Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam bật mí cách chơi cùng con khi 3 tuổi

Giáo dụcThứ Năm, 05/02/2015 01:38:00 +07:00

Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của chàng trai Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực từ việc cho con ăn và chơi cùng con trong giai đoạn 2-3 tuổi

(VTC News) – Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của chàng trai Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ những kinh  nghiệm thiết thực từ việc cho con ăn và chơi cùng con trong giai đoạn 2-3 tuổi.

Trong chuyên mục “Dạy con” trên báo điện tử VTC News, chị Phan Hồ Điệp – mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ 8 bước dạy con trong giai đoạn 2-3 tuổi. Chị Điệp cũng tiếp tục chia sẻ với các phụ huynh về cách cho con ăn, chơi cùng con trong giai đoạn này.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ cách cho con ăn và chơi cùng con trong giai đoạn 2-3 tuổi 
Ăn uống tự nhiên

"Chính tâm thế tự tại khiến cho mình biết điều chỉnh để việc ăn uống của Nam không trở thành gánh nặng. Mình cho con ăn tất cả các đồ ăn. Ăn theo nhu cầu và không ép mỗi khi con ốm.

Mình tự “lên dây cót” để cho việc ăn của con trở thành niềm vui. Bữa sáng và bữa trưa, Nam ăn riêng tại bàn ăn nhỏ và bữa tối thì ngồi cùng bố mẹ.

Với bàn ăn nhỏ, mình thường cắm một cành hồng cắt từ ngoài vườn. Phía trên bàn ăn, mình treo ảnh một số hình đồ ăn đã được nhân hóa ( vì dụ hình bát cơm có chân đang chạy). Đĩa ăn của Nam là do Nam tự chọn.

Vì Nam thích các loại phương tiện nên mình mua một số loại thìa, dĩa có in hình ô tô, tàu Shinkansen. Mỗi bữa mình cũng hay rủ Nam tự tạo, nặn cơm thành các hình ưa thích.

Ở Nhật có những khuôn để đổ cơm vào sau đó cho ra những hình rất vui mắt. Nam có thể ăn bằng thìa, dĩa, bằng tay và cả bằng đũa.

Trong bữa ăn, mình không nhắc: Con ăn cái này, cái kia, cũng không giục nhưng mình có để một đồng hồ có chuông hẹn giờ. Nếu chuông kêu mà con chưa ăn xong, con tự động đứng lên để dọn bàn ăn.

Khi Nam đi siêu thị cùng mẹ, mình cũng hay hỏi con thích ăn gì, con tự chọn thực phẩm để mẹ nấu. Mình ưu tiên các loại củ, quả ( bí đỏ và cà rốt là hai thứ xuất hiện nhiều trong thực đơn hơn cả), các loại cá.

Trong nhà mình, cả hai vợ chồng tránh nói những điều bình luận về hình thể của con như con gầy quá/ mập quá, cần cho con ăn cái này cái kia…Nếu có chỉ là nói vui.

Mình cho rằng, để trẻ lớn lên với những ám ảnh vì hình thể là không có lợi. Bố Nam luôn nói, không nên để con nghĩ rằng, hình thức là quan trọng. Điều này về sau khi có những trải nghiệm, mình thấy rất đúng.

Có nhiều cháu rất lo sợ về việc béo/ gầy đến mất ăn mất ngủ hoặc tự làm khổ mình, nguy hiểm hơn dẫn đến stress. Mình nghĩ có lẽ cháu đã bị hoặc là gia đình hoặc là truyền thông tác động rằng, phải đẹp, nhất định phải đẹp về hình thức.

Mình cũng nhận thấy, người nước ngoài tránh nói về chuyện béo gầy. Trong khi đó ở Việt Nam, người lớn gặp nhau hay bàn về chuyện cân nặng của con nhất là khi con còn nhỏ.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Chị Phan Hồ Điệp luôn để Nhật Nam tự phát triển những khả năng của bản thân 
Vui chơi sợ gì lấm bẩn

Ở giai đoạn này, mỗi khi cho Nam đi đâu xa, mình cương quyết không mang theo đồ ăn, không còn cảnh lỉnh kỉnh tay xách nách mang nữa. Cả nhà đi chơi với tâm thế vui vẻ và thưởng thức những món ăn ở vùng đất mới.

Một điều nữa là mình tuân thủ việc cho Nam ăn đúng giờ. Mình muốn “đồng hồ sinh học” của Nam không bị xáo động, không bị “mất tập trung”. Cứ đến giờ theo quy định, đồng hồ sẽ nhắc và báo hiệu cảm giác đói. Tất nhiên những hôm đi chơi hoặc hôm nào hoạt động nhiều có thể thay đổi đôi chút.

Mình cho Nam ăn ba bữa chính và hai bữa phụ. Hai bữa phụ thường gồm sữa và một chút hoa quả hoặc bánh ngọt.

Mình rất thích một câu slogan: Vui chơi sợ gì lấm bẩn. Đến giai đoạn này, Nam có nhiều trò chơi phải nói là “ bê bết”.
Clip Đỗ Nhật Nam thuyết trình tại Mỹ gây kinh ngạc
Nguồn: TEDxSMU

Chơi cát: Mình xếp “chơi cát” thành một mục riêng vì đây là trò chơi mà Nam gắn bó nhất trong thời thơ ấu. Ở giai đoạn trước, nhà mình thành một công viên thu nhỏ vì mình có hẳn một khoảng đầy cát cho Nam chơi.

 Đến giai đoạn này, Nam chơi cát cùng các bạn ở công viên. Mình mua một số loại phương tiện đồ chơi cho Nam chơi trò xúc, vận chuyển cát. Có thể chơi với cát khô hoặc nhào nước tùy thích.

Có một điều mà mình quan sát được và áp dụng đó là, các bà mẹ Nhật không nề hà về thời tiết. Dù trời nắng. mưa, tuyết, lạnh căm căm nhưng con vẫn ra công viên chơi cùng các bạn. Việc rèn luyện như vậy khiến khả năng đề kháng của con tốt hơn. Ban đầu mình cũng e ngại. Sau một vài lần ốm, Nam cũng thích nghi với các kiểu thời tiết.

Điều này cũng lý giải tại sao trẻ em nông thôn ít ốm hơn trẻ em thành phố dù điều kiện ăn uống có thể không bằng.

Chơi các trò chơi vận động: Mình gọi các trò chơi cần leo, trèo, chạy nhảy là các trò chơi vận động. Nam thường chơi các trò này vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy. Hai mẹ con sẽ phân chia nhau làm “người chỉ huy”.

Người chỉ huy sẽ đi vòng vèo, đi nhón chân, chui qua gầm bàn… làm bất cứ hành động nào cần sự mềm dẻo, khéo léo và người còn lại phải bắt chước y hệt. Trò này vừa rèn luyện thể chất lại phải tinh mắt, phải khéo léo.

Nhiều lần mình chịu thua, nhất là khi Nam cứ trồng cây chuối trên nền nhà . Mình cũng hay vẽ hình trên nền nhà/ sân những vòng tròn. Nhiệm vụ là phải nhảy bật từ vòng tròn này sang vòng tròn khác. Mình và Nam hay chơi trò đóng vai mà có pha hành động “đuổi bắt”.

Khi thì mình là Thỏ, Nam là Cáo, khi thì mình là Sói, Nam là Chuột… Cứ thế chơi đuổi bắt trong sự tưởng tượng.

Để kết hợp với việc phát triển ngôn ngữ, mình cũng nghĩ ra những câu vần vè để đọc cho vui trong quá trình chơi. Kiểu như: Tớ là Thỏ/ Có đôi tai dài/ Tớ chạy rất tài/ Vượt qua đường dài/ Mà không sợ hãi. Hoặc Tôi là Sói/ Bụng tôi đang đói/ Tôi hơi xấu thói/ Tôi tìm bắt con mồi Gừm Gừm. Chơi xong thì cũng thuộc luôn.

Mình cũng tận dụng tối đa các trò chơi với bóng: ném bóng, chuyền bóng, lăn bóng. Với những trò chơi cần “luật chơi”, mình luôn phổ biến rõ ràng hoặc chính Nam là người phổ biến.

Cả hai đều phải tuân thủ chặt chẽ luật chơi. Mình cũng muốn dạy Nam bài học chấp nhận sự thất bại ngay từ giai đoạn này.
Đỗ Nhật Nam
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày càng trưởng thành 
Chơi các trò chơi cần sự khéo léo: Bên cạnh những trò chơi “động” mình cũng khuyến khích Nam các trò chơi “tĩnh” cần sự khéo léo của đôi bàn tay.

Trò chơi hay sử dụng nhất là chơi xâu chuỗi hạt. Mình mua các loại hạt nhiều màu. Có nhiều yêu cầu như: xâu vòng đeo vừa cổ cho em Gấu. Xâu vòng theo đúng vòng mẫu của mẹ. Xâu vòng để vặn thành hình số 8.

Trong lúc xâu vòng, mình cũng dạy Nam tập đếm luôn. Trò chơi này cần sự kiên nhẫn và luyện kĩ năng vận động tinh rất tốt.

Mình cũng dạy Nam chơi gảy nịt, như cách chơi của trẻ em nông thôn. Mình cũng thường cùng Nam chơi đất nặn. Ở Nhật, trò chơi với đất nặn rất được khuyến khích sử dụng. Nam cũng có thể vẽ, khi nào chán vẽ quay ra trò chơi với chính các màu nước cũng rất thú vị.

Chơi các trò chơi trong sách: Mình rất chú trọng đến việc cho Nam chơi các trò chơi có sẵn trong sách, phổ biến là trò: Tìm đường đi nhanh nhất. Mình cũng hay tự nghĩ ra và vẽ các hình để Nam tìm quy luật.

Ví dụ, ban đầu là một đoạn thẳng, tiếp đó là hai đoạn thẳng, tiếp nữa là ba đoạn thẳng vậy thì hình thứ tư sẽ là mấy đoạn thẳng. Hoặc Con thỏ nhắm mắt- Con thỏ mở mắt- Con thỏ nhắm mắt- vậy hình tiếp theo sẽ là Con thỏ nhắm hay mở mắt…

Nam rất thích thú với trò chơi này, luôn “gạ” mẹ chơi bất cứ khi nào có thể, nhưng nói thật là chơi trò này mẹ rất mất công. Trò chơi mình thấy ý nghĩa nhất và có tác dụng tích cực nhất đến việc quan sát là so sánh điểm khác nhau giữa hai hình. Để kết hợp với việc phát triển ngôn ngữ, mình thường khuyến khích Nam mô tả và lồng vào đó chi tiết nói về điểm khác biệt.

Ví dụ: Chúng ta có hai bức tranh, bức tranh bên phải vẽ một em bé đang ngồi trên ghế đá. Em đội mũ đỏ, đi giày xanh, cạnh em là một con mèo màu vàng. Còn bức tranh bên trái cũng là em bé đó nhưng mũ đội đầu của em lại là màu xanh chứ không phải màu đỏ, em đi giày xanh và chú mèo vàng vẫn ngồi bên cạnh.

Nói chung thành như một câu chuyện ngộ nghĩnh chứ không chỉ là phát hiện ra điểm khác biệt.
Rất trùng hợp là các bài thi Tiếng Anh cho trẻ em của Cambridge lại cũng có kiểu bài này trong phần thi nói nên ngay từ lớp 1, khi làm bài thi, Nam đã đạt điểm tuyệt đối. Thầy giám thị rất ấn tượng, thầy cứ nói: Bạn này miêu tả hay hơn cả thầy nghĩ!

Chơi các trò chơi với đồ hand made: Khi Nam còn nhỏ, mình, mặc dù vụng về bậc nhất, nhưng vẫn rất thích làm các đồ chơi với con. “Đồ chơi” làm ra thì xấu kinh nhưng được cái quá trình làm rất vui. Bao giờ Nam cũng tham gia vào quá trình này.

Mình tận dụng mọi thứ xung quanh nhưng ưu tiên các đồ vật chất liệu bằng giấy, bìa hơn là các đồ bằng nhựa, bằng kim loại. Thứ mà mình và Nam thích làm nhất là các lõi của giấy vệ sinh. Mình thu lượm cho Nam trang trí hoặc tô màu. Sau đó luồn dây làm thành tàu hoặc thành rèm cửa hoặc gắn dính lại thành hình tháp…

Các loại hộp thì không bỏ đi bao giờ. Mình cắt trang trí thành ngôi nhà, Nam tô màu cửa, đặt vào đó các con thú, thế là đã có thể trở thành một câu chuyện hay kể cho nhau nghe…

Chơi một mình: Đến tuổi này, trong thời gian biểu một ngày, mình luôn dành cho Nam một khoảng thời gian để chơi một mình. Nếu như với các trò chơi cùng mẹ, mình và Nam nói chuyện liên tục, mình hỏi nhiều, gợi ý nhiều thì khi Nam chơi một mình, mình tôn trọng tuyệt đối không gian riêng tư của Nam.

Mẹ chỉ đứng quan sát xa xa. Bởi mình nghĩ khi đó, Nam đang được chìm đắm vào thế giới tưởng tượng của riêng mình. Chỉ khi nào Nam chơi xong mình mới hỏi như: Em chơi gì? Em trò chuyện gì với các con vật? Em thấy vui không? Cũng có khi Nam đang chơi lại chạy ra hỏi mẹ. Mình giải thích nhưng đều hướng Nam đến việc tự mình độc lập suy nghĩ. Các trò chơi thì do Nam chọn, có khi là chơi với chậu nước, khi thì chơi với đất, cát, khi thì chơi với khối xếp hình…

Năm Nam ba tuổi, có hôm sau khi chơi với nước, Nam bảo, em thấy nếu đặt hai giọt nước cạnh nhay, chúng sẽ lăn về phía nhau mẹ ạ. Em không biết cần bao nhiêu giọt nước để thành biển? Mình thấy ngạc nhiên và thú vị với trí tưởng tượng và sự suy luận chắc chỉ trẻ con mới có.

Tự phục vụ và làm việc nhà: Ở giai đoạn này, những nhu cầu tối thiểu Nam có thể tự lo liệu được. Nam dùng bỉm trong thời gian dài. Mình nhớ khi về Việt Nam, mọi người hay kêu là sao con lớn mà vẫn dùng bỉm nhưng mình nghĩ đợi cho con hoàn toàn có khả năng tự điều khiển và nói được ra nhu cầu thì bỏ bỉm. Khi bỏ bỉm, Nam bỏ qua giai đoạn đi vào bô mà đi vệ sinh trong nhà vệ sinh luôn vì ở Nhật, có thiết kế một bộ phận nhỏ gắn vào bệ vệ sinh để giúp trẻ có thể ngồi được.

Ban đầu, để cho Nam không sợ nhà vệ sinh, mình cũng phải nghĩ ra nhiều cách. Phổ biến nhất là mỗi khi con đi xong được thưởng một miếng dán hình ô tô, tàu. Nam thích các miếng dán trên bàn tay lắm, nên đôi khi không “buồn” cũng xin đi vệ sinh .

Sau rồi mình chuyển sang việc khuyến khích Nam quan sát đồ vật quanh nhà vệ sinh để miêu tả lại. Tất nhiên, mỗi hôm mình lại lén xáo trộn hoặc để thêm một đồ vật gì mới. Thế là Nam cứ mải mê quan sát, rồi miêu tả. Việc đi vệ sinh trở thành một giờ học thú vị. Nam cũng tự lo liệu về quần áo.

Mình luôn phân biệt rõ ràng: quần áo mặc đi chơi, quần áo mặc để chơi và quần áo mặc đi ngủ. Vội đến mấy cũng không mặc lẫn lộn. Vì thế, trước mỗi hoạt động, Nam phải tự tìm quần áo cho phù hợp. Việc ăn uống, ngủ nghê, mẹ cũng không cần can thiệp. Trước giờ ngủ, mình đọc sách, hát, nói chuyện, cùng Nam ghi nhật kí trong chừng một tiếng, sau đó Nam tự ngủ.

Đến giai đoạn này, trẻ em thường rất thích được làm các công việc nhà. Theo mình, nếu mẹ bỏ lỡ sự hưng phấn này ở trẻ, sau này sẽ khó “lôi kéo” được trẻ tham gia việc nhà. Mình có một cách để Nam hứng thú và làm việc nhà như một nghĩa vụ đó là, mình có một tấm bảng chia thành ba cột màu. Cột của mẹ màu đỏ, bố màu xanh và Nam màu vàng. Trên đó ghi công việc mà mỗi người cần làm.

Ví dụ, của mẹ là: đi chợ, nấu ăn… Bố là lau nhà, cho quần áo vào máy giặt, Nam là dọn bàn ăn, tưới cây… Sau đó, mình in hình các con voi nhỏ (giai đoạn này Nam rất thích voi) dán bên cạnh, trên lưng con voi được chia thành các ô vuông.

Cứ ai làm xong phần việc của mình, sẽ dùng đúng màu trong cột của mình, tô lên lưng con voi. Cuối ngày tổng kết xem ai đã làm đúng, làm đủ phần việc của mình. Chính vì trò này nên Nam hăng hái tham gia để được tô màu cho voi. Và Nam cũng nhận ra những công việc của từng người trong gia đình, có trách nhiệm với công việc chung.

Mình khuyến khích Nam tham gia vào việc làm bếp như nhặt rau, rửa rau ( với dụng cụ thấp, gần tầm với). Trước nhà có một mảnh đất, bà ngoại đã trồng giàn bí, đến giai đoạn này, khi bà ngoại không ở cạnh, hai mẹ con tiếp tục “công cuộc” của bà. Mình vun đất và Nam luôn nhận nhiệm vụ tưới cây, trò chuyện với cây và cả hai mẹ con sẽ ghi vào trong sổ những giai đoạn phát triển của cây.

Mình cũng hướng Nam đến việc trở thành một người đàn ông ga lăng. Ví dụ, đi trước mở cửa cho mẹ, khi xuống ô tô thì ra ngoài mở cửa xe ô tô cho mẹ và khi mẹ đi chợ, Nam sẽ đón mẹ từ cầu thang để bê cho mẹ một số thứ lặt vặt. Mỗi khi Nam làm xong, mình đều rất cẩn thận, nói lời cảm ơn thật lòng người đàn ông nhỏ bé đã giúp đỡ và làm mẹ rất vui.

Cũng từ giai đoạn này, Nam được học cách tuân thủ các nguyên tắc nơi công cộng. Nam tự xếp hàng lên xe bus, tự mua vé, trả vé và nói lời cảm ơn. Biết giữ trật tự khi vào bệnh viện hoặc trong quán ăn. Biết xếp hàng trả tiền trong siêu thị. Một tuần sẽ có một buổi, mẹ ngồi quan sát Nam vào chọn đồ, sau đó đẩy xe ra quầy xếp hàng tính tiền, tất nhiên là những đồ vật nhỏ và số tiền cũng nhỏ. Học cách cúi người để chào, cảm ơn khi trả tiền xong…

Những điều này Nam học một cách hứng khởi và không phải khi nào cũng suôn sẻ, khi thì đổ vỡ, khi thì sai sót, nhầm lẫn nhưng mình đều tiếp nhận với thái độ bình tĩnh và cho con cơ hội để sửa chữa.

Trên đây chỉ là những ghi chép một phần quá trình mình vui chơi cùng Nam. Trong quá trình đó, mình cũng gặp nhiều sai sót trong cách nuôi dạy nhưng mình cũng học hỏi và điều chỉnh dần dần.

Nam cũng là một cậu bé vụng về, hậu đậu nhưng mình luôn tin, với nhiều trò chơi, với những hoạt động của tuổi ấu thơ đã trải nghiệm, Nam được phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần để luôn lạc quan và đón nhận thử thách không hề sợ hãi, sống vui vẻ, trung thực, yêu thương mọi người.

Với một đứa trẻ được mẹ, gia đình quan tâm ( tất nhiên là từ quan tâm được hiểu theo nghĩa trong sáng và khoa học của từ này) thì đứa trẻ đó dù có thể không phải là những học sinh xuất sắc nhưng cũng có gì đó khiến người khác rất đáng nhớ, đáng tin cậy, đó có thể là cách cư xử đúng mực, là việc biết yêu thương mọi người, là sự cẩn thận, là sự nhạy cảm…

Cho nên, mình nghĩ, tất cả những điều mẹ làm cho con có thể không thấy ngay kết quả nhưng nó sẽ “nuôi” đứa trẻ lớn lên cùng với những ngọt ngào".

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn