Nên định giá hay bình ổn giá với xăng, dầu, điện?

Kinh tếThứ Tư, 11/04/2012 10:01:00 +07:00

(VTC News) – UB TVQH còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nên để mặt hàng xăng, dầu, điện ở diện bình ổn giá hay định giá.

(VTC News) – UB TVQH còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nên để mặt hàng xăng, dầu, điện ở diện bình ổn giá hay định giá.

Buổi làm việc chiều 11/4, UV TVQH cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật giá.

Nhiều ĐB đề nghị không nên quy định xăng, điện vào mặt hàng định giá của Nhà nước (Ảnh: Internet)
Nội dung được nhiều ĐB quan tâm thảo luận, băn khoăn là nên quy định xăng, dầu, điện vào mặt hàng định giá hay đưa ra khỏi nhóm này và chỉ nên để xăng, dầu, điện vào nhóm mặt hàng bình ổn giá.

Theo dự án luật thì xăng, dầu, điện đều có tên trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và trong mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Tuy nhiên, một số ĐB cho rằng, không nên quy định xăng, điện vào mặt hàng định giá mà nên đưa vào nhóm mặt hàng bình ổn giá.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa phân tích, theo luật hiện hành thì điện lực có quy định giá bán lẻ, còn giá phân phối thì không, do vậy, không nên đưa điện vào mặt hàng định giá. Còn Nghị định 84 về kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường có giám sát quản lý của Nhà nước về giá nên xăng, dầu cũng không nên đưa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.

Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đến 3 yếu tố căn cứ để ban soạn thảo dự luật lựa chọn Danh mục tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá là dùng nhiều ngân sách nhà nước, có tính độc quyền và có tính thiết yếu phục vụ quốc kế dân sinh. 

Nội dung này sẽ được rà soát để tiếp tục lấy ý kiến trong cuộc họp tới.

Cũng liên quan đến Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, có ý kiến cho rằng, phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định trong Danh mục là quá rộng, dẫn đến nhiều hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải bình ổn giá, ảnh hưởng đến quy luật cung cầu của thị trường.

Theo UB TVQH, Danh mục được lập trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá hàng hóa, dịch vụ trong đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong Danh mục.

Dự thảo luật cũng quy định rõ, cơ quan có thẩm quyền chủ động và chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. Do đó, mặc dù Danh mục gồm nhiều hàng hóa, dịch vụ song tùy tình hình thực tế, số phải áp dụng bình ổn là rất ít; nếu thị trường ổn định thì có thể không áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào, song để bảo đảm tính ổn định và bao quát của Luật thì vẫn cần thiết phải xác định Danh mục với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.

Cũng theo UB TVQH, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để phù hợp với điều kiện thị trường trong tình hình mới, UB TVQH đã loại bỏ ra khỏi Danh mục một số mặt hàng như sắt, thép, xi măng... theo đó Danh mục trong Dự thảo luật đã được thu hẹp nhiều so với Danh mục hiện hành (Xăng, dầu thành phẩm; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Phân đạm u-rê; Thuốc thú y: vac-xin lở mồm long móng; vac-xin cúm gia cầm; Muối hạt trắng; Sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định; Thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, cá tra, cá basa, tôm; Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng).

Về trường hợp thực hiện bình ổn giá, có ý kiến cho rằng cần phải bình ổn giá ngay trong điều kiện bình thường, không chỉ khi giá có biến động bất thường. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị quy định việc bình ổn giá trong trường hợp giá giảm.

UBTVQH cho rằng, các chính sách kinh tế, trong đó có chính sách về giá luôn phải được áp dụng và duy trì trong mọi điều kiện để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, khái niệm bình ổn giá trong Luật giá được hiểu là những biện pháp nhằm tác động, can thiệp từ phía Nhà nước vào thị trường khi giá cả diễn biến bất thường.

Do vậy, theo UB TVQH, để tôn trọng quan hệ cung cầu và quy luật thị trường, Nhà nước chỉ áp dụng bình ổn giá theo hướng can thiệp vào thị trường khi phát sinh yếu tố bất thường (bao gồm cả tăng và giảm bất thường), gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân; đây cũng là thông lệ quốc tế.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn