Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ 8 bước dạy con khi 3 tuổi

Giáo dụcThứ Sáu, 30/01/2015 12:46:00 +07:00

Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của bé Nhật Nam chia sẻ bí quyết dạy con phát triển ngôn ngữ và giao tiếp hồi bé 2-3 tuổi trên trang facebook cá nhân.

(VTC News)-Chị Phan Hồ Điệp–mẹ của bé Nhật Nam chia sẻ bí quyết dạy con phát triển ngôn ngữ và giao tiếp khi 2-3 tuổi trên trang facebook cá nhân.

Trong chuyên mục “Dạy con” trên báo điện tử VTC News, ban biên tập xin giới thiệu chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp về cách dạy con trong độ tuổi 2-3 tuổi.
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ của bé Nhật Nam
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ của bé Nhật Nam chia sẻ cách dạy con khi 2-3 tuổi 
"Giai đoạn 2-3 tuổi có thể coi là bước tiến vượt bậc trong phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nó làm cho đứa trẻ trở nên “yêu ơi là yêu” vì sự líu lo, ríu rít suốt ngày. Chính vì thế, tận dụng để dạy ngôn ngữ cho trẻ là điều rất tuyệt.

Khi Nam 2 tuổi, sau một giai đoạn “im lặng” không nói năng, Nam bắt đầu nói thành câu, cả câu đơn và câu ghép. Ví dụ, buổi sáng khi tỉnh dậy, Nam nói: “Mẹ ơi, em xuống giường, em đi đánh răng”. Hoặc khi mình đưa Nam đi chơi công viên, Nam nói: “Em chơi cát nhé, em không chơi cầu trượt đâu”. Chính vì thế, mình có thể dạy Nam khá nhiều điều về ngôn ngữ ở giai đoạn này mà không lo “Nam chưa hiểu”. Những cách mình thường làm là:

Đọc sách cho con

Điều này thì mình đã nói, mình để sách của Nam vào một chỗ và khi Nam chỉ tên cuốn sách, mình sẽ đọc cho con bằng một thái độ như thể mình chưa hề biết gì về cuốn sách đó. Mình nhận thấy, trẻ em có rung cảm về ngữ điệu khá tốt. Nếu mẹ đọc uể oải hoặc cho qua chuyện, con sẽ không thích đâu. Đối với mẹ có thể câu chuyện đã quen thuộc hoặc nhàm chán, nhưng trẻ em lại khác.

Mỗi hôm trẻ lại khám phá một điều thú vị trong những cuốn sách đã cũ mèm. Mình đọc chậm rãi, vừa đọc vừa dừng lại hỏi hoặc giải thích. Và tất nhiên, luôn thực hiện việc này theo một giờ cố định trong thời gian biểu.

Chơi diễn kịch cùng với con

Từ 2-3 tuổi, các bé rất thích trò này. Hồi đó chỉ có hai mẹ con ở nhà nên mình thường phải đảm nhận một lúc mấy vai. Nội dung để diễn thường do mình tự nghĩ ra, chủ yếu để dạy Nam các tình huống giao tiếp.

Ví dụ, để dạy Nam biết nói lễ phép, mình kể cho Nam câu chuyện: Có bạn Ngựa nâu nhìn thấy một bạn Ngựa vằn rất đẹp. Ngựa nâu hỏi: Làm thế nào mà bạn lại có những đốm đẹp như vậy. Bạn Ngựa vằn nói: Dễ lắm, mẹ tớ dạy rằng, khi nào nói với người lớn chỉ cần thêm từ “ạ” vào đằng sau là lưng mình sẽ có thêm một đốm như bông hoa ấy. Nhưng nếu bạn quên, thì cái đốm sẽ biến mất.

Bạn Ngựa nâu nói: Ôi dễ quá! Tớ làm được. Vừa lúc ấy, mẹ gọi: Ngựa nâu ơi, lấy hộ mẹ cốc nước. Ngựa nâu: Dạ, vâng mẹ ạ. Ôi thế là lưng ngựa nâu thêm cái đốm. Lát sau mẹ lại nói: Ngựa nâu ơi, con đang làm gì thế? Con đang chơi mẹ ạ. Lại thêm cái đốm thứ hai…. Cứ thế, mẹ con mình nghĩ thêm ra các câu khác để lưng ngựa nâu có thêm nhiều cái đốm nhé.

Mình vừa vẽ, vừa để cho Nam tô màu, cứ mỗi câu Nam trả lời đúng, lại được tô thêm một màu. Sau đó, mình đóng vai Ngựa vằn và Mẹ Ngựa nâu, còn Nam đóng Ngựa nâu để “diễn lại”. Vui lắm mà Nam lại nhớ rất lâu, rằng khi nói với người lớn, phải nói đầy đủ, lễ phép.

Mình thích qua các câu chuyện Nam tự rút ra bài học, hơn là nói: “Con nói ạ đi rồi mẹ cho. Con chào bác đi rồi mẹ mới yêu...”.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam được cách <a href='http://vtc.vn/giao-duc.538.0.html' >giáo dục</a> khoa học từ gia đình
Thần đồng Đỗ Nhật Nam được cách giáo dục khoa học từ gia đình
Nói chuyện với con càng nhiều càng tốt

Có lẽ giai đoạn này, bố bị “ra rìa” nhiều nhất vì mẹ còn mải nói chuyện với con. Thế giới đầy lạ lẫm, đầy ngạc nhiên trước mắt nên con cứ hỏi liên tục và mẹ cũng phải trả lời không dứt. Mình cố gắng “giữ bình tĩnh” để không khi nào cáu trước những câu hỏi không có hồi dứt của Nam. Mình luôn dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để “nói chuyện theo chủ đề”.

Ví dụ, có tuần mình chọn chủ đề là: Nước. Mình sẽ cùng Nam hiểu xem nước từ đâu đến? ( Qua những tranh vẽ đơn giản)/ Nước để làm gì?/ Nếu thiếu nước thì mình sẽ ra sao?/ Nước có đẹp không? Những lần nói chuyện này phải chuẩn bị công phu ra phết: Tranh ảnh, giấy màu, vật thật. Nam sẽ được hỏi mẹ tất cả các câu hỏi Nam quan tâm, được chơi thỏa thích với những sự kiện liên quan đến chủ đề.

Ngoài thời gian nói chuyện theo chủ đề, tất cả các câu hỏi khác của Nam đều được mình giải đáp chi tiết. Mình không thoái thác theo kiểu: “Thôi, con hỏi gì mà nhiều thế!”. Hoặc “HỏLớn lên con sẽ biếti vớ vẩn”. Hay: “”. Với câu nào mình thực sự không hiểu, mình tìm lời giải đáp trên sách vở, trên mạng và chuyển tải bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất đến với Nam.

Cùng con xem phim

Giai đoạn này, cho các con xem phim hoạt hình cũng rất thú vị. Miễn là đừng xem nhiều quá. Mình thường dành khoảng 20-25 phút trong ngày để cùng con xem phim. Hầu hết là các phim hoạt hình của Disney. Xem xong, hai mẹ con lại bàn tán rôm rả về đoạn vừa xem. Nhiều khi Nam cũng không có nhận xét gì đâu mà mẹ phải gợi ý để kích thích Nam “cãi lại”.

Ví dụ, mình nói: Cái bạn Ong trong phim ấy chán nhở, đáng lẽ phải nhớ lối đi về chứ. Hoặc Mẹ chẳng thích kiểu của bạn Chuột ấy, lúc nào cũng vội vàng…

Còn một điều nữa mình cũng nhận thấy, khi xem phim thông thường, các mẹ hay hướng cho con đến “tuýp” nhân vật xinh xắn, ngoan ngoãn, dễ thương. Nhưng trẻ em thì có lẽ không thế. Chúng thích hoàn toàn theo cảm tính.

Vì thế, các mẹ cũng đừng “định hướng”. Cứ để con được tự do nói lên ý thích của mình. Có lẽ đó cũng là lý do mà tại sao có nhiều nhân vật hoạt hình trong các phim bom tấn của Mỹ lại có tạo hình rất kì dị, kinh khủng. Mình tin, sự hướng tới một thế giới đa dạng, chấp nhận sự khác biệt được dạy cho con trẻ từ những điều giản đơn như thế.
Đỗ Nhật Nam
Gia đình là chỗ dựa cho cậu bé Đỗ Nhật Nam phát triển 
Gọi tên các đồ vật gắn kèm với chức năng

Cái này thì mình kiên trì dạy Nam từ khi 1 tuổi và nâng dần độ khó. Tức là khi mẹ nói tên đồ vật, Nam nói được chức năng của nó. Cũng làm như vậy với các bộ phận của cơ thể. Khi Nam vào nhà tắm, mình coi đó là một cơ hội tuyệt vời và đầy hấp dẫn để học những bài học này trong đó có cả những bài học về giới tính.

Ví dụ, mình chỉ vào bộ phận sinh dục và nói: “Đây là chỗ để em đi vệ sinh. Chỗ này để mọi người nhìn thấy là không hay, mẹ mặc quần đẹp để che đi. Quần đẹp lắm đúng không. Nếu ai sờ vào thì em nói: Không ạ. Rồi gạt tay ra nhé”. (Làm mẫu). Sau đó em nhớ kể cho mẹ biết. Mọi bộ phận trên cơ thể em đều yêu lắm. Mẹ thơm mắt này. Mẹ thơm mũi này… Em phải giữ cho chúng sạch sẽ nhé. Đừng để chúng đau, chúng sẽ không vui đâu. Ví dụ là như thế, mỗi hôm dành thời gian kể và nói chuyện về một bộ phận. Trong chậu tắm, mình luôn để sẵn mấy thứ đồ chơi bằng nhựa để Nam có thể vừa nghe lại vừa chơi, rất vui.

Dạy cho Nam về những tính từ

Giai đoạn 2-3 tuổi, vốn danh từ cũng khá nhiều rồi nên mình tập trung dạy các tính từ bằng cách chơi trò chơi miêu tả. Muốn chơi trò này, mình phải “chơi thử” cho Nam nhiều lần. Ví dụ: Cái ca thế nào? Cái ca to/ nhỏ/ xinh xắn/ xanh, đỏ… Con mèo thế nào? Con mèo hiền/ ngoan/ dễ thương/ xinh xắn/ đáng yêu/ dữ tợn… Tất nhiên, Nam không thể biết đó là các tính từ nhưng Nam có thói quen tìm các từ để miêu tả sự vật. Điều này rất có lợi cho việc làm văn sau này.

Độ tuổi này, giao tiếp của con rất nhạy cảm

Việc học thông qua quan sát, bắt chước người lớn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mẹ cần thể hiện một thái độ tôn trọng, biết lắng nghe. Nhờ thế, có lẽ việc “nổi loạn” của trẻ cũng diễn ra nhẹ nhàng hơn. Với Nam, mình TRÁNH dùng những mẫu câu như: “Con để mẹ làm mẫu cho” mà thay vào đó là: “Con nhìn xem mẹ làm thế này có được không?”. Không dùng: “Con làm thế là sai rồi”. Mà thay bằng: “Mẹ nghĩ nên làm lại thế này thì có lẽ tốt hơn...”. Mình cũng KHÔNG dùng những câu như: “Con làm thế bố sẽ mắng đấy. Con làm thế thì công an/ngáo ộp/ ông râu xồm… bắt đấy”... Mình chỉ ra hậu quả của việc đó chứ không dọa dẫm.

Chú ý đến thái độ giao tiếp: Sau này khi Nam lớn, mọi người thường khen là Nam rất ngoan. Những lúc Nam đi cùng mẹ, nếu Nam làm việc gì sai, mẹ chỉ cần nhìn là Nam biết và tự điều chỉnh. Mình cho rằng, có được điều đó là mình đã dạy Nam về thái độ giao tiếp từ giai đoạn này. Bất cứ việc gì Nam làm sai, mình đều nhìn thẳng vào Nam và nói: “Em ơi, mẹ không vui”. Nhưng ngược lại, nếu việc nào Nam làm tốt, mình cũng nhìn vào mắt Nam và nói: “Em giỏi lắm/ Em ngoan lắm/ Em làm cho mẹ rất vui”.

Đến giai đoạn này, mình cũng đã bắt đầu có hình thức thưởng/phạt rõ ràng. Con ngoan thì con sẽ được mẹ đọc thêm truyện (Nam vô cùng thích đọc truyện), được mua thêm đồ chơi… Nhưng ngược lại, Nam sẽ phải ngồi vào “Góc buồn”, trong một khoảng thời gian nào đó, thường là từ 5 đến 15 phút.

Thường xuyên cùng con ghi nhật kí

Mình làm vào các buổi tối, trước khi Nam đi ngủ. Mình thường hỏi Nam: “Buổi sáng/ Trưa/ Chiều nay mẹ con mình làm gì ấy nhỉ”. Ví dụ Nam nói: “Mẹ với em đi siêu thị”. Mình sẽ nói: “Đúng rồi, đi siêu thị vui lắm. Hôm nay Nam biết giúp mẹ đẩy xe hàng. Mẹ ghi vào đây, kèm theo hình vẽ nữa. Nam có muốn bổ sung gì vào hình vẽ không?”. Kiểu như thế, cuốn nhật kí của hai mẹ con tuyệt lắm. Đó cũng là cách giúp Nam biết chuyển tải ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết và tập thói quen ghi nhớ. Mình cũng sẽ cùng Nam lên kế hoạch cho ngày hôm sau nữa. Vui ơi là vui.

Trong khi giở lại những cuốn nhật kí, mình đọc được những mẩu ghi chép về hội thoại của mẹ và Nam rất buồn cười.

- Nam ơi, Nam yêu mẹ không?
- Có, em yêu mẹ.
- Thế em yêu mẹ nhiều không?
- Có, nhiều lắm ạ.
- Thế em ra thơm mẹ để mẹ biết là em yêu mẹ nhiều đi.
- Nhưng em bận lắm, em còn đang chơi với con cá.
- Ôi thế mà nói là yêu mẹ nhiều. Mẹ buồn quá, mẹ khóc đây. Hu hu.
- Thôi được rồi, để em ra thơm. ( Chạy lại thơm mẹ)
- Đấy được chưa. KHỔ QUÁ, MỆT QUÁ, lớn rồi mà còn khóc nhè.( Vừa quay lưng vừa lẩm bẩm)
Hihi, rất chi là ra dáng một người lớn, chàng trai 3 tuổi của mẹ! Giá bây giờ dùng chiến thuật đó mà có chàng chạy lại thơm thì mẹ sẽ làm luôn ấy!"

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn