Ngân hàng có chịu đánh đổi lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay?

Kinh tếThứ Bảy, 14/05/2016 03:54:00 +07:00

mục tiêu giảm lãi suất đang đặt ra không ít hoài nghi, thậm chí lo ngại rằng đây sẽ chỉ là lời hứa suông.

Sau lời “hiệu triệu” các ngân hàng giảm lãi suất cho vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, đã có một vài động thái đồng thuận ban đầu của các ông lớn trong ngành nhưng mục tiêu giảm lãi suất đang đặt ra không ít hoài nghi, thậm chí lo ngại rằng đây sẽ chỉ là lời hứa suông.

Ảnh minh họa. 
Câu hỏi lãi suất ngân hàng có giảm được hay không đang là băn khoăn lớn của các doanh nghiệp, cá nhân dành cho ngành ngân hàng. Bởi đây sẽ là động lực quan trọng giúp vực dậy các doanh nghiệp trong nước vốn đang gặp khó đủ bề.

Trước vấn đề này, có nhiều ý kiến trái chiều nhau, người cho rằng giảm lãi suất được, kẻ bảo không. Vậy cốt lõi của vấn đề giảm lãi suất ngân hàng là gì? Liệu lãi suất có thể giảm? Và lãi suất giảm có thực sự gây ra nhiều khó khăn cho ngân hàng?

Ở chiều hoài nghi, có nhiều lý do để tin rằng các ngân hàng sẽ khó có thể giảm lãi suất. TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định: “Ngân hàng khó có thể giảm lãi suất, vì room để giảm lãi suất là không nhiều. NIM là 2,7% đã là khá thấp”. Do vậy, kỳ vọng ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian này là khó khăn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng lãi suất ngân hàng sẽ khó giảm nếu như tình hình xử lý nợ xấu như hiện nay chỉ mang tính chất “lấy thảm che rác”.

Những nhận định này dường như sẽ trở thành tiếng nói bênh vực cho ngành ngân hàng trước việc các ngân hàng đang “chây ỳ”, chậm chạp trong vấn đề đưa ra phương án giảm lãi suất tín dụng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất ngân hàng có thực sự khó đến thế?

“Thế giới làm được thì ta làm được”

Trái với những nhận định trên, TS. Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định: “Cá nhân tôi cho rằng việc chúng ta hạ lãi suất xuống từ xấp xỉ 1% cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là hoàn toàn có thể làm được”.

Ông Phước phân tích, chúng ta cần đặt vấn đề lãi suất trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập. Những nền kinh tế đầu tầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đang gặp khó khăn. Chính họ đang phải tiếp tục đưa ra những gói nới lỏng định lượng, cũng như hạ lãi suất, thậm chí Ngân hàng Trung ương châu Âu còn chuyển sang lãi suất bằng 0 hoặc âm.

“Việt Nam không kỳ vọng lãi suất âm. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế vĩ mô đã được ổn định, lạm phát xuống thấp, năm 2014 là 1,8%, năm 2015 là 0,63%. Đó là điều kiện khách quan để hạ lãi suất”, ông Phước phân tích.

Ông Phước cho biết thêm: “Tôi không nghĩ khi chúng ta hạ lãi suất cho vay, kéo theo giảm lãi suất huy động, sẽ tạo ra khó khăn trong việc huy động vốn”. Bởi hệ thống ngân hàng không chỉ sinh lời dựa trên chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động một cách thuần túy. Mà ngân hàng sẽ hưởng lợi dựa trên lãi suất ròng.

Đánh giá về nhận định nợ xấu cản bước lùi của lãi suất, ông Phước cho biết: “Nhận định này đúng nhưng chưa đủ”. Đúng là nợ xấu khiến các tổ chức tín dụng không hạ được lãi suất. Nhưng nếu chúng ta có thể hạ lãi suất mà đảm bảo chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, như vậy là ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tăng tổng dư nợ thì có thể đem đến lợi nhuận. Từ đó, ngân hàng vẫn có lợi mà vẫn tạo được sự phát triển chung.

Từ những phân tích trên ông Phước cũng cho rằng việc giảm lãi suất của ngân hàng ở thời điểm này sẽ phải đánh đổi bằng việc hệ thống ngân hàng không được hưởng lợi nhiều từ hoạt động tín dụng. Điều này đương nhiên sẽ gây ra nhiều khó khăn cho ngân hàng. Tuy nhiên đây là cái giá chúng ta phải chấp nhận vì ngân hàng là một hệ thống lớn, sinh lời dựa trên mô hình vĩ mô, không đơn thuần là việc tăng giảm lãi suất trong một khoảng thời gian.

Ông Phước cho biết thêm: Doanh nghiệp tư nhân sẽ là chỗ dựa của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế mà những chính sách trong thời gian tới của chính phủ sẽ hướng hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Làm thế nào để có thể giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển cũng sẽ là một vấn đề mà ngân hàng phải quan tâm trong thời gian sắp tới.


Nguồn: BizLIVE
Bình luận
vtcnews.vn