Mưa lũ lịch sử ở miền Trung: Cứu được 4 thuyền viên bị mắc kẹt

Thời sựChủ Nhật, 16/10/2016 12:16:00 +07:00

Theo thông tin mới nhất, sáng sớm 16/10, các lực lượng đã phối hợp cứu được 4 thuyền viên bị mắc kẹt trên biển.

Thông tin mới nhất từ Quảng Bình, 4 thuyền viên bị mắc kẹt trên biển đã được giải cứu an toàn.

Rạng sáng 15/10, có 5 chiếc tàu hàng trọng tải lớn gặp nạn ở khu vực cửa sông Gianh và cửa sông Roòn (Quảng Bình). Sau đó, lực lượng chức năng đã cứu được 7 thuyền viên đưa vào bờ an toàn, 1 chiếc tàu bị trôi dạt ra biển đã được đưa vào cảng Hòn La, 2 chiếc tàu đã bị chìm với 5 thuyền viên mất tích.

mua lu vietnamnet-2

 Nhiều địa phương vẫn chìm trong nước lũ (Ảnh:Vietnamnet)

Ngoài ra còn 2 chiếc tàu khác bị mắc kẹt. Đáng ngại nhất là chiếc tàu bị mắc kẹt ở cửa biển sông Gianh khi đang có 4 thuyền viên chưa thể đưa vào bờ.

Tại cuộc họp đêm 15/10, các lực lượng cứu hộ cho biết, mực nước ở cửa sông Gianh khá cao, nước chảy xiết, vị trí chiếc tàu gặp nạn chỉ cách bờ khoảng 250 m nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận giải cứu.

Đêm 15/10, sau khi nghe các phương án cứu hộ, kể cả sử dụng trực thăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải cứu 4 thuyền viên mắc kẹt một cách nhanh chóng, an toàn nhất. Tuy nhiên việc huy động phương tiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng tai nạn xảy ra là đáng tiếc, nhưng việc các tàu vận tải biển không có xuồng cứu sinh cũng là sai, bởi nếu có xuồng cứu sinh thì chắc chắn 4 thuyền viên trên đã có thể tự cứu.

Video: Nước sông Quảng Bình lên cao, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà

Trước đó, đêm 15/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với cơn bão Sarika.

trinh dinh dung -1

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ngay trong đêm 15/10 với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trong 3 ngày qua, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt tại khu vực Đồng Hới lớn chưa từng có. Tổng lượng mưa phổ biến từ 600 - 900 mm, một số nơi lớn hơn 900 mm.

Nhờ sự chủ động, tích cực của địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, Quảng Bình đã hạn chế tối đa hậu quả của mưa lũ. Tuy nhiên, đã có 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 em nhỏ.

Cho đến thời điểm diễn ra cuộc họp vẫn còn 10 người mất tích, trong đó có 6 thuyền viên mất tích tại cảng Gianh hiện chưa xác định được danh tính. Toàn tỉnh có 5.618 hộ bị ngập, 5 hộ bị tốc mái.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân vùng lũ và gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những người không may bị thiệt mạng.

Trong ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Bình, các tỉnh miền Trung tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích, đồng thời thăm hỏi, chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình những người thiệt mạng, mất tích, bị thương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng cứu trợ cho những gia đình bị thiệt hại, gặp nhiều khó khăn với mục tiêu không để bất kỳ một người dân nào bị thiếu đói.

trinh dinh dung -2

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu  huy động lực lượng, phương tiện để nhanh chóng sửa chữa, khôi phục những công trình hạ tầng, bảo đảm giao thông thông suốt. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Ngay sau khi lũ rút, cần tập trung hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa để sớm ổn định lại cuộc sống, xử lý môi trường tránh để bùng phát dịch bệnh sau lũ, đặc biệt cần hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh. Các Bộ NN&PTNT, Y tế hỗ trợ địa phương các hoá chất cần thiết để xử lý nước sinh hoạt.

Đối với Quảng Bình và các tỉnh miền Trung - nơi được dự báo bão số 7 (bão Sarika) có thể đổ bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần có các biện pháp để tuyên truyền, vận động, tuyệt đối không để ngư dân ra biển trong những ngày tới.

Video: Dân Hà Tĩnh khốn khổ chống lũ suốt đêm

Đồng thời, các địa phương cần chủ động phương châm 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời với mọi tình huống phức tạp nhất có thể xảy ra.

Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, chủ động sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Các đơn vị cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các bến đò, các khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định Chính phủ sẽ cấp gạo cứu đói cho dân và đề nghị các địa phương nhanh chóng tổng hợp số lượng.

Đối với các công trình hạ tầng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

"Khẩn trương khắc phục thiệt hại đối với giao thông đường thủy, trước mắt nhanh chóng xác định vị trí 2 xà lan bị chìm, tìm kiếm 5 người mất tích trong sáng 16/10", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khắc phục các sự cố hư hỏng đê, kè, công trình thủy lợi để chủ động ứng phó với những diễn biến thiên tai tiếp theo, đặc biệt là bão Sarika có thể ảnh hưởng trực tiếp trong những ngày tới.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn