Máy bay Nga hỗ trợ Nhật đối phó tên lửa Triều Tiên?

Thế giớiThứ Tư, 11/04/2012 10:50:00 +07:00

(VTC News) - Hôm 11/4, Truyền hình Nhật Bản đưa tin 2 máy bay chống ngầm của Nga đã được điều tới tàu khu trục Nhật để chuẩn bị bắn hạ tên lửa Triều Tiên.

(VTC News) – Hôm 11/4, truyền hình Nhật Bản dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết hai máy bay chống ngầm của Nga đã được điều tới một tàu khu trục của Nhật để chuẩn bị bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong trường hợp tên lửa này đe dọa tới lãnh thổ Nhật bản.

Cũng theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật, vào hôm thứ Ba tuần này, 2 chiếc máy bay Il-38 thuộc lực lượng Không quân, Hải quân Nga đã hạ cánh tại một căn cứ tàu khu trục trên đảo Honshu – hòn đảo lớn nhất nằm ở phía tây nam Nhật Bản để cùng tham gia với các máy bay chiến đấu khác của nước này trong chiến dịch tiêu diệt “mối đe dọa” từ Triều Tiên.

 Máy bay chống ngầm Il-38 của Nga sẽ tác chiến cùng máy bay chiến đấu của Nhật hòng bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong trường hợp cần thiết

Cùng ngày, kênh truyền hình NHK cũng đưa tin từ Tokyo rằng các máy bay chiến đấu của Nga đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu trên hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis được trang bị trên tàu khu trục của Nhật và đang trong trạng thái sẵn sàng hoạt động bất cứ khi nào cần thiết.

Tuy nhiên, một số tờ báo ở Nhật cho hay, Bộ Quốc phòng Nhật điều động tàu khu trục để phòng ngừa khả năng bị tên lửa Triều Tiên xâm phạm không phận. Trong thời điểm đó, máy bay chống ngầm của Nga bay trên tàu khu trục, hành động bị cho là thu thập thông tin trái phép về tàu khu trục của Nhật. Sau đó, các chiến đấu cơ của Nhật đã cất cánh, ép máy bay Nga rời không phận Nhật Bản.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho biết đây chỉ là một cuộc phóng vệ tinh khí tượng bình thường lên quỹ đạo Trái Đất để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Il-sung chứ không phải ngụy trang cho một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa như Mỹ và một số nước đang cáo buộc. 

Ngoài ra, Triều Tiên còn khẳng định hành động của mình là hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước thượng tầng Không gian (Space Treaty) mà theo đó các quốc gia đều có quyền tự do triển khai các chương trình vũ trụ.

 Tên lửa phục vụ việc phóng vệ tinh của Triều Tiên đã được đưa lên bệ và tiếp nhiên liệu chờ khởi động

Tuy nhiên, hôm 10/4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa là hành động mang tính khiêu khích và vi phạm một cách trắng trợn Hiệp ước Liên Hiệp quốc cũng như các cam kết quốc tế khác, trong đó không ngoại trừ việc Bình Nhưỡng đã từng thỏa thuận sẽ dừng mọi cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để đối lấy các gói viện trợ lương thực từ Washington.

Trước thái độ cương quyết của Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp nó đe dọa tới lãnh thổ của 2 nước này.

Cũng trong ngày 11/4, truyền thông nhiều nước đưa tin Triều Tiên đã tiếp nhiên liệu cho tên lửa tại căn cứ Tongchang-ri sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh theo kế hoạch ban đầu là từ ngày 12 – 16/4.

Hiện tại, mọi động thái của Triều Tiên xoay quanh vụ phóng tên lửa thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận quốc tế cũng như đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông trong suốt thời gian qua.

 Hình ảnh các phóng viên nước ngoài có mặt tại trạm vệ tinh của Triều Tiên nhằm theo dõi hoạt động phóng tên lửa của nước này

PV

Bình luận
vtcnews.vn