Nelson Mandela suýt thành võ sĩ huyền thoại thế nào?

Thể thaoThứ Sáu, 05/07/2013 01:00:00 +07:00

(VTC News)- “Quyền anh cũng giống như chủ nghĩa quân bình, nơi mà ý nghĩa của thứ hạng, tuổi tác, màu da hay địa vị chỉ là con số 0".

(VTC News)- “Quyền anh cũng giống như chủ nghĩa quân bình, nơi mà ý nghĩa của thứ hạng, tuổi tác, màu da hay địa vị chỉ là con số 0".


"Khi bạn bước lên sàn đấu, thăm dò đối phương để tìm ra thế mạnh và yếu của họ, bạn sẽ chẳng còn quan  tâm đến những cái khác”. Đó là lời tâm sự của Nelson Mandela trong cuốn tự truyện “Long walk to freedom” (tạm dịch “Dặm đường đến tự do”).

Có thể đối với nhiều người, Mandela được nhớ đến với những điều lớn lao hơn là thể thao, nhưng với ông, chính thể thao được xem ngọn nguồn của rất nhiều quan niệm sống.   


Nghị lực bước ra từ tinh thần đấu sĩ       

 
Quyền anh vốn được cả thế giới biết đến từ lâu, và Nam Phi là một trong những quốc gia có truyền thống quyền anh đáng tự hào. Nelson Mandela yêu thích đấm bốc từ khi còn đi học, cho đến tận sau này.

 

Nelson Mandela
Nelson Mandela suýt trở thành võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp

Khi Mandela học ở Fort Hare, đấm bốc chỉ là thú vui giải trí nhất thời. Tuy nhiên, quãng thời gian ở Johannesburg đã nuôi dưỡng niềm đam mê của ông một cách nghiêm túc.


Năm 1950, ở Johannesburg, ông tham gia vào trung tâm cộng đồng Donaldson Orlando cùng với cậu con trai 10 tuổi, Thembi. Ông từng bộc bạch quan điểm triết học về quyền anh, rằng: “Tôi quan tâm nhiều đến bản chất cốt lõi của đấm bốc hơn là tính bạo lực của nó. Tôi thấy tò mò về cách các võ sĩ di chuyển cơ thể để bảo vệ mình, sử dụng chiến thuật để có thể vừa tấn công vừa phòng thủ.”

 
“Sau khi bắt đầu tham gia vào chính trị, tôi không còn lên sàn thi đấu nữa. Niềm yêu thích của tôi chuyển sang tập luyện. Quyền anh không chỉ giúp tôi duy trì thể lực và tiêu khiển trong thời gian rảnh rỗi, nó còn khiến đầu óc tôi thư thái, thoát khỏi vướng bận từ chính trị và những vấn đề liên quan đến chủng tộc. Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm thấy khoan khoái và sẵn sàng giải quyết công việc, đối mặt với những phiên tòa với tư cách là một người da đen ở đất nước đầy rẫy tư tưởng phân biệt màu da.


Bạn biết đấy, những thành viên cùng câu lạc bộ, họ đích thị là sản phẩm của một xã hội luôn tìm cách đàn áp người dân. Trên người họ mang đầy những vết sẹo, dấu tích của những trận đánh đập tàn nhẫn, dấu vết để đánh dấu thành phần cặn bã của xã hội. Thế nhưng, phẩm chất mà tôi nhìn thấy ở họ, là ý chí kiên cường duy trì sự sống, đấu tranh quyết liệt chống lại những bất công của chế độ xã hội thời đó”


Nelson Mandela tìm thấy triết lý sống trong boxing
Nelson Mandela tìm thấy triết lý sống trong boxing

Và cho dù những kỉ niệm, trải nghiệm có đẹp đến đâu, thì hiện thực cuộc sống, chế độ apartheid tàn nhẫn vẫn tồn tại và dẫm đạp lên cuộc sống của những tay đấm bốc châu Phi, cũng như vận động viên, nghệ sĩ da đen.

Khi mà nghèo đói chưa đủ cho cuộc sống khốn đốn của người dân, thì màu da, lại tước khỏi họ tất cả những cơ hội để tập luyện cùng người da trắng, được sử dụng những thiết bị, đồ dùng tân tiến và học hỏi, tham khảo lời khuyên cần thiết để trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp thực thụ.


Những giọt mồ hôi, sức lực đổ ra trên sàn đấu, chỉ đủ để trả tiền ăn uống, tiền thuê nhà và mua quần áo. Một tay võ sĩ châu Phi bình thường tuyệt đối không thể dư giả để đầu tư vào thiết bị tập luyện và học văn hóa".


Ước mơ dang dở

Trong những năm 50, Mandela vừa là một võ sĩ nghiệp dư, đồng thời là luật sư. Cuộc sống của một luật sư bắt đầu từ lúc sáng sớm cho đến tận chiều tà, khiến ông hiếm khi tập luyện với một thể lực sung mãn. Đó được xem là tình trạng chung của tất cả những đấu sĩ da đen.

Những năm tháng sau khi phòng tập bị dỡ bỏ do những tranh cãi với chính quyền, cuộc sống của Mandela cũng cuốn theo vòng xoáy của nhà tù. Ông liên tục bị vu khống và cáo buộc những tội danh liên quan đến bất đồng chính trị.


Nelson Mandela- Muhammad Ali
Nelson Mandela và huyền thoại boxing Muhammad Ali

Tuy nhiên, ý thức duy trì tình yêu với quyền anh vẫn luôn thôi thúc Mandela chiến đấu với cuộc sống. Ông truyền cảm hứng và đam mê lại cho con trai mình, Thembi. Trong một bức thư ông gửi cho con gái, Zinzi từ nhà tù, ông tâm sự: “Thembi anh con là một võ sĩ có tài thực thụ. Cha vẫn thường thức khuya chờ anh trở về từ sàn đấu để tâm sự cùng.”


Năm 1998, khi tù ngục không còn bám đuổi cuộc sống mình, Mandela tâm sự rằng: “Có lẽ ngoài việc trở thành một võ sĩ vô địch thế giới – điều mà tôi không thể hiện thực hóa, thì việc tổ chức cuộc thi quyền anh uy tín hằng năm là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”.

Năm 2007, Mandela phát biểu rằng: “Tôi không muốn khi người ta nhớ đến quyền anh là môn thể thao chỉ dành  cho phái mạnh, mà phụ nữ, những người có tài năng và đam mê, cũng được thể hiện trên sàn đấu. Trong cuộc đời mình, tôi luôn xem quyền anh là nghệ thuật, mang lại niềm vui chung cho tất cả mọi người, thậm chí nó còn giúp cho người ta, thoát khỏi nghèo đói.”


An Nhiên

Bình luận
vtcnews.vn