Một phụ nữ bị chó hàng xóm cắn nát mặt

Thời sựChủ Nhật, 18/08/2013 12:00:00 +07:00

Đưa những con chó dữ dằn, hiếu chiến về nuôi trong nhà là rất nguy hiểm, trong khi nhiều người vẫn nghĩ đơn giản đó chỉ là những con thú cưng…

Đưa những con chó dữ dằn, hiếu chiến về nuôi trong nhà là rất nguy hiểm, trong khi nhiều người vẫn nghĩ đơn giản đó chỉ là những con thú cưng…

Vụ việc chó cắn nát mặt một phụ nữ vừa xảy ra tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) là một lời cảnh báo về sự nguy hiểm tiềm tàng của loài chó dữ nếu không tìm hiểu và nuôi dạy đúng cách.

chó cắn, nát mặt, cảnh báo, chó ngộ, chó dại, nuôi chó dữ, hải phòng
 

Kinh hoàng chó tấn công người!


Được trở về nhà sau gần 2 tuần điều trị tại bệnh viện, bà Phạm Thị H. (56 tuổi, ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) vẫn chưa hết sợ hãi mỗi lần nhắc lại chuyện bị con chó nhà hàng xóm điên cuồng tấn công… Bà H kể, chiều hôm đó trên đường đi tập thể dục quanh khu chung cư, vừa ra khỏi nhà được một đoạn, khi đi ngang qua nhà ông Nguyễn Văn C. thì bắt gặp con chó đang đứng trước cửa gầm gừ.

Thực ra ngày nào cũng đi bộ thể dục qua đây nên bà H. chẳng lạ gì con chó lai to lực lưỡng này, cứ như chỉ chực xông ra cắn bất kỳ ai nếu không cảnh giác. Mà không ai đâu xa, chính chồng bà là ông Nguyễn Văn Q. trong một lần đi tập thể dục cách đây không lâu cũng đã từng bị chú cẩu hung dữ này ngoạm cho mấy phát vào mông. 
Rất may là ông Q. khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên đã kịp chống trả thoát khỏi chứ không hậu quả chắc còn phải nặng nề hơn. Bởi vậy mà bà H. thường phải tránh xa, đi rất nhẹ nhàng khi qua trước mặt con chó, phòng khi bị tấn công còn kịp xoay xở…

chó cắn, nát mặt, cảnh báo, chó ngộ, chó dại, nuôi chó dữ, hải phòng
Nơi bà H. bị con chó hung dữ tấn công 

Thế mà hôm ấy, với bản chất hung dữ, bất ngờ thấy người lạ đi ngang qua, con chó hung hãn lao ra điên cuồng tấn công. Lúc này bà H. giật mình nhưng theo phản xạ vẫn quay lại dậm chân dọa con chó. Thế nhưng con chó dường như không sợ hãi mà còn hung dữ hơn, lao thẳng vào người làm bà H. ngã ngửa ra đằng sau. Lúc này con chó như điên cuồng, nhằm vào mặt bà H. cắn xé. Sau khi cắn liên tiếp rách toạc bên má phải của bà H., con chó tiếp tục nhằm vào 2 bên tai cắn xé…

Lúc này bà H. chỉ còn  biết ôm mặt kêu cứu, nhưng con chó vẫn không buông tha, kể cả cho đến khi có một số người chạy đến đánh đuổi… Chỉ vào những vết thương chằng chịt trên mặt, bà H. cho biết thêm, không chỉ dùng hàm cắn xé, con chó còn dùng cả 4 chân cào, đạp để lại những vết thương trên ngực còn in nguyên hình dấu chân chó. Trước khi buông tha “con mồi”, con chó còn ngoạm thêm một phát vào ngang bàn chân bà H. rồi mới bỏ đi…

chó cắn
Sau một hồi cắn xé vào mặt, con chó còn ngoạm vào chân bà H. rồi mới bỏ đi 

Bà H. được chính chủ chó là ông Nguyễn Văn C. dùng xe ô tô chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp với thương tích và máu me đầy ngườị Sau khi được sơ cứu, lau rửa vết thương trên mặt bà H., các bác sỹ đã phải khâu đến hàng chục mũi chỉ nhưng cũng lại rất may là vết thương đã không làm đứt dây thần kinh má. Còn lại vết thương trên mu bàn chân của bà H. dài khoảng 10 cm cũng phải khâu đến hơn chục mũi chỉ…

Ông Nguyễn Văn C. khi quay về nhà, không biết có phải vì tức giận hay lo sợ đến một lúc nào đó con chó lại cắn thêm ai khác, mà có khi còn cắn cả… chủ nên đã gọi ra đập chết. Không chỉ đau xót khi phải vứt bỏ con chó cưng mà hàng ngày vẫn yêu chiều nó, ông C. sau đó còn phải vất vả lo lắng, chăm sóc cho người bị nạn để thể hiện trách nhiệm dân sự và hơn cả là giữ lại được tình làng, nghĩa xóm…

Cách nào ngăn ngừa?

Ở nước ngoài, chuyện chó tấn công người, thậm chí cắn chết người rất hay xảy ra. Còn ở Việt Nam, không phải đến bây giờ mới xảy ra vụ việc chó tấn công người gây trọng thương như vừa xảy ra với bà Phạm Thị Hương. Đến nay dư luận chưa thể quên cái chết thảm khốc của bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, ở buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) vào năm 2010.

Trong khi đi vào một trang trại để mót quả cà phê, bà Ngắn đã bị đàn chó Bergie nhảy vào cắn xé đến chết. Cũng vào thời điểm này, em Lê Thị Trang (10 tuổi, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Triêu Dương, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã bị 2 con chó Bergie nhà hàng xóm tấn công cho đến khi nằm bất động. Trang được đưa vào nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều, tính mạng nguy kịch, quần áo trên cơ thể bị rách nát, da đầu bị lột trơ xương sọ, gãy xương mũi, vết chó cắn, cào khắp cơ thể…

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, không chỉ bó hẹp với những chú chó ta hay những con chó cảnh, mà ở Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung đang rộ lên như là một thứ “mốt thời thượng” của những người chơi chó là được sở hữu những chú cẩu hung dữ được đưa về từ nước ngoài. Và để có một con chó ngao Tây Tạng, German Shepherd dog (Bergie Đức), Rottweiler hay Doberman, dân chơi phải  bỏ số tiền có khi bằng cả một gia sản của một gia đình lao động…

Mặc dù sở hữu nhiều “hàng độc” như vậy, nhưng không mấy ai có thể hiểu được sự nguy hiểm tiềm tàng từ những con “thú cưng” của mình đang nuôi trong nhà. Đã từng nhiều năm nuôi dưỡng huấn luyện rất nhiều loại chó có nguồn gốc từ nước ngoài, thiếu tá Nguyễn Văn Tho (cán bộ đội Cảnh khuyển - Công an thành phố) cho biết, những chú chó “ngoại” thường rất dễ “phản chủ”, tức là cắn luôn cả chủ và những người trong nhà hay hàng xóm nếu không tìm hiểu và nuôi dạy đúng cách…

Anh Tho chia sẻ, muốn nuôi dạy và huấn luyện tốt một con chó cần tìm hiểu về giống chó đó từ tính tình cha mẹ, ông bà nó và cuối cùng, quan trọng nhất là phải hiểu tính tình con chó mình đang nuôị

Cũng theo anh Tho, nhiều năm trở lại đây, những giống chó dữ đã được nhân giống sàng lọc để tính tình hiền hơn, thích hợp với cuộc sống con người hiện nay.å Một số giống chó đã hiền hơn rất nhiều so với tổ tiên của nó, nhưng bản năng vẫn còn tiềm ẩn, bản năng hung dữ của chúng có thể trỗi dậy bất ngờ nếu bị đánh thức hay bị kích thích. Vì vậy lúc nào cũng phải hiểu điều này khi nuôi dạy những giống chó dữ.

Đặc biệt phải lưu ý con chó có hiền mấy thì cũng không bao giờ tin tưởng nó hoàn toàn, nhất là khi để nó chơi với trẻ con hay người lạ. “Con chó muôn đời vẫn là một con chó, vẫn là thú vật và sẵn sàng hóa “ác thú” với lối suy nghĩ và hành xử của thú vật, cho dù có huấn luyện thế nào đi nữa” - anh Tho khẳng định.

Từ những sự việc đã xảy ra, cùng với xu hướng nuôi chó dữ ngày một gia tăng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Phòng Phạm Văn Công cho rằng, cần có những quy định của pháp luật để điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo và các vật nuôi khác, đặc biệt là các loại thú vật hung dữ.

Ông Công dẫn giải, theo quy định, chủ nuôi chó phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải đeo rọ mõm… Tuy nhiên thực tế những con chó từ to đến nhỏ, từ dữ đến chó cảnh vẫn ngang nhiên chạy nhông nhông ra đường mà không đeo rọ mõm nhưng cũng không hề bị xử lý.

Còn Bộ luật Dân sự cũng quy định thú dữ là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ, trong trường hợp có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu phải bồi thường, kể cả khi không có lỗi. Thế nhưng từ góc độ nhân văn, chúng ta đều hiểu rằng việc bồi thường số tiền dù nhiều đến đâu cũng không thể nào bù đắp được nếu thiệt hại đến tính mạng con người.

Trong một xã hội dân sự văn minh, sức khỏe và tính mạng con người luôn phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chuyện nuôi chó dữ đang là một thực tế ở nước ta và cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với các loài chó có khả năng hóa “ác thú” tấn công và gây chết người. Cần có những quy định pháp luật điều chỉnh và ràng buộc trách nhiệm với những chủ sở hữu những con vật nguy hiểm.

Trong trường hợp cần thiết, cần phải xem xét trách nhiệm hình sự nếu như người nuôi chó dữ cố tình không tuân thủ các quy định an toàn trong việc nuôi nhốt chó, để xảy ra nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác.





Theo An ninh Hải Phòng
Bình luận
vtcnews.vn