Một giờ với nhà văn, nhà báo cởi quần làm triển lãm

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 15/10/2010 02:05:00 +07:00

Nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài, sau màn trình diễn "cởi quần đọc sách tại triển lãm" đã tự trào rằng, tên anh giờ đây còn được nhắc đến nhiều gắn với…nhà vệ sinh.

Nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài, sau màn trình diễn "cởi quần đọc sách tại triển lãm" đã tự trào rằng, tên anh giờ đây còn được nhắc đến nhiều gắn với… nhà vệ sinh. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện để tìm hiểu thêm về quan điểm nghệ thuật mới mẻ của anh.

- Cho đến nay anh đã nhận được những phản ứng như thế nào sau phần trình diễn tác phẩm “WC.doc” tại triển lãm sắp đặt RESTART tối 5-10 vừa qua?

Nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài. 
- Những người vui vẻ hoan nghênh tác phẩm của tôi cũng nhiều, lời chê mà tôi nghe được cũng lắm, nhưng mà ít những bình phẩm có tính chuyên môn. Tôi vẫn muốn biết quan điểm của những người trong giới nghệ sĩ, trí thức thực sự hiểu nghệ thuật đương đại.

Tôi tin chắc số người ủng hộ, đồng cảm sẽ rất ít. Có những người trước đây loa lên rằng tôi bị điên thì đến giờ chắc họ đang sung sướng vì nghĩ tôi đang tiếp tục chứng minh mình bị điên, còn họ tỉnh táo. (cười ha ha)

Tôi chờ mong những nhận xét có chất lượng về mặt chuyên môn chứ không chấp kiểu nhận định vu vơ trên một tờ báo. Bài ấy rất hùng hồn phê phán dưới góc độ đạo đức về việc hở cái nọ, cái kia. Rồi nhân danh công chúng này nọ... Nói thật là tôi không quan tâm những luồng dư luận như thế. Nó thể hiện một cách nghĩ phi nghệ thuật và sự không-hiểu-gì-cả. Họ còn trích dẫn tên tác phẩm của tôi là “WC.đọc” – đó là một sự thô thiển, đáng lẽ người viết – đã không đi xem trực tiếp thì cũng phải tìm hiểu kỹ hơn.

- Vậy điều anh gửi gắm trong tác phẩm “WC.doc”, nếu hiểu đúng phải là như thế nào?

- Nhiều người có thói quen đọc sách ở trong nhà vệ sinh, nhưng chuyện này dường như vẫn là điều cấm kỵ ít được nói đến. Trong xã hội mình vẫn có câu thành ngữ “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Theo cách nghĩ thông thường thì ngồi trong nhà vệ sinh (dù là đọc sách) vẫn là xấu, cần che đậy. Còn ngồi trong thư viện đọc thì ắt là tốt, nên phô ra. Rõ ràng ở đây có sự giáo điều. Tác phẩm của tôi đánh thẳng vào quan niệm: Có phải những cái được coi là xấu ấy thực sự xấu? Có phải những cái được mệnh danh là tốt thì thực sự tốt?

Tôi ngồi trên toilet đọc sách, liệu hình ảnh đó có phải xấu xa không? Hay phải phô ra một hình ảnh tôi ngồi ở một nơi rất đẹp đẽ, bàn ghế long lanh, buổi sáng tinh sương, chim hót véo von và đọc những câu thơ bay bổng… thế mới là đẹp?

Tôi biết rằng loại hình ảnh thứ hai vẫn bao trùm. Người ta vẫn cứ hình thức, khô cứng và sến như thế đấy. Đó là cả một câu chuyện về mỹ học: cái đẹp - cái xấu.

Màn trình diễn WC.doc của Lê Anh Hoài. 
- Tuy nhiên, không chỉ là “đẹp” hay “xấu” mà có những cách nhìn nhận cho rằng việc anh thản nhiên cởi quần ngồi đọc sách như vậy rất “phản cảm”, “dung tục”… Anh nói sao?

- Tôi nghĩ sự xuất hiện những ý kiến như thế là đương nhiên. Như trên tôi đã nói, do quan niệm mà thôi. Tôi thì thấy hình ảnh một ai đó ngồi đọc sách trong toilet, nó có vẻ đẹp thực sự. Còn những người tôi tạm gọi họ là loại trang nghiêm – họ không thấy đẹp. Cái đẹp trong họ nó được quy chuẩn rồi, thậm chí họ cũng chẳng buồn nghĩ thêm gì nữa.

Đây là loại tác phẩm bên trong có ý niệm, có màu sắc nghệ thuật ý niệm (conceptual art). Tôi có thể nói thế.

- Làm cái việc mà biết chắc nhiều người sẽ phản đối, với anh đó là mạo hiểm hay thách thức?

- Tôi cho rằng đó không hẳn là mạo hiểm vì cũng chả có ai đe dọa gì tôi cả. Có những nhà làm phim hoặc làm nghệ thuật đương đại ở một số nước, khi họ làm tác phẩm gây xung đột, họ bị cản trở, bị thách thức, đe dọa, thậm chí bị dọa giết. Nhưng rất vui là tôi đang sống trong một xã hội có khá nhiều xung đột nhưng không đến nỗi bị đe dọa như thế.

Tôi chọn làm cái điều “gây bất lợi cho mình”, vì tôi tin rằng việc mình làm không-có-gì-sai-cả. Khi làm tác phẩm, tôi không có ý định thách thức ai cả. Ai thấy nó không hay, không đẹp, cứ tự do phát biểu ý kiến, càng nhiều người yêu – ghét tác phẩm, tôi càng mừng.

Tôi cho rằng, đã là văn nghệ sĩ thì tin tưởng điều gì và thích điều ấy thì mình cứ làm với niềm tin rằng cái mình thích rồi sẽ có người thích cùng với mình.

- Anh thì cho rằng đang làm điều mình thích, nhưng có người lại đặt nghi vấn là liệu có phải Lê Anh Hoài đang “chơi nổi”?

- Qua bạn bè, tôi được nghe lại những ý kiến cho rằng vì muốn nổi tiếng nhanh hơn mà tôi thực hiện những tác phẩm trình diễn kia. Thực ra không phải. Chẳng qua tôi chọn loại hình nghệ thuật ấy, đã nghĩ ra tác phẩm ấy thì tôi phải làm đến nơi đến chốn.

Với tác phẩm “WC.doc”, hoàn toàn không ai bắt tôi phải trình diễn. Nhưng tôi cho rằng khi trình diễn thì mọi thứ sẽ tốt hơn, hình ảnh mạnh hơn, ý niệm đưa ra với công chúng mạnh hơn, nên mình phải làm đến cùng.

Để làm được điều đó, tôi phải vượt qua nhiều sức cản ngay từ chính tôi. Đâu phải dễ dàng gì khi làm việc ấy, nhưng đây là hành vi nghệ thuật, và vì tác phẩm của mình tôi tự bắt mình làm việc đến cùng.

Nghệ sĩ thường hơi cực đoan, muốn là phải làm đến cùng. Không phải là tôi không ý thức được những phiền hà, kỳ thị mà mình sẽ phải đối mặt, nhưng tôi vẫn chọn hành vi nghệ thuật ấy.

- “WC.doc” của anh làm tôi liên tưởng đến màn trình diễn “Bay lên” mới đây của nữ họa sĩ Lại Thị Diệu Hà. Cùng là nghệ sĩ trình diễn, anh đánh giá như thế nào về Diệu Hà và tác phẩm của chị?

 Tác phẩm trình diễn Bay lên của Lại Thị Diệu Hà nằm trong chuỗi tác phẩm trình diễn có tên IN: ACT diễn ra tối 13-8 vừa qua tại Nhà sàn Studio - Hà Nội. Trong tác phẩm này, nghệ sĩ đã từ từ khỏa thân rồi trát keo dán lên cơ thể, phủ lông chim lên khắp người, biểu diễn động tác của một con chim chuẩn bị tung cánh và mở lồng chim, nhét chú chim nhỏ vào miệng rồi thả ra ngay sau đó. 
- Đó là một tác phẩm tốt và có sức nặng. Và nghệ sĩ làm rất triệt để. Khi muốn thực hiện tác phẩm đến tận cùng thì người ta phải làm như thế thôi. Lại Thị Diệu Hà hoàn toàn chấp nhận đối diện với chính những chuyện ấy, chứ cô ấy không phải bị điên, và cũng không hề muốn nổi tiếng theo nghĩa mà những người tầm thường hay cho là như thế.

- Ngoài giống nhau ở việc đều phải “cởi” thì tác phẩm của hai anh chị khác nhau như thế nào?

- Hình thức và ý niệm trong hai tác phẩm là hoàn toàn khác nhau. Diệu Hà lựa chọn hình thức khỏa thân như một nghi thức rũ bỏ rồi tự biến mình thành một con chim. Tác phẩm của cô ấy có những ý thanh cao. Còn tác phẩm của tôi, thì dù có sách, nhiều sách rất hay nhưng tôi vẫn bị gắn vào với cái tiếng là “không sạch”. Mà tôi chỉ trình diễn chứ không phải là làm thật, nhưng người ta vẫn cứ gán ghép như thế. (cười)

Tác phẩm trình diễn Bay lên của Diệu Hà (Ảnh: Sưu tầm). 
- Anh vừa nói những lời của nghệ sĩ Lê Anh Hoài, nhưng bên cạnh vai trò là một nghệ sĩ thì anh còn là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Nhiều “nhà” trong một như vậy sẽ có tính tương tác bổ trợ hay lại “kiềm” nhau?


- Đây đúng là một câu hỏi lớn đấy. Nhưng may mắn là bản thân tôi không gặp mâu thuẫn gì đáng kể. Có thể do tôi làm ở một tờ báo rất mở, với những người quản lý rất mở. Như Tổng Biên tập của tôi cũng xem phần trình diễn của tôi và rất vui vẻ. Và những người đồng nghiệp khác của tôi nữa, họ cũng dễ dàng chấp nhận thôi.

Còn về công việc thì các việc ấy nó có hỗ trợ lẫn nhau, như khi làm nghệ thuật đương đại, mình là người viết thì phần ý niệm mình có phần chắc. Khi mình trực tiếp làm nghệ thuật thì mình viết về nghệ thuật tốt hơn.

Hoạt động trong lĩnh vực này còn mang đến cho tôi nhiều hứng thú đến mức muốn viết một cuốn tiểu thuyết về các nghệ sĩ đương đại. Thì rõ ràng là nó có tính “bổ trợ” là chính, đúng không?!

- Thói quen đọc sách trong toilet của anh có lan truyền tới các thành viên khác trong gia đình?

- Tôi nghĩ chuyện đó là có. Vì trong toilet nhà tôi hiện giờ cũng đầy truyện Đôrêmon, truyện tranh… trẻ con nó mang vào đó đọc.

- Có loại sách đặc trưng gì để chuyên đọc trong toilet không?

- Với tôi thì rất đa dạng. Tôi thích gì thì cầm vào đọc thôi, từ sách tướng số, sách tử vi, sách văn học nước ngoài, tôi còn đọc những quyển về tâm thần học, logic học, tâm lý học… rồi báo, tạp chí. Thậm chí nhiều khi hết sách đọc, quên mất chưa mang vào tiếp thì tôi còn lấy cả Đôrêmon có sẵn trong đấy để đọc.

Độ dày – mỏng của sách cũng không phải vấn đề lớn. Vì kể cả những cuốn cực dài, tôi cũng có thể chỉ cần đọc từng mấy trang một. Và cùng một lúc tôi có thể đọc song song rất nhiều quyển liền. Đọc đến chỗ nào dừng lại thì kẹp đánh dấu sách vào thôi.

Có một câu chuyện rất thú vị, đó là chuyện một ông này phàn nàn rằng “cuốn sách này mãi không ngủ được”. Người nghe thì nghĩ cuốn sách ấy hay quá, ông ta đọc mãi không ngủ được. Nhưng thực ra là cuốn sách ấy quá mỏng để ông ta dùng để gối đầu. Như vậy, nói chung công dụng của cuốn sách có rất nhiều, trong đó có cả việc gối đầu, có việc đọc cho buồn ngủ, nói xin lỗi là có cả việc đọc để qua lúc đi vệ sinh. Nhưng với tôi thì thực ra tôi đọc lúc đó là đọc thật, tiếp nhận thật.

- Trở lại với buổi trình diễn hôm trước, bình thường anh sẽ thực hiện hai việc song song nhưng khi trình diễn chỉ được làm mỗi một việc là ngồi đọc sách, điều này có khiến anh cảm thấy “hẫng hụt”?

- Thực ra nghệ thuật với đời thường vẫn khác nhau. Có thể người xem thấy sốc khi xem những hình ảnh như thế. Nhưng bản thân người nghệ sĩ khi thực hiện phần trình diễn của mình đương nhiên không phải làm việc đấy rồi.

Có trang web khi nghe về phần trình diễn của tôi còn bình luận: “Không biết tác phẩm của Lê Anh Hoài có mùi gì không?”. Rõ ràng là tôi không làm mùi, tác phẩm của tôi hoàn toàn sạch sẽ, mà người ta thắc mắc không biết có mùi hay không thì là tôi thành công. Thú vị ở chỗ nó làm cho người ta phải cảm nhận, hóa thân vào tác phẩm.

Cho đến tận cùng tôi vẫn khẳng định, nghệ thuật dù có “giống thật” đến mấy thì vẫn có một ranh giới, và người nghệ sĩ phải kiểm soát được điều đó.

- Tiết mục trình diễn của anh đã được hội đồng nghệ thuật duyệt như thế nào?

- Họ cũng thoáng và tôn trọng nghệ sĩ thôi. Hôm đó tôi phải thuyết trình về tác phẩm của mình chứ cũng không cần phải thể hiện hành vi. Họ chỉ lưu ý tôi hai điều: Thứ nhất là đừng có “lộ hàng” và thứ hai là khi trình diễn thì không ngồi đọc những sách liên quan đến chính trị hay văn hóa phẩm không lành mạnh.

Nói thật là khi tôi chuẩn bị làm tác phẩm ấy, tôi đã phải mặc cái áo rất dài và trình diễn vài lần đúng bộ quần áo đấy, những động tác đấy cho một người bạn của tôi và hỏi đi hỏi lại: “Có nhìn thấy gì không”. Người bạn đó cũng là nghệ sĩ trình diễn đã khẳng định: “Không vấn đề gì đâu anh ạ”!

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Lê Anh Hoài hiện là Thư ký Tòa soạn báo Tiền phong. Anh là hội viên Hội Nhà văn TP.Hà Nội, tác giả của một loạt các tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết: Những giấc mơ bên đường (thơ, 1999), Chuyện tình mùa tạp kỹ (tiểu thuyết, 2007), Không lạc loài (ghi tự truyện, 2008), Tẩy sạch vết yêu (truyện ngắn, 2010), @tình (tiểu thuyết, 2010)…

Là một nghệ sĩ nghệ thuật thị giác, anh đã thực hiện một số tác phẩm như: trình diễn Tôi là cột điện (2008), sắp đặt Tiến lên (2009), sắp đặt Nhu cầu (2010), trình diễn, body painting Thời đại công nghệ (2010), sắp đặt, trình diễn WC.doc (2010)…

 

Theo Khánh Linh - Dân Việt
 

Bình luận
vtcnews.vn