Miền Trung mùa lũ, đau đáu những niềm thương

Thời sựThứ Ba, 25/10/2016 11:29:00 +07:00

Miền Trung mùa lũ, đau đáu niềm thương những gương mặt khắc khổ của người dân cả đời vật lộn với lũ dữ, năm này qua tháng khác, thứ còn lại sau mỗi mùa bão, chỉ là đôi bàn tay trắng.

Về “rốn lũ” Hương Khê, Hà Tĩnh ngay sau khi cơn bão tràn qua, tất cả mọi con đường, đất đai, ruộng đồng đều biến thành một dòng sông lớn, nước chảy cuồn cuộn đục ngàu.

Chiếc thuyền gỗ đưa đoàn cứu trợ đi tới từng hộ dân trong xóm 11 xã Hà Linh chòng chành liệng trôi vì gió to, nước sâu chảy xiết thành dòng. Từ nhà nọ tới nhà kia, bình thường chỉ cần đi qua một cánh đồng, giờ mất gần 2 tiếng để đi trên một dòng sông mênh mông, không có bờ.

a-1924

 

14650731_1108453932595379

Tất cả mọi con đường, đất đai, ruộng đồng đều biến thành một dòng sông lớn, nước chảy cuồn cuộn đục ngàu.

Bước chân đến những ngôi nhà gần như bị tách biệt với thế giới biên ngoài, mới thấy tận cùng của những nhọc nhằn, vất vả.

Rớt nước mắt nhìn cảnh người dân mò mẫm tìm lại từng chiếc bát, chiếc nồi, cái lành, cái vỡ, cái méo mó, áy náy vì không có cốc nước sạch mời đoàn cứu trợ, bởi mấy ngày nay họ cũng chỉ ăn mì gói sống.

Đàn lợn 5 con nhọc nhằn nuôi cả năm trời cũng cuốn theo cơn lũ dữ, chỉ còn chiếc chuồng trống trơn. Món tài sản đáng giá nhất, là mấy con gà may mắn sống sót sau đợt lũ, nước rút đến đâu, kì cạch kiếm ăn đến đó.

Người đàn ông chủ gia đình ấy gần như bị câm, huơ huơ đôi tay chỉ về biển nước mênh mông trước mặt, bất lực khi không thể diễn tả suy nghĩ bằng lời. Anh con trai bị thương nặng ngay lồng ngực khi khiêng đồ chạy lũ giờ vẫn nằm một chỗ. Trong căn nhà ấy, mỗi số phận là một niềm thương.

14690959_1108453949262044_5826632472187451285_n-1914

 Người đàn ông chủ gia đình ấy gần như bị câm, huơ huơ đôi tay chỉ về biển nước mênh mông trước mặt, bất lực khi không thể diễn tả suy nghĩ bằng lời.

Trên đường đi, thỉnh thoảng lắm mới gặp bóng người lầm lũi lội nước lùa con trâu, con bò đi gửi được trên núi trước khi lũ tràn về. Còn lại, là sự vắng vẻ, tiêu điều, là xác gia súc, gia cầm trôi nổi và bốc mùi nồng nặc, là những cây keo ngập nước nghiêng ngả trong gió.

Đoàn cứu trợ tiếp tục di chuyển đến những xã lân cận, nước rút đến đâu, khung cảnh hoang tàn, xơ xác hiện ra đến đó. Vết nước ngấm sâu vào tường hằn rõ ở khoảng gần mái nhà, vệt bùn vương khắp các ngọn cây, hàng rào.

Thỉnh thoảng lại thấy gương mặt bé con ngơ ngác dè dặt nhìn những người lạ đi trong làng. Những cô bé, cậu bé mới chập chững biết đi, biết nói ấy đã phải ăn mì gói sống suốt 3,4 ngày nay, cầm cự cùng cha mẹ trên những nóc nhà giữa lênh đênh nước.

14807894_920061801463206_1344978061_o-1659

 Cô bé này đã phải ăn mì gói suốt 3 ngày, chờ nước rút.

Đêm tối, trời lây rây mưa, đi trên những con đường chỉ có bùn đất trơn tuột, vào những ngôi nhà gió lùa tứ bề, lòng trĩu nặng khi gặp những giọt nước mắt mặn chát lăn dài trên gương mặt khắc khổ của người dân cả đời vật lộn với lũ dữ, năm này qua tháng khác, thứ còn lại sau mỗi mùa bão, chỉ là đôi bàn tay trắng.

Tiếng ơ hờ nghèn nghẹn của cụ bà đã sống gần hết đời người “răng mà khổ rứa con, chạy lụt khổ hơn chạy bom thời chiến tranh, nơi mô cũng chỉ thấy nác là nác”, rồi nước mắt cứ thế chảy dài trên gò má nhăn nheo.

Cụ bà ngồi nơi hiên nhà, đôi mắt đã đục mờ ầng ậc nước nhìn ra phía con ngõ, một đời sống cùng bão lũ, đắng đót xót lòng khi nhìn các con, các cháu phải sống tiếp kiếp người nhọc nhằn, vật lộn với thiên tai.

Nơi ven con sông Ngàn Sâu sạt lở cả đôi bờ, vào những ngôi nhà trống trơn không chút tài sản, chỉ có vài tấm gỗ ván ép ghép lại làm giường, là những tiếng khóc nghẹn lòng, vì cái đói, cái nghèo, cái cơ cực nhọc nhằn triền miên dai dẳng.

Tiếng khóc cất lên từ người cha già, từ vợ, từ con của người đàn ông bị tù oan vẫn chưa được trở về. Án oan đã khiến cô con gái thi đỗ đại học mà không thể nhập trường, khiến cậu con trai mới học đến lớp 9 đã phải cất sách vở theo mẹ ra đồng kiếm từng hạt gạo. Lũ tràn qua, gia đình ấy đã nghèo lại càng thêm đói. 

2222-1125

Trong gia đình án oan chấn động, là tột cùng những bất hạnh 

Ngôi làng ven sông nằm phía hạ lưu thủy điện Hố Hô ấy, nơi lũ chồng lũ tràn qua cách đây vài ngày, thấp thoáng bóng dáng liêu xiêu của những cụ già tuổi đã gần đất xa trời chống gậy đi về phía nhà sinh hoạt chung để nhận những cân gạo, thùng mì tôm của đoàn cứu trợ.

Con cháu đi học xa nhà, phiêu bạt khắp nơi mưu sinh giờ này chắc cũng đang đau đáu nỗi nhớ niềm thương miền quê oằn mình trong mưa lũ. Những người con xa quê ấy, có khi nào an lòng, hay ngay cả trong giấc ngủ cũng thon thót mỗi khi nghe tin bão về.

img_8287-1652

 Những ngôi nhà tan hoang, trống trải tứ bề mỗi lần cơn lũ quét qua

Suốt chuyến đi, đoàn cứu trợ cứ ám ánh mãi sự áy náy của người dân nơi đây. Sự áy náy của anh cán bộ xã vì đêm muộn, muốn mời đoàn cứu trợ ăn gói mì mà không có nước nóng để pha; sự áy náy của người chủ nhà bị câm vì không có chiếc cốc sạch rót nước; sự áy náy của chị vợ người tù oan vì nhà chẳng có gì ngoài mấy quả cam chưa rụng, mang ra mời đoàn…

Sao lại cảm thấy áy náy, khi cùng chung một dải đất, mà cuộc sống người dân nơi đây lại cực khổ quá chừng. Chúng tôi mới là người áy náy, áy náy đến day dứt vì chỉ có một chút lòng bé mọn, vì chẳng biết phải làm gì, để những mùa mưa bão sau, sau nữa, không còn phải rớt nước mắt tất bật trở về, đau đấy những gương mặt hằn những niềm thương, và niềm thương.

Video VTC News vượt lũ, trao quà cứu trợ cho người dân hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh 

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn