Ngân hàng "bơm" 300 tỷ cho Cty nữ đại gia nợ tiền cá

Kinh tếThứ Sáu, 13/04/2012 06:33:00 +07:00

(VTC News) - Bianfishco đã đạt được thỏa thuận với một ngân hàng về việc “bơm” 300 tỷ đồng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất cũng như trả nợ.

(VTC News) - Theo ông Trần Văn Trí, chồng bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco): Hiện nay Bianfishco đã đạt được thỏa thuận với một ngân hàng về việc “bơm” 300 tỷ đồng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất cũng như trả nợ.


Tối ngày 12/4, ông Trần Văn Trí, chồng bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) - cho biết đã nhận được giấy ủy quyền của vợ ký ngày 16/3 được chuyển về từ Hoa Kỳ.

Giấy ủy quyền này có xác nhận của công chứng viên Son Vo khi công chứng viên này đến tận nơi bà Hiền điều trị tại Bệnh viện thành phố Fountain Valley, tiểu bang California (Hoa Kỳ) để thực hiện xác nhận. Sau đó, chính quyền bang Massachusetts chứng thực chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam.
Công chứng viên Son Vo ký xác nhận việc ủy quyền của bà Hiền

Cuối cùng là giấy ủy quyền của bà Hiền được xác nhận bởi ông Nguyễn Hồng Hà, Tham tán đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ngày tham tán ký xác nhận là 3/4, giấy xác nhận mang số 1088/DSQ-HVH12.


Theo nội dung ủy quyền thì ông Trí được vợ giao quyết định mọi chuyện tại Bianfishco với vai trò thừa ủy quyền Tổng Giám đốc. Trong đó có cả việc rút tiền, ủy nhiệm chi, giao dịch với ngân hàng… và thay mặt cả phần cổ phiếu 50% của bà Diệu Hiền.

Hiện, thời gian đại hội cổ đông thường niên cũng gần kề nên chắc chắn khi cầm được giấy ủy quyền có giá trị pháp lý trong tay, ông Trí sẽ tiến hành mời các cổ đông chiến lược tiến hành họp giải quyết vấn đề nợ nần của Bianfishco. Bên cạnh đó là bàn kế hoạch tiến hành đại hội cổ đông, định ra kế họach sản xuất của nhà máy thủy sản Bình An.

 
 >>NỮ ĐẠI GIA THỦY SẢN DIỆU HIỀN: CHIÊU TRÒ CHƠI TRỘI, NỢ NẦN

Theo ông Trí, hiện nay Bianfishco đã đạt được thỏa thuận với một ngân hàng về việc “bơm” 300 tỷ đồng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất cũng như trả nợ.

Cũng trong chiều 12/4, TAND TP Cần Thơ đã đồng ý nhận đơn của 7 hộ dân nuôi cá là chủ nợ của Bianfishco với số tiền trên 30 tỷ đồng. Nội dung đơn của nông dân là yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco.

Thẩm phán Lê Kim Bản - Chánh tòa kinh tế TAND TP Cần Thơ - cho biết đây là lần đầu tiên tòa này nhận đơn của chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp vướng nợ. Theo đúng luật thì khi các chủ nợ không bảo đảm có đủ căn cứ để cho rằng doanh nghiệp đang nợ mình có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản thì được quyền nộp đơn đến tòa án, yêu cầu tiến hành mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó.

Cũng theo quy định của pháp luật thì sau khi nhận đơn, tòa kinh tế sẽ xem xét có đủ căn cứ để yêu cầu mở thủ tục hay chưa. Nếu đủ thì cho chủ nợ nộp lệ phí, ra thông báo mở thủ tục phá sản gửi đến doanh nghiệp bị nợ, viện kiểm sát cùng cấp… rồi lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ để tiến hành tổ chức hội nghị chủ nợ.

Thấy nông dân rồng rắn đi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục cho Bianfishco phá sản, một luật sư cho biết nếu như doanh nghiệp phá sản thật sự thì nông dân không nằm trong thứ tự ưu tiên đầu trong việc chi trả nợ nần thì theo nguyên tắc những chủ nợ có tài sản bảo đảm được trả nợ xong rồi mới đến tiền nợ lương, phí BHXH, y tế của công nhân lao động, phí yêu cầu mở thủ tục phá sản... Như vậy, nông dân rơi vào vị cuối cùng.

Khi có giấy ủy quyền hợp lệ, ông Trí có quyền điều hành Bianfishco
“Tốt nhất nông dân nên nộp đơn kiện ra tòa giống như hai nông dân Nguyễn Văn Liền, Phạm Thị Mai ở Thốt Nốt, Cần Thơ vì khi tòa án thụ lý xử kiện đòi nợ thì sẽ có bản án. Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì nông dân lúc này trở thành người được ưu tiên trong việc trả nợ”, luật sư này khẳng định.

Diễm Hằng


Bình luận
vtcnews.vn