"Mê hồn trận" yến sào, mực tẩm rởm chợ Đầm - Nha Trang

Kinh tếThứ Bảy, 04/09/2010 06:03:00 +07:00

(VTC News) – Du lịch Nha Trang, người tiêu dùng nếu không cẩn thận có thể mua phải yến sào, mực tẩm rởm bày bán đầy tại chợ Đầm.

(VTC News) – Đi du lịch Nha Trang, người tiêu dùng (NTD) nếu không cẩn thận sẽ mua nhầm yến sào, mực tẩm rởm bày bán ở chợ Đầm - trung tâm thương mại hàng đầu của thành phố biển này.

  
Mực tẩm độn hàng mốc, rong biển độn cát...
  Đến Nha Trang, ngoài các địa điểm hấp dẫn Vinpearland, Dốc Lết, Diamond Bay... thì chợ Đầm là địa chỉ không thể không dừng chân của khách du lịch. Tại đây, hàng hóa rất phong phú đặc biệt là hàng thủy, hải sản khô. 

Mực tẩmnhìn ngoài thì ngon, nhưng mở ra, bên trong độn rất nhiều mực vụn, mốc.

 
Khu vực hải sản khô của chợ Đầm có hàng trăm sạp luôn tấp nập người bán
kẻ mua, trong đó phần lớn người mua là khách du lịch với tâm lý đi du lịch phải có ít nhiều đặc sản làm quà cho người ở nhà. Ở đây, mặt hàng được bày bán rất đa dạng về chủng loại từ vi cá mập, hải sâm, cá ngựa khô, mực… đến rong biển, tôm khô.

Trước khi gia nhập "đội quân" mua sắm ở chợ Đầm, chúng tôi đã được cô hướng dẫn viên du lịch tên Anh Thi của Công ty du lịch Văn hóa Việt cảnh báo: "Nếu anh chị mua đặc sản  như
mực tẩm, bánh xoài và yến sào ở chợ Đầm phải hết sức cẩn thận vì có thể mua phải hàng rởm".

Đã được nhắc nhở là thế nhưng chị Quế Nhàn (Đống Đa, Hà Nội) vẫn "không thoát" hàng rởm. Chị Nhàn kể, chị mua một số đồ hải sản trong đó có 2 gói mực tẩm, mỗi gói 2 lạng giá 120 ngàn đồng. Khi về nhà, giở ra thì 4 phía là lớp mực nguyên vẹn nhưng cực mỏng được xếp khéo léo còn trong lõi hầu hết là mực vụn đã mốc. Trên gói mực chỉ đề mực tẩm Nha Trang, không có địa chỉ sản xuất và hạn sử dụng.   Chị Nhàn nói: “Rất may là tôi chưa đi biếu họ hàng, nếu không lại mang tiếng. Gói mực đó, tôi cũng không dám ăn vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe”.  
Đồ hải sản khô không được ghi đơn vị sản xuất, không hạn sử dụng.  

Điều đặc biệt là hàng hóa tại chợ Đầm không hề ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng nhưng người mua vẫn mua và người bán vẫn bán tấp nập.


Kể về lần "mắc lởm" của gia đình mình
trong lần mua rong biển cũng ở chợ Đầm, anh Yên (Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn còn bức xúc. Theo anh, giá cả ở chợ Đầm nói thách hơn vài chục ngàn đồng so với giá trị thật của món hàng, thậm chí, nếu không cảnh giác sẽ "vớ" ngay hàng kém chất lượng với giá... trên trời. Lần đó, vợ chồng anh mua nửa cân rong biển với giá 80.000 đồng. Đi dạo một lượt chợ, anh chị mới "té ngửa" vì mình mua phải rong biển lẫn cát nên nửa cân rong biển của anh chị rất ít so với loại rong biển không bị độn cát.   Chính ông chủ cửa hàng Vân Dung tại chợ Đầm tố: “Cẩn thận mua lầm nghe em, rong biển cũng có nhiều loại, loại có nhiều cát thì nó mới bẹp thế kia chứ loại nhà tôi bán giá 220 ngàn/kg”.

"Mê hồn trận" yến sào chợ Đầm

Trong khi mực tẩm, vi cá được bày bán công khai, thì có một đặc sản khác của Khánh Hòa lại được chào bán hết sức “bí mật”. Đó là yến sào (tổ chim yến – PV). Hầu hết yến sào ở chợ Đầm không nhãn mác, không có tên cơ sở sản xuất.  
Trên sạp hàng hoàn toàn không bày bán yến sào, chỉ khi khách hỏi mua, chủ hàng mới lôi hàng ra giới thiệu.

Lý do yến sào không được bán công khai tại chợ Đầm, theo bà Vũ Thị Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa (100% vốn nhà nước – PV) lý giải: Nếu là hàng thật và muốn bán được hàng, người bán phải bày hàng. Trừ phi trốn thuế và không trung thực hoặc vì không khẳng định được chất lượng, người bán hàng mới không bày ra thôi. Bởi muốn kinh doanh, cần phải khai báo các mặt hàng bán".
  Trong vai khách du lịch đi tìm mua yến sào, chúng tôi được nhiều chủ hàng chào mời đon đả. Nắm bắt nhu cầu thực sự của khách, khi đó chủ hàng mới dẫn khách vào phía trong quầy để giới thiệu sản phẩm hoặc vào trong lấy ra hộp yến sào để bán.  
Yến sào tại sạp Kim Phụng được trữ với số lượng lớn phía trong. 

Tại sạp Kim Phụng, người bán hàng dẫn chúng tôi vào phía trong cửa hàng gặp chị chủ tên Phụng. Chị này lôi ra hàng bịch yến sào loại còn nguyên tổ đã qua sơ chế.
Khi PV VTC News thắc mắc vì sao sản phẩm không được bày trên sạp và không có nhãn mác, chủ sạp cho biết: “Chị chủ yếu bán sỉ vì đã có sẵn lượng khách lớn rồi. Mà nhãn mác làm chi em. Hàng Khánh Hòa đấy, em tinh thì em mua không tinh thì thôi. Hàng 7 triệu đồng chứ mấy bạc mà dối em làm chi... Chị bán có hóa đơn đàng hoàng”.   Giá yến sào tại đây dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/lạng. Yến sào nuôi giá 6,5 triệu đồng/lạng, hàng 3,2 triệu, 3,5 triệu đồng/lạng cũng có tùy tai (tổ yến – PV) lớn nhỏ. Yến huyết đảo có giá tới 24 triệu đồng/lạng, nhưng yến huyết nuôi giá chỉ 6,5 triệu đồng/lạng.   Trong khi đó, tại cửa hàng Thiên Long, khi nghe chúng tôi hỏi mua yến sào, bà vợ đang bụng mang dạ chửa cùng chồng đon đả kéo ghế mời chúng tôi ngồi, sau đó vào nhà lấy ra 2 hộp yến giới thiệu. Nhìn bên ngoài, hộp yến giá vài triệu đồng được đựng trong hộp nhựa đục mờ, xấu xí, không nhãn mác, không hề có thông tin gì kèm theo. Giá bán khá rẻ so với yến sào trên thị trường, loại 2,5 triệu đồng và loại 3,5 triệu đồng.  
Ông chủ sạp này chính là người bán mực rởm, đang giới thiệu yến sào cho khách du lịch.
Trước khi thực hiện bài điều tra này, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu và tiếp cận với yến sào tại các công ty kinh doanh mặt hàng này có uy tín của nhà nước nên nhìn hình dáng yến sào bán tại đây, chúng tôi không khỏi nghi ngờ.

Yến tổ còn nguyên lông nhưng về cảm quan thấy lông dính vào rất thủ công và không hề tự nhiên. Nếu là tổ yến thật, từng sợi nước bọt yến quyện chặt cùng với lông rất khít.


Đến sạp Hương Lan, tổ yến ở đây được chào bán với giá 3,5 triệu đồng/lạng yến nuôi, yến đảo giá 4,5 triệu đồng/lạng, yến huyết giá 4,5 triệu đồng/lạng. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh (kiểu khách du lịch chụp ảnh) lên chụp, chị chủ hàng nói giọng Huế đã phẩy tay: “Đừng quay phim em, chị không thích em quay” rồi quay sang nhân viên bán hàng quát: “Cất ngay đi”.

Trái với bà chủ hàng trên, vợ chồng bà chủ sạp Thiên Phú đon đả chào mời sau khi dẫn chúng tôi vào phía trong sạp: “Yến sào 4 triệu đồng/lạng. Nếu cháu mua loại tốt hơn giá 5 triệu đồng/lạng”. Khi chúng tôi đưa yến lên mũi ngửi, bà chủ nói ngay: “Vì là dãi yến nên không có mùi gì đâu, nếu mua, cháu gọi điện, cô sẽ mang hàng tận khách sạn".
Chủ sạp Hương Lan nghi ngờ nên bảo nhân viên cất hàng. 

Khác với yến sào tại sạp Thiên Phú, yến sào tại sạp Minh Phương có mùi hôi và mốc. Giá yến sào chỉ 3,5 triệu đồng/lạng, cũng có loại 4,2 triệu đồng và 5 triệu đồng/lạng. “Nếu lấy hàng cô bớt cho 100.000 đồng, có người vừa mới lấy nè, có bầu ăn vào đẻ con cứng cáp, phụ nữa ăn đẹp da đấy”.

Bà Xíu, một chủ hàng, khi biết chúng tôi muốn mua yến sào liền vội vàng dẫn chúng tôi đến sạp Xuân Vinh. Tại đây, bà Xíu thanh minh: “Vì mặt hàng này đánh thuế nhiều, nên chị chỉ để một nơi thôi. Chị dẫn em sang lò cho em yên tâm, mua bao nhiêu thì mua”.   Phía ngoài cửa hàng Xuân Vinh, không hề bày bán yến sào, nhưng khi bước vào trong sạp, PV bất ngờ khi thấy chị chủ và nhân viên đang ngồi làm yến.  
Nhặt lông tổ yến tại sạp Xuân Vinh. 

Chị chủ Xuân Vinh nhanh nhẹn mời: “Yến sào làm rồi hay chưa làm có cả, vào trong đi em. Lấy hàng đảo ăn cho ngon nghe. Em mua ăn hay làm quà? Yến nguyên lông 3,5 triệu đồng/lạng, loại 2,5 triệu đồng cũng có nhưng hàng đó không được ngon. Hay em lấy hàng làm rồi, 4 triệu đồng, làm ra sạch sẽ. Nếu em lấy hàng rụng, hàng cám thì làm sạch rồi giá sẽ rẻ hơn”.   Qua quan sát, PV nhận thấy lượng yến sào trong sạp rất nhiều. Theo như lời chị chủ, ở đây chị chuyên bán hàng sỉ. Vừa lấy ra loại 3 triệu đồng/lạng hàng yến nuôi, chị vừa nói: “Người mua không bao giờ biết đâu. Em cầm miếng này với miếng này chị đảm bảo khó nhận biết đâu là yến đảo đâu là yến nuôi”.   Trên mặt bàn, đống yến sào đã được ngâm nước cho mềm để nhặt lông, chị chủ còn lôi ra hàng rổ yến đã ngâm mềm cất trong tủ làm mát để giới thiệu với khách. Dưới đất, trong chiếc khay, hàng dãy tổ yến được xếp để quạt hong cho khô. Theo lời người bán hàng, yến  được chị ngâm rồi nhặt lông, sau đó cho vào khuôn giống hình tổ yến và  để trước quạt cho khô.  
Yến sào được làm sạch lông, cho vào khuôn tạo hình tổ yến rồi để trước quạt hong cho khô.
Nhìn đống yến sào, lẫn những sợi và miếng to bản, chúng tôi lấy một ít để lên ngửi nhưng không thấy có mùi. Thấy vậy, chị chủ bảo ngay: “Yên tâm đi, mình làm sạch rồi nên làm gì có mùi gì. Nếu sợ hàng giả thì không mua được đâu, danh dự luôn nhé, chị không gạt đâu”.   Bà chủ hàng còn tư vấn: “Em  đừng mua hàng nào trắng tinh vì họ dùng thuốc tẩy hoặc ngâm phèn độc hại lắm. Cũng do người mua trả rẻ nên người bán phải làm thế để giảm giá thành. Mình không dám làm...". Khi chúng tôi hỏi chị có giấy chứng nhận bán hàng yến sào không? Chị chủ cũng khá thẳng thắn cho biết, không có giấy tờ gì và nói: “Mua mà sợ giả thì không mua được đâu em”.

Có thể thấy, mặt hàng yến sào giá thành khá đắt ở chợ Đầm được bày bán rất phong phú và "bình dân", hầu như quầy đặc sản nào cũng có. Tất cả đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, "thật thật hư hư", nên NTD như lạc vào "mê hồn trận", rất khó biết đâu là thật là giả, và có bị hớ hay không nếu có ý định mua món hàng cao cấp này. 
Làm thế nào để tránh mua hàng rởm?


Nhiều du khách đến Nha Trang ngoài việc bị hớ khi mua sản phẩm yến sào tại chợ Đầm sẽ còn rất dễ bị hớ vì đội ngũ dẫn khách. 

 
Khách được lôi vào phía trong sạp để xem hàng.

Như chủ sạp hàng Kim Phụng cảnh báo: "Em đừng nghe theo lời mấy người taxi. Họ dẫn em đến chỗ bán yến sào rồi sau đó quay lại lấy tiền 20% số tiền khách mua từ đại lý đó". Ngay tại chợ Đầm, sạp không bán yến sào nhưng khi khách hỏi mua yến sào sẽ được dẫn đến chỗ bán và hưởng phần trăm.

Dù có người dẫn đi mua thì NTD chưa chắc đã tránh khỏi mua phải hàng giả, hàng yến nuôi được bán với giá yến đảo…   Trên thị trường, mặt hàng yến sào đa dạng chủng loại và nguồn gốc xuất xứ như hàng làm thủ công, hàng nhập từ Singapore, Malaysia, Indonesia. Yến sào ở các nước này có hàm lượng chất dinh dưỡng không bằng yến sào của Việt Nam nên giá rẻ hơn yến Việt.  
Yến sào tại sạp Minh Phương. 

Theo bà Vũ Thị Hạnh, phó tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, để tránh mua phải hàng giả, hàng không đúng chất lượng, NTD cần phải mua ở cửa hàng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, mua đúng thương hiệu.

“Khi mua hàng của Công ty yến sào Khánh Hòa, NTD có thể xem tem chống giả trên sản phẩm, hỏi hóa đơn bán hàng, trên bao bì có mã hàng, mã vạch”, bà Hạnh cho biết.
  Bà Hạnh cho biết thêm: "Yến sào tinh chế bán ở chợ thường dẻo dẻo, các sợi không đan vào nhau hoặc loại khô cứng nhắc. Yến sào làm từ lòng trắng trứng, bột rong… đều có trên thị trường. Yến sào thật khi ngâm sẽ thành sợi, chứ không vón cục, nếu có cục vì đó là một dạng của mủ chu chứ không phải yến sào. Mủ chu khoảng 200 ngàn đồng/kg, chiết suất từ cây mủ chu nên nó nhớt. Để yến có độ nhớt giống tuyến nước bọt của yến nên họ dùng mủ chu để làm giả.

Yến sào thật sẽ có mùi tanh thơm còn yến rởm có mùi tanh của hải sản được chế vào. Chính vì vậy, giá yến tinh chế thật khoảng 5,7 triệu đồng/lạng còn yến sào tinh chế ở bên ngoài không rõ nguồn gốc có giá 3 hoặc 4 triệu đồng/lạng".
 
Yến huyết  tinh chế rất khó phân biệt là yến đảo hay yến nhà, yến sào thật hay có trộn.

Nhận định về yến sào giả, bà Hạnh nói: Người làm giả ngày càng bắt chước tinh vi hơn, họ làm yến sào giả để chính NTD khi mua về và ngâm nước nó vẫn có sợi.
  Còn chị Hồng Thủy, tổ trưởng tổ yến nguyên chất, Công ty yến sào Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm: “Tổ yến có nhiều loại, hàng đảo, hàng nhà, thậm chí hàng nhà nuôi trong nước và nuôi ở nước ngoài. Yến sào của nước ngoài bở hơn yến nuôi trong nước.   Hàng yến đảo dai, có mùi tanh và hôi hơn yến trong nhà vì nó ở ngoài sương giá. Nếu tổ yến không có mùi gì thì không nên mua vì nó mất đi mùi do người làm dùng nhiệt độ sấy khô quá nhiều hoặc yến đó không đảm bảo chất lượng. Tổ yến nhà thường dài và mỏng, độ dày không bằng tổ yến đảo”.  
Cái này được cho là yến sào vì được PV VTC News lấy từ rổ yến sào tinh chế tại sạp Xuân Vinh. Nhưng theo lời chuyên gia, sau khi ngâm nước, yến sào sẽ nở ra với các sợi nhỏ chứ không vón cục hay to bản như thế này. 

Để phân biệt yến sào thật với yến sào có trộn bột rau câu, chị Hồng Thủy tư vấn NTD, khi ngâm nước thì tổ yến thật sẽ nở ra nhưng vẫn giữ hình tổ với từng sợi mảnh. Hàng giả sẽ dính như hồ và nhớt nhớt. Do đó, tổ yến sau khi ngâm sẽ không bị vón cục, hay có bản to mà thành sợi mềm. Đó là nước bọt của chim yến nhả ra để làm tổ.
NTD khi mua tổ yến tốt nhất nên mua yến sào chưa chế biến vì nhận diện dễ hơn yến làm rồi. Thậm chí, nếu không phải người trong nghề thì chỉ có thể phân biệt yến sào nuôi và yến đảo khi ăn.   Như vậy, để mua được hàng tốt, NTD nên chọn mua của các doanh nghiệp có uy tín, không nên mua ở chợ nhất là khi không quen biết người bán. Hơn nữa, nếu đi du lịch việc bị lừa là chuyện dễ xảy ra nên cần cẩn trọng với chính những người môi giới hàng hay bán hàng.


 
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm



Bình luận
vtcnews.vn