Nên giảm bớt đại biểu QH là thành viên Chính phủ

Thời sựThứ Tư, 23/02/2011 06:59:00 +07:00

(VTC News) - Có ý kiến cho rằng nhiều thành viên Chính phủ tham gia QH như vậy có thể dẫn đến tình trạng… vừa đá bóng vừa thổi còi.

(VTC News) - Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, nhiều ý kiến đề nghị thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu là người ngoài Đảng, hạn chế bớt đại biểu từ cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh.

Hôm nay (23/2/2011), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, trong đó thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH được bầu của cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Cần tăng thêm số ĐBQH chuyên trách

Góp ý tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ đề nghị, cần tăng thêm số ĐB chuyên trách nhằm hướng tới QH đa phần là ĐB chuyên trách.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN (Ảnh: B.G) 

Đồng tình với ông Túc, ông Trương Công Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ cho rằng, tăng thêm ĐB chuyên trách, bớt đi ĐB từ cơ quan Chính phủ, tránh việc vì thiếu người mà các Ủy ban của QH phải đẩy việc sang Chính phủ. Ông Phú dẫn chứng, việc xây dựng luật đáng ra vai trò chính là của các Ủy ban của Quốc hội thì lâu nay vẫn bị đẩy sang Chính phủ.

Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, nhiều thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội như vậy có thể dẫn đến tình trạng… vừa đá bóng vừa thổi còi.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTWMTTQ VN cũng đề nghị QH cần từng bước nâng cao số lượng, chất lượng ĐB chuyên trách, không nên dành ghế ĐB cho quá nhiều bộ trưởng mà chỉ nên có một số một số bộ trưởng các bộ tổng hợp tham gia QH.

Liên quan đến việc giảm số lượng ĐBQH từ cơ quan hành pháp, ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch UBMTTQ thẳng thắn: "Cơ quan hành pháp nên tự giảm ĐB trong Quốc hội". Theo ông Thám, ở tỉnh thì Chủ tịch UBND cần dành sức làm Chủ tịch cho tốt, để người khác làm ĐBQH.

QH lần này giảm thiểu những ĐB của cơ quan hành pháp và tư pháp, tiến tới QH thực sự chuyên nghiệp, tiến tới ĐBQH chuyên nghiệp cũng là mong muốn của đông đảo đại biểu tham gia Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

ĐBQH là người ngoài Đảng từ 10-15% là… hơi ít!

Trong phần tham gia góp ý của mình trước đó, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Túc cũng đề nghị, cần mạnh dạn đưa thêm ĐB là người ngoài Đảng. Theo ông Túc, mặc dù việc tăng thêm ĐBQH ngoài Đảng có khó khăn nhưng nếu làm được sẽ tạo ra không khí đổi mới, phấn khởi trong nhân dân.

Ý kiến này của ông Túc cũng được một số đại biểu đồng tình. Theo đó, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN cho rằng, về tỷ lệ người ngoài Đảng nên là 20%, nếu 10-15% theo ông Thường là… hơi ít.

Ông Thường cho rằng, đưa thêm ĐBQH là người ngoài Đảng là việc nên làm dù… không dễ. Theo ông Thường, ĐBQH ngoài Đảng hầu hết đều là tri thức, có tự trọng và rất cần trân trọng các hiền tài ngoài Đảng để tăng không khí dân chủ trong các hoạt động của Quốc hội.

Tại Hội nghị, ông Trương Công Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ cũng thắc mắc “sao không có ĐB là Việt kiều? - trong khi đây là quyền lợi chính đáng của bà con người Việt ở nước ngoài và có nhiều bà con tâm huyết, tài năng có thể đóng góp nhiều cho đất nước”.

Về ĐBQH đại diện cho các dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc trung ương MTTQ Lù Văn Que cũng nêu, hiện 14 dân tộc không có đại diện của của mình trong Quốc hội. Theo đó, ông Quê kiến nghị tăng số đại biểu nhóm này từ 90 ĐB lên 105 ĐB nhằm “tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tốc tốt hơn”.

Về số lượng ĐBQH nữ, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ, tỷ lệ ĐB nữ trong Quốc hội hiện nay là thấp, ngoài Quốc hội khóa V có 32% ĐBQH là nữ thì tới nay chưa khóa nào vượt 27%...

Việc phân bổ ĐBQH “còn khó khăn”

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đề nghị tăng thêm ĐBQH chuyên trách, ĐBQH là người ngoài Đảng, hạn chế bớt ĐBQH từ cơ quan hành pháp... (Ảnh: B.G) 

Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, sẽ báo cáo đầy đủ Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ QH các ý kiến đóng góp trong Hội nghị hiệp th
ương lần thứ nhất và sẽ có trả lời chính thức.

Theo ông Lưu, hiện nay, 500 ĐBQH trên tổng số 87 triệu dân thì việc phân bổ ĐB thế nào cho hợp lý để đại diện cho các giai tầng là khó khăn, do đó, quy trình lựa chọn hiệp thương là vô cùng quan trọng.

Ông Lưu nêu rõ, việc giảm ĐB khối cơ quan hành pháp đã được bàn từ các khóa trước và cũng giảm dần. Theo đó, lần này dự kiến khối Chính phủ có 15 ĐB dành cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ ngành. Việc giảm bớt số lượng ĐB khối cơ quan hành pháp sẽ được báo cáo xin ý kiến Quốc hội nhưng theo ông Lưu, vai trò của ĐB thuộc khối cơ quan hành pháp là cần thiết trong khi Quốc hội chưa đạt tới mức chuyên trách như hiện nay.

Về việc tăng tỷ lệ ĐB ngoài Đảng, doanh nghiệp, phụ nữ… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng các ý kiến góp ý là xác đáng.

Theo đó, về ĐB QH là Việt kiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu  nhấn mạnh, lần sửa đổi bổ sung Luật bầu cử ĐBQH và HĐND vừa qua đã đặt ra, nhưng trước mắt chủ yếu bổ sung trình tự bầu cử, chưa đặt ra vấn đề ĐBQH Việt kiều trong lần bầu cử QH khóa này vì trong Luật bầu cử QH quy định ĐB phải dành ít nhất 30% thời gian cho hoạt động của QH. Cùng với đó, trước và sau kỳ họp, ĐBQH đều có tiếp xúc cử tri, tham gia vào hoạt động của hội đồng các ủy ban... - trong khi bà bà con Việt kiều đang ở nước ngoài thì chưa đủ điều kiện tham gia và cử tri cũng chưa có đủ điều kiện, chưa có cơ chế để giám sát hoạt động của ĐBQH là Việt  kiều. Do vậy, theo ông Lưu, phải chờ sửa Hiến pháp, chờ sửa luật tổ chức QH một cách căn bản.

"Hiệu lực hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào chất lượng ĐB, không phải đông mà tốt. Vì thế nguyên tắc cơ cấu hợp lý trên cơ sở tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà bỏ quên, xem nhẹ tiêu chuẩn" – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu nhấn mạnh.

Phân bổ số lượng, cơ cấu ĐBQH ở Trung ương và địa phương:

Tổng số đại biểu QH khóa XIII là 500 người, trong đó, số ĐBQH ở Trung ương 183 ĐB (36,6%); số ĐBQH ở địa ph
ương 317 ĐB (63,4%). Tổng số ĐB Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử là 183/500 ĐB (26,6%).

Cơ cấu kết hợp (gồm cả đại biểu trung ương và địa phương): ĐBQH là người dân tộc thiểu số 90 ĐB (18%), ĐBQH là phụ nữ 150 ĐB (30%), ĐBQH là người ngoài Đảng (các địa phương căn cứ tình hình để có cơ cấu thích hợp) khoảng 10-15%, ĐBQH trẻ tuổi (dưới 40) khoảng 70 ĐB (14 %), ĐBQH khóa XII tái cử khoảng 160 ĐB (32%).
...

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn