Man City đến Việt Nam: Đá xong rồi sao?

Thể thaoThứ Sáu, 24/07/2015 06:00:00 +07:00

Man City sang Việt Nam là một sự kiện lớn, nhưng thiện chí hợp tác và những dự án phát triển dành cho bóng đá Việt Nam mới là điều quan trọng

(VTC News) - Chuyến du đấu của Man City là một sự kiện lớn với người hâm mộ, nhưng thiện chí hợp tác và những dự án phát triển dành cho bóng đá Việt Nam mới thực sự là điều quan trọng.

Kỳ 1: Manchester City sang Việt Nam: Kiếm tiền kiểu đại gia, đừng mơ làm từ thiện

Kỳ 2: Manchester City sang Việt Nam: Sao không mơ Pirlo, Lampard đá V-League?

Kỳ 3: Thử tìm hiểu kế hoạch bí ẩn Man City đang thực hiện ở Mỹ, Úc

Manchester City là đội bóng lớn thứ hai ở châu Âu đến Việt Nam du đấu, sau Arsenal vào mùa hè năm 2013. Điểm chung dễ nhận thấy của 2 chuyến du đấu này là đều nhờ tiềm lực tài chính và tầm ảnh hưởng của 2 nhân vật quan trọng trong làng bóng đá Việt Nam: với Arsenal năm 2013 là bầu Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai và với Man City năm nay là bầu Hiển, ông chủ của 2 đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Man City
Man City mang sang Việt Nam đội hình khá mạnh
Giống như bầu Đức trước đây, bầu Hiển cũng tuyên bố trước báo chí rằng sẽ hợp tác toàn diện với Man City từ mô hình quản lý bóng đá cho đến đào tạo cầu thủ trẻ, một tiêu chí mà người hâm mộ luôn đặt sự quan tâm rất lớn.


Sau khi bầu Đức ít nhiều gặt hái được thành công với lò đào tạo HAGL JMG, câu hỏi được đặt ra là liệu thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng SHB và Man City, và cụ thể là chuyến du đấu sắp tới của thầy trò Pellegrini, sẽ mang tới những gì cho bóng đá Việt Nam bên cạnh một trận đấu giao hữu “nhẹ nhàng” trên sân Mỹ Đình vào tối 28/07.

Liệu SHB sẽ đi theo con đường của BIDV (hợp tác với Manchester United) và Vietinbank (hợp tác với Chelsea) tiếp cận khách hàng Việt nhờ tầm ảnh hưởng và độ phủ sóng thương hiệu của các đội bóng lớn ở châu Âu, hay sẽ tiến tới một mô hình hợp tác toàn diện thực sự cả trong và ngoài sân cỏ.

Bầu Hiển đã thành công với thương vụ đặc biệt này
Xét riêng về đào tạo cầu thủ trẻ, có thể dễ dàng nhận thấy có hai mô hình đang hoạt động phổ biến ở các nước châu Á. Một là các CLB lớn ở châu Âu trực tiếp hợp tác và xây dựng trung tâm đào tạo trẻ. Quốc gia được chọn thường có fanbase lớn (có đông người hâm mộ đội bóng này, với truyền thống lâu dài), kinh tế phát triển ở mức khá và có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ví dụ như nhân chuyến du đấu tại Trung Quốc mùa hè này, Inter Milan đã khai trương học viện đào tạo trẻ của họ hợp tác với câu lạc bộ Yitao Shanghai trong buổi lễ có sự tham gia của cả chủ tịch Erik Thohir, phó chủ tịch Javier Zanetti và các cầu thủ chủ chốt.
Clip: SHB Đà Nẵng 2-0 HAGL
Bước đầu tiên của kế hoạch là mở hơn 30 trung tâm đào tạo hiện đại tại Trung Quốc, và dự kiến con số sẽ lên tới 100 vào cuối năm nay. Inter Milan sẽ gửi các huấn luyện viên từ lò đào tạo trẻ của mình sang Trung Quốc, trực tiếp tham gia đầy đủ từ xây dựng giáo án tập luyện đến quản lý.

Trung Quốc từ trước đến nay luôn là thị trường được các CLB châu Âu “chăm sóc” đặc biệt (Siêu Cúp Italia còn được mang sang tận Trung Quốc để tổ chức) và Inter Milan, dù thành tích thi đấu bết bát những năm gần đây, lại rất được hâm mộ tại đây.

Một lý do quan trọng nữa là Pirelli, nhà tài trợ áo đấu suốt nhiều năm qua của Inter Milan, có nhiều nhà máy và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.


Mô hình hợp tác thứ hai là giữa một đội bóng bản địa với một đối tác bên ngoài thứ ba để xây dựng trung tâm đào tạo trẻ, với sự hỗ trợ từ các CLB ở châu Âu.
 
Chuyên gia Man City sang Việt Nam khảo sát tình hình
Ví dụ tiêu biểu cho mô hình này chính là lò đào tạo HAGL JMG, nơi cho ra lò lứa Công Phượng, Tuấn Anh đang giành được nhiều cảm tình của người hâm mộ Việt. JMG do một cựu cầu thủ là Jean-Marc Guillou lập ra và không có mối liên hệ trực tiếp nào với đội bóng Arsenal ở nước Anh. Tuy nhiên 3 trung tâm đào tạo trẻ ở Ai Cập, Thái Lan và Việt Nam của JMG nhận được sự hỗ trợ từ phía đội bóng chủ sân Emirates.

Ở khu vực Đông Nam Á, có nhiều lò đào tạo trẻ như thế được lập ra, ví dụ như trường bóng đá Milan ở Singapore hay trung tâm bóng đá trẻ KL ở Malaysia.


Trở lại với Man City, theo thông tin từ ông Bùi Xuân Hòa, Tổng giám đốc công ty cổ phần bóng đá SHB Đà Nẵng, đại diện Man City đã bàn bạc với lãnh đạo đội bóng chủ sân Chi Lăng về kế hoạch mở học viện tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng những tuyên bố của ông Hòa và bầu Hiển, người hâm mộ Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào một trung tâm đào tạo trẻ đẳng cấp thế giới sau những gì mà Man City đã làm được ở Úc và Mỹ.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn