Minh 'Sâm' kể công tại toà để xin nhận mức án thấp nhất

Pháp luậtThứ Năm, 02/06/2016 10:13:00 +07:00

Lý giải vì gia đình có công với cách mạng, được nhận nhiều giấy khen, đã thành khẩn khai báo... nên Minh 'Sâm' xin được nhận mức án thấp nhất.

Như tin đã đưa, trong phiên xét xử sáng 1/6, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố “Minh Sâm” và đồng bọn về tội cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "Sâm") trả lời thẩm vấn của HĐXX về quá trình làm con đường tại thôn Phù Khê Thượng (Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Bị cáo Minh cho rằng, toàn bộ số tiền bỏ ra làm con đường này là gần 500 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và làm đường) là của công ty Đại An.

Trước khi làm con đường này, Công ty Đại An đã đề nghị với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc bỏ vốn. Sau khi dự án hoàn thành, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh sẽ trả bằng đất cho Công ty Đại An. Tuy nhiên "cho đến thời điểm này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa bàn giao đất như thỏa thuận trước đó” – Minh “Sâm” nói.

Bị cáo Minh "Sâm" trước vành móng ngựa 

Việc thành lập chợ mà chưa có phép của chính quyền địa phương, Minh đã nhận sai vì chưa xin phép, làm văn bản tờ trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội qui, qui chế hoạt động và mức thu phí mà Minh đã tự đặt ra các khoản phí rồi cho con cháu mình thu.

Biện minh cho việc tự áp đặt các khoản phí lên các xe gỗ, Minh cho rằng, vì sợ những xe gỗ sẽ làm hỏng đường nên mới tiến hành thu phí để bảo dưỡng. "Để tránh xe có trọng tải trọng làm hỏng đường, bị cáo đã chỉ đạo các cháu thu phí, phân nhỏ số gỗ rồi chở bằng công nông vào trong chợ" - bị cáo phân bua.

Minh "Sâm" cũng phủ nhận việc chỉ đạo đàn em, con cháu và nhân viên dọa nạt, chèn ép các xe gỗ và chủ gỗ" cũng như không hề có sự bắt buộc phải nộp phí khi vào trong chợ. Minh "Sâm" nói: "Nếu không đóng phí chợ thì yêu cầu chủ xe gỗ phải ra ngoài chứ không được buôn bán trong chợ. Chợ lập ra chúng tôi phải thu phí để điều hành, trông nom. Chợ gỗ lập ra, bà con cũng rất hài lòng bởi ngoài mục đích buôn bán thì chợ còn được dùng làm xưởng trông coi gỗ" …"Bị cáo thấy được mình sai trong việc quản lý nhân viên của Công ty Đại An. Hơn nữa do thiếu hiểu biết pháp luật nên mới phạm tội. Khi bị bắt, bị cáo đã rất hối hận. Xin HĐXX xem xét những gì mà bị cáo đã làm cho tỉnh Bắc Ninh”.

Tại phiên xử, con gái và con rể Minh "Sâm" thì cho rằng do trẻ người non dạ, thiếu hiểu biết pháp luật, nóng nảy nên tự làm những việc sai trái mà cáo trạng truy tố, và phủ nhận bố bị cáo không chỉ đạo những việc đó. Các bị cáo còn lại cũng phủ nhận việc Minh “Sâm” chỉ đạo cưỡng đoạt tài sản của các xe chở gỗ và chủ gỗ.

 Bị cáo Hằng, con gái Minh "Sâm"

Chiều 1/6, phiên tòa xét xử  vụ án Minh “Sâm” và đồng bọn tiếp tục phiên xét xử với phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát đối với các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thẩm vấn bị cáo Minh “Sâm” về việc chi tiêu số tiến 184 triệu đồng từ việc thu phí trái phép tại khu chợ Đồng Bèo. Minh “Sâm” khai số tiền này không được nộp về công ty TNHH Đại An mà giữ lại để phục vụ hoạt động cho chợ Đồng Bèo.

Bị cáo Minh “Sâm” khai trước tòa: “Số tiền thu được bị cáo dùng để trả tiền bảo vệ, tiền nhân viên, tiền điện nước, tiền vệ sinh và tiền thuê đất cho địa phương hàng năm tại khu chợ Đồng Bèo”.

Trong phần xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, bị cáo Minh “Sâm” thừa nhận việc lập ra các quy định thu phí bến bãi, phí vào chợ là vi phạm pháp luật nhưng do nhận thức pháp luật hạn chế nên dẫn đến hành vi này. Ban quản lý chợ Đồng Bèo đã tự ra quy định và cấp phát “thẻ vàng” cho các xe chở gỗ khi vào hoạt động trong chợ. 

Cụ thể, đối với các xe vào chợ, nếu đóng tiền theo quy định của Ban quản lý chợ, sẽ được viết phiếu thu và cấp “thẻ vàng” để rời khỏi chợ. Nếu xe nào không nộp tiền, sẽ không được cấp “thẻ vàng” và đồng nghĩa với việc không được ra khỏi khu chợ này. 

Minh “Sâm” đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 9 bị cáo khác là nhân viên của Ban quản lý chợ chợ Đồng Bèo. Công việc quản lý chung tại Ban quản lý này được Minh “Sâm” giao lại cho con gái là Nguyễn Thu Hằng, với sự giúp sức của các bị cáo Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Hòa, Trần Thái Sơn, Nguyễn Hữu Hoàng, Vũ Quốc Khánh và Phạm Văn Đức.

Sau phần xét hỏi, Viện KSND tỉnh Bắc Ninh đề nghị mức án đối với các bị cáo bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định Điều 135 BLHS như sau: Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "Sâm") từ 20 tháng – 30 tháng tù giam; Nguyễn Văn Tùng và Vũ Quốc Khánh, 18 tháng 13 ngày tù; Nguyễn Thu Hằng 17 tháng 9 ngày; Trần Thái Sơn và Phạm Văn Đức 18 tháng 6 ngày, Nguyễn Hữu Hoàng 18 tháng 13 ngày; Nguyễn Tiến Thắng 18 tháng 6 ngày tù; Nguyễn Văn Hòa 12 – 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng đối với bị can Quách Văn Lộc 18 tháng 6 ngày bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 230 BLHS.

Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, ông trùm Minh “Sâm” nói: “Bị cáo không có động cơ chiếm đoạt, nếu chiếm đoạt không bao giờ giao cho các con và các nhân viên của mình. Với công lao đóng góp, bị cáo đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Huân chương của Đảng, Nhà nước và đã khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng. Kính mong Hội đồng xét xử  xem xét công, tội cho bị cáo được hưởng khoan hồng với mức án thấp nhất.”

Bị cáo Nguyễn Thu Hằng (con gái Minh "Sâm") đã khóc nức nở mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 2 vợ chồng vì con còn nhỏ, vì thiếu hiểu biết pháp luật, tuổi trẻ nông nổi, nên đã sai phạm.

Sáng nay (2/6) Hội đồng xét xử tuyên án vụ án trên./.

Video: Băng nhóm Minh 'Sâm' làm mưa làm gió ở Bắc Ninh thế nào?

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn