Mỗi năm, Chính phủ phải trả bao nhiêu tiền nợ lãi?

Kinh tếThứ Bảy, 28/11/2015 03:03:00 +07:00

Áp lực trả lãi vay của Chính phủ sẽ gia tăng mạnh kể từ năm 2018, tăng 16,9% so với năm trước đó. Áp lực gia tăng trả lãi vay vẫn tiếp tục được duy trì

Áp lực trả lãi vay của Chính phủ sẽ gia tăng mạnh kể từ năm 2018, tăng 16,9% so với năm trước đó. Áp lực gia tăng trả lãi vay vẫn tiếp tục được duy trì trong giai đoạn hai năm sau đó với tốc độ lần lượt là 20,4% và 22,8%.
nợ công tăng mạnh. 
Nợ Chính phủ chiếm 80% nợ công

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá nhanh, từ mức 51,7% năm 2010 lên mức 59,6% năm 2014 và ước tính sẽ đạt mức 64,3% trong năm 2017 (áp sát mức trần 65% mà Quốc hội cho phép). Đặc biệt giai đoạn 2013-2014, việc phát hành khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ đã khiến nợ công tăng mạnh.

Trong nợ công thì nợ của Chính phủ (bao gồm các loại trái phiếu, tín phiếu, vay ODA, vay thương mại từ các đối tác song phương và đa phương) chiếm tỷ lệ tới 80%; 20% còn lại là nợ do Chính phủ bảo lãnh (các loại trái phiếu do ngân hàng phát triển Việt Nam VDB và NHCSXH phát hành) và nợ Chính quyền địa phương.
Nguồn: Bộ Tài chính, BVSC 
Mặc dù cơ cấu này không thay đổi nhiều trong những năm gần đây nhưng nếu xét riêng nợ của Chính phủ, cùng chiều với xu hướng của tổng nợ công, tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP cũng tăng dần đều trong 5 năm trở lại đây, đến cuối năm 2015 ước tính sẽ đạt khoảng 49%.


Nhu cầu vay nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ gia tăng đều trong giai đoạn 2016-2020. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, dư nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 48,2% và 49% GDP trong hai năm 2014 và 2015, tương đương với tổng dư nợ lần lượt là 1,9 và 2,1 triệu tỷ đồng.

Theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, dư nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ không vượt quá 55% GDP. Ở kịch bản cơ sở, Chính phủ có thể gia tăng dư nợ đều hàng năm cho tới ngưỡng 55% GDP vào năm 2020.

Theo kịch bản này thì tổng dư nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ ở mức 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020, gấp hai lần tổng dư nợ vào cuối năm 2015.

Trong cơ cấu tổng dư nợ của Chỉnh phủ, trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ tăng từ 32,5% năm 2015 lên 40% năm 2020, tương đương 22% GDP; vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ giảm từ 40,7% năm 2015 xuống 32,7% năm 2020; TPCP phát hành quốc tế sẽ tăng từ 9,3% năm 2015 lên 12,7% năm 2020; và các khoản vay khác trong nước (ví dụ, tín phiếu kho bạc) sẽ giảm từ 17,5% năm 2015 xuống 14,5% năm 2020.

Tiền lãi phải trả năm 2020 sẽ gấp đôi năm 2015

Lãi suất các khoản vay của Chính phủ sẽ gia tăng trong giai đoạn 2016-2020. Theo dự báo thì lãi suất TPCP sẽ tăng dần từ mức trung bình 6,8%, 6,5% trong hai năm 2014, 2015 lên mức 8,5% giai đoạn 2018-2020. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở lạm phát mục tiêu 5-7% trong giai đoạn 2016-2020, và lộ trình tăng lãi suất của Fed lên đến 3,5% vào năm 2018.
Nguồn: GSO, World Bank, MOF, BVSC
Lãi suất các khoản vay khác trong nước được để ở kịch bản cơ sở thấp hơn 2% so với lãi suất TPCP, do đây chủ yếu là các kỳ hạn ngắn dưới một năm. 

Lãi suất trái phiếu phát hành quốc tế được dự báo sẽ tăng dần từ mức 4,8% năm 2015 lên 6,5% trong giai đoạn 2019-2020, phù hợp với lộ trình tăng lãi suất của Fed và có khoảng cách hợp lý với lãi suất TPCP phát hành trong nước.


Trong khi đó, lãi suất các khoản vay ODA sẽ tăng dần từ mức 2,0% năm 2015 lên 2,5% giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, đây chỉ là lãi suất áp dụng cho các khoản vay mới trong mỗi năm. Áp lực trả lãi còn đến từ các khoản nợ cũ tích lũy từ các năm trước đó.

Với các khoản nợ cũ, lãi suất TPCP bình quân của các lượng đã phát hành trong nước sẽ xuống tới mức thấp nhất vào năm 2018, 7,3%, trong khi đó lãi suất TPCP bình quân quốc tế sẽ bắt đầu gia tăng kể từ năm 2017.

Theo tính toán của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổng số lãi phải trả hàng năm của Chính phủ sẽ tăng lên 236 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, tăng gấp đôi so với nghĩa vụ trả lãi vào năm 2015, 115 nghìn tỷ đồng. Áp lực trả lãi chủ yếu đến từ TPCP, chiếm hơn 50% vào năm 2020.
Nguồn: GSO, World Bank, MOF, BVSC
Có một lưu ý là quy mô trả lãi của phần vốn vay ODA đến năm 2020 bằng 2,2 lần của năm 2015. Tốc độ tăng áp lực trả lãi TPCP phát hành quốc tế còn lớn hơn khi qui mô trả lãi vào năm 2020 bằng 3,4 lần con số của năm 2015.

Áp lực trả lãi vay của Chính phủ sẽ gia tăng mạnh kể từ năm 2018, tăng 16,9% so với năm trước đó. Áp lực gia tăng trả lãi vay vẫn tiếp tục được duy trì trong giai đoạn hai năm sau đó với tốc độ lần lượt là 20,4% và 22,8%.

Các yếu tố chính làm gia tăng quy mô trả lãi vay bắt đầu từ năm 2018 chủ yếu đến từ các khoản lãi phải trả cho TPCP phát hành nước ngoài, TPCP phát hành trong nước và các khoản vay khác trong nước.

Trả lãi vay ODA sẽ tăng chậm lại kể từ năm 2019 do có điều chỉnh về tỷ trọng vốn vay đối với khoản vay này trong giai đoạn 2016- 2020.

Tuy nhiên, áp lực trả lãi đối với vốn vay ODA sẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian dài sau đó do các khoản vay này chủ yếu có kỳ hạn dài từ 10 đến 30 năm.


Nguồn: BizLIVE
Bình luận
vtcnews.vn