Mỹ sẽ tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi?

Thế giớiChủ Nhật, 09/01/2011 07:39:00 +07:00

(VTC News) - Châu Phi vẫn luôn có vị trí chiến lược quan trọng đối với Mỹ, đồng thời là là “quê hương” của Barack Obama.

(VTC News) - Châu Phi vẫn luôn có vị trí chiến lược quan trọng đối với Mỹ, đồng thời là là “quê hương” của Barack Obama; hơn nữa ngoại giao là con đường có thể “dụng võ”… Vì vậy, rất có thể một vấn đề trọng tâm trong ngoại giao Mỹ năm 2011 là tăng cường quan hệ chiến lược với các nước châu Phi.

Trợ lý Nhà Trắng cho biết, đầu năm 2011 Tổng thống Barack Obama sẽ bắt đầu tăng cường quan tâm chiến lược đối với châu Phi, dự kiến năm 2011 sẽ tăng cường trao đổi với châu Phi, bao gồm quan tâm hơn 30 cuộc bầu cử ở châu Phi, và phương thức can dự, theo các nhà phân tích, có thể là tiến hành tiếp xúc theo mô hình “Bờ Biển Nga”.

Sự “quan tâm” bất thường

Người dân châu Phi chào đón Barack Obama 

Ngày 3/1, hãng tin AP đưa tin, trợ lý Nhà Trắng tin rằng năm nay Obama sẽ tập trung vào châu Phi, chính phủ hiện nay đang quan tâm đến hơn 30 cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong năm nay tại châu Phi, bao gồm các cuộc bầu cử “then chốt” như bầu cử Tổng thống ở Nigeria và Zimbabwe.

Như vậy, Nhà Trắng có thể gửi đi tín hiệu tới cuộc trưng cầu dân ý sắp tới ở miền nam Sudan. Căn cứ vào “Hiệp định Hòa bình Toàn diện” được ký giữa các bên ở Sudan năm 2005, miền nam Sudan sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 9/1 để quyết định xem miền nam có ly khai khỏi quốc gia lớn nhất châu Phi này hay không.

Theo các nguồn tin cho biết, Obama đã đầu tư rất nhiều “vốn ngoại giao” ở Sudan, trong các cuộc hội đàm với một số nhà lãnh đạo nước ngoài, hầu như ông luôn đề cập đến cuộc trưng cầu gần này. Các tổ chức tư nhân Mỹ như Trung tâm Carter cũng đã gửi đoàn quan sát viên hùng hậu đến.

Cuối năm ngoái, khi Obama tổ chức cuộc họp với các trợ lý An ninh Quốc gia, vấn đề đầu tiên không phải là vấn đề hạt nhân Iran hay tình hình bán đảo Bắc Triều Tiên, mà là Sudan.

“Nơi vắng vẻ” châu Phi

Nhà Trắng tiết lộ thông tin này vào đầu năm đã phát đi tín hiệu gì? Phải chăng điều đó có nghĩa Mỹ-châu Phi bước vào thời kỳ “trăng mật”?

Như chúng ta đều biết, châu Phi không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân Obama, mà còn liên quan đến lợi ích to lớn của Hoa Kỳ. Khi Barack Obama mới trúng cử Tổng thống Mỹ, bên ngoài dự đoán rằng Mỹ sẽ tăng cường tiếp xúc với châu Phi.

Nhưng, nhiệm kỳ của Obama đã đi quá nửa chặng đường, Mỹ vẫn tập trung chủ yếu vào cuộc chiến Iraq, chống khủng bố ở Afghanistan, quan hệ Mỹ-Nga, còn châu Phi vẫn trở thành “nơi vắng vẻ” trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Barack Obama thăm một bệnh viện ở Ghana 

Nhà nghiên cứu Lưu Hải Phương, Viện nghiên cứu Tây Á-châu Phi, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, Mỹ từ trước đến nay hoàn toàn không phải “thiếu chỗ ngồi” ở châu Phi, chỉ là “thiếu chỗ ngồi” so với quan hệ Trung-Mỹ, tiết lộ này của Nhà Trắng thực sự “không có gì bất ngờ”, “châu Phi cực kỳ quan trọng về thị trường, tài nguyên và vị trí chiến lược.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính, các quốc gia mới nổi và các nước châu Phi đã cho thấy sức sống kinh tế khá mạnh. Điều đó làm cho một số nước phương Tây xem xét lại quan hệ với châu Phi”.

Trong một thời gian dài, trong con mắt của người phương Tây, châu Phi luôn được xem là “gánh nặng của người da trắng”, điều này khác với trao đổi bình đẳng giữa Trung Quốc và châu Phi, người Trung Quốc càng dễ được người châu Phi đón nhận. Cùng với vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi ngày càng tăng lên, các nước phương Tây và Mỹ đương nhiên có chút bồn chồn, đứng ngồi không yên.

Nhưng quan hệ giữa châu Phi và phương Tây sẽ không được giải quyết trong chốc lát. Ấn tượng để lại là “chính phủ Obama còn theo lối mòn chính sách châu Phi của chính quyền Bill Clinton trước đây, hoàn toàn không có một sự định vị rõ ràng, độ thành thục không cao”.

Mô hình Bờ Biển Ngà

Làm thế nào để tăng cường quan hệ với châu Phi, quan chức Nhà Trắng tin rằng, cách thức Mỹ ứng xử với tình hình bế tắc chính trị Bờ Biển Ngà sẽ có thể trở thành mô hình để Obama tăng cường “tiếp xúc” với châu Phi.

Ngày 2/12/2010, lãnh đạo Bờ Biển Ngà gồm Cựu Thủ tướng AlassaneOuattara và Tổng thống Laurent Gbagbo lần lượt tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Vì vậy, Bờ Biển Ngà rơi vào bế tắc chính trị “1 nước 2 chủ”.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng cho biết, tháng trước Obama đã 2 lần gọi điện cho Gbagbo, một lần được tiến hành trên đường Obama đáp chuyên cơ Tổng thống “Không quân số 1” trở về nước, một lần khác là sau 1 tuần trở về nước.

Hai cuộc điện thoại này đều không thể liên lạc được với Gbagbo. Quan chức Nhà Trắng tin rằng, Gbagbo muốn tránh tiếp xúc với Obama, vì vậy, Obama gửi thư cho Gbagbo, đề xuất nếu Gbagbo sẵn sàng chuyển giao quyền lực, sẽ cấp cho ông ta một “chức vụ quốc tế”.

Những quan chức cấp cao này nói, trong bức thư Obama còn nói rõ, nếu như Gbagbo không muốn từ bỏ quyền lực, thời gian kéo càng dài, tình hình an ninh đất nước sẽ càng phức tạp, thì sự lựa chọn của Gbagbo càng hạn chế hơn.

Phó Trợ lý An ninh Quốc gia của Tổng thống là Rhodes nói, Nhà Trắng nói rõ rằng, Mỹ can dự vào công việc nội bộ của các nước châu Phi có thể được coi là "tò mò", nhưng bối cảnh gia đình Obama có thể làm cho ông đối thoại với các nhà lãnh đạo châu Phi một cách “thẳng thắn độc đáo”.

Một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Obama phải thuyết phục các nước châu Phi tin rằng, liên minh với Mỹ sẽ có lợi hơn cho họ.

Khánh Hưng (Theo Tân Hoa Xã)
Bình luận
vtcnews.vn