Mỹ - Trung, hai địch thủ so tài trên bàn cờ Đông Á

Tư liệuChủ Nhật, 11/07/2010 06:45:00 +07:00

(VTC News) - Mỹ và Nhật thực sự giật mình khi lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Trung Quốc đã “chọc thủng phòng tuyến”...

(VTC News) - Trong sách trắng quốc phòng năm 2009, giới chức quân sự Bắc Kinh xác định, muốn trở thành cường quốc về mặt quân sự và đủ sức cạnh tranh các lợi ích chiến lược với Mỹ trên toàn cầu, Trung Quốc bắt buộc phải vươn ra biển lớn.

Tầu ngầm tấn công USS Michigan của Hải quân Mỹ. (Ảnh: IE). 

Chiến lược của hải quân nước này thay đổi từ phòng thủ gần bờ sang vươn ra đại dương mà những động thái đầu tiên dễ dàng nhận thấy chính là việc phái tàu hộ tống tới vùng biển Somalia với quy mô, mức độ và tần suất ngày một gia tăng.
 

Bước sang năm 2010, trong khi người Mỹ còn đang mải mê với hai chiến trường chính là Iraq và Afghanistan còn đang bề bộn và công việc tái bố trí sức mạnh quân sự toàn cầu tưởng chừng là cơ hội tốt cho Bắc Kinh thực hiện chủ trương vươn ra biển lớn.  

Tuy nhiên, vẫn có những cuộc “chạm trán” giữa tàu chiến Trung Quốc với tàu Mỹ trên khu vực biển Đông là một phần sóng gió trong quan hệ hai bên năm 2008, 2009. Điều đó có nghĩa, mặc dù Mỹ đang bận rộn ở Trung Đông nhưng không có nghĩa là Mỹ lơ là những lợi ích chiến lược của mình trên các địa bàn khác. 

Cuối tháng 3 và trong tháng 4, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức diễn tập hiệp đồng quy mô lớn trên vùng biển kéo dài từ Malacca đến biển Hoàng Hải và tung ra 2 tàu ngầm, 8 tàu chiến hiện đại nhất của mình cùng lực lượng hậu cần, kỹ thuật khá hùng hậu với thời gian lên tới cả tháng trời.  

Tầu ngầm USS Ohio. 

Mỹ và Nhật thực sự giật mình khi lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Trung Quốc đã “chọc thủng phòng tuyến” mà lâu nay lực lượng quân sự Mỹ vẫn án ngữ ngoài cửa ngõ ra Thái Bình Dương. 
 

Tàu chiến Trung Quốc đã không ngần ngại rẽ qua vùng biển quốc tế gần đảo Okinawa ra Thái Bình Dương. Không đưa ra phát biểu hay bình luận gì đáng chú ý, nhưng sau động thái này, giới chức quân sự Mỹ – Nhật đi lại nhiều hơn để bàn tính một điều gì đó. 

Mỹ là cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới hiện nay là điều không phải tranh cãi, nhưng tham vọng của Bắc Kinh cũng không hề nhỏ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa nhất của mọi xung đột cũng như căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước về mặt quân sự, trong đó người ta chú ý nhiều tới phản ứng của Trung Quốc.  

Phải nói thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ thay đổi đến chóng mặt khiến nhiều lúc Mỹ cũng không kịp phản ứng, thực chất chuyện gì đang xảy ra?

Đầu năm 2010, Bắc Kinh lập tức tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ, thăm viếng cấp cao và giao lưu quân sự giữa hai bên sau động thái Nội các Tổng thống Obama quyết định tiếp tục thực hiện gói hợp đồng bán vũ khí cho đảo Đài Loan trị giá 6,4 tỉ USD ký kết dưới thời Tổng thống Bush. 

Cứ tưởng hai “ông lớn” này giận nhau lâu lắm, nhưng nhiều người đã ngỡ ngàng khi thấy Tư lệnh Hạm đội 7  cùng một số quan chức Lầu Năm Góc có mặt trong phái đoàn đại biểu công du Bắc Kinh lên đến 200 người của Ngoại trưởng Hillary Clinton ngày 24, 25/5/2010 vừa qua. Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã niềm nở tiếp đoàn. 

Tầu ngầm USS Florida. 

Chưa đầy tháng sau, trong khi dự một hội nghị an ninh Đông Nam Á tổ chức tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua, ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates đã bị Bắc Kinh từ chối thẳng thừng khi ông này có nhã ý đến thăm. 
 

Thái độ của Trung Quốc thay đổi 1800 khiến người trong cuộc bối rối chưa biết nên làm thế nào ngoài việc bày tỏ lấy làm tiếc. Nhưng Mỹ cũng chẳng phải đợi lâu, sau những diễn biến trong tháng 6 của cục diện Đông Á, bất ngờ ngày 1/7 vừa qua tướng Mã Hiểu Thiên lại lên tiếng hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Trung Quốc.  

Chắc chắn lý do của sự thay đổi ấy không phải là “chưa kịp lên lịch” như những gì người Mỹ đã áp dụng, đến lúc Bắc Kinh thấy có nhiều điều cần phải bàn với Mỹ thay vì kéo dài cục diện đóng băng. 

Mới đây, ngày 4/7 tờ Bưu điện Hoa Nam lại một lần nữa tiết lộ tin khá bất ngờ, trước khi Bắc Kinh tổ chức cuộc diễn tập này, Washington đã âm thầm điều 3 tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của mình tới án ngữ ở những vị trí quan trọng. Đó là các tàu USS Michigan, được điều tới Pusan, Hàn Quốc; tàu USS Ohio tới vịnh Subic của Philippines và tàu USS Florida tới Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. 

Động thái này không chỉ đơn thuần là sự thị uy của sức mạnh quân sự Mỹ đối với Trung Quốc, trên một bình diện nào đấy động thái này cho thấy Mỹ đã quay trở lại Đông Á. Nếu ai đó vẫn nghĩ Mỹ còn đang vướng bận tại Afghanistan và Iraq thì đó quả là một sai lầm. 

Kỳ cuối:“Sóng gió” ở Đông Á chỉ là trò chơi của Mỹ, Trung 

Tin về tình hình Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á thời gian gần đây



















Hồng Vũ

 

Bình luận
vtcnews.vn