Mức phạt nào cho cô giáo khiến học sinh tử vong?

Giáo dụcChủ Nhật, 18/01/2015 07:17:00 +07:00

Nhiều câu chuyện buồn về cách hành xử của giáo viên đối với học sinh dường như phương pháp ttrồng người' cũ có nguy cơ phục hồi?

Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói: Nếu xét về pháp luật thì hành vi của cô giáo V có dấu hiệu của tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Vì nói chuyện trong giờ học em H đã bị cô giáo dạy bộ môn Công nghệ phạt. Cô giáo bắt em H nằm lên bàn, rồi lấy thước đánh vào mông.

Do có tiền sử bệnh động kinh, em đã ngất xỉu rồi tử vong ngay sau đó. Sự việc vừa xảy ra đã gây phẫn nộ trong dư luận, bởi trước đó đã có rất nhiều câu chuyện buồn về cách hành xử của giáo viên đối với học sinh. Dường như phương pháp “trồng người” cũ có nguy cơ phục hồi?

Đau lòng từ… roi vọt


Sự việc xảy ra vào ngày 9/1/2015, nữ sinh L.T.P.H (lớp 6/7 Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú. TP.HCM) mất trật tự trong giờ học công nghệ. Vì hành vi này mà giáo viên T.T.T.V đã bắt em nằm lên bàn rồi lấy thước đánh vào mông cô bé.

 
Vì quá sợ hãi nên nữ sinh này đã ngất xỉu tại chỗ, sau khi được đưa đi cấp cứu tại Trạm Y tế trường, rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng cô bé đã tử vong.


Mặc dù được xác định nguyên nhân tử vong là do học sinh H có tiền sử bệnh động kinh nhưng sự việc này vẫn gây dư luận xấu, bởi cô giáo này biết học trò của mình có bệnh.

Có lẽ dư luận vẫn chưa quên những sự vụ giáo viên “bạo hành” học trò. Ngày 6/10/2014, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Long, tỉnh Long An thông báo, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Mỹ Quý Đông 2 đã tạm dừng công tác giảng dạy đối với thầy Võ Nhật Hảo do đánh học sinh nhập viện.

Theo thông báo từ trường thì thầy Hảo đã dùng thước kẻ dài 1 mét làm bằng nhôm đánh 14 học sinh lớp 3 ngay trong phòng học. Trong 14 học sinh này có một học sinh đã phải nhập viện. Lý do các em bị đánh là khi thầy kiểm tra bài cũ, vì không học thuộc bảng cửu chương.


Trước đó “sáng kiến” bắt học trò ăn ớt để trị “bệnh” nói chuyện riêng trong lớp của 3 giáo viên tiểu học tại Bình Phước cũng khiến dư luận phẫn nộ. Sự việc bắt đầu từ ý tưởng của cô Lê Thị Ánh Tuyết - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1, Trường tiểu học Hoàng Diệu, thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Theo tường trình của cô Tuyết, ban đầu cô chỉ định hù dọa học sinh, nhưng do quá giận học trò nên cô đã biến “tư duy” thành hành động. Và cô Tuyết đã áp dụng triệt để hình phạt chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục là cho 12 em học sinh phạm tội mất trật tự trong lớp của mình… ăn ớt.

Đáng buồn hơn, không những không ngăn cản mà đồng nghiệp của cô giáo Tuyết cũng học theo cách kỳ quái này để “dạy dỗ” học trò. Hậu quả là khi hành động này bị phát giác thì đã có tới 19 em học sinh trong trường bị sưng môi, bỏng miệng.


Quả thực, có nằm mơ cũng không thể ngờ những con người đang được giữ trọng trách trồng người lại có thể nghĩ ra những hình phạt quái gở, mất nhân tính như vậy?!

“Trồng người” không khéo hóa ra… hại người

Sau cái chết của nữ sinh L.T.P.H, cô giáo T.T.T.V đã đến gia đình học sinh thắp hương và nói lời xin lỗi. Đồng thời, gia đình nữ sinh L.T.P.H cũng đã viết đơn gửi Cơ quan Công an đề nghị không khởi tố hình sự vụ án, không khám nghiệm tử thi.

Thế nhưng xét về luật, hành vi của cô giáo V có vi phạm hình sự?

Trao đổi với phóng viên Báo Năng Lượng Mới về vấn đề này, Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói: Nếu xét về pháp luật thì hành vi của cô giáo V có dấu hiệu của tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” được quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể trong điều trong Điều 99 có quy định: “Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm”.

Ngoài ra luật này cũng quy định người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Trong trường hợp gia đình em học sinh có đơn không khám nghiệm tử thi và không truy tố trách nhiệm hình sự, Luật sư Đặng Xuân Cường phân tích: Để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi. Tức thông qua kết quả giám định pháp y để xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết cho cháu là gì?

Ở một khía cạnh khác, nếu cô giáo nhận thức được tình trạng sức khỏe của em học sinh này là nguy hiểm, nhưng cô giáo bỏ mặc, không đưa cháu đi cấp cứu, trong khi có đủ điều kiện để đưa cháu đi cấp cứu thì giáo viên này rất có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Luật sư Đặng Xuân Cường cũng khẳng định: “Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội đối với Nhà nước (trách nhiệm với người bị hại và gia đình người bị hại chỉ là bồi thường thiệt hại).

Vì vậy khi có hành vi phạm tội xảy ra thì đều phải được kịp thời phát hiện và xử lý. Do vậy, trừ một số trường hợp theo yêu cầu của người bị hại thì trong mọi trường hợp khi có hành vi có dấu hiệu phạm tội, cơ quan có thẩm quyền đều phải kịp thời pháp hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.


Thiếu kỹ năng giáo dục

Cái chết của nữ sinh L.T.P.H là sự cố không mong muốn, chính bản thân cô giáo T.T.T.V cũng rất hối hận về hành vi của mình. Tuy nhiên, đây là một bài học để tất cả những người đang làm thầy nhìn nhận lại cách giáo dục học trò của mình.

Thực tế việc liên tiếp xảy ra những trường hợp bạo lực giữa giáo viên với học sinh như thời gian qua đang là hồi chuông cảnh báo về thực trạng thiếu kỹ năng sống của giáo viên hiện nay. Phải chăng vì thiếu phương pháp mà một bộ phận giáo viên hiện nay chỉ biết áp dụng triệt để… roi vọt với những học trò của mình?


Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục thì nguồn cơn của sự việc này là do phần lớn giáo viên trẻ còn non yếu về kỹ năng nghề, không biết linh hoạt ứng biến trước các tình huống giao tiếp với học sinh. Bên cạnh đó thì việc tồi tệ nhất đó là hời hợt với nghề, không đi sâu đi sát trong việc quản lý học sinh.

Về nguyên tắc việc đánh học trò dù vì bất cứ lý do gì cũng đều là sai. Trong trường hợp cô giáo T.T.T.V, Giáo sư Văn Như Cương nói: “Sự việc xảy ra với em L.T.P.H, tôi thấy ngạc nhiên ở chỗ là giáo viên mà sao cô giáo T.T.T.V lại không biết được bệnh tình học sinh của mình?

Theo tôi đã là giáo viên thì phải biết về hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh, không chí ít cũng phải biết tiền sử bệnh tình của học trò. Ở đây cô bé bị bệnh như vậy mà cô giáo không biết thì chứng tỏ cô không đi sâu đi sát đến từng học sinh của mình”.


Rõ ràng sự ra đi của em L.T.P.H không phải do lực của chiếc roi, nhưng hành động đánh học sinh lại là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc đáng tiếc này. Vậy nên, theo Giáo sư Văn Như Cương thì: “Dùng roi vọt không phải là “liều thuốc” hay cho giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó cũng phải xem xét cho kỹ cách dùng ngôn từ đối với học sinh. Theo thầy Cương thì rất nhiều giáo viên dù không dùng roi vọt nhưng lại có lời đay nghiến, mạt sát… gây tổn thương lớn đến học sinh. Những hành vi “bạo lực” này dù chưa bị cấm nhưng xét thấy cũng cần phải xem xét”.


Cùng quan điểm này, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng là một giáo viên trẻ, tuy nhiên chưa bao giờ tôi phạt học trò của mình bằng những nhục hình như vậy. Tôi chỉ hy vọng các thầy cô giáo hãy đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh mà cư xử. Lời nói cử chỉ của cô giáo biết tâm lý thì cũng đủ để em học hành tiến bộ hơn, chứ không nhất thiết phải dùng roi vọt để dạy dỗ”.

Vậy nên thiết nghĩ đã đến lúc không thể áp dụng phương châm “thương cho roi cho vọt” bởi thực tế thì nó chỉ đang biện minh cho sự thất bại trong việc thiếu phương pháp giáo dục mà thôi.

» Cô giáo mang bầu văng tục, túm tóc đánh học sinh
» Cô giáo trẻ mang thai văng tục, túm tóc đánh học sinh
» Giáo viên đánh cùng lúc 26 học sinh
» Sự thật vụ trăm người vây 'tố' CSGT đánh học sinh

Huyền Anh/Petrotimes
Bình luận
vtcnews.vn