Máy bay chở Man Utd rơi năm 1958: Bi kịch từ những quyết định sai lầm

Thể thaoThứ Ba, 07/02/2017 08:38:00 +07:00

Viên phi công lo sợ trách nhiệm với một hãng hàng không dân dụng về việc chậm trễ chuyến bay, đã cố gắng cất cánh lần thứ ba.

Tấn bi kịch lịch sử

Sir Bobby Charlton - người sống sót trong thảm kịch Munich 1958 tự hào khẳng định, nếu thế hệ cầu thủ trẻ tài năng của Man Utd không bị tàn phá bởi vụ tai nạn máy bay đó, Real Madrid đã chẳng thể nào vô địch Cúp C1 5 lần liên tiếp.

Và nếu đường băng Munich không tước đi 7 tài năng sáng giá cùng Johnny Berry tàn phế suốt đời (cầu thủ còn lại thiệt mạng là Liam "Billy" Whelan người Ireland), nước Anh đã có thể vô địch World Cup nhiều hơn 1 lần cũng như đã chạm đến danh hiệu EURO, còn Duncan Edwards đã có thể vĩ đại như Pele hay Maradona. Nên nhớ, chỉ với Sir Charlton làm điểm tựa, thế hệ tiếp theo do Sir Busby tái tạo đã giúp Quỷ đỏ đăng quang ở Cúp C1 mùa 1968/69.

Thế hệ đồng ấu Busby Babes bị tán phá bởi thảm kịch Munich 1958

Thế hệ đồng ấu Busby Babes bị tán phá bởi thảm kịch Munich 1958 

Nhưng chữ nếu ấy đã mãi mãi không bao giờ có thể thay đổi. Nói về thảm họa Munich 1958 của Man Utd, thời khắc 15h4’ ngày 6/2/1958 trở thành nỗi đau lịch sử không chỉ của Quỷ đỏ mà còn với cả bề dày trăm năm của môn bóng đá. Chiếc máy bay chồm lên nhưng ngay lập tức nổ tung sau khi rơi xuống đường băng với tốc độ cao, trượt theo hàng rào và lao qua một con đường.

Trong đống vụn nát từ chiếc Airspeed Ambassador số hiệu 609 của hãng hàng không Bristish Airway, 20 con người qua đời tại chỗ, thêm 3 người rời bỏ cõi đời ở bệnh viện, 2 người khác khép lại sự nghiệp chơi bóng.

Đó là cái giá quá đắt, mà nó có bắt nguồn từ những sai lầm. Giống như thảm họa Chapecoense cuối năm ngoái, thảm họa Munich cũng là kết quả của một chuỗi những sai lầm.

Sau 59 năm, đã đến lúc người ta cần đối mặt, phân tích mổ xẻ những nguyên nhân để những tấn thảm kịch như thế không bao giờ lặp lại nữa.

Từ sự ấu trĩ của giới thượng tầng

Tháng 4/1955, UEFA thành lập giải vô địch cấp CLB có tên European Cup (tiền thân Champions League ngày nay). Giải đấu bắt đầu khởi tranh từ mùa 1955/56. Tuy nhiên, cả LĐBĐ Anh và cơ quan quản lý Football League (tiền thân Premier League) đều không ủng hộ kế hoạch trên.

Họ cho rằng xứ sở Sương mù đang có một hệ thống giải đấu hoàn hảo, với những ngôi sao kiệt xuất đương thời. Vì lẽ đó, chẳng cần phải vì lẽ gì để chơi thứ bóng đá nhạt nhẽo cùng những đội bóng “làng nhàng” của các quốc gia khác. Chelsea - nhà vô địch nước Anh mùa 1954/55, vì không được tạo điều kiện nên rút khỏi giải đấu trong năm đầu tiên khởi tranh.

Toàn đội Man Utd trước giờ máy bay cất cánh

Toàn đội Man Utd trước giờ máy bay cất cánh 

Đến mùa sau, Man Utd vô địch và thầy trò HLV Matt Busby kiên quyết tham dự cúp châu Âu cho bằng được. Sau một loạt chiến thuật vận động hành lang của Sir Busby cũng như Chủ tịch Harold Hardman, cuối cùng đội bóng cũng được đại diện cho nước Anh tham dự Cúp C1 châu Âu lần đầu tiên.

Dù vậy, Tổng thư ký Football League khi đó - Alan Hardaker không nhượng bộ. Với cựu quân nhân này, C1 là một mối đe dọa đối với hệ thống giải đấu của nước Anh. 

Và để chứng minh rằng Man Utd đã sai lầm khi cố chấp dấn thân vào cuộc chơi này, BTC Football League không được lùi lịch hay tạo điều kiện đá muộn hơn ở giải quốc nội cho Quỷ đỏ, bất chấp đội bóng phải căng sức chinh chiến ở đấu trường châu lục.

Bất chấp những ngăn cản một cách ấu trĩ từ Alan Hardaker, Man Utd vẫn kiêu dũng tiến đến vòng bán kết trước khi bị đánh bại ở nhà vô địch giải đấu Real Madrid. Một năm sau, vẫn là thầy trò Busby đại diện cho nước Anh hiện diện ở châu Âu với chức vô địch Football League lần thứ hai liên tiếp.

Một lần nữa, Quỷ đỏ tiến đến vòng tứ kết và đối thủ là Red Star Belgrade. Trận lượt đi tại Old Trafford, Charlton và Colman mang về chiến thắng 2-1. Sir Busby và các học trò hăm hở hành quân đến Nam Tư với niềm tin cháy bỏng vào chức vô địch châu Âu đã ở rất gần họ. Trận tái đấu ngày 5/2/1958, Man Utd xuất sắc bảo vệ thành quả nhờ trận hòa 3-3 (dẫn 3-0 và bị gỡ hòa 3-3), để giành lấy tấm vé vào bán kết.

Phấn khích với chiến tích này, Duncan Edwards, Bobby Charlton và các đồng đội muốn ngay lập tức trở về nước Anh để nối dài mạch thắng. 3 ngày sau đó, Man Utd có trận đấu quan trọng với Birmingham, một hệ quả từ sự hà khắc của Hardaker.

...Đến những sai lầm của viên phi công

Sau khi chiếc máy bay biến thành quả cầu lửa trên đường băng, nguyên nhân được quy kết cho viên phi công James Thain. Sau đó, người ta cố gắng thanh minh cho cơ trưởng của hãng Bristish European Airway, rằng một đám tuyết ở phía cuối đường băng gây giảm tốc độ và ngăn chặn tốc độ an toàn.

Trong thời gian cất cánh, chiếc máy bay đã đạt 117 hải lý (217 km/h), nhưng khi chạy trên đám tuyết giảm đến 105 hải lý (194 km/h), quá chậm để rời khỏi mặt đất.

Chiếc máy bay đã chỉ còn một đống sắt vụn

 Chiếc máy bay đã chỉ còn một đống sắt vụn

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sai lầm của James Thain trong tấn bi kịch của Man Utd. Thain và phi công phụ Rayment Kenneth đã 2 lần thử cất cánh nhưng không thể. Ngay từ lúc chiếc máy bay hạ cánh xuống Munich để tiếp nhiên liệu, tất cả đã nhận ra tuyết rơi dày trên đường băng.

Sau những lần cất cánh không thành công ấy, lẽ ra phi hành đoàn phải quyết định hoãn chuyến bay sang ngày hôm sau. Duncan Edwards thậm chí đã đánh điện tín về cho bà chủ nhà trọ ở Manchester với nội dung “Tất cả các chuyến bay đều bị hoãn. Ngày mai chúng tôi mới trở về. Duncan”.

Screen Shot 2017-02-06 at

Trang chủ Manchester United tưởng niệm nạn nhân thảm họa Munich

Thế nhưng, viên phi công lo sợ trách nhiệm với một hãng hàng không dân dụng về việc chậm trễ chuyến bay, đã cố gắng cất cánh lần thứ ba. Và thế là, khi bức điện tín của Duncan Edwards đến được tay người nhận, thì 21 con người đã trút hơi thở cuối cùng bên xác chiếc máy bay ở đường băng Munich. Trách nhiệm của cơ trưởng James Thain và hãng hàng không nước Anh trong thảm kịch năm 1958, vì lẽ đó, không phải là nhỏ.

Còn về phần Alan Hardaker, kẻ gián tiếp gây nên bi kịch, chẳng hề hấn gì sau vụ tai nạn. Cựu quân nhân bị truyền thông Anh thời điểm đó mô tả là “kiêu ngạo”, “gã độc tài”… tiếp tục tại vị. Chẳng những thế, y tiếp tục dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra một giải đấu nữa có tên League Cup - chính là Cúp Liên đoàn ngày nay, vào năm 1960.

Cũng một phần vì sự ra đời của giải đấu này cùng đề án tái cơ cấu bóng đá Anh của Hardaker, LĐBĐ Anh quyết định ĐT Anh không tham dự EURO 1960 - giải vô địch châu Âu cấp ĐTQG lần đầu tiên. Hơn nửa thế kỷ sau, Tam sư vẫn đang mải miết đi tìm giấc mộng cho lần đầu tiên.

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn