Ngậm đắng nuốt cay làm thân phận nô lệ ngoài biên ải

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 30/04/2012 06:10:00 +07:00

(VTC News) - Do mấy lần định trốn về, bị gia đình chồng phát hiện nên họ rất cảnh giác. Khi vừa đẻ đứa con thứ 2 họ đã bắt chị đi triệt sản.

(VTC News) - Do mấy lần định trốn về, bị gia đình chồng phát hiện nên họ rất cảnh giác. Khi vừa đẻ đứa con thứ 2 họ đã bắt chị đi triệt sản.

Tôi tình cờ gặp chị Đặng Thị Th. khi đang thăm thú cảnh quan ở chùa Bích Du (Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình), một ngôi chùa cổ nhất miền biển này. Thật không ngờ cuộc đời người đàn bà này lại đa đoan đến vậy.

Chị Th. năm nay 38 tuổi. Chị sinh ra và lớn lên ở Xóm 5, xã Thái Thượng, một xã ven biển huyện Thái Thụy.

Tuổi thơ chị Th. mặn chát với những cánh đồng muối và đen nhẻm bởi những trưa hè phơi mình trong cái nắng oi ả.

Các cô gái trong một vụ trình diễn để hai người Trung Quốc xem mặt. Ảnh CA. 

Bố mẹ chỉ sinh được một mình chị, song gia cảnh nghèo khó nên chị cũng chẳng được chăm bẵm đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn. Học xong phổ thông thì đi lấy chồng như tất thảy những cô gái khác trong làng.

Những tưởng có một gia đình nho nhỏ và cái đầm ven biển là tạm ổn, nào ngờ chồng chị sinh tật đề đóm, trai gái, rồi hắt hủi, đánh đập chị.

Chán đời, chị cùng một người phụ nữ trong làng tìm ra Móng Cái làm ăn. Ngoài việc kiếm sống còn là để dạy cho “thằng chồng bội bạc” một bài học nhớ đời.

Chị Th. 

Sau hơn hai tuần giúp việc cho một cửa hàng tạp hóa, chị Th. gặp một người phụ nữ người Việt từ bên kia biên giới sang rỉ rả về cuộc sống giàu sang, hoa lệ ở Trung Quốc. Rằng đàn ông ở đất nước đó chiều vợ lắm, rộng rãi tiền bạc lắm. Rằng sang đó thì chỉ việc nằm khểnh mà ăn. Còn nếu đẻ cho họ được thằng cu, thì chả khác gì bà hoàng.

Nghe lời mật ngọt chị thấy bùi tai, nghĩ đến cảnh lão chồng ở nhà, chỉ mải cờ bạc, gái gú, rồi thượng cẳng tay hạ cẳng chân, coi vợ chẳng phải giống người, nên chị đã gật đầu đồng ý theo người đàn bà kia vượt biên.

Vừa bước sang bên kia biên giới bằng đường tắt xuyên rừng, người phụ nữ kia đã chào tạm biệt chị. Chị ta nói thật rằng, đã bán chị với giá 3.000 tệ. Chị ta chia cho chị Th. một nửa số tiền đó.

Nhiều phụ nữ Việt sang Trung Quốc lấy chồng và kết cục là bị bán vào động mại dâm. Ảnh chụp một động mại dâm ở thị trấn Malypho (Trung Quốc). 

Từ lúc đó, chị Th. thuộc sở hữu của một người Trung Quốc. Ngoài chị Th., còn có 4 người phụ nữ Việt Nam khác nữa. Cứ ngày trú ngụ trong những ngôi nhà hoang trong rừng, đêm lại đi. Lúc đi bộ trong rừng, lúc ngồi trong thùng xe bịt kín.

Cứ ngày nghỉ đêm đi như thế, chừng một tuần thì đến ngôi làng hẻo lánh. Nhớ lại cảnh ấy, chị Th. chợt bật khóc vì tủi thân.

Chị và 4 người phụ nữ kia được coi như nô lệ, đem ra trưng bày lén lút như hàng hóa, để cho những gã đàn ông xem mặt, thỏa thuận giá cả. Bọn buôn người và người mua thỏa thuận được với nhau thì tiền trao cháo múc. Những gã đàn ông kia trả tiền rồi thì dắt chị em phụ nữ đi. Vì mình là món hàng, còn người ta là kẻ mua hàng, nên chị em không có sự lựa chọn. Cô nào trẻ, đẹp thì được giá, còn xấu, già thì chỉ người nghèo mới đủ tiền mua.

Một cặp vợ chồng Trung - Việt khá hạnh phúc. 

Chị Th. dù đã có chồng, con, nhưng còn khá mặn mà, nên chúng bán được với giá khá cao. Tuy nhiên, người xuống tiền mua chị lại là một lão già 60 tuổi. Sau này chị mới biết, lão đã bán 10 con trâu mới đủ tiền mua chị. Thế nên, khi về làm vợ, chị biến thành trâu ngựa cho cái gia đình đó.

Lão dắt chị về nhà. Chẳng tổ chức cưới xin gì cả. Chỉ có mỗi mâm cơm to, gồm mười mấy người ngồi quây quần uống rượu, cười nói, chỉ trỏ vào chị.

Ngay đêm hôm đó là động phòng luôn. Ở với nhau cả tháng trời, chị mới biết ông ta tên là Phúc Thoòng. Chả ai hiểu tiếng ai, nên chị như cái bóng trong nhà.

Chị sống đúng như một ôsin, phải làm tất cả mọi việc từ trong nhà đến nương rẫy. Cuộc sống ở vùng rừng heo hút vô cùng khổ cực, khó khăn, điều kiện y tế kém nên 2 đứa con, một đứa 7 tuổi và một đứa 9 tháng tuổi của chị và ông Thoòng đã chết cùng một năm vì những căn bệnh vặt vãnh như tiêu chảy và cảm cúm.

Hai đứa con chết một thời gian thì người chồng già cũng chết theo, để lại mình chị bơ vơ nơi đất khách quê người.

Không còn ai thân thích ở quê, chị Th. đành ngậm ngùi quay trở lại Trung Quốc. 

Điều trớ trêu là chị đã không còn khả năng sinh đẻ, nên không còn giá trị với người Trung Quốc nữa. Hồi mới sang, do mấy lần định trốn về, bị gia đình chồng phát hiện nên họ rất cảnh giác. Khi vừa đẻ đứa con thứ 2 họ đã bắt chị đi triệt sản.

Họ làm như thế chị sẽ không còn đường về, bởi vì với người phụ nữ tài sản quý giá nhất là những đứa con. Chồng chết, chị bơ vơ một thân một mình.

Để có chỗ dựa, chị phải nuốt nước mắt để hầu hạ một ông chồng già hom hem ở một bản nhỏ heo hút mãi bên Diêm Phình, Quảng Đông.

Biền biệt hơn chục năm trời xa cách, dập vùi phận liễu nơi xứ người, chị đã nung nấu ý định về quê, để một lần được nhìn thấy quê nhà. Và chị đã thực hiện được mong muốn đó.

Thế nhưng, miền quê nghèo này cũng chẳng còn chốn dung thân cho chị. Người chồng đã lấy vợ mới và bỏ vào Nam làm ăn. Bố mẹ chị đều đã xanh cỏ ngoài đồng từ vài năm trước.

Chị là con một, nên không có ai chăm sóc phần mộ bố mẹ. Chị đã làm một việc hiếu cuối cùng với bố mẹ, ấy là “rước” bố mẹ vào chùa để sư cô, sư thầy khói hương giúp. Ngày tới, chị phải trở về với cuộc sống buồn tủi nơi xứ người. Dù sao ở đó chị còn có một tấm chồng.

Thắp nén hương khấn vái vong linh bố mẹ lần cuối, chị giàn dụa nước mắt: “Bố mẹ sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho con lên đường bình an. Không biết đến bao giờ con gái mới lại được trở về thắp nén hương và khóc lóc bên bàn thờ bố mẹ…”.

Chẳng biết rồi cuộc đời chị sẽ ra sao. Có lẽ rồi mai này cũng phải vùi xác nơi xứ người mà không có được một nén nhang tưởng nhớ.

 Thái Thụy là huyện thuần nông, cuộc sống của người dân chỉ trông chờ vào cây lúa nên khá nghèo. Đàn ông thì bỏ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Những phụ nữ ở lại khó lấy chồng, nên dễ bị dụ dỗ sang bên kia biên giới kiếm cuộc sống mới. Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, riêng huyện Thái Thụy có chừng 400 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Trong số đó, chỉ có rất ít người đã trở về quê, 7 người đã chết trên đất khách, 2 người mắc bệnh, bị trả về nước rồi chết ngay sau đó một thời gian. Đấy là con số nhìn thấy, chứ thực ra, hàng trăm phụ nữ từ khi ra đi, đã hàng chục năm nay đều chẳng thấy “bóng chim, tăm cá”, gia đình cũng không biết họ còn sống hay đã chết.
Diễm Bình


Bình luận
vtcnews.vn