Nam sinh gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Giáo dụcThứ Sáu, 25/04/2014 07:58:00 +07:00

(VTC News)- Một du học sinh tại Mỹ muốn gửi gắm những tâm huyết của mình về các vấn đề giáo dục tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

(VTC News)- Một du học sinh tại Mỹ muốn gửi gắm những tâm huyết của mình về các vấn đề giáo dục tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Chia sẻ với VTC News, Mai Đức Anh (hiện tại đang học tại ĐH Truman State, Mỹ) cho biết cậu rất vui khi mọi người đón nhận bức tâm thư này.

Chàng trai này chia sẻ thêm: “Ngoài những nội dung có ở trong thư thì em muốn truyền tải thêm thông điệp về tinh thần du học sinh, cụ thể là lòng yêu nước và nhiệt huyết tuổi trẻ. Đây là những điều có giá trị gửi lắm lớn hơn bất kì câu chữ nào ở trong bài”.

“Phó Thủ tướng là người rất có tâm, có tài mà em hết sức kính trọng. Em tin rằng Phó Thủ tướng sẽ đón nhận được thông điệp này từ những du học sinh như em với khao khát được đóng góp cho đất nước”, Mai Đức Anh bày tỏ hy vọng.
Du học sinh Mai Đức Anh
Du học sinh Mai Đức Anh 

VTC News xin được trích nguyên văn bức thư của bạn Mai Đức Anh:

"Kính gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,

Sẽ thật khó để một người bận trăm công nghìn việc dành thời gian cho những gì cháu đang viết, nhưng trước tình trạng “chảy máu chất xám” ngày càng diễn ra phổ biến và nghiêm trọng, với mong muốn được đóng góp cho đất nước, cháu vẫn bạo gan viết lá thư này gửi tới Phó Thủ tướng với hi vọng sẽ nhận được sự quan tâm lớn hơn của các bậc lãnh đạo nhà nước về hiện tượng kể trên.

“Chảy máu chất xám” ở đây được định nghĩa là việc những người có tài năng và điều kiện ra nước ngoài học tập, làm việc rồi không quay trở về quê hương.

Đây không chỉ là nỗi lo của một quốc gia về nguồn nhân lực tương lai, mà qua đó, thực trạng này còn phản ánh lên cách mà nhân tài Việt Nam vẫn đang được đối xử. Dưới góc nhìn của một du học sinh, cháu xin được nêu ý kiến để nói rõ hơn về điều này.


Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, được giáo dục về lòng yêu nước và truyền thống gia đình ngay từ nhỏ, thật khó tin có ai lại muốn nghĩ đến việc xa đất nước, xa gia đình lập nghiệp và bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng.

Nhưng đáng buồn khi có đến 70% du học sinh (theo ước tính của các chuyên gia) không trở về nước sau khi tốt nghiệp và con số này vẫn gia tăng.

Điều đó cho thấy có những nguyên nhân lớn hơn dẫn đến việc họ phải tạm gạt đi những nhu cầu về đời sống tình cảm cá nhân để theo đuổi sự nghiệp nơi đất khách quê người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: TTO)
Nguyên nhân đầu tiên nhiều người nhắc đến là nền kinh tế chưa phát triển, dẫn đến việc thu nhập của những người tài chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cần thiết.

Tuy không phủ nhận rằng lí do liên quan đến “miếng cơm manh áo” là hợp lý khi con người cần đầu tư thời gian và công sức để phát huy khả năng và cống hiến cho xã hội hơn là lo lắng sao cho đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản thường ngày, nhưng cháu cho rằng việc vin vào nguyên nhân này là sự bao biện cho việc đánh mất nhân tài nhiều hơn là một vấn đề cần giải quyết.


Bởi lẽ, nếu nhân tài ra đi chỉ vì vấn đề vật chất thì nạn “chảy máu chất xám” mang một ý nghĩa tạm thời. Có nghĩa là sau khi tích lũy được tri thức, kinh nghiệm cùng với lượng tiền bạc cần thiết thì những người đang ở nước ngoài sẽ không do dự đầu tư về nước, gửi tiền về cho gia đình hay thậm chí là quay trở về quê hương làm việc với kĩ năng tốt hơn, mạng lưới xã hội rộng hơn và không còn gánh nặng về tiền bạc nữa.

Lượng kiều hối không nhỏ mà mỗi năm nước ta nhận được là minh chứng rõ rệt cho sự bù đắp lượng chất xám chảy đi.


Hơn nữa, có nhiều người mang những thuận lợi họ tích lũy được ở nước ngoài về xây dựng đất nước hoặc trở thành những “trung gian” nhằm phát triển cơ hội làm ăn với các đối tác quốc tế.

Ví dụ điển hình mà nhiều người biết đến là giáo sư Ngô Bảo Châu. Cháu tin chắc khó có ai có thể đảm bảo sự thành công của giáo sư nếu giáo sư công tác tại Việt Nam, nhưng việc giáo sư về nước bán thời gian đã trở thành một cầu nối quan trọng cho sự phát triển của ngành toán học nước nhà.


Vì vậy, việc kinh tế chưa phát triển không phải là nguyên nhân đáng lo ngại cho nạn “chảy máu chất xám” về lâu dài.

Hơn thế, tự nhận thức được rằng kinh tế chưa phát triển càng phải làm cho chúng ta nỗ lực gấp đôi gấp ba trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề chất xám nan giải thay vì tự biện hộ và không tìm ra giải pháp hợp lý.


Nguyên nhân thứ hai, nguyên nhân cháu muốn nhấn mạnh, chỉ gói gọn trong hai từ là “CHÍNH SÁCH”. Không tạo được điều kiện thuận lợi cho nhân tài phát triển hay chính nhân tài cảm thấy không có chỗ để mình phát triển là điều cháu muốn nhắc đến. Cháu xin nêu ra mấy ví dụ có gợi ý giải pháp đi kèm để nói rõ hơn về điều này:

Ví dụ đầu tiên về giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong một lần chia sẻ có nói về nỗi lo của mình khi Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học được thành lập là làm sao có thể “nuôi” được các viện sỹ từ nước ngoài trở về với mức lương chỉ ba triệu đồng/tháng.

Một giải pháp giáo sư đưa ra là Viện tự sản xuất các sản phẩm công nghệ cao dựa trên thực tế Việt Nam có thể tự nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm này mà không cần nhập ngoại để tăng thêm thu nhập cho các viện sỹ. Song, theo giáo sư thì tiếc rằng nhà nước không đầu tư cho Viện để thành lập xưởng sản xuất này.


Quả thật đây là một giải pháp rất hay không chỉ trong trường hợp này mà còn áp dụng được một cách hệ thống khi các trí thức có khả năng tự làm ra sản phẩm để nâng cao thu nhập cho chính mình mà không cần đến việc tăng lương.

Cháu không am hiểu về các thủ tục nên không biết thực hiện điều này có những khó khăn gì nhưng cháu băn khoăn không hiểu tại sao khi đây là một giải pháp hợp lý nhằm thu hút nhân tài lại không được giúp đỡ thực hiện.

Trực thăng "Made in Vietnam"
Trực thăng "Made in Vietnam" 
Ví dụ tiếp theo là đầu tháng 3 năm 2014 đã có một sự kiện nổi tiếng khi thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng tại quận Long Biên, Hà Nội đã bị công an lập biên bản và phải dừng toàn bộ việc nghiên cứu, chế tạo máy bay trực thăng.

Việc ngăn chiếc máy bay không đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật bay lên trời là cần thiết, nhất là khi sự an toàn tính mạng con người có thể bị đe dọa nhưng đằng sau câu chuyện thì lại một lần nữa việc tạo điều kiện cho nhân tài được nhắc đến.


Một sự thật là mặt bằng chung dân trí nước ta chưa cao nên không bất ngờ khi nhiều người dân không am hiểu luật pháp.

Những người hành luật hiểu điều này, nhưng song song với việc cơ quan chức năng vào cuộc thì không có ai thay mặt nhà nước đứng ra để hướng dẫn anh tìm đến các nhà khoa học và các kĩ sư chuyên môn để nâng cao an toàn và hoàn thiện sản phẩm?


Ở Mỹ một thời gian, cháu nhận thấy tại đây người ta chú trọng việc phát triển tài năng cá nhân như thế nào. Nếu những nhà sáng chế trong nước biết được câu chuyện về những đứa trẻ bên này với những ý tưởng sáng chế được các nhà tài trợ, các tổ chức tự tìm đến hỗ trợ về mặt tài chính thì không hiểu các anh sẽ cảm thấy buồn ra sao.

Có thể chúng ta chưa dồi dào về mặt tài chính để đầu tư vào những nhà sáng chế tiềm năng nhưng việc giới thiệu những con người này đến với những người có chuyên môn và am hiểu luật pháp đâu có khó khăn gì?

Cháu biết tại miền Bắc có câu lạc bộ hàng không nhưng những “nhà khoa học chân đất” như anh Thắng liệu có biết?

Tàu ngầm trường sa
Tàu ngầm Trường Sa 
Trường hợp tương tự như anh Thắng trước đó cũng đã xảy ra khi ông Nguyễn Quốc Hòa chế tạo thành công tàu ngầm mini nhưng chỉ cần đưa tàu xuống biển thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Lí do được đưa ra là vì chưa có “tiền lệ” với những phương tiện trên biển.

Đã là cái mới, là khoa học thì làm sao có tiền lệ được? Hay đúng hơn, “tiền lệ” phải được chính con người tạo ra trước những khát khao chính đáng của mình chứ cứ ngồi chờ thì bao giờ mới xuất hiện?

Nếu sự thực thi pháp luật không nằm ngoài những điều cứng nhắc thì bao giờ những nhà sáng chế Việt Nam mới có thể tự có chỗ đứng cho riêng mình?


Bạn đọc có đồng ý với những ý kiến của Mai Đức Anh. Xin gửi góp ý vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn