“Một ngày làm người Việt” Let’s Go!

Tổng hợpThứ Hai, 24/10/2011 03:11:00 +07:00

Nửa đêm, những góc phố Hà Nội như được đánh thức bởi tiếng rao bánh khúc của một anh chàng người Mỹ, hay trên con đường rợp lá vàng rơi...

Nửa đêm, những góc phố Hà Nội như được đánh thức bởi tiếng rao bánh khúc của một anh chàng người Mỹ, hay trên con đường rợp lá vàng rơi vào cuối thu, bỗng xuất hiện một ông Tây chăm chỉ cặm cụi quét rác; Và góc phố cổ thì như sinh động hơn ngày thường khi thấp thoáng bóng dáng một anh xe ôm Hàn Quốc xịn… Tất cả những điều đó chỉ có ở “Một ngày làm người Việt” của VTC10.

 

 

Quảng bá văn hóa Việt…

 “Một ngày làm người Việt” là một chương trình truyền hình thực tế. Giống như tên gọi của nó, trong mỗi số sẽ có một người nước ngoài dành một ngày “nhập vai” và sống như người Việt Nam, làm những công việc của người Việt Nam, thậm chí nói chuyện, tiếp xúc, gặp gỡ với người Việt Nam. Họ có thể được thử sức với những công việc như dệt lụa, làm bánh khúc, bánh cốm, nghề rèn hoặc được vào vai người quét rác hay nông dân gặt lúa, làm đồng…

Mỗi chương trình dài 30 phút, máy quay sẽ đi theo cuộc hành trình của họ và để nhân vật tự ứng phó, giải quyết các tình huống xảy ra như thế nào. Mục tiêu lớn nhất mà chương trình hướng đến là quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Khi người nước ngoài xem phim tài liệu về Việt Nam sẽ không hứng thú bằng việc để họ được nhìn thấy một người trong số họ nhập vai và sống cuộc sống ở Việt Nam một cách chân thực và sống động như thế nào.

Nhân vật của chương trình chủ yếu là những bạn trẻ nước ngoài thân thiện, cởi mở. Họ có thể là những người khách du lịch mới đến Việt Nam một hai ngày hoặc đã ở Việt Nam khá lâu, thậm chí vẫn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất là chọn những người thật sự muốn tìm hiểu và hứng thú với văn hóa của người Việt. Chỉ khi họ hứng thú thì mới có thể làm cho người xem, những người Việt và kể cả những người bạn nước ngoài của họ cũng thấy hứng thú theo. Những người làm chương trình cũng đã xây dựng một trang Facebook của “Một ngày làm người Việt” để thu hút nhiều khách mời hơn, thông qua những lời casting online để những người bạn nước ngoài có thể kết nối với chương trình. Đa số những người bạn nước ngoài khi được xem link của chương trình đều rất thích và hào hứng khi được chương trình mời tham gia. Dựa vào tính cách và sở thích của mỗi khách mời, chương trình sẽ có những lựa chọn phù hợp nhất với họ.

 BTV Thanh Hằng chia sẻ: “Sợ nhất là chuẩn bị đến ghi hình thì nhân vật lại từ chối hoặc báo bận không tham gia được. Những lần như thế, ê - kíp lại phải lập tức có kế hoạch B để thay thế. Thậm chí 11h - 12h đêm vẫn phải gọi điện liên hệ với nhân vật và nhiều hôm phải thức đến 4h sáng để dựng chương trình”. Ngoài ra, thời gian đầu, kỹ thuật dựng và quay phim chưa quen lắm với chương trình truyền hình thực tế nên ê - kíp gặp khá nhiều khó khăn. Nhân vật tham gia đều là người nước ngoài nên trước khi ghi hình, Hằng lại phải trò chuyện với nhân vật để mọi người đều thoải mái, cởi mở và tự nhiên nhất khi lên hình.

 

Sam cùng chị Thủy làm nhân cho bánh

… Và những trải nghiệm để đời

Có rất nhiều người nước ngoài đã từng sống ở Việt Nam khá lâu và những công việc như quét rác, bán hoa, làng lụa Hà Đông hay bánh cốm, bánh khúc… có thể không phải quá xa lạ với họ nhưng được tham gia trực tiếp, được trải nghiệm thực sự thì quả là một điều mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ đến. Chính vì thế, khi được trở thành nhân vật của “Một ngày làm người Việt”, họ đã vô cùng hào hứng và phấn khích. Có lẽ, đó là những trải nghiệm, những kỷ niệm với đất nước Việt Nam xinh đẹp mà suốt đời họ sẽ không bao giờ quên được. Nên dù vất vả với đoàn làm phim trong cả một ngày trời nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi, thậm chí sau đó còn nhiệt tình giới thiệu bạn bè đến tham gia làm khách mời của chương trình.

Bản thân những người làm chương trình cũng có rất nhiều cảm xúc. Chương trình đã làm được hơn 10 số phát sóng. Mỗi chương trình lại được tiếp xúc với một nhân vật đến từ một đất nước xa lạ nhưng dường như lại không có khoảng cách nào cả. BTV Thanh Hằng tâm sự rằng càng tiếp xúc càng thấy người nước ngoài thân thiện và cởi mở như thế nào.

Một Steve - tình nguyện viên người Canada, cực kỳ đáng yêu trong lần đầu tiên học làm bánh đa kê, đáng yêu ngay cả khi anh lúng túng “mắc kẹt” trong vòng vây thăm hỏi, làm quen của các bà các chị khi chở bánh ra chợ bán… Một Aizaz - tham tán đại sứ Pakistan lém lỉnh, thông minh trong nhiệm vụ đi mua quà trung thu cho các em thiếu nhi. Luật chơi của chương trình là đưa cho nhân vật một khoản tiền nhất định để đi mua quà cho 20 em nhỏ trong đêm trung thu. Hình ảnh một anh Tây nói tiếng Việt lơ lớ, vừa xem hàng vừa lúng túng mặc cả khiến cho con phố Hàng Mã cũng trở nên nhộn nhịp hơn… Một Lizzi đến từ xứ sở sương mù, nhờ sự khéo léo và nhanh nhẹn đã biết cách nặn cho mình một chiếc bát xinh xắn trong lần đầu tiên về thăm và thử học làm gốm ở Bát Tràng.

 
Một vị tham tán Indonesia vốn nghiêm trang, đạo mạo là thế nhưng lại thật bình dị và gần gũi khi vào vai người quét rác trên đường phố Hà Nội trong những ngày cuối thu. Thấy các bạn trẻ vứt rác ra đường, ông lại gần nhẹ nhàng nhắc nhở… Cứ như thể, ông đã thuộc về Hà Nội từ lâu lắm rồi.

Một nhân vật nữa cũng để lại nhiều ấn tượng với đoàn làm phim, đó là Colin - anh chàng đến từ nước Đức nhưng hiện đang là chủ một quán bia hơi ở Hà Nội. Một ngày được dẫn ra ngoại thành Hà Nội và thử làm nông dân, Colin được làm quen với công việc trồng lúa, cấy lúa, thả thức ăn cho cá hay nấu cám cho lợn ăn. May thay đúng đợt lợn đang thay răng, thế là Colin chớp ngay “cơ hội vàng”, nhảy vào xắn tay xin phép chủ nhà được… nhổ răng cho lợn.

Và còn rất nhiều nhân vật với nhiều câu chuyện, nhiều trải nghiệm thú vị khác nữa. Thật khó để hỏi cô là nhân vật nào để lại ấn tượng nhiều nhất bởi mỗi người đều có những tính cách riêng, phong thái riêng và trải nghiệm riêng. Ai cũng dễ thương và đáng nhớ.

 

Sam đang trông nồi bánh khúc

Theo chân Sam đi bán bánh khúc…

Cứ đến khoảng chớm thu đầu đông này, trời bắt đầu se se lạnh. Buổi tối, các con đường lại ngập tràn mùi hoa sữa và dìu dặt tiếng rao bánh khúc. Trời lạnh mà được nhâm nhi một chiếc bánh khúc thì còn gì bằng. Đó cũng là gợi ý thú vị cho chương trình “Một ngày làm người Việt”. Tại sao không để một người bạn nước ngoài thử sức làm bánh và đi bán bánh khúc đêm ở Hà Nội. Sau vài ngày liên hệ thì nhóm thực hiện chương trình đã “tóm” ngay được Sam - một anh chàng người Mỹ to cao, đẹp trai, vô cùng thân thiện và hiện đang là giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội.

Mặc dù mới chỉ nghe nói đến thôi và chưa một lần được nhìn thấy hay nếm thử món bánh khúc cổ truyền của Hà Nội này nhưng Sam có vẻ rất hào hứng với những trải nghiệm mà mình sắp được trải qua. Hào hứng xen lẫn lo lắng. Đúng 5h chiều, MC John Hung dẫn Sam đến nhà chị Thủy một gia đình làm bánh khúc gia truyền ở Thụy Khuê. Sau khi gửi gắm Sam cho chị Thủy, John tinh quái bảo “Này Sam, nấu nướng không phải là công việc của tôi nên tôi sẽ đi thưởng thức một tách café trong khi anh làm việc”. Và thế là anh chàng Sam mặc dù khá là lo lắng nhưng vẫn chấp nhận một mình vượt qua thử thách.

Đầu tiên chị Thủy dạy Sam cách thái thịt lợn. Công việc khá đơn giản và Sam đã làm rất nhanh. Rồi đến công đoạn cho gia vị vào trộn đều với thịt. Tay Sam quá to nên anh chàng phải loay hoay mãi mới đeo được găng tay vào. Nhìn thấy khay mỡ, anh chàng hùng hồn tuyên bố “Đây là trứng”. Và sau khi biết mình bị “hố”, Sam bẽn lẽn cười làm chị cũng cũng phải phì cười. Tay thoăn thoắt xào đỗ làm nhân bánh nhưng anh chàng cứ đinh ninh cái thứ “bột vàng vàng” đó là bột ngô.

Đến công đoạn vắt đỗ với thịt lợn để nặn thành viên tròn, Sam luống cuống ra mặt vì…nóng. Nhìn anh chàng lóng ngóng, chị không nhịn được cười. Sang phần nhào bột, không biết vì quá phấn khích hay do vụng về mà Sam làm bột mỳ tung tóe khắp nơi. Thấy anh chàng ngượng ngịu, chị an ủi “Không sao, con trai thường vẫn ẩu như thế, kể cả là người Việt hay người nước ngoài”.

Đến phần nhào bột mỳ với rau khúc và vắt bánh với nhân thì Sam tỏ ra thoăn thoắt và khá thạo việc. Đến nỗi chị phải khen “Sam rất nhanh, khỏe và thông minh, mặc dù còn hơi vụng về”. Lời khen đó khích lệ anh chàng rất nhiều và quên đi những giọt mồ hôi đang đang lấm tấm trên trán.

Sam đang trả lại tiền thừa cho khách

Khệ nệ bê nồi nước đặt lên bếp, đổ gạo nếp vào nồi và xếp bánh khúc lên trên, Sam mãn nguyện nhìn thành phẩm của mình và chờ đợi đến lúc bánh chín. Và mặc dù MC John Hung “bỏ rơi” Sam để đi uống café một mình nhưng Sam không hề đơn độc, bởi khi anh chàng ngước lên nhìn thì thấy các nhà hàng xóm xung quanh đang đứng  nhìn sang và cổ vũ cho anh chàng. Họ còn nghĩ nhà chị Thủy mới mời được ông đầu bếp người nước ngoài đến thăm nhà cơ đấy.

Và 45 phút sau thì bánh chín. Sam hí hửng nhấc nồi hông xôi ra khỏi bếp và thốt lên “Ôi, cuối cùng cũng xong. Đã đến lúc mang bánh đi bán và kiếm tiền”. Và tất nhiên trước khi đi, chị không quên dặn Sam cách rao “Ai bánh khúc đây!”. Chị còn nhiệt tình cho Sam mượn xe đạp để chở bánh đi bán. Có hai chiếc xe cho Sam lựa chọn. Anh chàng dắt cả hai chiếc ra và bắt đầu đi thử một vòng trong ngõ cho chắc ăn. Chiếc mini màu đỏ có vẻ đẹp hơn và chắc chắn hơn, nên Sam đã quyết định chọn nó. Chị Thủy giúp Sam buộc thúng bánh khúc lên xe và hướng dẫn Sam khi khách muốn mua hàng thì lấy bánh như thế nào để không nát bánh và rắc vừng lên ra sao cho đủ vừa ăn.

Đúng 7h tối, vừa kịp chào và cảm ơn chị Thủy xong là Sam hào hứng nhảy luôn lên xe đạp và phóng một mạch ra phố.

Nhìn anh chàng người nước ngoài cao lều nghều ngồi trên chiếc xe đạp tung tăng giữa phố đêm, đằng sau chở thúng bánh và miệng thì luôn hồi “Bánh khúc đây! Here bánh khúc!”… ai đi đường cũng phải tò mò, phì cười. Điểm đến đầu tiên là hồ Trúc Bạch. Có một nhóm người gọi Sam lại để mua bánh. Anh chàng cũng khôn ra phết. “Hét giá” những 20 nghìn đồng/chiếc. Sau khi bị chê dồn dập là “Đắt quá!” thì anh chàng đồng ý bán với giá 15 nghìn đồng và cười rất hí hửng. Có lẽ do mở hàng nhanh nhẹn nên sau đó rất nhiều người đã quây quần lại mua bánh cho Sam và trò chuyện với anh chàng rất vui vẻ. Nhiều người chấp nhận mua bánh mặc kệ đắt hay rẻ, chì vì thấy “anh chàng này hay hay”.

Có một chị khách khá tinh quái khi nhất quyết trả giá 10 nghìn một chiếc. Sau khi cò kè một lúc, Sam quyết định bán nhưng chị kia lại đưa hẳn tờ 500 nghìn để anh chàng phụ lại, khiến Sam hốt hoảng thốt lên “Ôi, trời ơi! Không, không”. Mọi người xung quanh được dịp cười phá lên. Ai cũng khen bánh ngon và khen Sam “khá chuyên nghiệp” làm anh chàng chỉ biết cười thẹn thùng.

Tạm biệt nhóm khách đầu tiên, Sam tiếp tục đạp xe lên đường với tiếng rao của mình. “Tôi thích đi trên phố và nói câu rao bánh khúc. Nó làm tôi có cảm giác Hà Nội thật xinh xắn và cổ kính. Nghe như bài hát đặc biệt của Hà Nội ấy”- anh chàng tâm sự.

Sau khi vòng vèo khắp ngõ ngách của thành phố xinh đẹp này, Sam quyết định dừng chân ở phố Hàng Buồm để đi bán dạo. “Hàng Buồm có nhiều quầy bar, đông vui, nhộn nhịp và có nhiều người bạn nước ngoài và những cô gái ăn diện rất đẹp. Tôi nghĩ sẽ bán được nhiều bánh”- Sam hóm hỉnh nói.

Nhưng anh chàng đã nhầm. Bởi ở Hàng Buồm mọi người đi chơi tối rất đông nhưng ai cũng tập trung vào câu chuyện của mình nên chẳng còn tâm lý để mua bánh nữa. Nhìn mọi người vui vẻ, nhộn nhịp, Sam thèm thuồng nhìn vào quán bar và tưởng tượng xem một ly Gin Tonic sẽ tuyệt vời thế nào hay một cốc bia sẽ ngon ra làm sao. “Giá mà có thể vứt ngay xe đạp cùng với thúng bánh khúc sang một bên để đi vào bar, bắt đầu làm quen với một cô gái xinh đẹp và uống một cốc bia thật ngon. Nhưng có lẽ tôi vẫn thích nói chuyện với khách và hoàn thành công việc buôn bán của mình hơn”- nghĩ thế nên Sam vừa lắc lư theo điệu nhạc trong quán bar vọng ra, vừa buộc lại thúng bánh khúc thật chặt và leo lên xe tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Anh chàng đi dọc con phố và mời mọc những người bạn nước ngoài. Nhưng thật tội nghiệp Sam. Dường như có rất nhiều người ở đây mà lại không có ai muốn ăn bánh khúc cả. Đi mãi thì cũng có một chú xe ôm muốn mua bánh nhưng chỉ trả giá 5 nghìn một chiếc. Nghĩ một lúc, anh chàng quyết định bán. Sam mong có khách đến mức dù chỉ 5 nghìn, anh cũng bán. Và tất nhiên với cái giá rẻ như thế, có rất nhiều người đã mua bánh cho anh. Đang vui vẻ nhận tiền thì có một sự cố xảy ra. Một anh chàng người Úc say rượu đã xông vào và cản trở công việc bán hàng của Sam. “Họ không hiểu phải trái trong lúc này nên tốt nhất là ta nên thu gói hàng đi nơi khác để tránh phiền toái”- Sam nhã nhặn nói.

Vẻ dễ thương của Sam được mọi người yêu quý

Trời đã về khuya và số bánh thì vẫn còn rất nhiều. Sam vẫn cần mẫn đạp xe vào những ngõ ngách của phố cổ. Có hai cô gái vẫy Sam lại mua bánh. Không biết có phải vì đã thấm mệt hay không mà cuộc rao giá của Sam và cô gái đã bị nhầm lẫn. Khi Sam nói 10 nghìn một chiếc, cô gái nghe nhầm sang 1 nghìn. Để chắc ăn cô hỏi lại Sam “1 nghìn hả anh?” thì anh chàng vẫn gật đầu rất vui vẻ. Thấy rẻ, cô gái mua luôn 3 cái cho cả bạn mình. Chỉ đến khi nhìn thấy 3 tờ 1 nghìn đồng từ tay cô gái, Sam mới hốt hoảng thốt lên “Ôi trùi ui! Không được đâu!”. Cô gái cười phá lên thích thú. Và không biết có phải vì xiêu lòng trước nụ cười ấy hay không mà cuối cùng anh chàng Sam của chúng ta vẫn đồng ý bán cho người đẹp. Thật là một người bán hàng lịch thiệp.

Và để đáp lại sự lịch thiệp đó của Sam, cô gái đã giúp anh bán thêm rất nhiều bánh. Một người chỉ chuyên lấy bánh, còn người kia thì nói chuyện và mời khách vào mua. Thú vị hơn là một nhóm bạn trẻ người Nhật sau khi mua bánh ăn còn xin được chụp ảnh với Sam để làm kỷ niệm, khiến anh chàng cảm thấy mình không khác gì một ngôi sao điện ảnh mới nổi. Một anh chàng người Việt thì thốt lên “Thật tuyệt vời! Tôi còn không biết làm, thế mà anh ấy có thể làm và bán bánh khúc trên đường thế này. Thật đáng nể!”.

Đồng hồ đã hơn 1h sáng. Người đi đường cũng ít hơn và các con ngõ trên phố thì đã chìm vào sự vắng vẻ.

MC John Hung gặp lại Sam với cái ngáp rõ dài cho cơn buồn ngủ. Anh chàng bánh khúc của chúng ta mặc dù vẫn cười rất tươi nhưng cũng phải thú nhận “Một buổi tối thật dài. Mệt quá!”. Sam vui vẻ khoe với Jọhn rằng mình đã bán được rất nhiều bánh, khoảng 40- 50 chiếc và thu được nhiều tiền hơn so với dự định ban đầu. Tuy nhiên, khi nhìn vào thúng bánh vẫn còn kha khá, John lắc đầu “Sam thân mến, anh biết đấy, những người bán bánh khúc thường bán hết bánh của họ rồi mới về nhà cơ. Nên tôi e rằng anh sẽ vẫn còn việc để làm”. Sam bắt đầu biện minh: “Thật sự tôi không ngờ cái thúng nhỏ nhỏ này lại chứa được nhiều bánh như thế!... Nhưng thôi được rồi, tôi sẽ đi kiếm tiền tiếp vậy”. Và thế là anh chàng lại đẩy xe bánh đi dạo vòng quanh hồ Gươm để bán nốt. MC John Hung không quên chúc anh chàng may mắn trước khi chào tạm biệt để về đi ngủ trước.

 
Vậy là chương trình đã kết thúc rồi nhưng Sam vẫn chưa kết thúc công việc của mình. Thật tò mò không biết sau đó anh chàng đã buôn bán như thế nào. Hóa ra, sau khi đạp xe một vòng, Sam đã dừng lại và tự thưởng cho mình một chiếc bánh khúc. Mệt và đói khiến anh ăn ngấu nghiến rất ngon lành. Sam chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ vì bình thường tôi vốn không thích những thứ bánh truyền thống như bánh trung thu hay bánh chưng cho lắm nhưng bánh khúc thì quả thật rất ngon. Thế mà trước đây chưa có ai giới thiệu cho tôi ăn bánh khúc cả”. Và với số bánh còn lại, Sam đã đem tất cả cho những người đi đường. Thật là một giải pháp thông minh. Khỏi phải nói mọi người vui vẻ như thế nào.

“Tôi thích cảm giác xúc vừng cho mọi người. Tôi cứ liên tục rắc vừng cho người này người kia, cho thêm vừng làm cho họ rất vui. Bài học mà tôi học được trong chuyến trải nghiệm này là phụ nữ Việt Nam làm việc thật vất vả. Họ làm việc vất vả hơn những gì mọi người biết. Tôi đã được thử qua công việc làm và bán bánh khúc đêm nên cảm thấy hiểu họ hơn rất nhiều. Họ thật đáng được trân trọng”- anh chàng “Sam bánh khúc” gật gù chia sẻ và cười tươi khoe thúng bánh đã hết nhẵn…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn