Mặt hàng 'lạ': Tăng giá, tăng giá rồi lại tăng giá

Kinh tếThứ Năm, 11/06/2015 05:58:00 +07:00

(VTC News) - Ví von điện như một mặt hàng "lạ" chỉ có tăng giá, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương vì sao lại có tình trạng này.

(VTC News) - Ví von điện như một mặt hàng "lạ" chỉ có tăng giá, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương vì sao lại có tình trạng này.

Tiếp theo sau Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người kế tiếp trả lời phấn chất vấn của các đại biểu quốc hội.

Mở màn phần đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ huy Hoàng cho biết kỳ họp Quốc hội khóa 8 Bộ nhận được 21 chất vấn của 19 đại biểu. Các kiến nghị đã được bộ cơ bản tập trung giải quyết và thực hiện.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng 
Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trực tiếp trả lời chất vấn về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điện là mặt hàng "lạ" chỉ biết tăng giá

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất về việc tăng giá điện.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) ví von: “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá! Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa!”.

Ông Cương cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong giá điện hiện nay: "Nhiều cử tri nói với tôi rằng, hệ thống lưu thông, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ách tắc. Trong khi dưa hấu miền Trung chỉ bán được vài ngàn đến vài trăm đồng, thậm chí phải đổ đi trong khi Hà Nội vẫn phải mua với giá 18-20.000 đồng/kg".

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá điện liên tục tăng cao khiến bà con nông dân ngày càng khó khăn?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, điện và xăng dầu là hai loại hàng hóa hết sức đặc biệt, và liên quan đến phần lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, nhưng việc thực hiện về cơ chế giá vừa có theo cơ chế giá thị trường và vừa có sự quản lý của nhà nước".

"Mỗi khi đứng trước việc điều chỉnh giá, chúng tôi thấy hết sức băn khoăn. Trong tính toán thì rất thận trọng để điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường nhưng cũng phải giảm thiểu tác động đến nhân dân, nhất là người nghèo ở nông thôn”, Bộ trưởng giãi bày.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, giá điện là vấn đề không mới nhưng luôn được sự quan tâm. Năm 2013 chúng ta điều chỉnh giá điện và suốt 2014 chúng ta giữ ổn định và đến 3/2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%.

"Đây là chủ trương đưa giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điện chỉ thay đổi là khi có sự điều chỉnh của tỉ giá, thay đổi về nhiên liệu, kết cấu sản lượng điện thay đổi”, Bộ trưởng giải thích.

 
Phải chăng thời kỳ bao cấp giá điện quá dài? Bộ trưởng nói phải tăng theo lộ trình, vậy thì càng theo lộ trình thì điệp khúc càng dài?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 
Chính phủ cho phép nếu điều chỉnh tăng giá dưới 10% thì bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết, còn trên 10% thì Chính phủ xem xét.


"Lần điều chỉnh vừa rồi rất đặc biệt là có ý kiến của cả 4 bộ theo hướng đồng ý. Việc điều chỉnh là cần thiết vì từ năm 2014 giá bán điện mới bắt đầu cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa theo kịp được giá thị trường. Nguyên nhân là do trước đây ngành điện được bảo hộ nên giá bán còn thấp. Nhưng từ năm 2016 trở đi, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường", Bộ trưởng Hoàng giải thích.

Cắt lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Phải chăng thời kỳ bao cấp giá điện quá dài? Bộ trưởng nói phải tăng theo lộ trình, vậy thì càng theo lộ trình thì điệp khúc càng dài?”.

Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết, “Tới năm 2016 giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường”.

Chưa thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tiếp tục chất vấn hỏi lại bao giờ ngành điện hết độc quyền?

Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm, năm 2016 giá điện sẽ theo thị trường nhưng lộ trình giá bán lẻ cạnh tranh đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, năm 2012 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; 2016 thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ 2021 thực hiện bán lẻ điện cạn tranh.

Bộ trưởng đừng đổ lỗi cho nông dân

Một vấn đề khác cũng khiến đại biểu Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn là việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

“Nhiều cử tri nói với tôi rằng, hệ thống lưu thông, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ách tắc. Trong khi dưa hấu miền Trung chỉ bán được vài ngàn đến vài trăm đồng, thậm chí phải đổ đi trong khi Hà Nội vẫn phải mua với giá 18-20.000 đồng/kg”, đại biểu Cương chỉ ra.

Cụ thể hơn, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nêu thực tế tại địa phương mình, khi hành tím Sóc Trăng cách đây 3 năm đã rơi vào cảnh “được mùa rớt giá”, 1 kg hành không mua được tô phở.

“Lúc đó, Bộ Công thương hứa với tôi sẽ tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra tiêu thụ, tăng cường thông tin về thị trường… Những việc này đã được triển khai như thế nào trong 3 năm qua? Tại kỳ họp này, Bộ trưởng cũng đã nói đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy thì ai là người có lỗi dẫn đến tình trạng ế ẩm của dưa và hành tím này?”, đại biểu Tâm chất vấn.

Trả lời vấn đề này, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, sản phẩm nông nghiệp nhất là rau, quả, ngắn ngày như dưa hấu, vải thì việc trồng phân tán (trừ cây vải) nên việc tiêu thụ trong nước dài như nước ta hoặc xuất khẩu gặp không ít khó khăn.

Chính phủ đã thiết lập nhiều văn bản về hệ thống phân phối, bảo quản như hệ thống chợ nông thôn. Ta đã xây dựng mới, nâng cấp 8.500 chợ truyền thống tiêu thụ 40% hàng hoá bán lẻ của cả nước; hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị có 900 và tiêu thụ 20% sản phẩm; hệ thống kho bãi phân loại, lưu trữ nông sản với trên 1 triệu m2 của các DN; dịch vụ hậu cần có 1.200 DN tham gia lĩnh vực này tuy nhiên quy mô nhỏ nên chưa đóng góp nhiều.

Liên quan đến hai mặt hàng dưa hấu và hành tím, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận một phần trách nhiệm của mình trong công tác dự báo thị trường.

Theo ông, hành tím Sóc Trăng ùn ứ vừa qua do Indonesia – quốc gia nhập khẩu hành lớn của nước ta với 80.000 – 100.000 tấn mỗi năm, nay đột ngột thay đổi chính sách, giảm sản lượng nhập khẩu.

“Họ khuyến khích nông dân tự trồng hành trong nước nên hạn chế nhập khẩu, tuy không công khai điều này nhưng nội bộ đã triển khai phương án, ảnh hưởng đến nước ta. Điều này có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc chưa kịp thời dự báo. Tuy vậy, các địa phương cũng cần xem lại quy hoạch hành tím vì thời gian tới việc xuất khẩu mặt hàng này là rất khó khăn”, ông Hoàng dự báo.

Giá xăng đang đi đúng hướng?


Băn khoăn về cơ chế đều hành giá xăng dầu đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói rằng người tiêu dùng đang phải gánh quá nhiều từ giá xăng dầu. "Đây là sự bất hợp lý", đại biểu Hiển nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng cho biết, mặc dù có nhiều ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83, "nhưng giá xăng dầu đang đi đúng hướng".

Theo Bộ trưởng, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh theo giá bình quân 15 ngày từ thị trường Singapore.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn để đảm bảo không tăng giá quá mạnh.

Cũng theo bộ trưởng, ông sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và xem xét lại một số điểm trong Nghị định 83.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn