tiền “phế” này nâng lên thành 65.000 – 70.000 đồng. “Năm ngoái, tôi giao dịch với khách đổi 10 ăn 8, đến tận 30 Tết, vẫn có khối người hỏi mà không còn tiền để đổi. Năm nay  đắt  và khan nhất là tờ mệnh giá 500 đồng, còn những tiền có mệnh giá to không hiếm  lắm”, bà Dung nói.

Mặc dù nói “khan hàng” nhưng các “đầu nậu” gặp khách nào cũng trấn an và ra sức câu kéo. Khi loáng thoáng nghe thấy tiếng tôi hỏi về dịch vụ đổi tiền lẻ của những người xung quanh, cô N. (thợ trông xe trên phố Đinh Lễ) ngay lập tức kéo tôi vào, rỉ tai: “Cháu gặp cô là đúng mối đấy. Cháu cứ ra đây thì bao nhiêu cô cũng đáp ứng được, giá cả phải chăng, “mềm” hơn ngân hàng nhiều”.

Phí chênh lệch cho việc đổi tiền lẻ năm nay "đắt" hơn so với năm ngoái.

Theo mức giá cô N. đưa ra, tất cả các mệnh giá đều được đổi theo tỷ lệ 10 ăn 9. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh: Tùy từng thời điểm mà giá tiền chênh lệch đổi sẽ khác nhau. và cũng tùy từng người mà lựa chọn thời cơ “chặt chém”.

Ban đầu, cô N. phát giá: Loại tiền mệnh giá 500 đồng nếu mua cọc 500.000 đồng, khách hàng sẽ phải mất 700.000 đồng (tức 200.000 đồng tiền “phế” chênh lệch). Nhưng khi pv đưa ra chính xác mức giá chung, cô hạ giọng: “Cháu đổi 1 triệu đồng, nếu như năm ngoái “phế” 65.000 đồng thì giờ cô lấy cháu 60.000 đồng thôi”. Ngoài ra, loại tiền mệnh giá 5.000 đồng, nếu mua 500.000 đồng sẽ mất phí 30.000 đồng. Loại tiền mệnh giá 2.000 đồng, một thếp tiền trị giá 200.000 đồng, khách phải trả thêm 30.000 đồng, nhưng nếu đổi 500.000 đồng thì người mua cũng chỉ mất 20.000 đồng.

Giữa câu chuyện, cô N. không ngớt lời chào mời: “Cháu lấy nhiều thì giá bao giờ cũng ưu ái”. Trước khi tôi kịp quay xe đi, cô còn không quên dặn dò: Nên mua sớm kẻo “mấy hôm nữa sẽ đắt hơn”.

Tiền càng nhỏ, "phế" càng cao

Tại một số trang rao vặt, quảng cáo trên mạng internet, người bán đưa ra các mức phí khác nhau, tùy vào từng mệnh giá tiền. Tiền càng nhỏ thì chi phí chênh lệch càng cao, đặc biệt tiền 200 và 500
đồng đắt đỏ nhất.

Trên một webite, chủ nhân của số điện thoại 09xxx00257 niêm yết mức phí  quy đổi cụ thể cho từng loại tiền mới: loại 200 đồng, mức phí lên tới 45%, tờ 500 đồng là 25%, 1.000 đồng là 12%, 2.000 đồng à 12%. Các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đến 100.000 chịu mức phí từ 1 - 9%. Còn các loại tiền cũ, chịu mức phí quy đổi thấp hơn so với tiền mới khoảng 2 - 10%. Ngoài ra, số lượng tiền đổi đưa ra cũng “khủng” không kém (trên 2 triệu và trên 5 đồng), cho thấy “tiềm năng”, nguồn vốn tiền lẻ mà người này đang nắm giữ. Bên cạnh mức phí là kèm theo lời nhắn trên trang web này: Nếu dưới số tiền trên vui lòng gọi điện thoại để “khảo” giá.

Tại phố Đinh Lễ, tiền mệnh giá nhỏ nhất 200 đồng còn được “hét” giá lên mức cao hơn, có thể lên đến 100%. Ví dụ, để đổi được 20.000 đồng mệnh giá 200 đồng, khách hàng phải bỏ ra 40.000 đồng, gấp đôi số tiền gốc cầm về. Chính vì đắt và hiếm nên cô Mai cũng thừa nhận: Khách hàng chỉ mua về sử dụng trong đám tang để rải đường hoặc đi lễ chùa và mua với số lượng hạn chế, không nhiều.

Theo khảo sát của pv VTC News, ở mỗi một địa điểm “giao dịch” trên thị trường chợ đen tiền lẻ, mức “phế” được đưa ra khác nhau và nếu không hiểu biết, khách hàng sẽ có thể bị “chém” đẹp, thậm chí “không cẩn thận có thể bị lừa đảo, người bán đếm thiếu tiền hoặc tiền giả”, theo lời dặn  của một người bán sách trên phố Đinh Lễ.


Mức phí cao ngất ngưởng đươc rao bán trên mạng (Nguồn: Internet).

Nếu tại Nguyễn Xí – Đinh Lễ, nơi “đóng đô” quanh năm của những tiểu thương buôn bán ngoại tệ trái phép, tỷ lệ đổi tiền lẻ trung bình là 10 ăn 9 thì tại Quang Trung (Hà Đông, HN), tỷ lệ này tương ứng là 10 ăn 8 (tức tương đương khoảng 20%). Còn nếu tìm kiếm dịch vụ đổi tiền lẻ tại Phủ Tây hồ hay các đền chùa quanh khu vực Hà Nội, mức phí chênh lệch đổi tiền lại cao hơn một chút: 10 ăn 7.

Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 15/12 (Âm lịch) trở đi, giáp Tết hơn 1 tuần, thị trường đổi tiền lẻ mới bắt đầu đông khách. Cụ Quất, bán nước ở lề đường trước cửa siêu thị điện máy Việt Long (Hà Đông, HN) có cô con gái buôn tiền lẻ, cho biết: “Xung quanh đây chỉ có 3 người là 3 đầu mối chính, tuy nhiên, vào “mùa vụ”, họ lại huy động thêm người thân trong gia đình hỗ trợ đi bán và đứng thành hàng dài trước cửa ngân hàng và siêu thị”.

Không chỉ đổi tiền lẻ mà cả USD lẻ cũng được rao bán khá rầm rộ với nhiều mức giá “trên trời”. Trên các trang rao vặt, tờ mệnh giá 1 USD được bán với giá 25.000 đồng (trong khi tỷ giá USD chợ đen hiện tại đang rơi vào khoảng trên dưới 21.000 đồng). Tờ mệnh giá 2 USD được chào mời với mức 49.000 hoặc 50.000 đồng. Ngoài ra, dựa vào nhu cầu chơi USD và “săn” USD đẹp của “dân chơi” sành điệu, các nhà buôn cũng “bắt bí” người mua: cùng một mệnh giá 2 USD nhưng tùy thuộc vào năm sản xuất mà giá tiền quy đổi sẽ khác nhau. Tiền càng cổ thì giá càng “chát”.

Tại phố Nguyễn Xí (Hoàn Kiếm, HN), một người phụ nữ kinh doanh tiền lẻ, chìa tay ra mấy đồng tiền USD năm 1976 và không ngừng chào mời khách. Khi tôi hỏi giá, cô vồn vã chào mời: “250.000 đồng/tờ USD năm 1976, còn nếu cháu muốn lấy loại rẻ hơn, có thể chọn loại 2 USD năm 2003, giá chỉ có 80.000 đồng/tờ”.


Bài, ảnh: Phương Hạ

Bình luận
vtcnews.vn