Mưa lũ miền Trung cướp đi sinh mạng 13 người

Thời sựThứ Ba, 05/10/2010 01:21:00 +07:00

(VTC News) - Thiệt hại về người do đợt mưa lũ từ ngày 1/10 đến 6 giờ sáng nay (5/10/2010) là làm 13 người chết, 5 người mất tích và 4 người bị thương.

(VTC News) - Thiệt hại về người do đợt mưa lũ từ ngày 1/10 đến 6 giờ sáng nay (5/10/2010) là làm 13 người chết, 5 người mất tích và 4 người bị thương.

Ban chỉ đạo PCLBTW cho biết, theo báo cáo ban đầu của các địa phương, tình hình thiệt hại về người do đợt mưa lũ từ ngày 1/10 đến 6 giờ sáng nay (5/10/2010) là: 13 người chết, trong đó Nghệ An: 4 người (2 người bị lũ cuốn trôi; 2 người bị sét đánh); Hà Tĩnh: 2 người bị lũ cuốn trôi; Quảng Bình: 4 người bị lũ cuốn trôi; Quảng Trị: 3 người (1 cháu bé chết do gia đình bất cẩn dẫn đến rơi xuống nước bị chết đuối; 2 người lớn là vợ chồng bị nước xói lở gây sập nhà chết).


Về công tác chỉ đạo đối phó với mưa, lũ, hiện  Bộ có Công văn số 6666/BYT-VPB7 cấp cho Sở Y tế các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế 10 cơ số thuốc, 100.000 viên CloraminB và 100 chiếc áo phao; Bộ Tư lệnh BĐBP cũng tham mưu cùng địa phương thực hiện phương án di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý các tình huống cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất gây ra; ...

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm – cứu nạn, Quân khu 4 đã cử lực lượng gồm 905 đồng chí (255 bộ đội, 650 dân quân tự vệ) và các phương tiện (10 xuồng cao tốc, 25 ô tô các loại, 500 áo phao, 400 phao tròn, 35 nhà bạt) tham gia đối phó với mưa lũ.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã di dời 4.544 hộ/17.285 người (Hà Tĩnh: 3.444/13.300 người; Quảng Bình: 1.100 hộ/3.985 người) khu vực hạ lưu hồ thủy điện Hố Hô. Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 710 hộ dân từ các vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 5 người mất tích, trong đó, Nghệ An 3 người (do tàu bị chìm); Hà Tĩnh 2 người; Có 4 người bị thương (Hà Tĩnh 1 người; Quảng Trị 2 người; Quảng Bình 1 người).

Ban chỉ đạo PCLBTW cũng cho biết, theo báo cáo nhanh số 349/BC-VP ngày 04/10/2010 của Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN, công tác cứu hộ cứu nạn tàu thuyền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị như sau: Hồi 9 giờ 30 ngày 4/10/2010, tàu cá QB3242/07 lao động trên đường vào cảng Hòn La, Quảng Bình tránh trú bị chìm. Đồn biên phòng 184 phối hợp với cảng vụ Hòn La tổ chức cứu vớt đưa vào bờ an toàn;

Hồi 9 giờ ngày 4/10/2010, tàu cá NA 40649/08 lao động bị hỏng máy cách đảo Hòn Mê, Thanh Hóa 18 hải lý về phía Đông Bắc. Biên phòng Nghệ An huy động 02 tàu cá của ngư dân cùng quê đến lai dắt vào Lạch Quèn, Nghệ An;

Hồi 8 giờ ngày 4/10/2010, tàu cá QB 8998/08 lao động bị gãy lái trôi dạt ngoài biển Đông. Hiện có 01 tàu có Quảng Bình đang lai dắt vào bờ;

Hồi 4 giờ ngày 4/10/2010, tàu cá BĐ 94189/12 lao động bị đứt dây neo trôi dạt và bị chìm. Lực lượng tại chỗ đã cứu vớt 11 lao động. Đồn biên phòng 184 phối hợp với cảng vụ Hòn La đang tổ chức cứu vớt người còn lại.

Ngoài ra, 4 tàu cá Quảng Bình (QB 93481/09 lao động, QB 933356/07 lao động, QB 93080/13 lao động, QB 93443/08 lao động) bị hỏng máy. Biên phòng Quảng Bình duy trì liên lạc với các tàu trên. Theo thông báo qua điện thoại, Ủy ban QGTKCN đã lệnh tàu quân sự từ Đà Nẵng ra cứu hộ, bắt đầu hành quân từ 22 giờ ngày 4/10/2010.

Hiện các tỉnh vẫn đang thống kê, cập nhật các thiệt hại khác.

Tiếp tục tìm người mất tích và triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động

Công việc cần làm hiện nay, theo Ban chỉ đạo PCLBTW, tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng; Cùng với đó, rà soát các khu vực bị chia cắt bởi lũ, tổ chức cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, không để nhân dân bị đói, rét.

Hình ảnh lũ lụt tại Hà Tĩnh (Ảnh: VTC) 

Ban Chỉ đạo PCLBTW nhận định, hiện tình hình mưa, lũ vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, theo đó, cần tiếp tục triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập  vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân bảo đảm an toàn về người và tài sản;

Cần tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các bến đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ;

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vung hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để kịp thời đối phó.

Các địa phương có mưa lũ cũng cần duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu;

Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ. Nắm vững các thông tin và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu của các tỉnh, tình hình ngập lụt do mưa, lũ như sau: Hà Tĩnh ngập 17/22 xã huyện Hương Khê, 9/12 xã huyện Vụ Quang, làm ngập 20.966 nhà dân (Hương Khê: 20.000; Vũ Quang: 700; Đức Thọ: 193; Hương Sơn: 3);

Quảng Bình ngập 34.650 nhà dân tại 6 huyện (Tuyên Hóa: 8.000;  Minh Hóa: 1.900; Bố Trạch: 650; Quảng Trạch: 4.500; Lệ Thủy: 4.000; Quảng Ninh: 15.600);

Quảng Trị ngập lụt trên diện rộng, nhất là ở lưu vực sông Thạch Hãn, sông Hiếu và sông Ô Lâu – Thác Ma. Một số tuyến đường trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, ĐaKrông và Hướng Hóa bị ngập sâu, chia cắt. Có trên 5.500 hộ dân bị ngập lụt (Triệu Phong: trên 2.000; Hải Lăng: trên 2.000; Cam Lộ: 690; thị xã Quảng Trị: 479; ĐaKrông: 45; TP. Đông Hà: 254);

Thừa Thiên Huế: ngập lụt tại 11 phường/24 xã phường của thành phố Huế; 5 xã thuộc huyện Phong Điền dọc theo sông Ô Lâu; 3 xã huyện Phú Vang; 3 xã huyện Hương Trà; 4 xã huyện Quảng Điền bị ngập từ 0,3-0,5m.

Về hồ thủy điện Hố Hô: Theo báo cáo của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, đến 23 giờ ngày 4/10/2010, mực nuớc thượng lưu hồ ở cao trình <+60m (cao trình đỉnh đập +72m), hiện lực lượng bộ đội đã thu dọn hết rác, cây củi mắc phía thượng lưu đập, 2 cửa van đập đã vận hành được, còn 1 cửa bị hỏng hệ thống thủy lực không vận hành được (cửa giữa).

Về hồ thủy lợi: Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi – Tổng cục Thủy lợi, tình hình các hồ chứa thủy lợi từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế như sau: hiện mực nước các hồ đang ở dưới mực nước thiết kế, riêng hồ Vực Mấu - Nghệ An và hồ Hòa Mỹ - Thừa Thiên Huế đã vượt thiết kế. Các hồ thủy lợi hiện vẫn an toàn.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn