Mỗi lít xăng gánh 8.000 đồng thuế môi trường, doanh nghiệp lo lỗ nặng

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Hai, 16/01/2017 15:22:00 +07:00

Lo ngại về tác động của việc tăng thuế bảo vệ xăng dầu sẽ khiến giá xăng tăng theo, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ rơi vào tình trạng lỗ nặng nếu dự thảo được thông qua.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến đóng góp.

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được nâng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng lên mức 6.000 đồng; các loại dầu diesel, ma dút, nhờn kịch khung là 4.000 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, E10 cũng được đề xuất kịch trần lần lượt là 7.200 đồng/lít và 6.800 đồng/lít.

Moi lit xang ganh 8.000 dong thue moi truong, DN lo lo nang hinh anh 1

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng lên 8.000 đồng/lit. Ảnh: Lê Hiếu. 

Cân nhắc mức tăng

Ngay khi dự thảo được công bố, người dân và chuyên gia đặt câu hỏi: Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vì mục tiêu gì, tăng thu ngân sách hay thực sự bảo vệ môi trường? Nếu vì bảo vệ môi trường, việc chi ngân sách sẽ thế nào?

Thực tế, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã không ít lần được đưa ra bàn với mục đích góp phần giải bài toán thiếu hụt ngân sách. 

Trong báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa gửi đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít trước áp lực lao dốc của giá dầu làm giảm thu ngân sách. Đây là mức áp trần được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Moi lit xang ganh 8.000 dong thue moi truong, DN lo lo nang hinh anh 2

Khung giá được đưa ra trong dự thảo sửa đổi luật thuế môi trường. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng mức tăng 8.000 đồng thuế môi trường cho mỗi lít xăng như đề xuất trong dự thảo là cao. Điều này làm tăng chi phí vận tải, hàng hoá hành khác và chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Ông Doanh phân tích, hiện nay thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 3.000 đồng, nếu có tăng thì cũng nên thêm 1.000-2.000 đồng cho mỗi lít.

Vị chuyên gia đề nghị Chính phủ xem xét thận trọng việc nâng mức thuế môi trường lên 8.000 đồng.

"Tôi hiểu Bộ Tài chính đang khó khăn trong ngân sách, đánh vào thuế bảo vệ môi trường với xăng là dễ nhất, tiền tươi thóc thật, nhưng tác động tới lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hoá", TS. Doanh nói.

Chúng ta cam kết hội nhập, thuế giảm xuống, Bộ Tài chính cần nghĩ ra cách khác để tăng các nguồn thu.

Hơn nữa, với nguồn thu tăng thêm, cần phải quản lý việc chi chặt chẽ để thực sự bảo vệ môi trường. "Môi trường đã tới giới hạn không thể chịu đựng được, cần phải tổ chức bảo vệ, xử lý nước thải, chất thải... Thủ tướng đã nói chi tiêu ngân sách sách phải công khai rõ ràng vì tiền của dân. Không thể có tình trạng thu nhưng cuối cùng không chi cho môi trường", ông lưu ý. 

Doanh nghiệp lo lỗ nặng

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lo lỗ nặng nếu dự thảo được thông qua khi việc tăng thuế bảo vệ xăng dầu sẽ khiến giá xăng tăng theo, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. 

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng), phân tích giá xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá thành. Ở thời điểm này, doanh nghiệp vận tải đã gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, thuế phí, phí BOT tăng, phí cầu đường, áp lực cạnh tranh... Hơn một năm qua, doanh nghiệp cũng không điều chỉnh tăng giá cả dịch vụ vận tải vì muốn bình ổn thị trường. 

Do đó, theo ông Hải, nếu thuế bảo vệ môi trường xăng tăng lên đến 8.000 đồng/lít sẽ là "tận thu". Ông Hải tính toán với mức tăng này, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 30%, sẽ lỗ nặng.

Với mức tăng này, ông Hải cho rằng giá cả hàng hóa sẽ leo thang, và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thiệt.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho hay giá xăng hiện tại của Việt Nam đã khá cao so với thế giới và các nước trong khu vực.

Áp lực tăng thuế bảo vệ môi trường dẫn đến tăng giá xăng trong khi nền kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân. Kể cả các doanh nghiệp không liên quan trực tiếp đến sản phẩm xăng dầu cũng bị ảnh hưởng vì đột biến về giá.

"Bộ Tài chính cần xem xét lại thu bằng nguồn nào chứ không thể đánh vào thuế bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như giảm tải hoạt động phương tiện cá nhân, xem xét thu thuế bảo vệ môi trường với nhiều doanh nghiệp đã và đang đóng góp lớn vào mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay như sản xuất thép, hoá chất cùng nhiều biện pháp khác... ", vị này đề xuất.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường mới được công bố cho thấy nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu dự kiến được áp dụng mức thuế cao nhất lên đến 8.000 đồng.

Hoài Linh
Bình luận
vtcnews.vn