Mở tài khoản gom tiền mừng tuổi

Tổng hợpThứ Hai, 23/01/2012 08:16:00 +07:00

Ở nhiều gia đình khá giả, tiền mừng tuổi Tết của các bé con có thể kể bằng... tiền đô.

Ở nhiều gia đình khá giả, tiền mừng tuổi Tết của các bé con có thể kể bằng... tiền đô. Số tiền không nhỏ và có ý nghĩa này đang được nhiều các ông bố, bà mẹ “thiết kế” để chi tiêu, sử dụng theo hướng “lộc phát lộc” bằng những kế hoạch dài hạn.

"Kế hoạch" dài hạn

Tiền mừng tuổi của con gái chị Minh Phương, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên phố Trương Định (Giáp Bát- Hà Nội) mỗi năm có thể lên đến vài chục triệu vì gia đình hai bên đều có điều kiện.

Tuy thế, từ bé, chị Phương đã dạy con biết tiết kiệm tiền để mua đồ chơi hay quà tặng bạn bè vào các dịp lễ. Vì thế, dù thường xuyên được bố mẹ cho tiền tiêu vặt nhưng cô bé lớp 6 đã biết để dành.

Bé nhận tiền lì xì 

Từ khi con gái còn nhỏ, mọi khoản tiền bé được nhận từ mừng tuổi đến được người thân cho, chị Phương đều giúp con chia phần: để mua quà tặng ông bà, người thân khi có dịp thích hợp, để đi chơi và một phần lớn dành tích lũy dần trong tài khoản ngân hàng. “Tài khoản đứng tên bé và hạn rút là năm con gái 22 tuổi, tốt nghiệp ĐH.” - chị Phương dự tính. Nhờ sự quán xuyến khéo léo và hướng dẫn con những điều đơn giản nhất trong việc làm này, chị Phương được con gái rất ủng hộ và có ý thức dùng đồng tiền hữu ích.

Mở tài khoản cho con cũng là cách được nhiều ông bố, bà mẹ lựa chọn và được coi như khoản “niêm phong”, “cấm dùng đến” của gia đình. Có người chọn cách gửi bảo hiểm, để vừa có lãi, lại vừa có bảo hiểm. Có người mua USD rồi mới gửi ngân hàng. Nhiều bố mẹ chia sẻ, tiền mừng tuổi là lộc của con và để dành đến khi con lớn, biết chi tiêu và lo cho tương lai sẽ trao trả lại.

Các phụ huynh tận dụng cách này sẽ giúp con học tính cách tích lũy và hiểu giá trị của những đồng tiền ý nghĩa này hơn. Cái lợi nữa là việc làm này giúp bố mẹ tránh được nỗi lo khi con bước vào tuổi mới lớn, biết tiêu tiền sẽ bớt được việc sử dụng tiền bừa bãi, không quản lý được.
ạy con yêu thương từ tiền mừng tuổi

Tuy chưa phải là một gia đình giàu có nhưng chị Lê Mai (Mỹ Đình- Từ Liêm) lại không đặt chuyện tích lũy tài sản cho con lên trên hết. Con chị mới học lớp 3, lứa tuổi theo chị là lý tưởng để bé học yêu thương gia đình và mọi người. Vì vậy, chị thường giúp con làm từ thiện.

Tiền mừng tuổi, tiền tết trung thu, mùng 1/6, sinh nhật của bé có được, chị đều để dành riêng vào một ngăn cho con. Chị nói với bé: “Tiền mừng tuổi là lộc và may mắn. Con nên đem những may mắn này chia sẻ cho các bạn kém may mắn hơn mình.” Nghe lời mẹ, mỗi khi trong trường có ủng hộ bạn nghèo hay nghe thấy trên ti vi có chương trình từ thiện, chị đều được con tin tưởng “bàn bạc” để ủng hộ. Bình thường, chị Mai vốn tham gia khá nhiều hoạt động tình nguyện và chia sẻ với những người khó khăn như phát cháo ở bệnh viện, quyên góp quần áo cho đồng bào miền núi…Chị cũng thường xuyên tham gia các việc làm của các bà mẹ trên những diễn đàn quen thuộc như thăm hỏi, động viên, tặng quà những em bé hay bà mẹ bất hạnh…Những lần thích hợp, chị thường cho hai con đi theo và giúp con chọn quà tặng cho mọi người, nhất là các bạn cùng lứa tuổi với bé.

Khác với chị Mai, một phụ huynh có nickname TunEm trên diễn đàn chăm sóc trẻ thơ lại giúp con làm những việc thiện lớn. Chị chia sẻ: “Vợ chồng mình giao ước với nhau. Chúng mình đẻ con ra thì phải có nhiệm vụ nuôi nấng, chăm sóc cho con. Còn tiền của con, ba mẹ không được đụng đến. Tiền của con thì ba mẹ giúp con làm việc từ thiện hay cúng chùa. Mình nhớ tiền lì xì của Tủn năm đầu tiên thì giúp cho một cặp song sinh ở Bệnh viện Nhi Đồng II không nhớ bệnh gì và giúp cho vụ hoả hoạn ở Miếu Nổi. Tết thứ 2, thì cúng chùa. Tết năm nay, thì giúp cho một cô bé 4 tuổi ở Long An bị ung thư máu đang điều trị tại Trung Tâm Ung Bướu.”

Việc làm của chị và bé được các thành viên khác cảm kích và nói rằng chị đang tích đức lâu dài cho con.

… Và “quay vòng trả nợ” cho bố mẹ

Không quan trọng chuyện tích lũy về sau, nhiều ông bố, bà mẹ khó khăn về kinh tế hơn lại chọn cách sử dụng những đồng tiền mừng tuổi, mừng sinh để “cải thiện” chất lượng cuộc sống.

Tiết kiệm tiền lì xì 

Nhờ có khoản tiền mừng tuổi của con mới sinh mà vợ chồng chị Trang, (Hoàng Mai, Hà Nội ) đỡ một phần gánh nặng của phần chi tiêu cho mua bỉm, sữa, đồ dùng cho bé. Hồi mang bầu bé, chị Trang thực hiện chính sách tiết kiệm bằng cách “lặn lội” trên trang Thanh lý của webtretho, lamchame hay enbac, muare… để lùng mua đồ cũ mà nhiều khi vì gom mỗi nơi một ít nên cái thừa, cái thiếu, cái không ưng ý, thậm chí vẫn phải mua đắt.

Với số tiền của con, chị tính toán để có thể phụ thêm vào tiền bố mẹ và mua đồ tốt cho con dùng. Một phần còn lại, chị Trang cũng phái xếp vào khoản mừng tuổi lại cho con cháu hai bên nội ngoại để đỡ phần nào.

Chị Hiền (Gia Lâm- Hà Nội) cũng dùng tiền của con vào chuyện thực tế này. Gia đình nội ngoại đông con, nhiều cháu. Mỗi năm tết đến anh chị đều thâm hụt một khoản khá lớn vào tiền mừng tuổi. Mấy năm rồi kinh tế khó khăn, chị đành quay vòng tiền mừng tuổi của con.

Với nhiều phụ huynh, tiền mừng tuổi cũng giống như một “khoản cho là khoản nợ” và không còn ý nghĩa lấy lộc như trước. Vì vậy, quay vòng “trả nợ” cũng trở thành thói quen thường thấy.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn