Một ngày trải nghiệm với “Du lịch đồng quê”

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 10:16:00 +07:00

Vượt qua gần 60 cây số từ Hà Nội tới Ba Vì, hơn 160 học sinh Trường trung học cơ sở Mariecurie đã có một chuyến trải nghiệm đầy thú vị.

Vượt qua gần 60 cây số từ Hà Nội tới Ba Vì, hơn 160 học sinh Trường trung học cơ sở Mariecurie, Hà Nội đã có một chuyến trải nghiệm đầy hứng thú tại Trang trại đồng quê (Vân Hòa, Ba Vì – Hà Nội).
Đó là chương trình “Trải nghiệm làm nông dân” vừa được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo và Trang trại “Đồng quê” tại xã Vân Hòa, Ba Vì tổ chức nhằm nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội…
Thi ném bóng rổ đem lại nhiều hứng thú cho các em 

Một ngày “làm nông dân”
Tạm xa cuộc sống ồn ào náo nhiệt của đô thị, chuyến đi đã đưa các em học sinh Thủ đô về miền quê nông thôn và sống thử một ngày lao động “một nắng hai sương” với làng xã và những người nông dân mộc mạc. Tại xã Vân Hòa, Ba Vì hơn 160 học sinh Trường trung học cơ sở Mariecurie đã được những nông dân địa phương hướng dẫn trồng lúa, hái chè, xay gạo, tưới rau, úp cá, hay cho gia súc, gia cầm ăn… những công việc trước đây hoàn toàn xa lạ và mới mẻ với trẻ em Thành phố. Ngoài các hoạt động làm quen với đời sống sản xuất nông nghiệp của người lao động, các em học sinh còn được tham gia những trò chơi như: Kéo co, ném bóng rổ, phi tiêu, đập niêu, đập trống… Dưới sự hướng dẫn của thầy, cô và người dân địa phương, rất nhiều học sinh đã tham gia các môn thi thực nghiệm ngay tại Trang trại Đồng Quê như thi cấy lúa thẳng hàng, thi bàn tay vàng bắt cá, thi giã gạo, xay lúa… Những hoạt động này đã thực sự mang lại sự hào hứng cho các em trong việc khám phá cuộc sống sinh hoạt nông thôn… 
Học sinh tiểu học tìm hiểu cây trồng tại trang trại Đồng Quê 
 
Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội cho biết: “Trải nghiệm làm nông dân” là chương trình lần đầu tiên được Trung tâm phối hợp với tiến sĩ Ngô Kiều Oanh (Chủ đầu tư trang trại Đồng Quê) xây dựng cho các đối tượng học sinh tiểu học và trung học cơ sở nhằm mở ra hướng phát triển “Du lịch học đường” cho học sinh thành phố, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng sống cho các em. Trong bối cảnh hối hả của cuộc sống công nghiệp, các bậc phụ huynh không có nhiều thời gian đưa các em về quê, trong khi Hà Nội đang thiếu không gian vui chơi thì những chuyến đi xa trong ngày nghỉ (vừa mang tính du lịch, vừa có giá trị khám phá, trải nghiệm cuộc sống) sẽ rất bổ ích cho sức khỏe và cuộc sống tinh thần của các em học sinh. Tuy chỉ một ngày nhưng hầu hết các em đều rất thích thú và hiểu được nhiều điều trong cuộc sống thường nhật. Từ bức tranh đẹp về quê hương với những người nông dân hiền lành, mộc mạc, Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội cùng với Trang trại đồng quê đã xây dựng ý tưởng “thử làm người nông dân” để các em hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, nỗi vất vả của người dân lao động, phải một nắng hai sương mới có được hạt gạo, củ khoai, con cá, miếng thịt, lá rau cung ứng cho thị trường… Trên cơ sở đó giáo dục các em biết quý trọng hơn những sản phẩm nông nghiệp do người nông dân làm ra… 
Sau những hoạt động vui chơi các em ăn trưa rất ngon miệng 

Một hình thức giáo dục có hiệu quả
Được sự liên hệ trước của tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, trong ngày các em học sinh trường Mariecurie còn được đi thăm Làng chè Đô Trám (xã Ba Trại, cách Vân Hòa 12 km), được tham gia vào các công đoạn thu hái, sao chè và được hướng dẫn cách pha trà để khi về nhà có thể tự pha trà mời bố, mẹ. Trước khi về Hà Nội các em đã được tới thăm quan Trung tâm nghiên cứu Dê, Cừu, Thỏ (Bộ NN & PTNT) – Nơi có cả ngàn con gia súc đang được nuôi dưỡng, duy trì nòi giống. Nhìn các em nhỏ đang say sưa cho các con súc vật ăn, các thầy, cô và anh, chị phụ trách không khỏi mừng vui vì sự thành công của chuyến đi. Rõ ràng là chỉ thông qua những chuyến tham quan như vậy, các em học sinh mới cảm nhận được thực tiễn cuộc sống sinh động, có thể trực tiếp nhận dạng được giống cây trồng vật nuôi mà từ lâu các em chỉ được học trong sách vở, hay xem trên phim, ảnh, truyền hình… Đó chính là một hình thức giáo dục có hiệu quả!
Phóng viên HNMO đang phỏng vấn tiến sĩ Ngô Kiều Oanh về mô hình "Du lịch học đường" ở Việt Nam 

Do có hoạt động vui chơi, đi lại, vận động nhiều trong ngày nên hầu hết lũ trẻ đều thấy đói nhanh, và bữa trưa ở Trang trại Đồng Quê được các em ăn rất nhanh và ngon miệng… Em Nguyễn Phương Anh, lớp 6U chia sẻ, em thích nhất trò lội ruộng, úp nơm bắt cá, còn Minh Tuấn thì lại rất thích trò kéo co và ném phi tiêu ở trang trại… Bước ra khỏi Trung tâm nghiên cứu Dê, Cừu, Thỏ, một nam học sinh của lớp 6M vẫn còn chưa hết hưng phấn: - Cháu thích nhất việc cho thỏ ăn. Những con thỏ non mới đẻ trông mới xinh làm sao! Cháu đã từng thấy con thỏ có tai dài, đuôi ngắn, nhưng cả bầy thỏ con nằm cạnh mẹ thì cháu chưa từng thấy bao giờ…
Làng chè Đô Trám - Một điểm tham quan hấp dẫn trong chương trình 

Nói về những ý tưởng của mình, Chủ Trang trại Du lịch Đồng quê, tiến sĩ Ngô Kiều Oanh cho biết, về thăm quê là ước muốn trong tâm khảm của nhiều người sống nơi các đô thị lớn, trong đó có các em nhỏ. Làng quê có không gian rộng, giúp các em vừa được chơi vừa được học. Thật thú vị nếu tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ, các làng nông nghiệp truyền thống có lịch sử văn hóa lâu đời với cảnh quan đẹp và các trang trại chăn nuôi trồng trọt có các sản phẩm phong phú để phát triển “Du lịch học đường”! Ngoài ra, nhất thiết phải tạo sự ấm cúng, sạch sẽ, an toàn về chỗ nghỉ ngơi, vui chơi cho trẻ. Thức ăn cho các em phải tươi ngon, sạch và mang đậm hương vị thiên nhiên đồng quê. Du lịch học đường ( mô hình đã phát triển bền vững, trở thành một xu hướng chính thống hàng chục năm nay ở phương Tây, còn được gọi nôm na là hình thức đưa trường học về nông trại) chính là một hướng ứng dụng các sản phẩm của du lịch nông nghiệp nhằm không chỉ đáp ứng mục tiêu vui chơi, nghỉ ngơi mà còn cung cấp các kiến thức vô cùng bổ ích về nhiều mặt, gắn kết chặt chẽ giữa việc học lý thuyết trên lớp với thực tiễn sinh động, trực quan cho rất nhiều đối tượng học sinh của mọi lứa tuổi…
Thật thú vị khi cho các chú dê ăn cỏ 

Có thể nói, nếu như “Học kỳ quân đội” là một hình thức rèn luyện rất có ý nghĩa đối với các “cậu ấm, cô chiêu thời a còng”, thì mô hình “Một ngày trải nghiệm với du lịch đồng quê” của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh, thiếu niên Hà Nội tuy mới được triển khai, nhưng thực sự đã trở thành sân chơi bổ ích, mang ý nghĩa giáo dục tốt và phù hợp đối với trẻ em thành phố. Nó không chỉ mở ra hướng để phát triển “Du lịch học đường” trong nước, mà còn giúp thế hệ trẻ tương lai tiếp cận với các hoạt động nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê, làng xã Việt Nam, tăng thêm niềm tự hào dân tộc cho các em học sinh…
Theo HNM
Bình luận
vtcnews.vn