Món quà nặng tình cho người Việt bằng lương hưu còm cõi và trái tim bị tổn thương của bà giáo Nga nhân hậu

Giáo dụcThứ Năm, 13/11/2014 11:25:00 +07:00

(VTC News) - Bà giáo Nga của nguyên PTT Vũ Khoan dành lương hưu làm sách tiếng Nga tặng VN, nhưng một số cán bộ tắc trách đã làm tình cảm của bà tổn thương.

(VTC News) - Bà giáo Nga hơn 90 tuổi của những học trò Việt nổi tiếng, trong đó có nguyên PTT Vũ Khoan dành dụm lương hưu ít ỏi làm giáo trình tiếng Nga tặng VN, nhưng một số cán bộ ĐSQ VN tại Liên bang Nga tắc trách đã làm tình cảm của bà tổn thương.

Từ Matxcơva, biên tập viên Đài Tiếng nói nước Nga, chị Nguyễn Kim Hiền cho VTC News biết: Có một bà giáo già người Nga hơn 90 tuổi vẫn đầy nhiệt huyết với việc dạy học tiếng Nga cho người Việt. 

Bà là Sofia Korchikova, Phó Giáo sư - Phó Tiến sỹ Ngôn ngữ học, cô giáo đầu tiên của 100 “hạt giống đỏ” được cử sang Liên Xô đào tạo từ năm 1954.

Trong số những hạt giống đỏ ấy có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, dịch giả Thúy Toàn…

Đã bao năm trôi qua, bà vẫn nhớ rành rẽ tên tuổi những học trò của mình, vẫn đau đáu thông tin ai còn, ai mất.

sofia
Bà giáo Sofia Korchikova  

100 hạt giống đỏ
100 "hạt giống đỏ" năm nào 

Đầu năm nay, với những đồng lương hưu còm cõi, bà Sofia Korchikova đã cho xuất bản một cuốn sách dạy tiếng Nga dành riêng cho người Việt Nam. 

Cũng chỉ với những đồng lương hưu còm cõi ấy, bà còn kỳ công thuê nghệ sĩ nổi tiếng đọc các bài đối thoại, in đĩa kèm theo sách, được 200 cuốn.

Bà viết thư cho đại sứ Việt Nam tại Nga về nguyện vọng tặng sách và nhờ chuyển về Việt Nam 100 cuốn kèm đĩa cho sinh viên. Đại sứ quán Việt Nam đã cho người đến nhà bà lấy sách mang đi, nhưng không ai trả lời bà về số phận những quyển sách đó.

Trong lần trao đổi qua điện thoại với VTC News, vẫn bằng giọng nói đầy nhiệt huyết, bà Sofia Korchikova nói bà "tâm nguyện sẽ sang tổ chức tập huấn cuốn giáo trình mới cho các giáo viên Việt Nam, nhưng do không nhận được phản hồi" từ phía Đại sứ quán nên bà đành ở lại.

Nghe nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan hồi tưởng về những người thầy tiếng Nga đầu tiên của mình:


VTC News đã vào cuộc xác minh, tìm hiểu số phận 100 cuốn giáo trình mang đầy tâm huyết của một người Nga nặng nghĩa, nặng tình với đất nước, con người Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ngoài cùng bên phải) và bà giáo Sofia Korchikova (ngoài cùng bên trái) trong buổi truyền hình trực tiếp "Thầy trò ngày gặp lại" ngày 17/1/2010 tại Hà Nội 

Trước khi đi vào chi tiết câu chuyện về sự tắc trách của một số cán bộ ĐSQ Việt Nam tại LB Nga khiến tình cảm dành cho Việt Nam của bà Sofia bị tổn thương, chúng tôi sẽ kể cho độc giả nghe về bà giáo nhân hậu qua hồi tưởng của các học trò, những người nổi tiếng ở Việt Nam.

Gần 80, vẫn là cậu học trò bé nhỏ

Sau khi ký kết Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh ở Đông Dương vào năm 1954, “100 hạt giống đỏ” của Việt Nam được cử đến Matxcơva. Bà Sofia là một trong những giáo viên dạy ngôn ngữ cho lứa học sinh đầu tiên ấy.

Video: Bà Sophia gặp lại nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và các học trò cũ ở Việt Nam - Nguồn: VTV

Khi đó, cô giáo tiếng Nga Sofia Leonhitdona Korchikova mới ngoài 30 tuổi. Không một ai trong số “100 hạt giống đỏ” ấy biết một từ tiếng Nga nào, bà Korchikova đã tỉ mẩn từng chút, cố gắng mỗi ngày cho những hạt giống đầu tiên ươm mầm.

Tất cả những cô bé, cậu bé khi ấy vẫn thường trực trong mình hình ảnh bà Korchikova như một người mẹ thứ hai, không chỉ dạy những người con đến từ một đất nước khác ngôn ngữ mới, mà lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ trong suốt thời niên thiếu.

Bà Sofia Korchikova và người học trò Nguyễn Thúy Toàn gặp lại nhau vào tháng 9 năm nay.

Lứa học trò đầu tiên của bà giáo già nhân hậu, người còn, người mất, có người giữ cương vị quan trọng, có người tiếp tục cuộc sống giản dị. Nhưng phải đến hơn nửa thế kỷ sau, bà Korchikova mới có dịp sang Việt Nam. 

Lần thứ nhất, vào năm 2007, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan mời cô giáo cũ của mình tới thăm Việt Nam. Và lần thứ hai, vào năm 2010, trong cuộc gặp gỡ lịch sử giữa thầy và trò Xô Viết.

Dịch giả Thúy Toàn – một trong “100 hạt giống đỏ” cách đây 60 năm, rưng rưng xúc động khi nhắc đến bà giáo Nga nhân hậu.

“Những ngày đầu tháng 9, tôi có dịp trở lại Nga trong một chuyến công tác. Chuyến đi ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn 4 ngày, với công việc chính là cố vấn và phiên dịch cho một đoàn đại biểu sang dự triển lãm tại Matxcơva. Vì thời gian khắt khe, nên tôi chỉ dám gọi điện để chào và nhờ một chị biên tập Đài Tiếng nói nước Nga mang chút quà nhỏ tới biếu bà giáo năm xưa của mình.

Vậy mà vừa biết tin tôi đến, người giáo già bước sang tuổi 92 đã lặn lội từ phía Tây Nam của thành phố, tới Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc dân Liên Xô (ВДНХ) để gặp người học trò cũ. Công việc bận rộn, không hẹn trước, nên tôi và bà đã không gặp được nhau.

sofia
Giáo trình dành cho người mới học tiếng Nga do bà Sofia soạn thảo, in ấn bằng những đồng lương hưu ít ỏi của mình  

Đêm hôm ấy, bà giáo gọi điện, nói nhất định sẽ tới thăm và phải gặp bằng được trước khi tôi về Việt Nam. Tôi hẹn bà tối hôm sau ở nhà ga Metro, và chạy bộ 40 phút từ khách sạn tới đó để gặp lại cô giáo năm xưa của mình.

Đến nơi, nhìn thấy bà giáo già đứng đợi sẵn tự bao giờ, tôi lặng người. Hai mái đầu bạc trắng ôm chầm lấy nhau, nước mắt cứ thế tuôn rơi. 60 năm rồi, bà giáo vẫn nhắc lại nguyên vẹn những ký ức năm nào như mới hôm qua.

Đôi bàn tay gầy guộc lần lần vào chiếc túi xách mang theo bên người, rồi rút ra cho tôi chiếc phong bì, nói đây là đóng góp nhỏ vào ngôi nhà lưu niệm văn hóa Nga tại Việt Nam do tôi khởi xướng. Tôi không dám cầm, vì biết chắc nó được lấy ra từ số lương hưu ít ỏi, nhưng bà giáo nói, đó là tấm lòng, nhất định không được từ chối.

 

Tôi run run cầm chiếc phong bì có 1000 rúp trong ấy, số tiền quá ít ỏi để ăn một bữa trưa trong thành phố đắt đỏ như Matxcơva, nhưng là quá nhiều với một nhà giáo nghèo.

Dịch giả Thúy Toàn
 
Tôi run run cầm chiếc phong bì có 1000 rúp trong ấy, số tiền quá ít ỏi để ăn một bữa trưa trong thành phố đắt đỏ như Matxcơva, nhưng là quá nhiều với một nhà giáo nghèo.

Về tới khách sạn, điện thoại đổ chuông, phía bên kia là giọng bà giáo già, bà nói, “Tối mai cô lại đến thăm em. Về đến nhà cô mới tìm thấy, hóa ra cô đưa nhầm cái phong bì. 1000 rúp ấy là để em mua quà về Việt Nam, còn cô có để dành được một số tiền khác, để cho em làm dự án về văn hóa Nga. Tối mai, cô sẽ gặp em trước khi lên máy bay về nước.”

Tối hôm sau, bà lại đến nhà ga Metro từ sớm, dúi bằng được vào tay tôi một chiếc phong bì khác. Tôi nhìn bà giáo già bật khóc, thấy mình vẫn là cậu học trò bé nhỏ như cái ngày mới bỡ ngỡ đặt chân đến Matxcơva.

thúy toàn
Dịch giả Thúy Toàn vẫn giữ tấm thiệp chào đón học sinh Việt Nam đến Nga cách đây 60 năm 

Nỗi thất vọng của bà giáo nhân hậu

Để kiểm chứng những thông tin này và với quyết tâm đi tìm đến cùng sự thật để không làm tổn thương đến tình cảm sâu nặng của bà giáo già Sofia nhân hậu với các thế hệ học trò Việt, chúng tôi đã liên hệ với bà giáo qua điện thoại.

Thật bất ngờ, hơn 90 tuổi, bà giáo vẫn có tài khoản facebook liên lạc với mọi người. Khi chúng tôi gọi đến, bà rất cảm động và kể rành rọt đến từng chi tiết, ngày tháng cụ thể những sự việc liên quan đến số phận 100 cuốn sách đầy tâm huyết của bà.

Bà giáo Sofia cho biết: “Hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hồng – người của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đến gặp tôi để lấy cuốn giáo trình”.

Nhưng tận ngày 29/8, nghĩa là ba tháng sau khi số giáo trình được lấy đi, vẫn không ai thông báo về số phận của nó với bà.

sofia
Hơn 90 tuổi, bà giáo Sofia vẫn cặm cụi bên từng trang sách 

Bà đã viết thư cho ông Hồng để hỏi tình hình, ông Hồng trả lời rằng bà phải liên lạc với ông Đoàn Khắc Hoàng – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga vì ông Hồng đã kết thúc nhiệm kỳ và đã về Việt Nam.

 

Tôi gọi cho ông Hoàng nhưng không nhận được câu trả lời giáo trình đã chuyển về Việt Nam chưa và nó có được sử dụng hay không.

Bà giáo Sofia Korchikova
 
“Tôi gọi cho ông Hoàng nhưng không nhận được câu trả lời giáo trình đã chuyển về Việt Nam chưa và nó có được sử dụng hay không”, bà Sofia nói.

Dù đã ngoài 90 tuổi, bà Sofia vẫn nhớ tường tận rằng ông Xuân Hồng đã đến nhà bà để lấy giáo trình. Khi đó, giáo trình được đóng thùng cẩn thận, bao gồm 05 thùng to, mỗi thùng 18 quyển = 90 cuốn và 01 thùng nhỏ chứa 10 cuốn giáo trình. Tổng cộng đúng 100 cuốn.

Bà giáo hơn 90 tuổi nói với VTC News rằng bà cảm thấy “vô cùng buồn bã và thất vọng” khi công trình tâm huyết cho người Việt Nam bị rơi vào quên lãng.

Khó khăn câu trả lời

Đầu tháng 10, phóng viên VTC News đã liên hệ với ông Phạm Xuân Sơn - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga để hỏi về thông tin số phận 100 cuốn sách trên, nhưng ông Sơn nói “đã hết nhiệm kỳ nên mọi việc bàn giao cho Đại sứ mới, bao gồm cả việc của bà Sofia Korchikova”.

Theo thông tin bà Sofia cung cấp, người nhận số giáo trình của bà là ông Phạm Xuân Hồng – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam ở Nga.

Trả lời về vấn đề này, ông Hồng cũng cho hay “đã hết nhiệm kỳ nên bàn giao công việc cho những người đến sau xử lý”.

Theo giới thiệu của ông Hồng, VTC News đã liên lạc với ông Nam, được giới thiệu là trợ lý của tân Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Nguyễn Thanh Sơn. Ông Nam nói số giáo trình của bà Sofia đã được chuyển cho đại diện Bộ GD&ĐT, cùng một số trường đại học giảng dạy tiếng Nga ở Hà Nội.

Khi được đề nghị cung cấp thông tin các trường đại học được nhận số giáo trình trên, ông Nam nói: “Theo nguyên tắc, chúng tôi chỉ cung cấp thông tin này cho bà Sofia”.

Sau rất nhiều lần email, điện thoại hỏi về số phận 100 cuốn giáo trình của bà giáo già, phải nhờ đến sự tác động của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, ngày 10/10, tòa soạn nhận được email có nội dung như sau:

“Kính gửi anh Việt (PV báo VTC News)

Về thư của Anh, xin thông báo như sau:

Bà Sofia Korchikova đã nhiều lần nhờ Đại sứ quán chuyển một số mẫu sách dạy tiếng Nga do Bà biên soạn cho các nơi có nhu cầu. Tháng 5 vừa qua, Bà Korchikova có chuyển thêm cho Đại sứ quán 100 cuốn sách mới biên soạn nhằm giảng dạy tiếng Nga cho người mới học.

Đại sứ quán đã chuyển các mẫu sách trên cho nhiều Đại học và trung tâm giảng dạy tiếng Nga trong nước đề nghị cho ý kiến về khả năng áp dụng trong giảng dạy, tuy nhiên hiện vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức. Ngoài ra, Đại sứ quán đã giới thiệu và chuyển một số sách học tiếng Nga nhận được hồi tháng 5 vừa qua cho một số cán bộ, cộng đồng ta tại Nga có nhu cầu nghiên cứu học tập và tham khảo. Đại sứ quán đã trao đổi vấn đề trên với Đoàn Bộ GDĐT VN thăm Nga vừa qua và Bộ cho biết sẽ sớm xem xét tiếp nhận số sách trên. Hiện ĐSQ đang chờ phản hồi chính thức từ các nơi để có cơ sở cân đối, chuyển số sách nói trên đến đúng nơi có nhu cầu thực sự, tránh hình thức.

Từ tháng 5/2014, Đại sứ quán chưa nhận được ý kiến chính thức của Bà Korchikova về việc này, tuy nhiên trong trao đổi không chính thức với Bà qua điện thoại đầu tháng 9/2014, Đại sứ quán đã thông báo với Bà về việc đã chuyển một số sách mẫu về cho các đơn vị trong nước, cũng như sử dụng tại chỗ phục vụ cán bộ, cộng đồng. Từ đó, không thấy Bà có phản hồi thêm.

Đại sứ quán rất trân trọng công sức và tâm huyết của Bà Korchikova, đồng thời mong muốn số sách trên đến được nơi có nhu cầu thực sự. Trong trường hợp Anh và các đầu mối khác biết được nơi nào sẵn sàng tiếp nhận, sử dụng hiệu quả số sách trên, xin đề nghị thông báo cho Đại sứ quán để chuyển về trong thời gian sớm nhất.

Xin trân trọng cảm ơn.”

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT: Không nhận được giáo trình nào từ ĐSQ

Ngay lập tức, VTC News đã vào cuộc xác minh thông tin do ĐSQ Việt Nam tại Liên bang Nga cung cấp trên đây.

Tiến sĩ Đinh Thị Thu Huyền, Trưởng khoa tiếng Nga ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định Khoa tiếng Nga chưa nhận được cuốn giáo trình nào của bà Sofia Korchikova.

Tiến sĩ Huyền cho biết bà và các đồng nghiệp sẽ “rất vui mừng nếu khoa có một cuốn giáo trình như thế bởi đó sẽ là những tư liệu rất quý trong việc giảng dạy tiếng Nga.”

Vị trưởng khoa này cho biết thêm, giáo trình sẽ do hội đồng khoa học của trường quyết định nên không phải thông qua Bộ GD&ĐT thẩm định.

VTC News cũng đã làm việc với một đơn vị khác là Đại học Hà Nội (trước đây là ĐH Ngoại ngữ Hà Nội). Ông Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội, cho biết trường chưa nhận được thông tin về cuốn giáo trình dạy tiếng Nga của bà Sofia Korchikova.

PGS-TS Trần Quang Bình, Hiệu phó Đại học Hà Nội kiêm Trưởng khoa tiếng Nga cho biết khoa tiếng Nga Đại học Hà Nội cũng chưa nhận được cuốn giáo trình của bà Sofia Korchikova.

“Khoa tiếng Nga rất mong có cuốn sách giáo trình này để nghiên cứu, giảng dạy cho sinh viên”, ông Bình cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – ông Bùi Văn Ga cũng khẳng định với VTC News rằng cơ quan này không hề nhận được bất cứ cuốn giáo trình nào như thông tin nêu trên.

Trong email gửi VTC News ngày 10/10, ĐSQ khẳng định từ tháng 5/2014, cơ quan này chưa nhận được ý kiến chính thức của Bà Korchikova. 

Tuy nhiên, vẫn theo nội dung email trên, trong trao đổi không chính thức với bà qua điện thoại đầu tháng 9/2014, Đại sứ quán đã thông báo với Bà về việc đã chuyển một số sách mẫu về cho các đơn vị trong nước, cũng như sử dụng tại chỗ phục vụ cán bộ, cộng đồng. Từ đó, không thấy bà có phản hồi thêm.

Trong khi đó, trả lời VTC News đầu tháng 11 này, bà Korchikova khẳng định không có bất cứ ai ở Đại sứ quán liên lạc với bà. Điều này khiến bà cảm thấy ‘vô cùng buồn bã, thất vọng’.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ VTC News, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tìm hiểu sự việc để báo cáo lãnh đạo Bộ và trả lời VTC News. 

Từ chỉ đạo này, các cán bộ ĐSQ Việt Nam tại LB Nga được giao nhiệm vụ tiếp nhận số giáo trình của bà Korchikova đã có những động thái khác hẳn.

Số phận của 100 cuốn giáo trình tiếng Nga, những đứa con tinh thần chất chứa đầy tình yêu thương gửi tặng các học trò, những người bạn Việt Nam của bà giáo già Sofia đã dần sáng tỏ.

Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài 2: “Thông tin tiền hậu bất nhất từ các cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Nga” đăng vào sáng mai trên VTC News.

Văn Việt - Phạm Thịnh - Việt Hùng - Thùy Linh
Bình luận
vtcnews.vn