Mất xe Air Blade, chỉ được đền 12 triệu đồng

Thời sựThứ Bảy, 01/10/2011 04:34:00 +07:00

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ảnh về nạn bị mất xe máy đắt tiền tại quán cà phê, nhà hàng, vũ trường nhưng chỉ được đền bù với giá rẻ mạt hoặc mất trắng.

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ảnh về nạn bị mất xe máy đắt tiền tại quán cà phê, nhà hàng, vũ trường nhưng chỉ được đền bù với giá rẻ mạt hoặc mất trắng.

Anh Lê Thanh Hải (ngụ Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết tối 27-7 anh cùng nhóm bạn đến chơi tại Gold Club ở đường số 7, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM. Tại đây, anh Hải gửi xe hiệu Air Blade màu đỏ, có phiếu giữ xe hẳn hoi. Sau đó, một người bạn trong nhóm bị mệt quá nên anh Hải gọi taxi đưa bạn về nhà và được bảo vệ đồng ý cho gửi lại xe.

Bỗng dưng... mất xe

Trưa 28-7, anh Hải trở lại lấy xe nhưng bảo vệ bảo xe của anh đã có người đến lấy tối hôm trước. Lúc này anh Hải xuất trình thẻ giữ xe và yêu cầu hai bên đến Công an P.Bình Trị Đông B để khai báo việc mất xe. Tại công an phường, hai bên được hướng dẫn tự thỏa thuận về việc bồi thường. Phía Gold Club cho rằng đã giao quyền kiểm soát bãi xe cho một nhóm bảo vệ, nên nếu để xảy ra mất xe bảo vệ phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, phía bảo vệ nhà xe chỉ đồng ý bồi thường 12 triệu đồng cho chiếc xe mà anh Hải cho rằng trị giá đến 40 triệu đồng nên anh không chấp thuận. Anh Hải quyết định chọn con đường đi kiện để giải quyết vụ này.

Ông Mal (ngụ P.11, Q.3, TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tối 28-8, ông cùng một người bạn đi ăn tại quán Hai Duy trên đường Trường Sa, P.13, Q.Phú Nhuận. Chiếc xe Air Blade của ông được nhân viên giữ xe của quán trao thẻ giữ xe rồi mang đi gửi. Khi ông Mal ăn xong, tính tiền ra về thì nhân viên ở đây báo: “Xe ông mất rồi!”. Hốt hoảng, ông Mal mời công an phường đến giải quyết. Khi đó phía quán bảo ông chỉ bị mất xe Wave và buộc ông phải mời nhân chứng, trình giấy tờ xe để chứng minh xe bị mất là Air Blade mua với giá khoảng 60 triệu đồng. Công an phường yêu cầu hai bên tự thương lượng giải quyết và phía quán chỉ chịu đền bù 20 triệu đồng nên ông Mal không đồng ý.

Ông Võ Hùng Cường (Việt kiều Mỹ) kể đầu năm nay ông về nước thăm quê. Để tiện đi lại, ông Cường thuê chiếc xe SH (trị giá khoảng 160 triệu đồng). Một hôm, sau khi đi ăn ở quán 143 Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh), ông đưa thẻ xe để lấy xe về thì nhân viên ở đây bảo: “Xe không có trong bãi”. Ông Cường báo cho quản lý quán ăn và đến công an phường trình báo sự việc. Công an phường lập biên bản và hẹn hai bên đến giải quyết nhưng không thành khi phía quán ăn cho rằng bảo vệ giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường, còn bảo vệ một mực kêu không có tiền và bảo người bị mất xe cứ việc đi thưa. Ông Cường loay hoay không biết xử lý ra sao trong khi ông cần phải trở lại Mỹ để giải quyết công chuyện gấp...

Dây dưa chuyện bồi thường

Anh Lê Thanh Hải cho rằng xe anh trị giá khoảng 40 triệu đồng mà chỉ được đền bù 12 triệu đồng là quá bất công. Anh lên xuống cơ quan chức năng nhiều lần để tính chuyện thưa kiện, nhưng phía Gold Club vẫn bảo trách nhiệm thuộc về bảo vệ. Còn phía bảo vệ thì đồng ý đền bù đúng trị giá chiếc xe nhưng chỉ trả góp mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Nhẩm tính thủ tục thưa kiện, sau đó hằng tháng phải tìm đến quán (hoặc nhà bảo vệ) lấy vài trăm ngàn đồng, anh Hải bấm bụng nhận 12 triệu đồng tiền đền bù nhưng đến nay vẫn ấm ức trong lòng.

Trong khi đó, ông Mal cương quyết thưa kiện lên tòa án thì phía quán ăn tìm mọi lý do để trì hoãn. Gia đình ông Mal cho biết dù được mọi người khuyên nhận tiền đền bù thấp để không phải mỏi mòn chờ đợi, nhưng gia đình vẫn kiên trì thưa kiện để đòi lại công bằng.

Trường hợp ông Cường, trước áp lực buộc phải trở lại Mỹ làm nghề cá và nơi cho thuê xe đòi bồi thường xe SH 160 triệu đồng, ông Cường phải vay mượn tiền người thân để đền chiếc xe SH cho chủ xe.


* Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nên khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi

Khi khách hàng đến quán ăn hay cửa hàng, cửa hiệu có tổ chức giữ xe thì giữa khách hàng và cửa hàng đó đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản (chiếc xe), nên nếu làm mất xe thì bên nhận giữ xe phải có trách nhiệm bồi thường. Có một vấn đề là khi xảy ra mất xe, chủ cửa hàng, vũ trường... thường đổ cho nhân viên giữ xe hoặc công ty dịch vụ bảo vệ (mà chủ cửa hàng, vũ trường đã ký hợp đồng giao việc giữ xe) phải bồi thường. Việc từ chối nghĩa vụ bồi thường của chủ cửa hàng, vũ trường... trong trường hợp này là không đúng với quy định của Bộ luật dân sự. Theo điều 618 Bộ luật dân sự, khi xảy ra việc mất xe của khách, chủ quán có tư cách pháp nhân phải là người bồi thường cho khách hàng. Sau đó, chủ quán được quyền yêu cầu nhân viên được phân công giữ xe hoặc công ty dịch vụ phải bồi hoàn lại số tiền mà quán đã bồi thường cho khách.

Theo tôi, để tránh bị kỳ kèo, ép giá, khách hàng bị mất xe cứ kiện ra tòa để được bảo vệ quyền lợi.

* Thẩm phán Bùi Văn Trí (Tòa dân sự TAND TP.HCM):

Thẻ gửi xe là chứng cứ về hợp đồng gửi giữ

Khi giải quyết vụ đòi bồi thường mất xe, tòa án thường căn cứ vào thẻ gửi xe (là chứng cứ về hợp đồng gửi giữ) và giấy tờ xe của người bị mất xe. Tài sản đòi bồi thường là chiếc xe nhưng chiếc xe đã bị mất nên tòa án chỉ có thể tuyên buộc bên nhận giữ xe bồi thường trị giá chiếc xe bị mất cho khách hàng. Thông thường trên thẻ xe có ghi biển số xe nên khi khách hàng xuất trình được giấy tờ chứng minh về loại xe đã mất, tòa án sẽ căn cứ vào đó để quyết định việc bồi thường. Tòa án thường phải trưng cầu, khảo sát giá của cơ quan vật giá đối với chiếc xe cùng loại, sau đó căn cứ giấy tờ mua bán để xác định thời gian sử dụng xe mà trừ đi phần khấu hao tài sản. Vì vậy tòa tuyên giá trị bồi thường là giá trị tương đối nhưng thường cũng sát với giá trị thực tế của chiếc xe bị đánh cắp.

CHI MAI ghi

Theo báo Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn