Mỹ “hướng Đông” Trung Quốc đối lại bằng “hướng Tây”

Thế giớiThứ Bảy, 08/01/2011 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Lãnh đạo cấp cao TQ dồn dập đến thăm châu Âu đã phản ánh những thay đổi quan trọng trong chiến lược ngoại giao, nguyên nhân có 3 điểm sau

(VTC News) - Đầu năm 2011 lãnh đạo Trung Quốc trước tiên đã đến thăm châu Âu, kế tiếp các chuyến thăm liên tiếp tới châu Âu vào năm 2010. Điều này phản ánh Trung Quốc đang đẩy mạnh ngoại giao “hướng Tây”.

Theo "China Daily", Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt đầu tiến hành chuyến thăm chính thức đến Tây Ban Nha, Đức, Anh từ ngày 4 – 12/1/2011. Đây là hoạt động thăm viếng quan trọng đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc trong năm mới.

Ngày 4/1/2011, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã đến Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, bắt đầu chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha và châu Âu. Quan chức cao cấp chính phủ Tây Ban Nha đã ra sân bay tiếp đón. 

Trước đó, vào tháng 10/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có chuyến thăm đến bốn nước châu Âu gồm Hy Lạp, Bỉ, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, và tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu và Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Âu từ ngày 4 – 6/10/2010. Tháng 11/2010, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đến thăm Pháp và Bồ Đào Nha, đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục có chuyến thăm châu Âu, rõ ràng cho thấy vai trò của châu Âu tăng lên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, phản ánh Trung Quốc đã có sự ứng biến linh hoạt khi đối mặt với sự biến đổi của môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh xu thế chiến lược “hướng Đông” của Mỹ ngày càng rõ ràng, chiến lược “hướng Tây” của ngoại giao Trung Quốc sẽ được tăng cường vào năm 2011.

Mỹ “hướng Đông” thì Trung Quốc “hướng Tây”

Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dồn dập đến thăm châu Âu đã phản ánh những thay đổi quan trọng trong chiến lược ngoại giao, nguyên nhân có 3 điểm sau:

1. Mỹ có chiến lược “hướng Đông”, xây dựng “NATO” phiên bản châu Á để ngăn chặn Trung Quốc, ép nén không gian ngoại giao của Trung Quốc ở châu Á, từ đó buộc Trung Quốc tìm kiếm bước đột phá ngoại giao ở nơi khác.

Sự kiện 11/9 năm 2001 đưa sự chú ý của Mỹ chuyển tới Iraq và Afghanistan, do đó khiến cho Trung Quốc giành được thời cơ phát triển ngàn năm hiếm có. Trong thời gian chưa đến một thập kỷ, Trung Quốc từ nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới đã có bước nhảy vọt trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Khoảng cách sức mạnh quốc gia tổng hợp giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục thu nhỏ, làm cho Mỹ có “cảm giác nguy cơ” rất mạnh. Vì vậy, trong tình hình sa lầy vào cuộc chiến Afghanistan, vào đầu năm Mỹ đã công bố chiến lược Afghanistan mới, với ý đồ "rút lui" khỏi Afghanistan, tập trung vào đối phó với Trung Quốc.

Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thực hiện chuyến thăm châu Á, ráo riết lôi kéo các nước châu Á, đồng thời cùng Hàn Quốc “trình diễn cơ bắp” với Trung Quốc tại biển Hoàng Hải.

Tiếp theo, sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, Tổng thống Barack Obama cũng đã thực hiện chuyến thăm châu Á. Mỹ dồn dập như con thoi giữa các nước châu Á, đồng thời có ý đi vòng quanh Trung Quốc, đương nhiên là họ có tính toán chiến lược quan trọng.

Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng và ý thức chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh, Mỹ ý thức được rằng, chiến lược "hướng đông" đã trở nên thiết yếu không thể chậm trễ.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm Pháp tháng 11/2010.

Một trong những biện pháp thực hiện chiến lược này chính là xây dựng “NATO” phiên bản châu Á để ngăn chặn Trung Quốc, ép nén không gian ngoại giao Trung Quốc ở châu Á, từ đó kiểm soát vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc trong phạm vi có thể kiểm soát của mình
.

Đối với chính sách "hướng đông" của Mỹ, Trung Quốc đã có sự cảnh giác rất cao. Một mặt, đối với việc Mỹ có ý đồ thách thức điểm giới hạn của Trung Quốc, thì Trung Quốc công khai phản đối, chẳng hạn Mỹ-Hàn tập trận trên biển Hoàng Hải. Mặt khác, Trung Quốc cũng tích cực tìm kiếm bước đột phá ngoại giao để giảm bớt áp lực ngoại giao ở châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc tích cực triển khai ngoại giao châu Âu.

Trung Quốc phải tìm không gian ngoại giao lớn hơn

2. Trung Quốc và các nước láng giềng liên tiếp có tranh chấp ngoại giao, khiến cho môi trường ngoại giao của Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng. Họ buộc phải tìm kiếm bước đột phá và không gian ngoại giao lớn hơn.

Bước vào năm 2010, tình hình châu Á “nổi sóng nổi gió”, đặc biệt là giữa Trung Quốc và các nước láng giềng xảy ra tranh chấp ngoại giao liên tiếp, khiến cho môi trường ngoại giao của Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng.

Sự kiện tàu chiến Choenan tháng 5/2010 làm cho Hàn Quốc rất không hài lòng với lập trường của Trung Quốc trong vụ việc này. Tháng 11/2010, Obama thăm châu Á, liên minh Mỹ-Hàn càng được củng cố hơn.

Đồng thời, quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên từng bước gần gũi. Trong cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên gần đây, Hàn Quốc không hài lòng về việc Trung Quốc không lên án Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Vì vậy, trong tình hình liên minh Mỹ-Hàn ngày càng củng cố và Trung Quốc-Bắc Triều Tiên duy trì quan hệ đặc biệt, dự kiến trong tương lai gần quan hệ Trung-Hàn sẽ không có tiến triển lớn.

Cuối tháng 8/2010, bất chấp bầu không khí hữu nghị kỷ niệm tròn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Ấn, Ấn Độ đã ra sức thổi phồng việc Trung Quốc từ chối cho phép một vị tướng khu vực Kashmir, do Ấn Độ kiểm soát, đến thăm Trung Quốc; đồng thời tuyên bố chấm dứt hoạt động trao đổi với quân đội Trung Quốc.

Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Krishna nói, Ấn Độ vô cùng lo ngại những động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Obama thăm Ấn Độ vào tháng 11/2010 đã khích lệ rất lớn đối với Ấn Độ. Ấn-Mỹ có ý đồ ngăn chặn Trung Quốc về chiến lược là rất rõ ràng. Hơn nữa, vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết, quan hệ Trung-Ấn rất khó có cải thiện lớn.

Tháng 9/2010, vấn đề đảo Điếu Ngư dần dần nóng lên, Trung Quốc và Nhật Bản đều không nhượng bộ lẫn nhau, làm cho quan hệ song phương đi xuống đến mức thấp nhất. Ngoại trưởng Nhật Bản gần đây đến thăm Nam Kinh, Thủ tướng Nhật Bản cũng bày tỏ muốn khôi phục quan hệ với Trung Quốc.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm 4 nước châu Âu tháng 10/2010 

Tuy nhiên, việc củng cố liên minh Nhật-Mỹ và
“cảm giác nguy cơ” của Nhật Bản trước tình hình châu Á rối ren đã thúc đẩy Nhật Bản đề phòng hơn đối với Trung Quốc. Gần đây, Nhật còn sửa đổi Đại cương Phòng vệ và tuyên bố mối đe dọa Trung Quốc là một tín hiệu. Vì vậy, quan hệ Trung-Nhật trong tương lai gần không dễ gì “tan băng”.

Cuối tháng 10/2010, các nước ASEAN đã nhất trí để Mỹ, Nga tham gia Cấp cao Đông Á, tiếp tục cho thấy ASEAN muốn cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Cộng với các nước ASEAN và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ (vấn đề biển Đông), Barack Obama lại đến thăm các nước Đông Nam Á, ủng hộ cho họ. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khó đạt được tiến bộ trong thời gian ngắn.

Vì vậy, xét thấy không gian hoạt động ngoại giao của Trung Quốc ở châu Á rất hạn chế, và có thể rơi vào tình trạng cố gắng nhiều mà không đem lại kết quả, Trung Quốc đã lựa chọn sách lược tránh mũi nhọn, chuyến hướng trọng điểm sang châu Âu.

Châu Âu cũng cần Trung Quốc

3. Sự phục hồi kinh tế châu Âu cần nguồn vốn của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, với việc Mỹ phát động chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan, các nước châu Âu vừa cảnh giác vừa không hài lòng với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, mâu thuẫn và sự khác biệt với Mỹ cũng ngày càng gia tăng. Các nước châu Âu cần hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy tiến trình đa cực hóa chính trị quốc tế.

Tổng thống Obama thăm châu Á tháng 11/2010. 

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính
cũng làm cho nền kinh tế các nước châu Âu bị “thương”, để làm giảm tình hình u ám nền kinh tế của họ, nâng cao tỷ lệ việc làm, bảo vệ ổn định xã hội, các nước châu Âu cũng sẵn sàng mở rộng giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc.

Cuối cùng, những biểu hiện của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính lần này cho thấy, Mỹ phải đang tự cứu mình mà ít chú ý đến cảm giác của nước khác, thậm chí hy sinh lợi ích của nước khác để cứu mình ra khỏi nguy nan.

Khi đứng trước khủng hoảng kinh tế, Mỹ “lạm in đô la”, khiến cho toàn cầu rơi vào cuộc chiến tiền tệ, các nước châu Âu đương nhiên cũng phàn nàn vì điều đó. Trong tình hình đó, châu Âu cần hợp tác với Trung Quốc để cải cách hệ thống tài chính quốc tế cũ do Mỹ chi phối.

Trong chuyến thăm Pháp tháng 11/2010 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và các phụ tá cao cấp của ông từng nói thẳng rằng, trong thế giới ngày nay không thể làm bất cứ điều gì nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Mặc dù lời nói đó có ý tâng  bốc Trung Quốc, nhưng cũng đã phản ánh châu Âu cần đến Trung Quốc.

Tóm lại, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn ngoại giao ở châu Á, trong khi ở châu Âu lại có một môi trường ngoại giao tương đối cởi mở. Vì vậy, có thể dự kiến, Trung Quốc sẽ gia tăng nỗ lực ngoại giao đối với các nước châu Âu, tăng cường mối quan hệ Trung Quốc-EU, để đạt được lợi ích cho mình.

V.Dũng(Theo Liên hợp Buổi sáng)

Bình luận
vtcnews.vn