Năm 2011, nguồn nguyên liệu gây khó cho DN thủy sản

Kinh tếThứ Sáu, 11/02/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP: việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu sẽ gây khó cho các DN chế biến thủy sản trong năm 2011.

(VTC News) - Trao đổi với VTC News trong buổi ra quân đầu năm Tân Mão 2011 tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, một trong những doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu hàng đầu ở Đà Nẵng, ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng: việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu sẽ tiếp tục gây khó cho các DN chế biến thủy sản trong năm 2011.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP, 2011 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với các DN sản xuất.
- Theo ông, 2010 có phải là năm quá khó khăn của các DN nói chung và ngành thủy sản Việt Nam nói riêng? VASEP đã có những động thái gì để hỗ trợ DN?.

Có thể nói 2009 và 2010 là hai năm khó khăn của các DN Việt Nam chứ không riêng ngành chế biến thủy sản. Những tác động từ suy thoái kinh tế, tăng cao của nguyên liệu đầu vào, xăng dầu… khiến các DN sản xuất Việt Nam gặp khó khăn. Nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa.

Tuy nhiên trong 2 năm qua, nếu DN nào tìm được hướng đi, đứng vững được thì gặt hái được thành công nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhiều DN biết tận dụng chính sách hỗ trợ để duy trì sản xuất, nuôi sống lực lượng công nhân, tuyển lao động có tay nghề cao nhưng chi phí thấp…

Với vai trò của VASEP, chúng tôi cũng đã làm nhiều việc để giúp các DN chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam vượt khó. Đó là những kiến nghị, những văn bản mang tính hệ thống từ cấp địa phương đến trung ương về các chính sách tạo điều kiện cho ngành Chế biến thủy sản Việt Nam phát triển. Từ chuyện con cá tra ở thị trường thế giới, danh mục đỏ của WWF, sản phẩm tôm xuất khẩu, các mặt hàng thủy sản có giá trị khác cho đến công tác nuôi trồng nguồn nguyên liệu… sao cho các doanh nghiệp phát triển ổn định.

- Có những thời điểm, các DN thủy sản phải nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo các đơn hàng với đối tác, vậy đâu là giải pháp để các DN chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam phát triển ổn định, thưa ông?


Đây là vấn đề chung của cả Hiệp hội VASEP chứ không riêng mỗi DN chế biến xuất khẩu thủy sản. Việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu nuôi trồng và đánh bắt đã có lúc đẩy các DN vào tình thế buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Ngoài ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng thả nổi... thì việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu càng "gây khó" cho các DN chế biến thủy sản trong năm 2011. 

2011 sẽ là năm khan hiếm về nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu. Mặc dù nước ta thuận lợi về môi trường thủy sản khi sở hữu hơn 3.200km bờ biển, nhưng nguồn khai thác từ biển đang cạn kiện, không đáp ứng ổn định nhu sản xuất của DN, đặc biệt là loài có giá trị kinh tế cao; Trong khi đó, nguồn nguyên liệu nuôi trồng mang tính mùa vụ, thiếu chuyên nghiệp và thiếu bền vững… không đáp ứng đầy đủ mang tính ổn định cho các DN sản xuất.

Đó là chưa nói đến tính bấp bênh về sản lượng và chất lượng thủy sản nuôi trồng trong nước nên các DN phải tính đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu như cứu cánh trong những tình huống bất trắc.

Và để tạo điều kiện phát triển tốt, cần phải có chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững, chuyên nghiệp… hay đúng hơn là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp chế biến thủy sản, tạo thế bền vững và khác biệt cho DN chế biến thủy sản Việt Nam.

- Ông có thể đánh giá những cơ hội giành cho các DN sản xuất và chế biển thủy sản trong năm 2011?


Năm 2011 sẽ làm một năm mà các DN sản xuất nói chung và ngành thủy sản nói riêng sẽ gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế. Đó là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào, cước vận tải, bao bì, lãi suất ngân hàng... trong khi nhu cầu thị trường mãi lực vẫn còn thấp khiến doanh thu giảm sút và tỷ suất lợi nhuận trên giá vốn giảm.

Nếu như năm 2009 và 2010, DN được hỗ trợ về chính sách lãi suất thì năm nay không những không được hỗ trợ mà còn chịu sự tác động nhiều chiều của sự phục hồi kinh tế.

Đó là nhu cầu về nguyên vật liệu, nhu cầu về giá vận chuyển, nhu cầu về vốn tăng lên… trong khi nguồn cung chưa đầy đủ khiến giá mua tăng cao. Đơn cử là chính sách thả nổi lãi suất ngân hàng, điều chỉnh giá nhiên liệu trong nước cộng với hàng rào bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu, sự mất ổn định nền kinh tế của một số thị trường mặt hàng thủy sản Việt Nam chiếm ưu thế khiến sức mua, khả năng xuất khẩu của DN Việt Nam bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, bằng các chính sách điều chỉnh về tiền tệ, tài khóa, các quốc gia tăng trưởng, có nền kinh tế mạnh hơn đẩy khó khăn về phía các quốc gia “yếu” hơn sao cho mang lại lợi cho họ nhiều hơn. Khi đó, chính các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ phải gánh chịu. Tất cả các yếu tố này sẽ đẩy các DN sản xuất Việt Nam vào một năm hoạt động kinh doanh khó khăn.

Ngoài ra, việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu càng "gây khó" cho các DN chế biến thủy sản trong năm 2011.

- Vậy theo ông, DN phải làm gì để có thể vượt qua được những khó khăn sắp tới?

Trong bối cảnh giá vốn thả nổi, các chi phí đầu vào tăng cao… DN cần xác định rõ năng lực của mình. Việc ổn định sản xuất với quy mô hiện tại, tìm kiếm và thực hiện các đơn hàng đúng với sức của mình là cần thiết. Tiếp đến mới tính đến việc thực hiện các đơn hàng dài hơi hơn. Bên cạnh đó, DN cần tham gia những hoạt động chung của Hiệp hội VASEP, để có thể nhận được sự hỗ trợ, tương tác nhất định giữa các bên, giúp hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho DN mình và những DN khác.

- Xin cảm ơn ông!


Bửu Lân



Bình luận
vtcnews.vn