Mua vé xem Euro: Đổ đầy bình xăng, quay số trúng thưởng

Tổng hợpThứ Sáu, 01/06/2012 12:47:00 +07:00

Trong vai một CĐV ham mê bóng đá, Omachel đã trải qua một ma trận mà vẫn không có được tấm vé xem EURO 2012 ngay trên quê hương mình.

Radoslaw Omachel là nhà báo Ba Lan làm việc cho tờ Newsweek Polska. Trong vai một CĐV ham mê bóng đá, Omachel đã trải qua một ma trận mà vẫn không có được tấm vé xem EURO 2012 ngay trên quê hương mình.

Từ sau ngày Ba Lan bị Thụy Điển loại khỏi EURO 2004, tôi đã nghĩ là mình vĩnh viễn được chữa khỏi căn bệnh phụ thuộc thái quá vào ham muốn dõi theo các trận đấu của ĐTQG. Ấy vậy mà điều đó lại trở lại vào tháng 3 vừa qua.
Tìm vé xem EURO như lạc vào “Ma trận”  
Đó là thời điểm được UEFA chọn để tung ra bán những chiếc vé xem EURO 2012 đầu tiên. 41% của tổng số 1,4 triệu chiếc vé quý giá được chia đều cho 12 triệu người đang chờ chực xông vào mua. Tính ra, cứ 20 người tranh nhau mới có 1 người thắng cuộc. Và dĩ nhiên, qua bốc thăm ngẫu nhiên, tôi thất bại.
Vậy thì phải tìm cách khác. Theo quy định, UEFA sẽ chia 32% số vé, tức khoảng 450.000 vé, về cho các LĐBĐ có ĐTQG tham dự EURO 2012. Theo cách tính này, LĐBĐ Ba Lan nhận được 23.000 vé. Con số ít ỏi này lại được phân chia theo một cách tính toán đầy “mờ ám”: 2/3 trong số 23.000 vé này sẽ giành cho các thành viên LĐBĐ, các đối tác quảng cáo, các vị khách mời. Số ít ỏi còn lại, 8.700 vé, được giành cho những người là hội viên của CLB cổ động viên Ba Lan. Cũng chẳng có tôi trong đó.
Chẳng nhẽ thế là hết sao? Sau khi mò mẫm, tôi tìm thấy một thông tin khả quan. UEFA quy định, mỗi đội tuyển lọt qua vòng bảng, lọt vào tứ kết thì LĐBĐ nước đó sẽ lại được cấp thêm 10% vé. LĐBĐ Ba Lan cũng đã hứa là trong trường hợp đó, họ sẽ bán toàn bộ 10% này ra công chúng thông qua hình thức bốc thăm ngẫu nhiên. Thôi thì cũng là một hy vọng.
Nhưng như thế thì vẫn phải chờ, vẫn phải thấp thỏm và người kém may mắn như tôi thì trông chờ gì vào một cuộc bốc thăm. Vậy thì chỉ còn cách mua trực tiếp, tiền-vé trao tay. Một người bạn khuyên tôi tìm đến các công ty du lịch chính thức của UEFA. Nhưng ngay khi nghe lời đề nghị đầu tiên, tôi ra đi không trở lại: muốn có vé xem trận khai mạc thì phải ngủ 2 đêm tại một khách sạn 2 sao ở Warsaw, với giá 2.200 zloty, tức khoảng… 620 USD. Họ thậm chí còn đề nghị một “Gói thân thiện” gồm vé VIP xem một trận đấu, bao ăn buffet với giá… 3.500 zloty (1.250 USD). Thân thiện thế thì chịu.

Vé xem trận CK 
Không chịu thua, tôi tìm lên mạng, vào trang dịch vụ bán lại vé với giá gốc của UEFA. Nhưng chỉ có vài chục vé được bán lại trong số 1,4 triệu vé đã bán ra và toàn là những trận hoặc ít ai quan tâm như CH Czech-Hy Lạp ở Wroclaw hay xa tít ở Donetsk (Ukraina), mà giá vé cũng đã tới 350 USD.
UEFA không cho phép bán lại vé kiếm lời nhưng tôi tự nhủ, với 12 triệu người có nhu cầu, kiểu gì cũng có cách kiếm vé. Tôi lại tìm đến các trang đấu giá trên mạng. Ở Ba Lan, vì cảnh sát kiểm soát rất chặt việc bán vé chợ đen trên mạng nên muốn mua bán phải biết cách và các CĐV bóng đá đã học cách của những người bán… chó. Vì ở Ba Lan, chỉ những người chăn nuôi chuyên nghiệp có giấy phép mới được mua bán chó nên khi rao bán trên mạng, thường thì người ta rao “bán một cái bàn cũ giá 2.000 zloty (550 USD), tặng miễn phí một con chó”. 
Giờ thì vé xem EURO cũng được rao như thế, kiểu như “bán khăn quàng cổ giá từ 350-650 USD, tặng thêm vé xem EURO 2012”. Thậm chí, tôi còn đọc được dòng rao bán đầy sáng tạo thế này: “Bán từ điển Ba Lan-Nga. Đặc biệt hữu ích khi… xem trận Ba Lan-Nga. Cách dùng tốt nhất là vào ngày 12/6, 20h45, trên các khán đài khu 2. Từ vựng tra cứu: vé, EURO 2012, Ba Lan, Nga”. 

 Để chứng kiến trực tiếp một trận đấu tại Euro 2012 không phải dễ dàng

Trên trang mua bán trực tuyến nổi tiếng Allegro (http://allegro.pl/) , để lách luật, những người rao bán lại đưa vé EURO 2012 vào mục “Du lịch”. Chẳng hạn “bán vé một chiều Warsaw-Kiev với giá 1.200 USD”, tức đắt gấp 5 lần vé tàu bình thường. Nói thế đủ hiểu, 1.200 USD là vé xem trận CK EURO 2012 ở Kiev.
Không đi được đường thẳng thì đi đường vòng, tôi tính các đối tác thương mại lớn nhất của UEFA là các công ty Bắc Mỹ như Nike, Coca Cola… nên 14% số vé, tức khoảng 200.000 vé, đang nằm ở Bắc Mỹ. Vậy là tôi lại lập tức vào các trang www.worldticketshop.com, www.sportevents.com, trang chuyên bán vé của NFL (bóng đá Mỹ) hay NBA (bóng rổ). Nhưng vẫn công cốc vì người Mỹ có vẻ chẳng quan tâm mấy đến EURO 2012 mà mang vé đi bán.
Mang khuôn mặt mệt mỏi đến gặp Juliusz Gluski, người phát ngôn EURO 2012, tôi nhận được lời khuyên đầy châm biếm “Hay là anh tham dự các cuộc thi xem sao”. Đúng là tôi quên thật. UEFA giành cho các đối tác thương mại đến 200.000 vé và một phần không nhỏ trong đó được giữ làm phần thưởng cho các cuộc thi nhằm kích cầu dịp EURO 2012. Hãng chocolat Wendel hứa hẹn sẽ quay xổ sổ lấy vé, hãng dầu BP thì hứa mỗi lần đổ xăng đầy bình sẽ được tham dự rút thăm. 
Với Coca Cola và Carlsberg thì chỉ cần mua một món đồ uống từ hãng này rồi nhắn tin mã số trên nắp để dự bốc thăm. Trên mạng thậm chí còn có người bán các mã số này. Nếu nhiều tiền hơn thì tôi có thể đổi nhà mạng di động, sang Orange của Pháp hay thậm chí là mua một chiếc ô tô mới của Hyundai… Tất cả đều có cơ may trúng vé. 
Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, tôi đi mua một cái cửa trên trang mạng Win Door. Dù gì thì nhà tôi đang cần cửa mới và EURO 2012 này, tôi cứ đóng chặt cửa rồi xem TV hoặc nghe đài tường thuật. Tôi mua vé thất bại, nhưng suy cho cùng, điều quan trọng là Ba Lan sẽ thắng.

Radoslaw Omachel (Từ Ba Lan)

Bình luận
vtcnews.vn