Man City sang Việt Nam: Chỉ để nghỉ mát, 'mua vui'?

Thể thaoThứ Năm, 02/07/2015 07:09:00 +07:00

Tất cả mọi việc làm của đội bóng đang dần trở thành một thế lực của bóng đá châu Âu này tại Việt Nam, liệu có phải chỉ là một cuộc 'mua vui'?

(VTC News) - Tất cả mọi việc làm của đội bóng đang dần trở thành một thế lực của bóng đá châu Âu này tại Việt Nam, liệu có phải chỉ là một cuộc 'mua vui'? 

Chỉ cần nhìn vào thái độ chuyên nghiệp, yêu cầu cao trong tất cả mọi khâu của phái đoàn tiền trạm Man City thôi đã phần nào có thể khẳng định, họ không sang Việt Nam để dạo chơi, để "mua vui".

Tất cả mọi việc làm của đội bóng đang dần trở thành một thế lực của bóng đá châu Âu này tại Việt Nam, đều nằm trong kế hoạch marketing, quảng bá hình ảnh của họ. 

Man City qua Việt Nam là để nghỉ mát, mua vui?
 Man City qua Việt Nam không phải là để nghỉ mát, mua vui
Du đấu hè từ lâu đã là điều mà các CLB Ngoại hạng Anh ở vị thế bậc thầy của thế giới. Chính họ mà khởi đầu là Man Utd, đã nghĩ ra cách đi du đấu để mở rộng thị trường, thu hút fan và chung quy lại là để kiếm tiền. 

Truyền thông Anh từng phân tích rằng: "Nếu bạn đặt câu hỏi về lợi ích từ du đấu với các đội bóng Anh thì họ sẽ trả lời cho bạn như sau. Về chuyên môn, HLV sẽ nói về sự gắn kết của toàn đội bóng, từ cầu thủ trẻ cho đến ngôi sao chính.

Trong điều kiện không màng thắng thua, phần nhiều gặp các đối thủ yếu hơn, các HLV thoải mái thử nghiệm, lắp ghép và hình thành nên các chiến thuật, chuẩn bị cho mùa giải mới.

Ngoài chuyên môn, những chuyên gia marketing, PR hay quản lí tài chính sẽ nói cho bạn nghe về sản phẩm của thương hiệu đang tài trợ cho đội bóng, về hình ảnh đội bóng và về số tiền sẽ chảy vào ngân sách đội". 

Tất nhiên, ít có HLV nào ở Anh thích những chuyến du đấu xa xôi. Nhưng chưa một ai trong số đó đổ lỗi cho điều này nếu có thất bại trong mùa giải mới. Họ coi đó như một hoạt động không thể thiếu trong kế hoạch chuẩn bị trước mùa giải của đội bóng. 

Bản thân Man City trước mùa giải 2013-14 có cú đúp danh hiệu Premier League và Capital One Cup, đã đi du đấu lần lượt tại Nam Phi, Hong Kong, Đức, Phần Lan và Các tiểu vương quốc Ả Rập. Hay như Man Utd trước mùa giải 2007-08, sau khi trở về từ chuyến du đấu lần lượt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Scotland, Bắc Ireland, họ ngay lập tức đánh bại Chelsea để giành FA Community Shield. Và sau đó là đoạt cú đúp Premier League, Champions League vào cuối mùa giải. 

Nói về các chuyến du đấu, Gus Poyet - cựu HLV của Sunderland nghĩ rất đơn giản rằng: "Mùa giải nào cũng khó khăn cả. Cho nên trước mùa giải toàn đội vất vả một chút cũng không sao. Nếu bạn vượt qua được chuyến du đấu nghĩa là bạn đã sẵn sàng cho mùa giải mới". 

Cầu thủ quảng cáo mì gói, chẳng sao cả, miễn là có lợi nhuận (ảnh: Hoàng Tùng)
 Cầu thủ quảng cáo mì gói, chẳng sao cả, miễn là có lợi nhuận (ảnh: Hoàng Tùng)
Quan trọng nhất, các đội bóng đá ngày nay đã, đang phát triển thành một tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh. Đặc biệt ở Anh với bóng đá dần trở thành một ngành công nghiệp mới.

Màn trình diễn, thành tích trên sân cỏ là công cụ để các đội bóng làm thương hiệu. Và du đấu được xem như một hoạt động quảng bá hình ảnh trực diện hơn cả - điều liên quan chặt chẽ tới bản quyền truyền hình, thu hút tài trợ, hợp tác. 

Vì thế mới có chuyện một đội bóng Anh đã xuất hiện hàng loạt trên các sản phẩm từ lốp xe cho đến dầu gội đầu lẫn cả mì gói chỉ sau một tour du đấu. Để rồi ở ngay mùa giải đó, dù trắng tay nhưng họ vẫn trở thành thương hiệu bóng đá trị giá tỉ đô đầu tiên trên thế giới - Man Utd.

Hay như Swansea City - một đội bóng tầm trung ở Premier League, sau tour du đấu tại Mỹ hè 2014, họ đã có tới 1.2 triệu khán giả nước này theo dõi trực tiếp một trận đấu của họ trên sóng truyền hình. 

Đối với một đội bóng Anh, chuyện du đấu không phải là chuyến đi nghỉ mát hoặc "mua vui" cho ai đó như nhiều ý kiến đã nghĩ. 

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn