Mất việc sau 10 năm dạy học, Sở Giáo dục Thanh Hóa chính thức trả lời

Giáo dụcThứ Ba, 07/07/2015 09:36:00 +07:00

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chính thức trả lời về trường hợp 7 giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 5 ( Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ bị mất việc

(VTC News) – Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chính thức trả lời về trường hợp 7 giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 5 (H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ bị mất việc.

Theo phản ánh, năm 2008, bà Lê Thị Hạnh cùng 6 giáo viên trong trường (Phùng Thị Hương, Nguyễn Thế Phương, Phạm Thị Tâm, Quách Thị Lệ, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Xoan) được ký hợp đồng thử việc thời hạn 1 năm, làm công tác giảng dạy tại trường THPT bán công số 1 Tĩnh Gia.
Trường THPT Tĩnh Gia 5 - Ảnh: Hải Tần
Trường THPT Tĩnh Gia 5 - Ảnh: Hải Tần
Hết thời gian thử việc, bà Hạnh và các giáo viên tiếp tục được ký hợp đồng thời hạn 3 năm. Năm 2010, trường THPT bán công số 1 Tĩnh Gia chuyển đổi thành trường công lập (trường THPT Tĩnh Gia 5), nhưng bà Hạnh và các giáo viên này không được xem xét ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Năm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng viên chức, bà Hạnh đã làm hồ sơ xét tuyển nhưng không đủ tiêu chuẩn được xét tuyển đặc cách vào biên chế.

Hiện nay, do số lượng học sinh giảm, bà Hạnh và các giáo viên có thể sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng làm việc. Bà Hạnh đề nghị xem xét việc tuyển dụng viên chức với trường hợp của bà và 6 giáo viên nêu trên.

Liên quan vấn đề này, 29/9/2014, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Công văn số 9076/UBND-VX, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh; quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng của giáo viên theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/10/2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập đoàn công tác liên Sở (3 cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, 2 cán bộ Sở Nội vụ) trực tiếp về làm việc với trường THPT Tĩnh Gia 5 để xác minh nội dung phản ánh, nghe báo cáo của Ban Giám hiệu nhà trường và ý kiến các đồng chí trong cấp uỷ, các tổ chức của nhà trường cũng như ý kiến cá nhân của các giáo viên dạy hợp đồng, đồng thời kiểm tra hồ sơ lưu tại trường.

Thời kỳ trường THPT bán công số 1 Tĩnh Gia mới thành lập, cũng như những trường THPT bán công khác trong tỉnh Thanh Hoá, nhà trường sử dụng nhân lực lao động hợp đồng là chủ yếu (Hiệu trưởng ký hợp đồng lao động có thời hạn với giáo viên).

Đến ngày 10/3/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 796/QĐ-UBND về việc chuyển đổi các trường THPT bán công sang trường THPT công lập, theo đó có 24 trường THPT bán công được chuyển sang trường THPT công lập (trong đó có trường bán công số 1 Tĩnh Gia và trường được đổi tên thành trường THPT Tĩnh Gia 5).

Đối với giáo viên hợp đồng lao động theo thoả thuận với Hiệu trưởng (như trường hợp bà Hạnh và 6 giáo viên ở trường THPT Tĩnh Gia 5), khi chuyển đổi không có trường hợp nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được xét tuyển dụng vào biên chế.

 Hiệu trưởng nhà trường đã thực hiện việc ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 796/QĐ-UBND nêu trên. Tại thời điểm đó, số giáo viên hợp đồng này đều đồng thuận và không có ý kiến gì khác.

Năm học 2010 - 2011, tỉnh Thanh Hoá có chủ trương tuyển dụng giáo viên THPT, trong tuyển dụng không có chủ trương xét tuyển đặc cách nên bà Hạnh và 6 giáo viên hợp đồng trên không được xét tuyển đặc cách.

Trong số 7 giáo viên hợp đồng trong nội dung kiến nghị, có 6 người không đủ điều kiện để tham dự việc xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục năm 2011, riêng bà Lê Thị Hạnh, có trình độ đại học hệ chính quy chuyên ngành Ngữ văn trường Đại học Hồng Đức, là đủ điều kiện và đã tham gia xét tuyển.

Theo tiêu chí xét tuyển, tất cả kết quả học tập và các chế độ ưu tiên đều được quy đổi thành điểm số và xếp thứ tự từ cao xuống thấp để lấy kết quả trúng tuyển theo thứ tự cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng. Kết quả bà Lê Thị Hạnh không trúng tuyển.

Cũng trong năm học này, trường THPT Tĩnh Gia 5 thiếu 28 giáo viên, chỉ tiêu Nhà trường được tuyển dụng là 24 giáo viên.

Kết quả trúng tuyển được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định số 516/QĐ-SGDĐT ngày 10/10/2011 của Nhà trường gồm 24 giáo viên. Tuy nhiên trong số giáo viên trúng tuyển có 3 trường hợp không đến nhận việc. Do vậy, Nhà trường vẫn thiếu 7 giáo viên.

Để giải quyết tình trạng này đồng thời tạo điều kiện cho số giáo viên hợp đồng nêu trên, Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia 5 đã ký hợp đồng lao động theo năm học với 7 giáo viên có tên trong đơn kiến nghị của bà Hạnh, với mức lương tương đương bậc 1 của trình độ đại học và hỗ trợ đóng BHXH, BHYT đầy đủ.

Tuy nhiên, từ năm học 2014 - 2015, Nhà trường không có nhu cầu sử dụng lao động hợp đồng nữa do số học sinh giảm, số lớp giảm, thừa nhiều giáo viên và Nhà trường không có nguồn kinh phí trả lương cho số giáo viên ngoài biên chế nên có chủ trương chấm dứt hợp đồng với 7 giáo viên.

Để chuẩn bị thực hiện nội dung này, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có thông báo đến từng giáo viên để biết và chuẩn bị cho công việc sắp tới của mình khi Nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước đề nghị tha thiết của số giáo viên hợp đồng này, từ tháng 8/2014 đến nay, Nhà trường vẫn cố gắng duy trì việc làm (không đầy đủ số tiết dạy theo quy định) và chi trả với mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ đóng BHXH, BHYT cho số giáo viên hợp đồng này.

Thực tế việc làm này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn cho cả 2 phía. Về phía Nhà trường thì không có nhu cầu hợp đồng lao động và cũng không có nguồn để chi trả lương cho số giáo viên ngoài biên chế. Về phía giáo viên thì không ổn định công việc và thu nhập thấp, không bảo đảm cho sinh hoạt.

Trong tuyển dụng những năm tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa sẽ báo cáo UBND tỉnh để có chính sách ưu tiên đối với số giáo viên đã và đang tham gia hợp đồng lao động dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn