Năm 2045, con người sẽ bất tử hay tuyệt chủng?

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 21/03/2012 10:44:00 +07:00

Tại Hội nghị về bản thể con người năm 2011, các nhà tương lai học dự đoán: 30 năm sau, loài người hoặc biến mất, hoặc đạt đến sự bất tử.

Tại Hội nghị về bản thể con người năm 2011 (Singularity Summit 2011) ở New York, Mỹ, các nhà tương lai học dự đoán: 30 năm sau, loài người hoặc biến mất, hoặc đạt đến sự bất tử.

Singularity Summit lần thứ V vừa kết thúc tại New York, với sự tham gia lần đầu của các đại biểu đến từ Nga. Luận đề chính của hội nghị: chẳng bao lâu nữa, nền văn minh nhân loại sẽ mở ra những chân trời công nghệ rộng lớn chưa từng có và con người sẽ phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn đến mức không thể “tiêu hóa” nổi.

Thời điểm này được gọi là điểm kỳ dị công nghệ. Từ lâu rồi, người ta đã nói đến sự bùng nổ chết người này, nhưng giờ đây, các nhà khoa học đã ấn định như đinh đóng cột rằng tình trạng ấy sẽ diễn ra từ năm 2045!

Điểm nổ

Theo nhà tương lai học người Mỹ Ray Kurzweil, hiện nay chúng ta đang đứng trước bước đột phá trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao, công nghệ nano, nhưng cộng đồng khoa học vẫn còn lúng túng trong việc truyền đạt và ứng dụng các kiến thức mới.

Kurzweil và các đồng sự tin chắc rằng sẽ đến một ngày mà ngay cả những bộ óc vĩ đại nhất cũng không thể giải thích nổi những gì đang xảy ra trong khoa học, công nghệ. Khối lượng kiến thức của chúng ta phát triển theo cấp số nhân và sau 30-35 năm nữa, con người không thể dung nạp nổi những cái mới mà khoa học mang lại. Công nghệ tiến bước quá nhanh, khiến con người bình thường không theo kịp.

Robot sẽ thông minh hơn con người? 

Các nhà tương lai học khẳng định rằng điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chủ đề của cuộc tranh luận vẫn là câu hỏi quan trọng nhất. Cụ thể: vai trò và vị trí của nhân loại trên hành tinh này sẽ ra sao khi con người không còn theo kịp với công nghệ do chính mình tạo ra?

Theo ước tính của Kurzweil, khoảng năm 2025, chúng ta có thể làm ra não người nhân tạo; năm 2029, máy tính tiến rất gần đến mức độ trí tuệ của con người; năm 2045, trí tuệ nhân tạo sẽ vượt 1 tỉ lần khả năng hiện tại của trí tuệ con người.

Lúc đó, những bộ máy có trí tuệ không chỉ biết suy nghĩ mà còn suy nghĩ nhanh hơn, tốt hơn so với con người, có thể làm hầu như bất cứ điều gì thay cho con người, vốn là những kẻ tạo ra chúng. Nhân loại chỉ có thể thống lĩnh trí tuệ nhân tạo nếu bản thân cũng tự thay đổi về cơ bản.

Kurzweil tiên đoán: “Công nghệ sinh học sẽ tạo cho chúng ta cơ hội để thay đổi ở cấp độ phân tử không chỉ cơ thể mình mà còn cả thế giới. Bộ gien người sẽ được chương trình máy tính tạo ra để được kiểm tra, tối ưu hóa và nếu cần thiết thì thay đổi theo chiều hướng hợp lý hơn”.
Có thể trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng ta tìm được cách chiến thắng tuổi già và kéo dài sự sống gần như vô hạn. Cũng có thể con người sẽ sao chép ý thức và tâm trí của mình vào máy tính để rồi sống mãi trong máy như một chương trình.

Nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề “di dời” ý thức vào máy tính hoặc làm cho cơ thể trở thành bất tử, nhân loại sẽ quên đi tuổi già và bệnh tật. Đó không phải là giấc mơ hão huyền. 6 năm nay, nhà sinh lý học thần kinh Henry Markrem cố gắng tạo ra một bản sao ảo của bộ não động vật có vú.

Hiện tại ông đã có thể sao chép một phần vỏ não của chuột, gồm khoảng 10.000 tế bào thần kinh. Markrem khẳng định rằng sau 10 năm nữa, ông sẽ tạo được bộ não con người ảo. Như vậy, cơ thể người nhân tạo và sự bất tử không còn là chuyện xa vời.

Ký sinh trùng có lý trí

Theo các nhà khoa học, sự xuất hiện người nhân tạo không chỉ do áp lực từ đời sống máy hóa mà còn do mối đe dọa không ít nghiêm trọng xuất phát từ thiên nhiên.

Viện sĩ Alexander Spirin, một nhà hóa sinh nổi tiếng, cảnh báo: “Sẽ sai lầm nếu cho rằng sinh quyển không có cách tự vệ trước sự xâm lấn và tàn phá của con người. Sinh quyển sẽ không cam chịu chờ đợi số phận buồn mà con người mang đến. Con người luôn tự hào rằng mình làm chủ thiên nhiên nhưng lại quên mất rằng thực ra mình cũng chỉ là một trong hàng triệu loài do chính thiên nhiên tạo ra.

Xét trên quan điểm sinh thái học thì con người chỉ là một ký sinh trùng, mặc dù có lý trí, sống bám vào thiên nhiên, “bòn hút” năng lượng và vật chất của thiên nhiên. Trên thực tế, sinh quyển đã tồn tại hàng trăm triệu năm trước khi con người xuất hiện, vậy thì trong tương lai, nó cũng vẫn có thể tồn tại mà không cần có con người”.

Số lượng các đại diện của loài Homo sapiens hiện nhiều gấp hàng chục ngàn lần so với bất kỳ loài nào có khoảng kích thước tương đương. Chắc chắn sinh quyển sẽ phát triển một “chương trình hành động” để đối phó với kẻ xâm lược nguy hiểm là con người, nhằm giảm thiểu tác hại mà kẻ đó gây ra.

Có thể là cuộc tấn công nhắm vào các Homo sapiens đã bắt đầu. Theo viện sĩ Spirin, một trong những đòn trừng phạt của thiên nhiên là sự lây lan toàn cầu hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), với sức mạnh của một phương tiện hủy diệt hàng loạt. Xét trên một mặt khác, đại dịch AIDS có tác dụng răn đe, hạn chế hiện tượng quan hệ tình dục bừa bãi, hướng con người tuân thủ chế độ một vợ một chồng và rất có thể sẽ làm giảm đáng kể tiềm năng tình dục của con người.

Sự biến đổi di truyền ở vùng sinh dục chắc chắn sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu tâm lý con người - giảm năng lực sáng tạo và tiềm năng cảm xúc, làm suy giảm khả năng kháng stress, v.v. Nhiều khả năng sự thay đổi đáng kể trong kiểu gien của con người sẽ phát sinh một loài mới - Innoxius Homo, con người an toàn.

Từ quan điểm về các giá trị hiện đại của con người thì kết quả này tất nhiên có nghĩa là suy thoái. Nhưng về mặt sinh thái cấp thiết, phải gọi đó là hiệu quả. Có thể còn có các hình thức tấn công khác của sinh quyển nhắm vào khả năng sinh sản và trí thông minh của con người.

Liệu có thể ngăn chặn quá trình “hủy diệt” này? Khoa cổ sinh vật học và khảo cổ học đã chứng minh rằng vì sự bất hoàn hảo của bộ gien người, nhân loại có thể đã tuyệt chủng từ lâu, nếu không thể tự thoát ra khỏi chương trình giống loài của mình.

Tính độc đáo và sức mạnh của con người thể hiện trong khả năng vượt qua các loại thử thách và khắc phục những mặt hạn chế của chính mình. Vì vậy, nếu con người hiện đại tiêu xài phung phí lưng vốn sinh thái, quỹ gien, hệ miễn dịch... của mình thì đương nhiên phải trả giá bằng cách phải điều chỉnh trạng thái tâm lý, tích hợp vào đó một hệ giá trị bao gồm cả năng lực tự tiến hóa, kỹ năng sinh tồn và thích nghi, v.v.

Con đường sửa sai

Về con người, còn có hàng trăm chuyện đáng nói. Nhưng dù sao, ở tuyệt đỉnh tiến hóa, vấn đề về sự bất tử của con người luôn được đặt lên hàng đầu. Theo các nhà tương lai học, cách dễ nhất và ngắn nhất để đạt được mục tiêu đã xác định và vượt qua những rủi ro nghiêm trọng là làm thế nào để con người thay đổi chính mình, với sự trợ giúp của máy móc và trí thông minh nhân tạo.

Rất có thể, điều đó sẽ xảy ra với một thực tế là sự tiến hóa luôn luôn chọn những biện pháp tối ưu nhất, hợp lý nhất để cải thiện và hoàn thiện giống loài.

Tuy nhiên, vẫn còn một đôi điều gây thắc mắc, chẳng hạn đây có phải là sự tiến hóa tự nhiên mà người ta vẫn thường tranh cãi từ thời Darwin cho đến nay? Có phải mọi chuyện sẽ kết thúc ở một điểm kỳ dị để rồi mọi thứ bắt đầu sinh ra từ đó? Phải chăng từ nay sẽ không còn bất cứ điều gì phụ thuộc vào thiên nhiên?

Bá DuyTạp chí Thế giới mới
Bình luận
vtcnews.vn