Mong manh cơ hội giảm giá xăng

Kinh tếThứ Sáu, 21/10/2011 06:18:00 +07:00

(VTC News) – Giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore đang trong chiều hướng tăng từ 1 tuần nay khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

(VTC News) – Giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore đang trong chiều hướng tăng từ 1 tuần nay khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về cơ hội giảm giá xăng trong nước.

Từ ngày 10 đến 17/10, giá xăng niêm yết tại thị trường Singapore ở quanh mức 119 – 125 USD/thùng, tức là giá xăng đã có chiều hướng tăng. Tới ngày 19/10/2011, giá xăng nhập khẩu từ thị trường Singapore có giảm còn 122,18 USD/thùng, nhưng vẫn cao hơn ngày 10/10 tới hơn 2,8 USD/thùng.

Trước những thông tin này, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra khó lo lắng, nếu đà tăng của giá xăng tại thị trường Singapore tiếp tục tăng thì cơ hội giảm giá xăng sẽ ra sao?

Trao đổi với P/V VTC News, ông Vương Thái Dũng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, ông không có bình luận gì về giá xăng bởi hiện nay các cơ quan nhà nước đang điều hành giá(!)

 

Liên quan đến những thắc mắc tại sao việc niêm yết tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trên website của Petrolimex lâu rồi không cập nhật vì trước đây một năm chính người đứng đầu Petrolimex ông Bùi Ngọc Bảo đã từng chia sẻ với báo chí: “Phản biện xã hội là rất cần thiết. Những góp ý đúng sẽ giúp khắc phục những gì người ta đã làm sai. Nhưng phản biện phải dựa trên cơ sở thông tin chính xác” vì vậy việc công khai cách tính giá xăng, dầu là để người dân "tham khảo và giám sát".

Ông Dũng cho hay: “Theo tôi được biết, hiện Bộ Tài Chính có công bố giá cơ sở, nên có thể tham khảo ở Cục quản lý giá của Bộ này. Petrolimex đang làm lại giao diện Website, nên vừa rồi dừng lại không đưa giá cơ sở lên Website. Nếu giao diện thực hiện xong thì chắc niêm yết thôi, vì giá cơ sở là hoàn toàn công khai, không có chuyện bí mật và đó là cơ sở để nhà nước điều hành giá (!)”.

Trước ý kiến một số người cho rằng, giá xăng thế giới có xu hướng tăng sẽ khiến cơ hội giảm giá xăng bán lẻ trong nước khó hơn, ông Vương Đình Dung - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân Đội cho hay: "Đúng như thế. Nhưng, nếu tháng 11 tới hoặc sau này giá xăng thế giới giảm thì sẽ khác”.

Ông Dung cho rằng chưa có cơ sở để nói sau khi có kết quả kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ tính tới chuyện giảm giá xăng.
 
“Việc kiểm tra của Bộ Tài Chính đó không phải là cơ sở để giảm giá xăng mà đó là kết quả để biết các doanh nghiệp kinh doanh như thế nào? Còn giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc giá thế giới và tùy theo mục tiêu của Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp tục kiềm chế lạm phát, thấy lạm phát đang cao thì tiếp tục giảm giá xăng”, ông Dung nói. 

Trong cuộc trao đổi với P/V VTC News, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, việc giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc sự biến động của giá thế giới. Thời gian vừa qua, giá xăng, dầu thế giới giảm mạnh nhưng trong nước chỉ giảm giá dầu, còn giá xăng giữ nguyên, đó là điều trớ trêu.

Vị chuyên gia này nhắc nhiều lần đến việc giảm giá xăng phụ thuộc việc kiểm tra giá cơ sở của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Vì vậy cơ quan quản lý phải có biện pháp để kiểm tra giá cơ sở này.

“Người dân hi vọng giá dầu giảm, thì giá xăng cũng giảm, nhưng điều đó không xảy ra. Người tiêu dùng lại chờ đợi giá xăng thế giới giảm, nhưng vừa qua giá xăng thế giới lại có xu hướng tăng. Nếu trong xu thế đó, để giảm giá xăng là khó”, ông Long cho hay.

 Biểu đồ giá xăng nửa đầu tháng 10 (Nguồn: Website Petrolimex)

Không phủ nhận cách tính giá cơ sở mà các doanh nghiệp hiện nay vẫn dùng song ông Long cho rằng, cần là cần sự giám sát của các cơ quan có liên quan xem liệu cách tính giá cơ sở đó đã chính xác, minh bạch... hay chưa.

“Trong đó, chi phí và các yếu tố cấu thành nên giá cơ sở như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt là rõ ràng, còn phí hao hụt, phí kinh doanh… còn khá tù mù. Trớ trêu là có doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu báo lỗ, nhưng cuối năm lại vẫn có lãi. Nên giảm hay không và giảm bao nhiêu là căn cứ vào giá cơ sở có chính xác hay không?”, ông Long thẳng thắn chỉ rõ.

Theo ý kiến của ông Long, nhiều người cho rằng giảm giá xăng từ 200 – 300 đồng/lít cũng là giải tỏa được yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, để nói cụ thể giảm bao nhiêu là khó, nếu không có số liệu chính xác.

Từ quan điểm của một người tiêu dùng, ông Long cho rằng, “nếu tỷ giá ổn định, giá thế giới giảm thì giá trong nước sẽ giảm. Còn việc so sánh giá xăng với các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc…chỉ là tương đối, để tạo khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bởi vì, mỗi nước sẽ có một nhu cầu đối với xăng, dầu khác nhau, cách tính thuế cũng khác nhau".

Một nguyên nhân nữa khiến giá xăng khó giảm, theo chuyên gia Ngô Trí Long là do vấn đề tỷ giá: “70% xăng, dầu của nước ta là từ nguồn nhập khẩu, mà nhập khẩu sẽ liên quan đến ngoại tệ và tỷ giá. Cuối năm, thông thường tỷ giá tăng mạnh, do nhu cầu đòi hỏi thanh toán, nhiều khoản vay phải trả, do cán cân thương mại thâm hụt và nhập siêu lớn cũng như lạm phát sẽ tác động lên tỷ giá, nên việc giảm giá xăng cũng sẽ khó khăn”.

Còn TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: “Với việc giá xăng có xu hướng tăng trong mấy ngày trước,  nếu trả lời không còn cơ hội giảm giá xăng là chủ quan. Trong vòng 1 tuần, hay 1 tháng có thể không còn, nhưng từ bây giờ đến cuối năm hay năm sau thì tất nhiên vẫn phải là vẫn còn”.

Theo ông Phong, mức giá trong nước giảm hay tăng còn phụ thuộc giá cả thế giới. Ngoài ra, mức giá còn gắn liền với cơ chế cạnh tranh giá xăng dầu, nếu có sự giám sát chặt chẽ hơn, không còn độc quyền và chênh lệch, lúc đó giá xăng sẽ xuống lên mà không còn tranh cãi.

“Nếu nói, việc các doanh nghiệp còn lấn cấn trong thời gian qua chưa giảm giá xăng khi giá thế giới xuống thấp thì đúng là chúng ta đã bỏ lỡ 1 cơ hội tốt để giảm giá xăng, góp phần ổn định tâm lý người dân", ông Phong chia sẻ.

Anh Minh



Bình luận
vtcnews.vn