MobiFone 'cõng' bao nhiêu nợ khi ra riêng?

Kinh tếThứ Tư, 02/04/2014 11:56:00 +07:00

(VTC News) - Từng nắm tới 80% lợi nhuận của VNPT, nhưng khi phải ra riêng, liệu MobiFone có phải “cõng” thêm số lỗ lên tới 1.500 tỷ đồng từ các DN?

(VTC News) - Từng nắm tới 80% lợi nhuận của VNPT, nhưng khi phải ra riêng, liệu MobiFone có phải “cõng” thêm số lỗ lên tới 1.500 tỷ đồng từ các DN?

Sau một thời gian dài đồn đoán, phương án tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cuối cùng cũng ngã ngũ. VNPT chấp nhận mất đi “con gà đẻ trứng vàng”, doanh nghiệp chiếm tới hơn 70% lợi nhuận của tập đoàn và đổi lại, MobiFone ra riêng với “của hồi môn” không lấy gì làm sáng sủa: hàng loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ bao năm qua của VNPT.

MobiFone
MobiFone sẽ gánh lỗ bao nhiêu khi ở riêng? 
Theo phương án đề ra, sau khi trở thành tổng công ty, MobiFone sẽ phải gánh theo Công ty Tài chính bưu điện, 2 vệ tinh Vinasat cùng nhiều khoản đầu tư khác của VNPT đang cần thoái vốn.


Theo tờ trình số 14697 của bộ Tài chính ký ngày 29/10/2013, trong 62 công ty mà VNPT dự kiến chuyển phần vốn góp, trong năm 2012 đã có nhiều doanh nghiệp lỗ.

Chỉ tính sơ qua những khoản lỗ của các đơn vị này cũng đã khiến nhiều người không khỏi giật mình: Công ty Tài chính bưu điện trong năm 2012 lỗ 635 tỷ đồng, tương ứng vốn chủ sở hữu âm 127,5 tỷ đồng; Vinasat 1 thực tế khai thác từ năm 2008-2011 đã lỗ gần 1.589 tỷ đồng, vượt số lỗ dự kiến 329 tỷ đồng.

Vinasat 2 có tổng mức đầu tư lớn hơn, chưa có VAT đã trên 5.426 tỷ đồng nhưng hiệu quả kinh tế của dự án này nếu ở mức khai thác tốt nhất vẫn lỗ khoảng 62-130 triệu USD. Ngoài ra, MobiFone còn phải gánh hộ hàng loạt khoản đầu tư khác của VNPT, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo cấp cao của VNPT tiết lộ, dự kiến sẽ có hàng chục doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả đi theo MobiFone khi thành lập tổng công ty mới, với số lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng.

“MobiFone tách riêng không thôi thì khoản lợi nhuận chiếm gần 80% của VNPT sẽ ra đi, trong khi tập đoàn đang phải gánh rất nhiều doanh nghiệp khác làm ăn thua lỗ. Công ty con vốn được coi là gà đẻ trứng vàng mà tách ra phải gánh vách trách nhiệm đó cho bố mẹ cũng dễ hiểu. Việc tự do có cái giá của nó”, ông này bình luận.

Như vậy, bài toán lợi ích của kẻ đi người ở lại có thể coi là 50-50: MobiFone sẽ có cơ hội phát triển mạnh, thoát khỏi tình trạng oằn lưng cõng cả tập đoàn, việc cổ phần hóa chắc chắn sẽ được đẩy nhanh hơn. Còn VNPT sau khi thoái vốn và tái cơ cấu thành công cũng sẽ có đà để phát triển, chưa kể sẽ không còn bị những doanh nghiệp thua lỗ níu chân.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia về kinh tế vẫn cảm thấy “lo hộ” cho MobiFone. Bởi lẽ dù ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone, Phó Tổng giám đốc VNPT, cho rằng MobiFone có bộ máy, nhân sự và thương hiệu tốt nên sẽ đủ sức để cạnh tranh và phát triển với cấu trúc mới. Tuy nhiên, những bài học từ việc chuyển giao các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sang cho doanh nghiệp làm ăn có lãi để rồi đôi bên cùng “chìm” vẫn còn hiển hiện.

Theo tính toán, với khoản lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp này, ít nhất MobiFone sẽ phải loay hoay vài năm để cùng lúc giải quyết 2 vấn đề lớn: trở thành công ty kinh doanh đa dịch vụ trong bối cảnh bị cạnh tranh quyết liệt từ VinaPhone, Viettel, đồng thời phải xử lý đống nợ mà VNPT “trao tặng”, trong đó việc thua lỗ của 2 vệ tinh Vinasat dự báo vẫn còn tiếp diễn.

Chưa kể, với những lợi thế về hạ tầng và đặc biệt là đường truyền dẫn của VNPT mà MobiFone vẫn dựa vào để phát triển bao năm qua, nếu VNPT quay lưng, khó khăn của MobiFone sẽ còn tăng gấp bội.

Một chuyên gia viễn thông đã chia sẻ: “Việc cõng nợ này thực chất MobiFone đã phải làm bao nhiêu năm qua khi số nhân lực chỉ chiếm 4-5% nhưng lợi nhuận đóng góp đến 60-70% cho VNPT. Điều quan trọng hơn, cuộc đua trên thị trường viễn thông vì thế cũng sẽ trở nên thú vị hơn nhiều” - chuyên gia này nói.

Nếu tách Mobifone ra khỏi VNPT, vật cản chính là VNPT đã “tròng vào cổ” Mobifone hàng loạt doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, nhất là những doanh nghiệp trong ngành mà VNPT đã đầu tư.

Cũng theo ý kiến của bộ Tài chính, việc chuyển giao vệ tinh Vinasat 1 và 2 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho hạ tầng mạng quốc gia nói chung, hoạt động doanh thu của Mobifone nói riêng vì hai vệ tinh này không chỉ kinh doanh mà còn đảm nhận vai trò phục vụ an ninh quốc phòng cho quốc gia.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 1/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, MobiFone sẽ tách ra khỏi VNPT mà không phải kèm bất cứ doanh nghiệp nào của Tập đoàn này.

Như vậy, gánh nặng về số lỗ và số nợ khổng lồ của các doanh nghiệp thành viên sẽ không trở thành gánh nặng đối với MobiFone nữa. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đơn vị này vẫn tiếp tục là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian tới.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn