Một người làm Ký sự pháp đình

Tổng hợpThứ Tư, 23/06/2010 05:02:00 +07:00

Hai mươi năm trong nghề báo, viết đủ các thể loại từ phóng sự, ký sự… cho đến làm tin nhưng người ta lại chỉ quen miệng gọi anh là Nguyễn Tuấn "tử tù".

          Nguyễn Tuấn sinh năm 1963. Anh tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân), Đại học Luật Hà Nội. Hiện là Trưởng ban Cuối tuần, báo An ninh Thủ đô. Ngay từ thủơ còn nhỏ anh đã say mê truyện trinh thám. Với anh, bi kịch trong mỗi con người, nhất là những con người từng gây ra tội ác luôn là đề tài khiến anh day dứt. Không chỉ đơn giản là hậu quả do tội ác đó gây ra, là sự trừng phạt ra sao của pháp luật mà trên hết là những động cơ, tình cảm, là lý lẽ của con tim, của những giằng xé trong nội tâm con người khi gây ra tội ác đã luôn khiến anh phải trăn trở. Hiểu được tâm lý tội phạm, hiểu được những xung đột trong tư tưởng của họ để khai thác và chuyển tải đến người đọc đã trở thành một khát khao tồn tại trong ngòi bút Nguyễn Tuấn. Có lẽ vì vậy mà khi bắt đầu làm báo chuyên nghiệp ở tờ An ninh Thủ đô vào năm 1990, chàng phóng viên trẻ đã sớm bị hấp dẫn bởi mảnh đất đầy ma lực mang tên Ký sự pháp đình, để rồi rất nhanh sau đó, cái tên Nguyễn Tuấn đã trở thành một “thương hiệu”.


 

   Tôi gặp Nguyễn Tuấn vào một chiều oi ả tại một quán café nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt - quán café mà anh là khách quen. Ở Nguyễn Tuấn có vẻ lành hiền, trầm ngâm của một nhà nghiên cứu khoa học nhưng cũng có nét gì đó thật mờ ảo, khó hiểu. Vẫn biết những người viết lách ở mảng chỉ dính dáng đến những bản án, những cáo trạng, những bị cáo, những trại giam… vốn không đơn giản và có nhiều điều khó nói, nên thú thật, ngồi với Nguyễn Tuấn tôi không biết phải đặt những câu hỏi gì cho mới lạ, cho đúng cái “gu” của người được phỏng vấn. Cũng may, anh không “bế quan tỏa cảng” như tôi nghĩ. Dù tôi không đủ “trình” “vặn vẹo” để Nguyễn Tuấn có thể trút hết gan ruột ra, nhưng ít nhất những câu chuyện anh kể cũng là những “dấu vết” giúp tôi lượm lặt để có thể vạch ra những gạch đầu dòng cần có của một người làm Ký sự pháp đình…

 

Dấn thân, lăn lộn với nghề và thèm một ngày không ám ảnh…

 

Nghe Nguyễn Tuấn kể chuyện anh làm nghề tôi có cảm giác đó là một cuộc… hành xác. Chính anh cũng thừa nhận đôi khi anh thấy mệt mỏi, thậm chí là khủng hoảng. Bởi lẽ để có thể khai thác những chi tiết trong một vụ án phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Như vụ án Trương Ngọc Hoa giết người, cướp tài sản ở 25B Chùa Bộc, để có thể thực hiện loạt bài ký sự sâu như Ban biên tập yêu cầu, Nguyễn Tuấn đã phải bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu. Đầu tiên phải đến phòng điều tra thu thập toàn bộ tài liệu, những chi tiết bên lề. Tiếp đó là vào trại tạm giam gặp bị cáo. Có trực tiếp làm mới thấy các thủ tục xin tiếp xúc bị cáo loằng ngoằng, nhiêu khê như thế nào… Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài một giờ đồng hồ nhưng phải mất 2 giờ để anh có thể làm xong các thủ tục trích xuất can phạm. Khi phiên tòa diễn ra, Nguyễn Tuấn lại phải đến chứng kiến, trò chuyện với gia đình bị cáo, bị hại, luật sư và cả Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Cứ thế, những tài liệu về vụ án và bị cáo ngày một dày lên…  Bao nhiêu ngày diễn ra vụ án là bấy nhiêu ngày Nguyễn Tuấn căng mắt dõi theo từng chi tiết nhỏ nhất của vụ án. Ngày đi lấy thông tin, đêm thức viết bài. Giữa quá nhiều luồng thông tin từ bị cáo, thẩm phán, luật sư, người nhà bị cáo, người nhà nạn nhân… Nguyễn Tuấn phải đưa ra được những nhận định khách quan, những chi tiết liên quan mới nhất đề người đọc có thể hiểu thêm về vụ án. Có những lúc anh cảm giác mình như bị bóp nghẹt và ngộp thở giữa biển thông tin ấy hỗn độn và đầy sự trái chiều ấy…

Một người nếu không có bản lĩnh và sự kiên trì tôi nghĩ khó có thể đeo đuổi công việc này lâu dài. Còn Nguyễn Tuấn thì thủng thẳng: “Đó là đam mê. Công việc buộc mình phải như vậy. “Đâm lao” là phải theo tới cùng, trọn vẹn, kỳ công. Một bài báo sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu không có những chi tiết đặc sắc. Mà những chi tiết này lại chỉ có được bằng sự lăn lộn và dấn thân với nghề mà thôi”.

Nhưng sự mệt mỏi đó không phải là điều Nguyễn Tuấn sợ nhất. Điều anh sợ nhất là sự ám ảnh từ những vụ án, những số phận, những bi kịch của bị cáo mang lại… Cách đây mấy năm, Nguyễn Tuấn viết về một bị cáo nhận án tử hình trùng tên với mình. Cậu ấy có dấu hiệu của bệnh tâm thần cần đi giám định, vì thế đây là trường hợp có án tử hình ở trại giam lâu nhất: 5 năm. Nhưng cuối cùng cậu cũng không thoát khỏi việc phải “trả món nợ cuộc đời”. Tuấn sinh ra trong một gia đình tử tế, bố mẹ là những người có địa vị, cậu tử tù có một khuôn mặt đẹp như người mẫu, cao ráo, trắng trẻo. Ngày xử bắn, trời lạnh dưới 10 độ mà đôi môi cậu vẫn đỏ tươi… Hình ảnh ấy đến bây giờ vẫn còn in sâu trong tâm trí Nguyễn Tuấn. Anh tiếc cho cậu, tiếc cho một cuộc đời lẽ ra rất êm ấm, hạnh phúc mà lại phải nhận một cái chết nhục nhã, đau đớn… “Con người ta khi mới sinh ra giống như một tờ giấy trắng, muốn vẽ lên cái gì thì vẽ. Chỉ cần những nét vẽ thiếu chỉn chu, không kiên định… có thể khiến cuộc đời rẽ sang một hướng khác…”, anh trầm ngâm.

Rồi nỗi đau, nhớ con quằn quại của bà mẹ trong một phút nổi loạn đã giết chết con đẻ của mình, nỗi ân hận của người vợ giết chồng trong phút ghen tuông, sự hối tiếc của cô nữ sinh không kiềm chế được thói đua đòi xa hoa… cũng làm cho anh cảm thấy nặng lòng. Mỗi con người tội lỗi mà Nguyễn Tuấn tiếp xúc là một cảnh đời, một bi kịch ám ảnh anh, nó khiến anh lúc nào cũng phải đắm chìm trong những cảm xúc, trong sự suy nghĩ nửa thương, nửa giận, nửa muốn bênh vực, nửa oán trách… Vụ án nọ nối tiếp vụ án kia khiến tâm trí Nguyễn Tuấn dường như chưa lúc nào bình yên…

Ngoài Ký sự pháp đình, Nguyễn Tuấn còn may mắn được chứng kiến rất nhiều buổi thi hành án tử hình. Anh vẫn còn nhớ như in cảm giác khủng khiếp trong ngày đầu tiên tới pháp trường. Đó là vụ xử bắn Vũ Xuân Trường và đồng bọn. Khi loạt đạn vang lên anh nôn thốc nôn tháo, cảm thấy đầu nhức buốt. Quá nhiều hình ảnh về cái chết của một người ngay trước mắt mình dội vào đầu anh. Dù đã xác định tinh thần từ trước nhưng Nguyễn Tuấn vẫn không thể tưởng tượng nó khiến mình xúc động đến vậy. Ngồi ở pháp trường từ 3 giờ sáng tới 7 giờ sáng, anh cảm thấy đầu óc mình căng cứng, không còn chút sức lực… Thời điểm đó Nguyễn Tuấn biết anh không muốn quay lại pháp trường một lần nào nữa. Thế nhưng vào lần xử bắn tiếp theo, người ta vẫn thấy anh xuất hiện, vẫn để những ám ảnh tiếp tục đeo đuổi mình…

Dường như lúc nào Nguyễn Tuấn cũng sống trong sự căng thẳng: căng thẳng về chi tiết, căng thẳng về nhân vật, căng thẳng về những hình ảnh lẩn khuất trong tâm trí anh, căng thẳng về áp lực bài vở… Có nghe Nguyễn Tuấn kể, có thể đồng cảm một chút nào đó những cảm xúc trong anh tôi mới có thể hiểu: một đêm ngủ ngon không mộng mị, không ám ảnh với những người làm báo mảng pháp luật đáng quý như thế nào…

 

 

Những mối quan hệ và sự ma mãnh…

 

Nguyễn Tuấn nói: “Muốn viết gì thì mình phải thực sự am hiểu nó. Nhưng để viết về lĩnh vực liên quan đến pháp luật thì ngoài sự am hiểu luật pháp như một người trong ngành, nhà báo cần phải nhập cuộc hết mình, có sự dấn thân, có bề dày kinh nghiệm … và chắc chắn cần phải có mối quan hệ tốt với các cơ quan chức năng”.

 

Đó hẳn là “chìa khóa” để nhà báo có thể xâm nhập sâu vào các vụ án?

 

Đúng vậy. Nếu không có các mối quan hệ này thì người viết đơn giản sẽ giống như một người chứng kiến phiên tòa, ghi chép và tường thuật lại phiên toà đó cho người đọc, hoàn toàn không có gì mới mẻ, hấp dẫn. Nói như người trong nghề, nó là “hàng chợ”, còn để có “hàng hiệu”, “hàng độc” thì chắc chắn phải dựa trên nền tảng quan hệ của mỗi phóng viên.

Phiên tòa diễn ra là như thế, nhưng đằng sau đó có rất nhiều chi tiết hay khác mà chỉ khi gây dựng được quan hệ với cơ quan chức năng ở một mức độ nào đó người viết mới có thể tiếp cận và khai thác. Những chuyện bên lề vụ án về vợ con, gia đình phạm nhân, về khoảnh khắc khi phạm tội, diễn biến tâm lý của bị cáo trước giờ xử án, những cảm nghĩ trong những ngày đầu ở trại giam... Đó đều là những tài liệu “độc” tạo nên giá trị của bài báo khiến độc giả quan tâm... Tất nhiên, phải ở mức độ tin cậy nào đó cơ quan chức năng mới có thể cung cấp hay cho phóng viên một số những đặc quyền để tìm hiểu, khai thác các thông tin này. Việc tạo dựng các mối quan hệ cũng là chìa khóa để phóng viên có nhiều các đề tài hay và nóng.

 

Vậy rào cản lớn với những người làm Ký sự pháp đình chính là việc làm thế nào để tạo ra các mối quan hệ?

 

Có thể nói là như vậy. Nhiều bạn trẻ không lựa chọn lĩnh vực này vì không những nó vất vả mà rào cản đầu tiên lại là các mối quan hệ. Làm sao để các cơ quan chức năng tin mình, chịu trao đổi, cung cấp thông tin cho mình hoàn toàn không đơn giản. Cần phải có thời gian để họ biết mình là người như thế nào.

 

Anh mất bao nhiêu thời gian để tạo được các mối quan hệ như ngày hôm nay?

 

Mất … 20 năm. Đó là một sự “bồi đắp” và tích cóp. Mỗi một ngày qua đi, mỗi bài viết mình để lại dấu ấn chính là cách để tạo thêm các mối quan hệ.

 

Thế còn những ngày đầu, khi chưa có các mối quan hệ anh đã tác nghiệp như thế nào?

 

Tôi xin giấy giấy thiệu của tòa soạn và lân la tới các tòa án. Thường đây là nơi xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, tôi có thể tìm kiếm đề tài và tiếp cận dần với luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên… Mới vào nghề bao giờ cũng thiếu đủ thứ: vốn sống, kinh nghiệm, uy tín, các mối quan hệ, thậm chí thiếu cả thẻ nhà báo… Nhưng đi mãi cũng thành đường. Tôi nghĩ cái đầu tiên để các cơ quan chức năng ghi nhận và đặt lòng tin vào mình chính là sự cần mẫn và trách nhiệm qua từng bài viết. Đó là con đường chính thống nhất. Tất nhiên, việc tạo dựng các mối quan hệ nhanh hay lâu, nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khả năng của từng người. Mỗi người có cách ứng xử, ngoại giao khác nhau… Điều đó thật khó để nói…

 

Nhưng hẳn có những vụ án mà ngay cả các mối quan hệ cũng không giúp được nhà báo?

 

Nhiều là khác. Khi đó nhà báo cần có sự… ma mãnh…


 

Sự ma mãnh...?

 

Đó là điều cần phải có. Tôi nhớ có một vụ án khi theo dõi phiên xử sơ thẩm, tôi cảm nhận thấy nhiều cái bất ổn. Sau đó bị cáo cũng kháng cáo và chuyển hồ sơ lên tòa tối cao. Chẳng ai yêu cầu nhưng tôi cứ thấy áy náy và muốn làm rõ vụ án này. Tìm đủ mọi cách, nhờ bạn bè liên hệ các kiểu tôi mới có thể tiếp cận được với người xử phúc thẩm. Tuy nhiên, việc kháng cáo của bị cáo làm cho vụ án trở nên phức tạp. Tôi được phép trò chuyện với thẩm phán nhưng lại không được xem hồ sơ vụ án, dù nó để ngay dưới tay ông ấy. Trò chuyện đến gần một tiếng, lượng thông tin tôi khai thác được vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Đúng lúc đó vị thẩm phán có việc phải sang phòng gặp sếp 10 phút. Rất nhanh chóng, tôi đã rút điện thoại di động và … chụp lại một số tài liệu chính trong hồ sơ. Đó là hàng “độc” mà không phải ai cũng may mắn có được…

 

Khi làm việc đó anh nghĩ gì?

 

Tôi sinh ra không phải để làm những việc “lén lút” như vậy. Nhưng tôi tự an ủi: “Mình làm thế không phải vì cá nhân mà vì động cơ tốt đẹp cho người khác”. Con đường thẳng không bao giờ có, đôi khi nó cũng phải gồ ghề. Để có được những tài liệu càng hay, càng “độc” thì sự “liều lĩnh” và “ma mãnh”  càng phải lớn. Điều này trong trường học không dạy, nhưng “trường đời” sẽ dạy riêng cho mỗi người…

 

Cân bằng giữa ranh giới mong manh

 

Những bài Ký sự pháp đình thường có sức ảnh hưởng xã hội rất lớn. Có bao giờ anh bị mua chuộc không?

 

Có một số trường hợp, nhưng tôi không quan tâm tới điều đó. Tôi không thích bị lệ thuộc hay ràng buộc. Nếu có việc đó, tôi biết chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tính trung thực của bài viết.

Không bị ảnh hưởng bởi sự mua chuộc, nhưng có những vụ việc ví dụ như vụ án lái xe Đặng Hữu Anh Tuấn ba lần cán xe thiếu nữ đến chết sau khi gây ra tai nạn bị xử 8 năm tù. Bản án đó do Hội đồng xét xử đưa ra, nhưng đa phần độc giả lại phản đối vì thấy nó quá “nhẹ tay”. Với những vụ việc tương tự như thế, nhà báo sẽ theo ý kiến người dân viết bài đề nghị tăng mức án hay viết bài bảo vệ kết quả đưa ra của Hội đồng xét xử?

Tôi viết bài dưới góc độ đề nghị tăng mức án. Bị cáo rõ ràng có động cơ giết người, mức án phải cao hơn. Những tình tiết giảm nhẹ như: nhân thân tốt, đã bồi thường một phần cho người nhà nạn nhân… có thể được xem xét nhưng cũng có thể không được xem xét khi mức độ nghiêm trọng của vụ án quá lớn.

Hơn nữa không phải bản án đã có hiệu lực ngay. Có thể trong phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị 15 năm nhưng tòa tuyên 8 năm. Viện kiểm sát sẽ kháng nghị, rằng mức án đó không thỏa đáng để tòa cấp trên xử lại.

 

Trong thời gian chờ án chính thức, nhiệm vụ của nhà báo sẽ phải làm gì?

 

Sẽ có hai khả năng xảy ra: tăng án hoặc giảm án. Nếu Viện kiểm sát yêu cầu tăng án thì quá tốt, mình có thể viết theo chiều hướng đề nghị tăng án. Nếu trong trường hợp họ đề nghị giảm hay giữ nguyên mức án thì sẽ khó hơn. Khi đó nhà báo sẽ phải tìm tài liệu để đưa ra lý lẽ, lập luận khẳng định không có cơ sở nào để giữ nguyên hay giảm hình phạt.

 

Nhưng làm vậy anh có sợ ảnh hưởng tới mối quan hệ với các cơ quan chức năng mà anh đã mất công gây dựng bao lâu nay?

 

Tôi nghĩ vấn đề này phải sòng phẳng. Tôi viết bài dựa trên cơ sở sự thật, không trên quan điểm cá nhân hay cộng đồng. Bản chất vụ án tới đâu tôi sẽ đề nghị xử lý tới đó.

Bạn bè tôi làm bên tòa án khá nhiều. Cách đây vài năm có một vụ án chứa mại dâm. Khi theo dõi xử vụ án, tôi thấy nó không bình thường, lược bỏ rất nhiều chi tiết bất lợi để bị cáo được hưởng những điều có lợi. Sau phiên tòa tôi nói với bạn của mình: “xử án là việc của anh, viết bài là việc của tôi. Tôi hiểu nên rất khó chấp nhận được kết quả phiên tòa này”. Tất nhiên tôi không thể đanh thép, làm đao to búa lớn mọi chuyện lên, mình phải viết nhẹ nhàng nhưng đủ lý, đủ căn cứ để những người hiểu pháp luật họ thấy rõ được nội tình của phiên tòa như thế nào, bị cáo đã được nương tay ra sao…

Tôi làm trong ngành công an, ăn lương của tòa báo thì tự lương tâm tôi biết rằng: mình phải bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự thật, phải có nghĩa vụ viết bài đúng sự thật trên báo… Tôi không thích những bài báo ba phải, đã nói đến pháp luật là mọi thứ phải rõ ràng.

 

Sau chuyện đó, những vụ việc sau “họ” có chào đón và giúp đỡ anh nữa không?

 

Công việc là công việc, cái gì đúng thì làm thôi. Người trong nghề họ đều hiểu và chẳng ai cố để gây khó dễ cho mình.

 

Nhưng có những người không phải trong nghề, họ không hiểu. Khi anh gây ra tình huống bất lợi cho họ, liệu anh có đẩy mình và gia đình vào sự mạo hiểm?

 

Đó là điều đương nhiên phải chấp nhận. Tôi nhớ năm 1996, trong một tối đưa vợ và con gái về nhà, tôi đã bị một chiếc xe máy phân khối lớn vượt lên, móc vào đầu xe của tôi khiến chiếc xe máy bị kéo lê trên đường. Lúc đó, tôi chống chân phải xuống mặt đường để vợ con khỏi bị ngã, đầu gối tôi mài nửa mét trên mặt đường, nhìn thấy cả thịt trắng. Tiếp đó, người điều khiển xe còn đạp rất mạnh vào chiếc xe của tôi khiến nó văng ra và phóng vọt đi. Cũng may là hậu quả không nghiêm trọng, gia đình tôi cũng không sao. Tôi nghĩ đây là một sự trả thù thôi.

 

Sau lần ấy anh suy nghĩ gì?

 

Tôi rút ra cho mình một bài học: mình nên thận trọng hơn trong cách viết. Khi mình nói về cái đúng, mình cũng có đôi chút cảm tính, ngược lại khi viết về cái sai cũng vậy. Người trong cuộc nhiều khi sẽ thấy không thoải mái. Đấy là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với các phóng viên trẻ. Còn tôi, khi đã có nhiều kinh nghiệm thì sự thận trọng lại càng lớn. Bởi đôi khi một câu chữ thôi cũng đủ khiến người trong cuộc có phản ứng tiêu cực.

 

Vụ án, chuyện tình - tiền - tù vẫn dễ mang tiếng là những đề tài giật gân, câu khách. Làm thế nào để những trang viết của anh vượt lên trên điều đó?

 

Nếu ai đó đã đọc những bài viết của tôi để tìm ra một sự giật gân trong đó thì chắc sẽ không được thỏa mãn. Đôi khi tôi cho rằng người ta hay quá lạm dụng từ “giật gân, câu khách”. Bản thân trong mỗi sự việc, vụ án cũng có rất nhiều yếu tố để hấp dẫn người đọc. Tôi không quan tâm nhiều tới chuyện tạo ra các tình tiết giật gân mà chỉ cố gắng khai thác những chi tiết khó hơn, những chi tiết rất “đặc biệt” của vụ án mà tôi nghĩ bạn đọc quan tâm.

Tôi cho rằng, viết một sự việc nào đó phải có sự trung thực, có cái nhìn khách quan không thể cường điệu. Chính điều đó tạo ra sự hấp dẫn.

 

 

Nhưng có những sự việc không hấp dẫn lắm. Chỉ cần “thêm mắm thêm muối” chút thôi sẽ khiến người đọc bị lôi cuốn. Nhiều người cho rằng thật khó để tránh được ma lực từ kết quả của sự “thêm mắm thêm muối” đó?

 

Càng viết báo lâu năm tôi càng thận trọng những điều đó. Tôi không nặng nề chuyện thu hút bạn đọc bằng những chuyện như thế, bởi đó là một sự thu hút… không bền vững. Tôi nghĩ cái mà bạn đọc họ thích thú và đón đợi chính là thân phận những con người bị xoáy trong tội ác. Thân phận đó có thể là nạn nhân, là bố mẹ nạn nhân, là bị cáo, người nhà bị cáo… Con người có hai cái đáng sợ nhất: đối mặt với cái chết và đối mặt với pháp luật. Cái chết có thể do tuổi già, bệnh tật. Còn đối mặt với những ngày tháng tù tội, sống trong trại giam sẽ là những bị kịch lớn của sự dằn vặt, trả giá… Tôi nhìn nhận các nhân vật dưới góc độ một thân phận, tôi viết từ những cảm xúc thật của mình. Khi đó, vụ án chỉ là cái cớ để tôi dẫn bạn đọc theo một hướng khác, mỗi bài viết sẽ thực sự là một thông điệp…

 

Những thông điệp biết nói…

 

Nằm trong thể loại phóng sự báo chí, nhưng Ký sự pháp đình có một điểm khác khi có chữ “ký”. Có lẽ đây chính là mảnh đất để người viết có thể tự mình gieo những cảm xúc, suy nghĩ cá nhân… và tạo nên sự khác biệt cho thể loại báo chí này.

Nguyễn Tuấn thừa nhận theo đuổi Ký sự pháp đình hai mươi năm qua, có đôi khi anh rơi vào trạng thái khủng hoảng. Đó là khi anh thấy mình viết mòn, viết mãi một kiểu đề tài, một thể loại… Tác giả của những thiên Ký sự pháp đình có tiếng chia sẻ: “Một khi những câu chuyện theo công thức: hành vi phạm tội, Viện kiểm sát đề nghị mấy năm, tòa tuyên mấy năm, sau khi tuyên xong bị cáo vật vã khóc, người nhà lao theo xe… trở nên cũ và nhàm chán với chính mình, thì tôi tin độc giả họ cũng thấy nhàm chán. Khi đó, tôi phải tự mình vượt lên và thoát ra khỏi những công thức sáo mòn đó. Một bài Ký sự pháp đình hay đòi hỏi nhà báo phải am hiểu pháp luật, nắm chắc bản chất vụ án, biết rõ những thông tin liên quan đến bị cáo… và cuối cùng đó là sự thăng hoa của người viết”.

Nguyễn Tuấn luôn thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác khi phần nào trong anh có chút năng khiếu văn chương. Nhiều bài anh viết hoàn toàn bằng cảm hứng văn chương, bằng cảm nhận cá nhân của riêng mình. Có lần Nguyễn Tuấn một mình lặn lội tới pháp trường lúc tờ mờ sáng. Anh ngồi đó một mình, xung quanh vắng lặng, chỉ có những cọc tre, bia mộ và những đám lá khô cháy… Nguyễn Tuấn viết những ghi chép ở pháp trường trong một ngày không có án tử hình, không có tử tù, không có những người thi hành án, không có những phát đạn… “Nó chỉ là tản mạn thôi, nhưng cảm xúc khi ở trong một môi trường như thế không phải ai cũng được trải qua. Và vì thế, tôi nghĩ nhiều người muốn biết…”, anh trải lòng.

Chính những cảm xúc văn chương thăng hoa đó đã tạo ra nét riêng biệt trong những bài Ký sự pháp đình của Nguyễn Tuấn. Không chỉ dừng lại ở mục đích tuyên truyền pháp luật, những tác phẩm của Nguyễn Tuấn đã trở thành những thông điệp biết nói gửi tới bạn đọc.

Với Nguyễn Tuấn, những kẻ tử tù cũng là những con người nhưng họ có bi kịch lớn hơn, đó là phải mang mạng sống và sự tự do của mình ra để đền tội. Anh viết về họ với tư cách một con người trong sự chìm nổi của những vòng xoáy số phận với những nỗi đau, những bi kịch không tên. Cùng với đó là những trăn trở của chính người viết về những bài học cuộc đời mà anh tự mình rút ra.

Không thể nhớ hết mình đã viết bao nhiêu vụ án, tiếp xúc với bao nhiêu bị cáo, nhưng có một bị cáo với chi tiết chuyện khiến anh không thể quên, anh đã thoát ra được khỏi hoàn toàn tội ác của nhân vật và viết bằng một sự thăng hoa. Đó là bị cáo Nguyễn Thế Đô.

Một mình tìm tới nhà bị cáo vào một buổi chiều nhá nhem. Đó là căn hộ cũ, chật chội nằm trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Tuấn gặp mẹ và các con của bị cáo. Rùng mình bởi những tội ác mà Đô gây ra, nhưng anh lại không thể giữ lòng mình không xúc động trước tình cảm mà bị cáo dành cho các con của mình. Hình ảnh người cha với hai đứa con bị mẹ bỏ rơi, sống cuộc sống thiếu thốn, hình ảnh người cha nửa đêm đi làm xe ôm về mua bánh mì cho con, rồi ba bố con ngủ chung trên cái gác xép nhỏ, đứa con lớn nằm hát bi bô cho cha nghe… khiến Nguyễn Tuấn tự hỏi: có những giây phút rất người như thế sao hắn có thể gây ra tội ác? Ngày hôm đó trở về, Nguyễn Tuấn viết bài: Khúc ru người cha tử tù. Sáng hôm sau anh nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, không ít người nói họ đã khóc khi đọc bài viết của anh…

Nhiều người hỏi anh có thấy ân hận không khi gắn bó cuộc đời mình với những bản án, những tên tội phạm, những mảnh đời khác thường? Nguyễn Tuấn chỉ trả lời: “Tôi thấy mình may mắn. Họ cũng như bao người khác. Cũng có ước mơ, dằn vặt, trăn trở, ham muốn. Và tôi viết về họ với tư cách là một con người như thế với những dằn vặt giữa hiện tại với những điều xảy ra trong quá khứ. Bỏ đi những phần ác, họ vẫn có những phần rất người, rất đáng để trân trọng… Có những câu chuyện, những mâu thuẫn khi đặt riêng ra sẽ rất dễ xử lý, nhưng đặt trong một hoàn cảnh nào đó có nhiều vấn đề khác liên quan sẽ trở nên khó kiểm soát. Đó cũng là bài học để mỗi người tự kiềm chế, răn đe và để phần “máu người” của mình biết trội lên đúng lúc”.

Sau những bài viết của Nguyễn Tuấn, rất nhiều người nhà của bị cáo đã đến tìm gặp anh, cảm ơn vì anh đã nói giúp họ nhiều điều. Cũng không ít bạn đọc gửi mail cho anh: “Những tử tù được Nguyễn Tuấn viết, ở nơi chín suối, chắc chắn họ sẽ thấy lòng thanh thản sau khi trả xong món nợ cuộc đời”. Còn anh, sau mỗi bài viết gửi tới tay bạn đọc, anh lại thấy lòng mình thanh thản vì đã làm hết mình bằng cả tấm lòng và sự chân thành.

 

  Tiến Toàn
Ảnh: Hồ Quang

 

  

 

 

 

 








Bình luận
vtcnews.vn