Mối tình đầy chất thơ của nhà văn Phan Tứ

Tổng hợpThứ Sáu, 17/12/2010 11:32:00 +07:00

(VTC News) - Bà Phương Thảo chậm rãi đến bên chiếc tủ nhỏ tìm chiếc hộp đựng những lá thư của nhà văn Phan Tứ gửi về cho bà từ miền khói lửa.

(VTC News) - Góc đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng có một ngôi nhà nhỏ khá khiêm nhường. Ít ai biết rằng nơi đây là mái ấm của nhà văn Phan Tứ (tức Lê Khâm) giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, tác giả của “Mẫn và tôi” làm lay động hàng triệu trái tim bạn đọc. 14 năm sau ngày ông ra đi, chúng tôi về thăm lại ngôi nhà lặng lẽ ấy.

 

Tuổi trên 70, bị căn bệnh dạ dày kinh niên hành hạ, vợ của nhà văn, bà Đinh Thị Phương Thảo không còn là thiếu nữ Nghệ An phơi phới, hút hồn chàng sinh viên Quảng Nam năm nào. Có điều nói chuyện với bà mới thấy, bề ngoài bé nhỏ, yếu đuối ấy vẫn giấu một ngọn lửa tình yêu nồng nàn ngỡ như không bao giờ tắt mà bà dành cho người yêu, người chồng quá cố của mình.

 

Tình yêu của nhà văn Phan Tứ và bà là một mối tình đẹp đầy chất thơ. Năm 1958, trong khoá văn của Trường Tổng hợp Hà Nội có một anh bộ đội vừa từ chiến trường Lào trở về.  Người ta giới thiệu với bà đó là Lê Khâm, học giỏi, thủ khoa của khoá, trước khi vào học đã có vốn lận lưng là tác phẩm viết về chiến trường Lào “Bên kia biên giới” và đặc biệt nữa anh là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh.

 

Nhưng có lẽ biết cũng chỉ để “kính nhi viễn chi” nếu không có đợt về nông thôn gặt lúa giúp dân. Lớp sử chỉ một mình Phương Thảo là nữ nên được gửi sang lớp văn. Một hôm cô gái bị đỉa cắn sưng chân phải ở nhà. Anh gánh lúa đi qua, nghe cô bị đau chân, sốt sắng đưa sang lọ dầu xalixilat để bôi, rồi kháng sinh, bông băng.  

Hạnh phúc trước khi vào Nam. 

Tình yêu của hai người bắt đầu từ đó. Họ cũng có những ngày sóng gió giận hờn nhưng rồi lại làm lành rất nhanh vì không thể xa rời. “Một chút bóng mây hiểu lầm không đủ che khuất mặt trời mà chỉ mang thêm vui mừng khi ánh sáng lại toả rộng hơn trước”. Có lần anh viết trong nhật ký về những giận hờn của hai người như vậy.

 

Ba năm bên nhau đủ để tình yêu của họ dày lên kỷ niệm với những đêm Hồ Tây, những chiều Bách Thảo và bao con đường thân quen in dấu mỗi ngày. Nhưng rồi chiến trường miền Nam vẫy gọi, một con người đầy hoài bão như anh làm sao có thể không dấn thân để có những tác phẩm sống động về quê hương. Và làm sao chị, một sinh viên sử, luôn trăn trở với thăng trầm của đất nước lại không động viên anh lên đường. Vậy là anh đi, đằng đẵng 5 năm…

 

Bà Phương Thảo chậm rãi đến bên chiếc tủ nhỏ tìm chiếc hộp đựng những lá thư của nhà văn Phan Tứ gửi về cho bà từ miền khói lửa. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua mà gần một trăm bức thư như vẫn còn ấm hơi thở của người cầm bút. Có những tờ viết bằng giấy pơ-luya hồng mà anh kể rằng do một người bạn kiếm ở thành phố về tặng để người miền Bắc thấy cuộc sống trong này bớt khốc liệt. Những dòng chữ chân phương, tăm tắp dù tác giả của nó viết dưới hầm trong tiếng đại bác ầm ầm, trên đường hành quân, hay phút nghỉ chân ven suối bên cánh rừng địch vừa oanh tạc, có khi tranh thủ ánh hoả châu…, kịp gửi đồng đội mang ra cho người thương.

 

Trong thư ngày 11-9-1961, anh viết: “Anh luôn nghĩ đến em và hiểu rằng em đang phải chịu đựng đau khổ âm thầm vì cảnh chia cắt của Tổ quốc và của hai đứa chúng ta. Nhưng chắc em vẫn tự hào vì người yêu của mình đang góp phần đấu tranh cho thống nhất, tự hào vì nỗi khổ riêng của em đã hoà chung với nỗi xót xa chung của đất nước, vì sự hy sinh của em là một phần đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung… Nhớ em nhiều, yêu em ngày càng thắm thiết, chờ đợi ngày đón người yêu - đồng chí trong Tổ quốc thống nhất. Hôn em nghìn lần, đợi thư em. Anh”.

 

Nhà văn Phan Tứ ở chiến trường Khu 5 

Những lá thư những ngày đầu ở chiến trường là nỗi day dứt trước miền Nam dầu sôi lửa bỏng, máu chảy đầu rơi, đồng bào đang bị tù đày trước sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm. Anh ít nghĩ về bản thân mình, mọi thao thức lúc ấy đều dành hết cho quê hương. Dần dà, nỗi nhớ về người yêu mới sâu lắng hơn và ngày càng da diết: “Trong những ngày sống bận rộn nhất, anh vẫn nghĩ đến em, em của anh, nguồn an ủi khuyến khích của anh, cố đoán xem giờ này em đang làm gì. Có thể em đã ra dạy sử ở một trường nào đó, em vẫn cắn cây bút đỏ và đọc giáo trình để mai giảng, Cũng có thể em đã đi lao động ở nông thôn, đi xem phim hay đi dự dạ hội đầy ánh sáng, đang nhảy quốc tế vũ…Cuộc sống XHCN tưng bừng giờ đây đối với em vừa rất gần gũi, vừa chập chờn lùi xa, vì tiếng súng lớn đang nổ gần. Ngày mai gặp lại nhau ở miền Nam giải phóng, cuộc đời hai đứa mình còn nhộn vui gấp mấy em nhỉ!”.

 

Trước khi đi vào Nam, Phương Thảo đã muốn có một đám cưới, không phải để ràng buộc anh, mà “cưới xong anh đi đâu thì đi, năm bảy năm về em chỉ sống với anh như người vợ thôi”. Nhưng anh không muốn bởi vì nếu anh hy sinh người vợ trẻ sẽ goá bụa sau nhiều năm chờ đợi, qua một đời chồng một cách oan uổng. Lời khuyên của người thân, bạn bè về kinh nghiệm không lấy vợ trước khi đi là thực tế xương máu, là lòng nhân đạo.

Thư  anh viết ngày 29-3-1963: “Anh tự hào vì em, vì có một người yêu đã hiểu được ý nghĩa cao đẹp của những hy sinh tạm thời, vì người bạn đời của anh yêu ra yêu và sống ra sống… Chúng ta yêu nhau nồng nàn và trinh bạch nhưng không ích kỷ, chúng ta biết sống những ngày đầy căng lao động sáng tạo, biết tạm gác hạnh phúc riêng và ngày mai hạnh phúc lại đến với chúng ta thắm đẹp hơn bội phần.

 

Em muôn ngàn thương yêu, em giữ hạnh phúc của anh trong tay em đó… Em đã viết cho anh những lời hứa hẹn nồng nàn, quyết chung thuỷ với anh trọn đời. Cám ơn em đã chia sẻ với anh những thử thách mới, dành riêng cho anh những năm tuổi trẻ đáng lẽ được hưởng hạnh phúc lứa đôi.”

 

Phan Tứ là một người đa cảm. Được sống trong gia đình công chức, khá đầy đủ, được chiều chuộng (nhà có 6 chị em gái, mình Phan Tứ là trai) nhưng 15 tuổi anh dám dứt áo đi theo cách mạng. Là vì anh luôn thấy mình mắc nợ với nhân dân, thấy cuộc đời dành cho mình quá nhiều diễm phúc, kể cả trong tình yêu và anh luôn muốn người bạn đời của mình hiểu điều đó. Thư ngày 3-12-1963 đã chứng tỏ điều này: “Non 8 tháng rồi anh chưa đọc thư em vì phải đi xa. Các bạn báo tin thư em đang đợi anh ở chỗ “bàn đạp” nhiều lắm. Những gì đang đợi anh trên những phong kín ấy? Chắc sẽ có ảnh, em sẽ cười với anh với nụ cười mới…

Rét ngọt, gió thổi thông thốc thổi qua liếp tre của căn lều bị đốt mới dựng lại. Bạn anh dậy thổi bếp lửa sưởi. Con chị chủ nhà  ngủ đắp chiếu không đủ ấm, co tròn lại rên khe khẽ. Bao giờ cho em bé xinh xắn này này đủ ấm? Bao giờ chị chủ nhà mới hết tiếng pháo, đạn đại bác xé gió xoèn xoẹt qua đầu cái gia đình nhỏ này? Anh muốn em ngồi cạnh anh lúc này, để nhìn những gia đình này ngủ, để cảm thấy chúng ta vẫn còn sung sướng hơn rất nhiều người…”

 

Cũng vì quá yêu anh, vì những bức thư anh đốt lên trong chị nhiệt huyết của tuổi trẻ mà Phương Thảo nhất quyết muốn vào miền Nam để được gần anh, để dạy học cho các em nhỏ vùng giáp ranh. Có điều sức khoẻ không bảo đảm để hành quân xa nên lá đơn tình nguyện của chị không được chấp nhận. Vậy là những cánh thư của hai người tiếp tục theo đồng đội ra Bắc vào Nam cho đến năm 1966 thì họ đoàn tụ giữa lòng Hà Nội.

 

Nào ngờ, những tháng năm chiến đấu ác liệt ở chiến trường khu 5, nhà văn Phan Tứ bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Hai lần qua Đức để chữa bệnh viêm tuỵ, hàng tháng trời nằm bệnh viện Việt Xô, Việt Đức, rồi bệnh viện C Đà Nẵng để chống chọi với bệnh tiểu đường, thấp khớp, xơ gan cổ trướng… 15 năm bà Phương Thảo đồng hành cùng ông chiến đấu với tử thần. Có tình yêu của vợ và con trai tiếp sức, ngoài chục tác phẩm sáng tác và xuất bản lúc còn sung mãn, những năm bệnh tật đầy mình Phan Tứ vẫn kịp hoàn thành 3 trong tổng số 4 tập tiểu thuyết “Người cùng quê’’ mà ông rất tâm đắc, dịch “Sông Hằng mẹ tôi” (văn học Ấn Độ), cùng nhiều tác phẩm khác Có những hôm nửa đêm thức dậy bà thấy ông một tay ôm gập bụng nén cơn đau, tay kia vẫn không rời bàn phím chiếc máy chữ.

 

Lại có ngày, sau những cơn sốt đắp đầy chăn, ông lại ngồi dậy phờ phạc uống một bụm thuốc đầy tay, ăn chén cháo bốc khói vợ đưa rồi lại viết và tiếng máy chữ lóc cóc như cũng rên lên vì thương người chủ ốm đau của mình. Đã nhiều lần bà bảo: “Hay là anh đọc cho em chép” nhưng ông nói: “Không tiện đâu, mà em cũng có khoẻ hơn gì anh, em phải là trụ cột của cả nhà”. Cứ thế, bàn tay ông chỉ ngừng viết khi phải nhập viện khẩn cấp và sau đó chìm  vào hôn mê…

 

Sau khi nhà văn Phan Tứ mất năm 1995, bà  Đinh Thị Phương Thảo đã cùng nhà thơ Lê Anh Dũng tập hợp các bài viết của ông xuất bản cuốn “Thức tỉnh” mà ông chưa kịp làm, phối hợp cùng nhà văn Hoàng Minh Nhân xuất bản “Mẫn và tôi sống mãi”, và hiện nay đang cùng bà Lê Thị Kinh, chị nhà văn biên soạn, chọn lọc hơn 50 tập nhật ký chiến tranh của ông để tiến tới xuất bản.

 

Chính tình yêu nồng nàn với người khuất đã tiếp thêm sức mạnh để người phụ nữ ốm yếu này làm được mọi việc tưởng như quá sức mình. Và dường như với bà Phương Thảo, nhà văn Phan Tứ vẫn mãi là người tình đầu tiên của hơn 50 năm về trước…

 

Hồng Vân

Bình luận
vtcnews.vn