Ngã rẽ cuộc đời của người lính phục viên trót dính chàm đa cấp

Kinh tếThứ Tư, 20/11/2013 07:27:00 +07:00

(VTC News)–Người đàn ông đã từng là lính miên man kể về cái "sướng" khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, nhưng với anh, ngày đổi đời dường như là giấc mơ tối

(VTC News) – Người đàn ông đã từng là lính miên man kể về cái "sướng" khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, nhưng với anh, ngày đổi đời dường như là giấc mơ tối.


Đến phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) vào một ngày đẹp trời, chúng tôi bắt gặp những chàng trai tuấn tú, mạnh khỏe, đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người đang ngồi chơi xơi nước, “chém gió” trước cửa một phòng trọ xập xệ, nhếch nhác như... lều vịt.

Thấy sự xuất hiện của người lạ, lại khác giới, một số cậu chàng thích làm đỏm lao như tên vào trong nhà chỉn chu lại nhan sắc. Chỉ còn vài người vẫn thản nhiên ngồi tại bàn trà, trong số đó có anh Cao Hữu Nam (1981), người từng nhập ngũ, từng sang Lào làm việc.

Gương mặt hiền lành nhưng nhuốm nét phong trần, bụi bặm, không khó để nhận ra anh Nam lớn tuổi nhất trong số các học viên của công ty TNHH (trách nhiệm hữu hạn) Lô Hội tại phòng trọ này.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận, trò chuyện được với người đàn ông từng trải này do một cậu bé kém anh gần một giáp – người quản lý nhóm học viên này – cứ liên tục chen ngang, ngắt lời khi anh Nam có bất kỳ chia sẻ, phát ngôn bị đánh giá là “nhạy cảm” nào.
Anh Cao Hữu Nam
Anh Cao Hữu Nam  

Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng công an phường Bích Đào, cuối cùng chúng tôi cũng đã có một cuộc trò chuyện trọn vẹn.

Theo chia sẻ của anh Nam, Nam sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ Nam đã vật lộn mưu sinh, nghỉ học khi chưa hết cấp 2.

Như bao trai làng khác, đến tuổi nhập ngũ, Nam tham gia quân đội, rồi phục viên, về địa phương xây dựng gia đình với một cô gái cùng làng hiền lành, nết na và một cậu con trai kháu khỉnh năm nay gần 2 tuổi.

Mặc dù chưa thể nhìn xa trông rộng, nhưng với bản tính cần cù bù thông minh, ham học hỏi, Nam luôn cố gắng làm tốt các công việc nhà nông để có tiền vun vén hạnh phúc gia đình. Sức trai trẻ, làm quần quật quanh năm suốt tháng, thế mà cũng chỉ đủ ăn, không có đồng dư giả phòng lúc ốm đau, Nam tự nhủ: “Chẳng lẽ cứ thế này mà sống?”.

Rồi bạn bè trong làng rủ rê Nam sang Lào làm việc, không muốn tiếp tục thỏa hiệp với cái đói, cái nghèo, Nam quyết liều một phen, dứt áo lên đường.

Cuộc sống nơi rừng sâu không khiến Nam nản lòng khi hàng tháng vẫn tích cóp được tiền gửi về cho vợ con ở quê nhà, nhưng rồi, niềm vui chẳng được bao lâu, vào mùa mưa, công việc không thể tiếp tục, Nam lại khăn gói về quê với thời hạn "thất nghiệp" dự tính là 6 tháng.


Ngã rẽ cuộc đời…

Anh Nam rướm lệ khi nhắc tới gia đình
Anh Nam rướm lệ khi nhắc tới gia đình  

Trong những ngày ở quê chờ tìm việc, Nam gặp lại cô bạn cùng làng đã đi thoát ly. Người bạn gái này rỉ tai rằng đang kiếm tiền rất khá, có của ăn của để nhờ tham gia hệ thống bán hàng đa cấp Lô Hội.

Dù chẳng hiểu gì về mạng lưới bán hàng đa cấp nhưng với những thông tin mà người bạn này cung cấp cùng với lời khích lệ, đầu tư ngay để “đổi đời”, thu lợi cao, lương "khủng" vợ chồng anh Nam như bị hút hồn.


Tin bạn lại đang thất nghiệp và nghĩ rằng đi học “chẳng mất gì”, Nam quyết định một lần nữa khăn gói quả mướp ra Hà Nội để tìm hiểu về công ty này cho…biết.

Chỉ với 110.000 đồng, Nam nhanh chóng được kết nạp, trở thành học viên của mạng lưới bán hàng đa cấp thuộc công ty TNHH Lô Hội ở Ninh Bình. Sau mỗi ngày học, Nam lại đem tiền nhà mua thêm một bộ sản phẩm nào đó của công ty về dùng thử để kiểm nghiệm, cảm nhận chất lượng.

Chẳng mấy chốc, ví tiền của anh đã cạn. Gọi về nhà bảo vợ gửi thêm tiền đầu tư, vợ anh có lúc đã lần chần, nhưng vì chồng đã quyết, buộc lòng cô phải theo.

Khi kể chuyện với chúng tôi, anh Nam luôn mồm kể về cái "sướng" khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp như ăn ở tập thể cùng nam nữ, được mở mang kiến thức về sản phẩm, kinh nghiệm bán hàng, không phải dầm mưa, giãi nắng như những ngày lái máy xúc ở Lào.

Tuy nhiên, khi được hỏi những cái "sướng" đó đã đem lại sự đổi đời, ước mơ làm giàu cho gia đình, đã giúp gì được cho vợ con ở quê chưa thì Nam thần người ra, ánh mắt cụp xuống.

“Ở đây chơi hoài, cuồng chân tay lắm. Hơn một tháng rồi tôi chưa được về quê, nhớ vợ con lắm. Mấy lần vợ điện ra, con toàn kêu thèm sữa, mong bố chóng về mua quà cho. Giờ gửi ra đồng nào tiêu hết đồng đó, tiền đâu mà quà bánh, mà về?”, Nam lí nhí chia sẻ.

Góc "học tập" tối om của anh Nam ở Ninh Bình
Góc "học tập" tối om của anh Nam ở Ninh Bình 

Như sực tỉnh khi thấy ánh mắt đầy ẩn ý, thậm chí có phần phẫn nộ của người quản lý, anh Nam kết thúc cuộc trò chuyện với cái cớ “đến giờ học bài rồi”.


Nhìn theo vóc dáng côi cút đến tội của người đàn ông khắc khổ này, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Anh chọn một góc khuất nhất, nép mình vào tường “đếm” chữ trong thứ ánh sáng lờ mờ như chính con đường đi phía trước, những ngã rẽ trong cuộc đời anh vậy.

Trước khi phóng viên VTC News ra về, anh Nam lấy cớ ra tiễn chúng tôi rồi tâm sự: “Tôi chẳng biết vào mạng đọc báo. Vả lại ở đây cũng chỉ có 2 – 3 người có điện thoại xịn, nhờ vả họ cho mình xem cũng không tiện… Nhưng có lẽ, cuối tháng 10 này, hết mùa mưa, tôi sẽ lại quay trở lại Lào với công việc lái máy xúc của mình”.

Nhóm phóng viên VTC News rời phường Bích Đào trong ngổn ngang suy nghĩ: “Vương quốc bầy đàn” thật sự như rắn nhiều đầu, có khả năng “hồi sinh”.

Phải chăng lực lượng chức năng bất lực trước thực trạng này?

Bạn đọc có thông tin về kinh doanh đa cấp, các tụ điểm của đa cấp ở địa phương, có thể cung cấp cho chúng tôi vào ô thảo luận phía cuối bài viết bằng tiếng Việt có dấu, theo số điện thoại đường dây nóng 01255911911 hoặc email [email protected]


Nhóm PV VTC News


Bình luận
vtcnews.vn