Nam Cường có ‘ăn gian’ diện tích của khách hàng?

Kinh tếThứ Tư, 23/10/2013 02:30:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều khách hàng mua dự án Lê Văn Lương Residential tố chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường “ăn gian” diện tích.

(VTC News) – Cho rằng phần khung, hộp kỹ thuật thuộc sở hữu chung nhưng lại được tính vào diện tích căn hộ, nhiều khách hàng mua dự án Lê Văn Lương Residential tố chủ đầu tư “ăn gian” diện tích.

Phản án lên báo điện tử VTC News, anh Bắc – một khách hàng mua dự án Lê Văn Lương Residential cho biết, trong hợp đồng mua bán giữa khách hàng với chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường ghi rõ phần cột khung, hộp kỹ thuật thuộc sở hữu chung. Tuy nhiên, khi tính diện tích căn hộ chủ đầu tư lại cộng cả diện tích này vào và buộc cư dân trả tiền.

Lê Văn Lương Residential
Dự án Lê Văn Lương Residential 
Theo đó, căn hộ 54,44 m2 của anh Bắc sẽ mất gần 2 m2, giá hơn 24 triệu đồng/m2 sẽ phải trả thêm gần 40 triệu đồng. Còn một căn có diện tích 65 - 80 m2 sẽ phải mất khoảng 2 m2 cột, tương đương thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Trong văn bản trả lời khách hàng về cách tính diện tích này, ông Lê Duy Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Hà Tây (Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội) cho rằng cách tính diện tích căn hộ của Nam Cường là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, cách tính theo tim tường bao được quy định rõ trong hợp đồng và phù hợp với điều 21 thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 quy định cách tính diện tích căn hộ theo 2 phương thức: Tính thông thủy hoặc tính tim tường bao.

Cũng theo Nam Cường, khi xây dựng giá bán cho từng căn hộ, mỗi m2 xây dựng được tính cả phần diện tích cột, hộp kỹ thuật.

“Trường hợp diện tích căn hộ tính theo cách đo thông thủy như khách hàng đang hiểu thì đương nhiên đơn giá bán căn hộ sẽ được điều chỉnh tương ứng, đảm bảo tổng giá bán căn hộ sẽ không thay đổi so với các tính diện tích từ tim tường”, ông Mạnh cho biết.

Ngoài ra, đại diện Nam Cường cho biết, để khách hàng có đầy đủ thông tin về căn hộ, khi tiến hành mở bán, mỗi khách hàng đều được phát một bản mặt bằng thể hiện rõ vị trí cột, hộp kỹ thuật trong từng căn hộ.

Vì vậy, khi khách hàng chấp nhận ký hợp đồng tức là đã biết rõ về điều này. Thỏa thuận đã được chấp nhận, vì vậy khách hàng cần tuân thủ đúng theo những quy định đã ký.

Còn theo ông Lê Ngọc Thăng - Trưởng ban Kinh doanh của Nam Cường, công ty đồng ý cột, hộp là sở hữu chung, nhưng phần diện tích cột, hộp chiếm chỗ là sở hữu riêng.

Không đồng tình với phần trả lời này, anh Bắc đặt vấn đề: “Nếu tính diện tích các bộ phận đó vào diện tích căn hộ và buộc chúng tôi phải trả tiền, khi đó, sẽ là phần sở hữu riêng. Nếu đã là sở hữu riêng, có nghĩa là chúng tôi được quyền đập bỏ cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật. Khi đó, kết cấu tòa nhà liệu tránh khỏi nguy hiểm?”.

Để làm sáng tỏ vấn đề, phía khách hàng và chủ đầu tư cùng thống nhất sẽ gửi văn bản lên hỏi Bộ Xây dựng để làm căn cứ giải quyết.

Phía khách hàng đề nghị trong thời gian chờ trả lời thì không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích cột, hộp được tính vào sàn căn hộ. Tuy nhiên, đại diện Nam Cường không đồng ý và đề nghị phải tuân thủ theo hợp đồng đã ký.

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật BQH và cộng sự, lý do khiến cho tranh chấp về cách tính diện tích luôn “căng thẳng” vì ngay trong các quy định của pháp luật cũng có sự không rõ ràng.

Cụ thể, luật Nhà ở 2005 và Nghị định 71 đều quy định phần cột khung chịu lực, hộp cột kỹ thuật là sở hữu chung không được bán.

Tuy nhiên, cách tính diện tích căn hộ theo tim tường được quy định tại chính Nghị định 71 năm 2010, và Thông tư 16 hướng dẫn chi tiết Nghị định 71 thì phần diện tích cột và hộp kỹ thuật này lại quy định đo từ tim tường đến tim tường.

Chính sự mập mờ này đã khiến cho hàng loạt các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ “bùng nổ” thời gian gần đây.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn