Mua vàng ngày Thần Tài là 'dị đoan' hay 'văn hoá'?

Kinh tếThứ Hai, 06/02/2017 20:14:00 +07:00

GS Trần Lâm Biền cho rằng, việc người dân đổ xô đi mua vàng ngày Thần Tài là “dị đoan” và “chỉ xuất hiện ở một nhóm nhỏ”.

Từ sáng sớm 6/2, tại rất nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội, TP. HCM đã đông nghẹt người xếp hàng chờ mua vàng ngày Thần Tài.

AHK

Rất đông người đã đến các cửa hàng vàng để xếp hàng mua vàng trong ngày vía Thần Tài. Ảnh Tùng Đinh 

Khảo sát của PV, trong sáng nay tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội như Doji, Bảo Tín Minh Châu… luôn chật cứng khách xếp hàng mua vàng để cầu may cho cả năm.

Nhiều người quan niệm, ngày Thần Tài mua vàng sẽ khiến gia chủ “ăn nên làm ra”, ai kinh doanh buôn bán sẽ phát đạt cả năm.

Video: Người Hà Nội xếp hàng dài chờ mua vàng ngày vía Thần Tài

Tuy nhiên, trao đổi với PV VTC News, TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA lại có quan điểm trái ngược.

Ông Khanh nói: “Về mặt tâm linh không có ý nghĩa gì đâu. Đó chỉ là chiêu trò của giới kinh doanh buôn bán vàng thôi”.

Ông Khanh lý giải, tục thờ Thần Tài có bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó xuất hiện tại Việt Nam nhưng nếu như trước đây chỉ hình thành và phổ biển ở một số nhóm nhỏ thì nay lan ra cả cộng đồng.

Theo ông Vũ Thế Khanh, điều đáng tiếc hoạt động chen chúc nhau mua vàng ngày Thần Tài cho thấy phong tục này đã bị “thương mại hoá”.

“Chỉ là chiêu tiếp thị thôi, giống như ngày khuyến mại làm sục sôi dư luận để bán hàng”, ông Vũ Thế Khanh nói.

Nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam - GS Trần Lâm Biền thì cho biết, ông không quan tâm đến ngày Thần Tài và cũng chưa khi nào đi mua vàng trong ngày này cả.

“Tôi không quan tâm đến chuyện này nhưng chắc chắn nó là không đúng”, GS Trần Lâm Biền nói.

Vị giáo sư rất nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam cũng nói thêm rằng việc đổ xô đi mua vàng là “dị đoan” và “chỉ xuất hiện ở một nhóm nhỏ”.

Phong tục thờ cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch được lưu truyền từ lâu trong dân gian. 

Theo dân gian, Thần Tài ở trên trời, cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi Thần tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… 

Đến ngày mồng 10 tháng Giêng thì Thần Tài bay về trời. Để tưởng nhớ ngài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hoá, tục thờ Thần Tài và mua vàng hiện nay đã trở nên thái quá, mang màu sắc thương mại hơn là văn hoá.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn