Môi trường lao động tự do: Tiềm ẩn rủi ro

Thời sựThứ Năm, 10/09/2015 12:52:00 +07:00

Công tác giám sát môi trường lao động và an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hiện nay dù có chuyển biến tại một số doanh nghiệp song chưa hiệu quả

(VTC News) - Công tác giám sát môi trường lao động và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các doanh nghiệp hiện nay dù có chuyển biến tại một số doanh nghiệp song chưa thực sự được quan tâm nhưng chưa đúng mức ở nhiều nơi.

Anh Trần Đại Dương (nguyên là công nhân tại Công ty T.V. ở quận 9- TPHCM) đến nay vẫn nhớ như in vụ tai nạn lao động khiến anh bị gãy chân. Với ước mơ có cuộc sống tốt ở thành phố, anh Dương đã đưa vợ con từ Cần Thơ lên TP.HCM để sinh sống. Với tay nghề cao, anh là thợ chính tại nhiều công trình xây dựng và có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, từ khi bị tai nạn lao động, giấc mơ sống ở thành phố của gia đình anh Dương không thành vì không thể trang trải được cuộc sống. “Từ chỗ là lao động chính trong gia đình, tôi bị tai nạn bị gãy chân trái và vẹo cổ chân phải khi đang thi công lắp đặt nhà xưởng. Trong lúc đang thi công thì giàn giáo sập. Lỗi là do công ty, nếu đơn vị quan tâm các vấn đề an toàn lao động thì tôi đã không bị thương tật như hôm nay.”, anh Dương chia sẻ.

Nguy cơ tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập người lao động tự do.
Nguy cơ tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập người lao động tự do.  

Thực tế, việc giám sát môi trường lao động hiện ít được quan tâm, nhất là ở các cơ sở sản xuất nhỏ. Tại xưởng gia công của một doanh nghiệp chuyên sản xuất mũ bảo hiểm trên địa bàn quận 6-TP.HCM, anh Hoàng Văn Dũng (40 tuổi), tay thoăn thoắt nhấc mẫu mũ bảo hiểm bằng nhựa vừa được ép ra khỏi khuôn, cho biết anh làm công việc này đã gần 5 năm.
Đứng quan sát anh làm việc chưa được 10 phút, mùi nhựa hăng hắc xộc vào mũi khiến chúng tôi khó chịu, thở không nổi. Vậy mà gần 10 người công nhân đang làm việc tại đây không hề sử dụng khẩu trang cũng như các phương tiện bảo hộ lao động. “Mùi khó thở quá, sao anh không đeo găng tay, khẩu trang?” – chúng tôi hỏi thì anh Dũng đáp gọn lỏn: “Đeo vào vướng víu lắm, cũng đâu có ai bắt phải đeo đâu.”
Trong vai người đi xin việc, chúng tôi đến một xưởng xẻ gỗ tư nhân nằm trên đường An Phú 18, thị xã Thuận An (Bình Dương). Tại xưởng gỗ có khoảng 6 người đang làm việc. Người mặc áo, người lưng trần. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại, quần áo bám đầy bụi, mạt cưa và tiếng cưa máy rít lên nghe rùng rợn.
Tranh thủ thời gian chờ ông chủ xưởng đến xem hồ sơ, chúng tôi bắt chuyện với một thanh niên đang đo những xúc gỗ ngay gần cửa xưởng. Biết chúng tôi đễn xin việc, người thanh niên tên Bùi Văn Nam (38 tuổi, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa), nói: Xin việc khác đi chú em. Tướng tá chú vậy chắc không chịu nỗi được 3 ngày đâu, công việc này phải người có sức khỏe mới trụ được, anh khuyên thật đấy.
Quả thực khi nhìn thấy những người thợ vận dụng “cơ bắp” khiêng những súc gỗ đặt lên bàn cưa mà không có một thiết bị máy móc nào hỗ trợ khiến tôi ái ngại. Theo anh Nam, công việc không những nặng nhọc mà còn nguy hiểm, sơ sẩy cái là dập tay, dập chân như chơi.
 “Khi có người bị tai nạn thì ông chủ có hỗ trợ tiền bạc gì không và anh có được tham gia chế độ bảo hiểm nào không?” – tôi hỏi thì anh Nam cho biết mọi người làm ở đây đều thỏa thuận bằng miệng, không có ký hợp đồng lao động nên khi xảy ra chuyện thì mình tự chịu.
 Nếu còn làm được việc thì ông chủ cho làm không thì nghỉ. Trước giờ đâu thấy có ai kiểm tra mấy vụ đóng bảo hiểm, an toàn lao động đâu, ở đây mình thấy trả lương được thì làm thôi chứ đâu có mấy chuyện đóng bảo hiểm, trang bị bảo hộ. 
Xây dựng là một trong những ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao. Trên thực tế, có tới hơn 80% công nhân trong ngành xây dựng là lao động thời vụ, không ổn định nên có tâm lý ngại tham gia huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Những thợ xây tự do thường xuất phát từ thợ phụ, trình độ lao động chưa cao, chỉ quen làm việc dựa vào kinh nghiệm.

Trong khi đó, cai thầu là những người trực tiếp nhận người- nhận việc thì phần lớn lại thiếu trình độ quản lý, thực hiện tuyển dụng đơn giản. Ông Nguyễn Văn Thái, là cai thầu đã hơn 10 năm nay, cho biết cho biết thi công chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính chứ không qua đào tạo. Về trang bị bảo hộ lao động thì có gì dùng nấy chứ không theo chuẩn nào.
 “Nếu trang bị đúng quy chuẩn thì phải tốn thêm chi phí nên chúng tôi có gì dùng cái đó. Thực sự an toàn lao động rất quan trọng nhưng đó là với các công trình lớn, còn nhưng chúng tôi chỉ chuyên thì công các công trình nhỏ ít tiền thì việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cũng chưa cấp bách lắm.”, ông Thái nói.
Video: Máy xúc đổ suýt đè chết công nhân

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động TP.HCM, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do ý thức nhiều đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ về công tác an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước các cấp không đủ lực lượng và cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, chậm xử lý những hành vi vi phạm pháp luật lao động nên cũng làm cho các doanh nghiệp xem nhẹ trách nhiệm của đơn vị trong việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động.
Ngoài ra, các vụ tai nạn lao động chết người điển hình chậm hoặc không được khỏi tố cũng làm cho việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp không đi vào quy định.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Lâm Nhi
Bình luận
vtcnews.vn