Đội tuyển Việt Nam 'nam tiến': Chiến lược thông minh của VFF

Thể thaoThứ Năm, 15/06/2017 07:00:00 +07:00

Ngày hội trên sân Thống Nhất đã tiếp lửa cho tuyển Việt Nam chơi hay trước Jordan, đồng thời tiếp lửa cho hy vọng hồi sinh bóng đá phía Nam vốn tàn lụi đi nhiều trong thời gian qua.

1. 22/3, tuyển Việt Nam có trận giao hữu với đối thủ Đài Loan (Trung Quốc) để chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2019.

Bất chấp có sự hiện diện của đội tuyển quốc gia, sân Hàng Đẫy vẫn hiện lên với những khán đài trống vắng. Hôm ấy, chỉ có vài nghìn khán giả bỏ tiền đến xem những gì tinh hoa nhất của bóng đá Việt Nam.

Trong phòng họp báo, huấn luyện viên (HLV) Hữu Thắng nói đùa: "Người hâm mộ đến sân ít như vậy, VFF nên xem lại công tác truyền thông". Cựu chiến lược gia của Sông Lam Nghệ An thừa hiểu, truyền thông chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề.

vn1

 Tuyển Việt Nam hòa Đài Loan (Trung Quốc) trong trận đấu "vắng ngắt" trên sân Hàng Đẫy.

Cảnh tượng đáng buồn ấy lặp lại trong 2 trận đấu gần nhất của U22 Việt Nam (trên sân Mỹ Đình) và tuyển Việt Nam (trên sân Hàng Đẫy). Để thấy lần gần nhất Hà Nội "mở hội" với bóng đá Việt Nam, phải quay ngược về 7 tháng trước.

Thầy trò HLV Hữu Thắng chỉ thực sự sống trong không khí cuồng nhiệt khi tuyển Việt Nam đá trận lượt về bán kết AFF Cup với Indonesia. AFF Cup tổ chức 2 năm một lần. Không thể cứ đợi đến lúc đó mới được chứng kiến những khán đài đầy ắp khán giả.

VFF quyết định "Nam tiến", không chỉ tuyển quốc gia, mà còn cả U23 Việt Nam. Có thể, VFF phải làm vậy vì không đủ kinh phí thuê sân Mỹ Đình, hay tuyển Việt Nam luôn bị cái dớp... từ hòa đến thua khi đá giải chính thức trên sân này.

Tuy nhiên, có một lí do khác thuyết phục hơn, đủ để những người làm bóng đá phải suy nghĩ thực sự với ý tưởng đưa đội tuyển quốc gia vào phía Nam (cụ thể là TP.HCM) thi đấu.

Đó là khán giả. Một ngày hội đã diễn ra trên sân Thống Nhất hôm qua, điều mà Hàng Đẫy, Mỹ Đình không thể đảm bảo mỗi khi đội tuyển ra sân trong khoảng thời gian này.

2. Theo chia sẻ của chị Lê Thị Duy - thành viên Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam VFS, khoảng 85% chỗ ngồi trên sân Thống Nhất hôm qua đã được lấp đầy. Không chỉ có người dân TP.HCM, mà người hâm mộ đến từ các tỉnh lân cận như Vũng Tầu, Long An, An Giang, Kiên Giang hay Bình Định cũng cất công đến sân để chứng kiến đội tuyển thi đấu.

Video: Việt Nam 0-0 Jordan

Hàng vạn cổ động viên đã tạo ra bầu không khí cuồng nhiệt trên các khán đài. Những tiếng hò reo không ngừng trong 90 phút là động lực để Tuấn Anh, Xuân Trường cùng các đồng đội nỗ lực trước đối thủ được đánh giá cao hơn. Không quá khi nói, tài năng của thủ thành Đặng Văn Lâm cùng sự giúp sức của "cầu thủ thứ 12" đã giúp tuyển Việt Nam giữ 1 điểm ở lại sân Thống Nhất.

Mới đây nhất, Campuchia đã bất ngờ quật ngã Afghanistan với tỉ số 1-0 trước sự ủng hộ của đông đảo cổ động viên nhà. Được đá giữa "biển người" luôn tạo cảm giác rất sung. Đó không chỉ là sự ủng hộ, mà còn là niềm tin. Được tin yêu, ai chẳng thích!

anh4_zing

 Khán giả ngồi kín sân Thống Nhất để cổ vũ tuyển Việt Nam. (Ảnh: Zing)

Cách đây không lâu, trận giao hữu giữa U20 Việt Nam và U20 Argentina cũng diễn ra giữa 4 khán đài chật kín. U23 Việt Nam đánh bại U23 Malaysia trong trận giao hữu đầu năm trước sự theo dõi của rất nhiều khán giả. Bầu không khí đáng mơ ước, và xem ra VFF đã đúng.

Một chút lo ngại cho "chảo lửa" Thống Nhất, khi mặt sân không đảm bảo chất lượng. Dẫu vậy, cải tạo mặt sân là chuyện có thể thực hiện được bằng tiền, song tình yêu bóng đá là thứ không giá nào mua được.

"Cổ động viên phía Bắc có thể "máu" hơn phía Nam, nhưng người miền Nam vẫn rất hào hứng đi xem tuyển khi lâu lâu có một trận" - chị Duy chia sẻ.

Hà Nội đang có xu hướng "hạ nhiệt" sau quãng thời gian "bội thực" bóng đá. Vậy thì dịch chuyển vào Nam, để đội tuyển cùng người hâm mộ kết nối trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.

vietnam-jordan-28 29

Tuyển Việt Nam (áo đỏ) thắp lại tình yêu của người hâm mộ phía Nam với bóng đá. (Ảnh: Hoàng Tùng)

3. Tại sao đôi bên cùng có lợi? Bởi người hâm mộ tiếp lửa cho đội tuyển, còn đội tuyển lại thắp lên tình yêu bóng đá đang bị thử thách ở đất Sài Thành nói chung và miền Nam nói riêng.

Thống Nhất đang rất nhớ những trận cầu đầy ắp người xem. Cả Sài Gòn FC và CLB TP.HCM - những đại diện thành phố đang chơi bóng ở V-League chưa đủ khiến khán giả nơi đây thỏa mãn. Theo thống kê, chỉ có khoảng vài nghìn khán giả đến xem hai đội bóng nói trên thi đấu. Cuộc so tài giữa Sài Gòn FC và Quảng Nam thậm chí chứng kiến vỏn vẻn... 350 khán giả - thấp kỷ lục.

Khán giả hết nhiệt, một phần vì bóng đá nơi đây không còn sản sinh ra nhiều gương mặt chất lượng. Có bao nhiêu gương mặt đến từ Sài Thành đang chơi cho đội tuyển quốc gia, bao nhiêu người chơi cho U23 Việt Nam? Hai đội bóng Sài Gòn FC và CLB TP.HCM vừa lập ra "Liên quân TP.HCM" để giao hữu với Gangwon, với số lượng cầu thủ "bản địa" khiêm tốn. Tình cảnh tương tự diễn ra ở Long An, Bình Dương hay Cần Thơ.

aa 3

 Sân Cần Thơ chật cứng khán giả khi tuyển Việt Nam thi đấu giao hữu.

Do đó, sự có mặt của tuyển Việt Nam cùng U23 Việt Nam (trong chiến dịch vòng loại U23 châu Á sắp tới) có thể thu hút khán giả đến sân nhiều hơn. Khán giả xem nhiều, nhà tài trợ mới để ý và đầu tư hơn nữa vào bóng đá. Bóng đá phát triển, mới kéo theo người hâm mộ tin yêu trở lại. Một vòng tuần hoàn quen thuộc.

Mỹ Đình sẽ nhớ đội tuyển trong một thời gian. Nhưng đội tuyển cần cú hích, bóng đá phía Nam và người hâm mộ cũng vậy.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn